Chương trình tài nguyên và môi trường
Câu chuyện bắt đầu vào những năm 1980-1981, khi Nhà nước xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ 2 và giao cho Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp chủ trì xây dựng chương trình tài nguyên và môi trường Nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, mã số 5202 (giai đoạn 1981-1985). Chủ nhiệm chương trình khi ấy là Bộ trưởng Nguyễn Đình Tứ, PTS Lê Trọng Cúc tham gia với tư cách là thư ký của chương trình. Chương trình đặt ra một số vấn đề nghiên cứu chính: Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (sinh học) do GS Võ Quý phụ trách; Tài nguyên trung du miền núi – PTS Lê Trọng Cúc; Tài nguyên cửa sông ven biển – TS Vũ Trung Tạng; Giáo dục môi trường – TS Mai Đình Yên và PTS Lê Diên Dực; Tài nguyên nước và không khí – TS Phạm Ngọc Đăng và PTS Trần Hiếu Nhuệ; Môi trường y tế – PTS Đào Ngọc Phong .
Đặc thù của chương trình ở giai đoạn này là tập trung vào nghiên cứu bảo vệ tài nguyên, vì lúc đó công nghiệp chưa phát triển, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm nhiều. Những kết quả cơ bản của giai đoạn này là đã tập hợp được nhiều bộ, ngành, trường, viện nghiên cứu tham gia vào hoạt động của chương trình. Đặc biệt, thông qua chương trình này, nhiều cán bộ, quần chúng nhân dân đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường. Lúc bấy giờ, Ban chủ nhiệm chương trình cũng đề xuất thành lập một cơ quan ngang bộ, trực thuộc chính phủ để quản lý tài nguyên và môi trường. Nhưng một số ý kiến cho rằng thời kỳ này vấn đề cơm áo, gạo tiền cần ưu tiên hàng đầu. Sau 5 năm nghiên cứu, Ban chủ nhiệm chương trình kiến nghị, nếu chưa có một cơ quan quản lý thì cũng cần một cơ quan nghiên cứu khoa học về tài nguyên và môi trường. Vì vậy, cuối tháng 12-1985, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) trực thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. GS Võ Quý được cử làm Giám đốc, còn PTS Lê Trọng Cúc làm Phó giám đốc. Song song với việc thành lập Trung tâm này, Chương trình nhà nước giai đoạn 2 (1985-1990) được triển khai, tiếp tục các nhiệm vụ của chương trình giai đoạn 1. Thành quả của chương trình ở giai đoạn 2 này là các công trình khoa học đi sâu vào nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng tài nguyên sinh vật các hệ sinh thái rừng và cửa sông ven biển, tài nguyên nước, ô nhiễm không khí, y tế, hiện trạng sử dụng tài nguyên ở vùng trung du miền núi, đề xuất xây dựng các hệ sinh thái mới có năng suất cao và bảo vệ môi trường trên đất dốc.
Khai mở ngành sinh thái nhân văn ở Việt Nam
Tìm hiểu khá tường tận trong câu chuyện liên quan đến CRES mà PTS Lê Trọng Cúc kể, chúng tôi bắt đầu tiếp cận với khái niệm “sinh thái nhân văn”. Bước ngoặt của việc nghiên cứu với sinh thái nhân văn là vào thời điểm năm 1986, khi PTS Lê Trọng Cúc sang Malaysia dự một hội nghị khoa học về sinh thái các nước Đông Nam Á. Tại đây, ông gặp ông Andrew Vayda, một chuyên gia người Mỹ nổi tiếng trong ngành sinh học. Ông Cúc chia sẻ: “Trong giờ giải lao, ông Andrew Vayda trò chuyện với mình. Ông hỏi: “ở Hà Nội anh có giảng dạy sinh thái nhân văn không?”. Thú thực là khi mình học đại học thì học về sinh thái học nói chung thôi chứ có biết gì về sinh thái nhân văn đâu. Mình trả lời rất thật: tôi chưa biết sinh thái nhân văn. Ông Andrew Vayda khuyên tôi nên phát triển ngành đó và ông ấy sẽ hỗ trợ”[1].
GS.TS Lê Trọng Cúc
Chuyện tưởng chừng chỉ dừng ở cuộc trao đổi giữa PTS Lê Trọng Cúc và ông Andrew Vayda về vấn đề này. Nhưng những sự kiện tiếp đó đã lôi cuốn ông vào vấn đề sinh thái nhân văn. Nó là tình cờ nhưng cũng rất có duyên.
Ngay sau chuyến đi Malaysia, PTS Lê Trọng Cúc đã có cơ hội cùng một số nhà khoa học Việt Nam – GS Võ Quý, GS Võ Tòng Xuân, GS Lê Thạc Cán, GS Phan Nguyên Hồng đến Mỹ để tham dự hội nghị khoa học Ecology Indochina (Sinh thái học Đông Dương). Vào thời điểm năm 1987, khi Việt Nam và Mỹ chưa bình thường hóa quan hệ thì việc một đoàn khoa học Việt Nam đến Mỹ là chuyện rất hiếm hoi nên các ông cũng gặp phải đôi chút khó khăn. Hội nghị khoa học về sinh thái học Đông Dương được tổ chức ở Monghong Moutain House – New York. Ông kể: “Lần đầu tiên sang Mỹ, tiếng Anh còn chọ chẹ, bọn mình rất sợ, sợ cả Việt kiều vì lo lắng đến vấn đề chính trị. Nhưng Việt kiều ở đó rất tốt, giúp đỡ bọn mình rất nhiều, họ bảo vệ bọn mình ghê lắm, có hôm nói chuyện với họ đến 1h đêm, thân ái lắm! Lúc đầu sang, đoàn định xin vào ở Đại sứ quán của Việt Nam ở Liên hợp quốc nhưng do vấn đề bảo mật thông tin thế nào đó, không thể vào ở được. May mà có một nhà khoa học Hàn Quốc đã giúp đỡ đoàn, chu cấp tiền ăn, ở cho bọn mình trong mấy ngày đầu. Sau đó thì đoàn Việt Nam được ban tổ chức hội nghị thu xếp cho ở tại một khách sạn 5 sao rất đắt đỏ”[2].
Tại hội nghị khoa học về sinh thái học Đông Dương, rất nhiều vấn đề khoa học được gợi mở, trong đó các nhà khoa học xoáy sâu vào vấn đề phục hồi các hệ sinh thái sau chiến tranh, kể cả vấn đề giải quyết hậu quả của chất độc hóa học đối với các hệ sinh thái ở Việt Nam. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó có những câu hỏi như: “Những hố bom B52 thì giải quyết thế nào? GS Võ Tòng Xuân dí dỏm trả lời: Chúng tôi đã biến những hố bom B52 thành những ao nuôi cá. Những nhà khoa học Mỹ tỏ ra rất thú vị và rất tán thưởng với câu trả lời của GS Xuân”[3]. Tại hội nghị này, PTS Lê Trọng Cúc đã trình bày báo cáo về vấn đề phục hồi hệ sinh thái, tăng năng suất các hệ sinh thái mới.
Sau khi dự hội thảo này, đoàn khoa học Việt Nam đã đến thăm trường Đại học Backeley California, thăm Trung tâm Đông Tây (EWC) ở Honolulu, Hawaii. Tại Trung tâm Đông Tây, PTS Lê Trọng Cúc đã gặp ông A.Terry Rambo và trao đổi một số vấn đề về thực trạng các hệ sinh thái ở Việt Nam. Ông Terry Rambo rất thích thú với những thông tin mà PTS Cúc cung cấp, đồng thời bày tỏ việc mời ông quay trở lại Mỹ vào năm 1988, cũng như hợp tác với Trung tâm Đông Tây. Cũng trong cuộc trao đổi với ông Terry Rambo, PTS Lê Trọng Cúc nhắc tới ông Andrew Vayda và đề cập tới vấn đề sinh thái nhân văn. Ông Rambo cho biết, ông Andrew Vayda là một nhà khoa học rất nổi tiếng và khuyên ông Cúc nên đi sâu vào lĩnh vực sinh thái nhân văn. Có lẽ là từ cuộc gặp gỡ này, PTS Lê Trọng Cúc mới thật sự chú tâm vào vấn đề sinh thái nhân văn. Nên sau khi về nước, ông Cúc đã dành thời gian đọc các tài liệu về sinh thái nhân văn và quyết định đi sâu và mở rộng hướng nghiên cứu mới này ở Việt Nam.
Đầu năm 1988, PTS Lê Trọng Cúc được mời sang Trung tâm Đông Tây với tư cách trao đổi nghiên cứu trong thời gian 3 tháng. Sau 3 tháng làm việc ở đây, ông đã mạnh dạn công bố tài liệu: “Thực tiễn nông lâm kết hợp ở Việt Nam”(Agrofores practique in Vietnam). Tài liệu này nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà khoa học ở Trung tâm Đông Tây. Trong tài liệu này, PTS Lê Trọng Cúc đã trình bày ý nghĩa của vấn đề nông lâm kết hợp đối với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Từ năm 1989, việc hợp tác của CRES với Trung tâm Đông Tây được thúc đẩy mạnh mẽ và có hiệu quả hơn. Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường đã mời một số nhà khoa học của Trung tâm Đông Tây, Mạng lưới hệ sinh thái nông nghiệp các trường đại học Đông Nam Á (Souteas Asian Universities Agroforesty Network-SUAN) gồm Mỹ, Philippin, Thái Lan sang nghiên cứu ở Việt Nam. Lúc bấy giờ ở CRES đang tổ chức lớp học sau đại học “Nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường theo chương trình của UNESCO” gồm 25 học viên. Nhân cơ hội đó, CRES đã mời các nhà khoa học và học viên của lớp này tham gia hội thảo khoa học Nghiên cứu sinh thái nhân văn miền núi tổ chức ở Hà Nội. Có lẽ đây là lần đầu tiên khái niệm sinh thái nhân văn được đưa vào Việt Nam ở một hội thảo khoa học chính thức. Tại hội thảo này, PTS Lê Trọng Cúc đã mời các nhà khoa học của nhiều ngành khác nhau như sử học, xã hội học tới tham dự và trình bày quan điểm của mình về sinh thái nhân văn. GS Lê Trọng Cúc nhớ lại: “Hội thảo đó chủ yếu các nhà khoa học Mỹ trình bày lý thuyết về sinh thái nhân văn, mình đứng ra dịch. Mình không giỏi tiếng Anh nhưng mình biết chuyên môn, thuật ngữ khoa học, nhiều chỗ lấy nhận thức, tri thức của mình, chứ dịch không hoàn toàn được đầy đủ lắm. Một cái rõ nhất là hội nghị đó thay đổi hệ phương pháp khi đi nghiên cứu thực địa rất hay. Trước kia, khi đi thực địa, các kỹ sư, nhà khoa học chủ yếu đưa ra quan điểm của mình, gọi là đi chỉ đạo nông thôn. Nhưng giờ thì thay đổi hoàn toàn. Phương pháp điều tra là gì, là biến mình thành người học trò, hỏi người nông dân, họ nói gì thì ghi chép vào, không được phán. Từ những lời trình bày của người nông dân thì cần xem cái nào là đúng, tại sao lại đúng, đúng thế nào?”[4].
Là người có vai trò quan trọng trong việc đưa ngành sinh thái nhân văn áp dụng ở Việt Nam, GS.TS Lê Trọng Cúc giải thích: “Sinh thái nhân văn là khoa học dựa trên nguyên tắc quan hệ có hệ thống giữa xã hội loài người (hệ xã hội) và môi trường thiên nhiên (hệ sinh thái) làm thành hệ thống sinh thái nhân văn. Mục đích nghiên cứu sinh thái nhân văn là tìm hiểu và nhận biết các đặc điểm của mối quan hệ qua lại giữa các hệ thống này với nhau và sự hình thành những hình thái đặc trưng trong hệ xã hội và hệ sinh thái”. Đi sâu vào vai trò của ngành này cũng như phương pháp thực hiện của nó, ông nhấn mạnh: “Hệ sinh thái nhân văn tập hợp sự tác động của các nhân tố bao gồm dân số, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chính trị và các đối tượng xã hội khác như giá trị, nguyện vọng, đạo đức, với các điều kiện môi trường tự nhiên làm nảy sinh ra các quy luật động thái thống nhất tự nhiên – xã hội. Tự nhiên và xã hội liên kết chặt chẽ trong khuôn khổ của một hệ thống sinh thái nhân văn hoàn thiện, mà hệ thống đó đã trải qua quá trình lịch sử tiến hóa của tự nhiên và sự phát triển của xã hội loài người. Sinh thái nhân văn nghiên cứu ở mức độ hệ thống toàn vẹn, trong bị cho nó vũ khí để có thể đương đầu với các vấn đề môi trường ngày càng tăng lên và các hệ thống tự nhiên – xã hội luôn luôn thay đổi”[5]
Sau hội nghị đó, nhiều đoàn nghiên cứu thực địa được tổ chức đến nhiều tỉnh miền Bắc, miền Nam, đặc biệt chú ý đến các tỉnh trung du miền núi. Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu vùng trung du miền núi, Trung tâm CRES đã thành lập Tổ công tác miền núi (Upland Working Group – UWG). Mục tiêu của UWG là tập trung vào nghiên cứu, đánh giá, tư vấn và chuyển giao kỹ thuật thích hợp cho các tỉnh miền núi. Trong đó những hoạt động chủ yếu là: thực hiện nghiên cứu, điều tra, dự báo, phân tích đánh giá và thiết kế đề tài; phổ biến và nghiên cứu áp dụng dưới nhiều hình thức khác nhau như semina, hội thảo, tập huấn….
Năm 1989, UWG đã quy tụ được sự hợp tác của một số đơn vị trong nước tham gia vào tổ chức này như Đại học Nông nghiệp 1, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Vinh, Đại học Nông lâm Huế, Đại học Tây Nguyên… làm thành mạng lưới công tác miền núi mà tổ công tác miền núi của CRES làm hạt nhân. Trong quá trình nghiên cứu, phổ biến và phát triển khoa học sinh thái nhân văn (Human Ecology) thời kỳ đầu cũng gặp phải những khó khăn bỡ ngỡ nhất định. GS.TS Lê Trọng Cúc chia sẻ: “Sinh thái nhân văn là khoa học vừa tự nhiên, vừa xã hội, tiếp cận tư duy hệ thống, là khoa học đa ngành, liên ngành. Khó khăn nữa vì có lẽ UWG là tổ chức đầu tiên hợp tác với Mỹ trong bối cảnh Việt Nam đang bị cấm vận. Kinh phí nghiên cứu eo hẹp. Phía Mỹ không hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu chứ chưa nói đến việc đi thực địa. Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng chúng tôi lại được sự ủng hộ của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng trong hợp tác nghiên cứu với nước ngoài và hằng năm vào dịp nghỉ hè, cán bộ, sinh viên trường Đại học Backeley California, (Mỹ), các trường đại học ở Thái Lan, Philippin, Indonesia… sang phối hợp nghiên cứu, học tập, trao đổi với UWG ở CRES”[6].
Từ năm 1995, mối quan hệ Việt Nam và Mỹ được bình thường hóa, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường sát nhập với Trung tâm Rừng ngập mặn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, PTS Lê Trọng Cúc được cử làm Giám đốc. Tình hình lúc ấy thuận lợi hơn rất nhiều so với những năm trước, đặc biệt là trong vấn đề hợp tác quốc tế. Trung tâm Đông Tây mở chi nhánh tại Hà Nội do ông Terry Rambo là đại diện, phối hợp trực tiếp với UWG. Trong những năm đó, quỹ FORD đã hỗ trợ rất nhiều về mặt tài chính cho UWG và EWC. Uy tín của CRES-UWG ngày càng lên cao, nhận được nhiều sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là về mặt tài chính của các tổ chức như: McAther Foundation, Rockerfarler Brather Fund, Kaidenren (Nhật Bản), SIDA (Thụy Điển), CIDA (Canada).Từ những nguồn kinh phí ấy, đã giúp cho UWG thực hiện được những dự án nghiên cứu dài hạn, nhiều kết quả nghiên cứu được công bố trong nhiều ấn phẩm ở cả trong và ngoài nước; lý thuyết về sinh thái nhân văn được phổ biến rộng rãi hơn. Nhiều cơ sở đào tạo đã đưa sinh thái nhân văn vào chương trình giảng dạy của mình, nhất là chương trình sau đại học ở Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp 1, Đại học Vinh, Đại học Nông lâm Huế. Với những thành công đó, GS Lê Trọng Cúc khẳng định: “Có thể nói lý thuyết sinh thái nhân văn và phương pháp nghiên cứu ngoài thực địa là phù hợp và hiệu quả trong nghiên cứu phát triển bền vững hiện nay”[7].
Bên cạnh những nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc phổ biến sinh thái nhân văn vào Việt Nam thì GS.TS Lê Trọng Cúc cũng rất tích cực trong việc nghiên cứu, đi sâu vào vấn đề này. Với tư cách là người vừa tổ chức các dự án, đề tài, vừa trực tiếp đi nghiên cứu thực địa, ông đã có nhiều công trình công bố về sinh thái nhân văn. Công trình nghiên cứu đầu tiên của ông về vấn đề này được thực hiện ở vùng Đoan Hùng, Phú Thọ năm 1989. Những năm sau đó, ông có nhiều công trình viết riêng cũng như viết chung, như: Neil L. Jamieson, Rambo A.T, Lê Trọng Cúc, The Development Crisis in Upland of Vietnam, East-West Center, Honolulu, 1998; Le Trong Cuc, Project on the Human Ecology of the Midlands of Northen Viet Nam. Vinh Phu provinve, Vietnam. CRES in cooperation with SUAN, 1990-1991; Le Trong Cuc, A. Terry Rambo, Some Issues of Human Ecology in Vietnam, Agricultural publicshing House, Ha Noi, 1995; Lê Trọng Cúc, Nghiên cứu sinh thái nhân văn vùng núi Việt Nam. In trong: Kỷ yếu hội nghị khoa học về môi trường và phát triển bền vững, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2005; Lê Trọng Cúc, Hiện trạng và xu hướng phát triển miền núi Việt Nam. In trong: Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, NXB Khoa học và kỹ thuật, 2008…
GS.TS Lê Trọng Cúc luôn tự hào với những gì mà ông đã đóng góp cho ngành sinh thái nhân văn. Nhiều nhà khoa học đã ghi nhận và đánh giá những nỗ lực của ông trong việc đưa một ngành học mới vào Việt Nam, cũng như góp phần mở ra mối quan hệ hợp tác khoa học giữa Việt Nam và Mỹ ở lĩnh vực sinh thái, môi trường.
Nguyễn Thanh Hóa