Hai cái Tết ở nước ngoài và một bài thơ

Còn nhớ năm đó (1984) vào đầu năm học, tôi được Bộ Đại học Trung học Chuyên nghiệp (tức Bộ Giáo dục Đào tạo bây giờ) và trường Đại học Sư phạm Hà Nội cử sang dạy tiếng Việt ở trường Đại học Phnôm Pênh với vai trò tổ trưởng. Một chiều vắng vẻ hắt hiu, máy bay đưa chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Pochentong im ắng lạ thường. Campuchia đã đánh đuổi được bọn Khơme diệt chủng mấy năm nay nhưng vẫn chưa xóa được dấu vết những năm âm u ghê rợn đó. Và Việt Nam sau 30 năm đổ xương máu giành độc lập thống nhất, Mỹ cấm vận, còn sống trong cảnh nghèo nàn xơ xác. Đồng cảnh tương lân, hai dân tộc cùng nhau xây dựng đất nước. 

Một Campuchia sau đại họa diệt chủng cái gì cũng thiếu nhưng ám ảnh diệt chủng lại có thừa. Hầu hết tri thức, bác sĩ, giáo viên đều bị giết hại. Những bức ảnh chân dung nạn nhân dán la liệt trên tường nhà và những bãi máu trong xà lim Khơme đỏ ở trường Trung học Tung Sleng luôn mở mắt hỏi người xem: “Chúng tôi có tội tình gì mà bị giết hại?”. Và những đầu lâu xếp hình kim tự tháp ở nghĩa địa Trơng Éc như muốn kêu thấu trời xanh!

Mặc kệ tất cả, Tết cứ đến! Cho dù không có bánh chưng xanh, mưa phùn và hoa đào thì Tết vẫn cứ đến! Và gần hai chục chuyên gia tiếng Việt cũng ngỡ ngàng, không biết làm gì để đón tết. Tết đến gần, giấc ngủ cũng khó yên, miên man, mộng mị!

TS Nguyễn Thái Hòa cùng đồng nghiệp tại Phnôm Pênh năm 1986

Dường như thông cảm với thầy giáo, luôn mấy ngày trước các bạn sinh viên Campuchia liên tục, hết đoàn này đến đoàn nọ đến thăm hỏi, biếu quà bánh, rượu Ăngkor. Cho đến 30 tết chúng tôi cũng có được ít bánh tết, bánh kẹo bằng đường thốt nốt để liên hoan đêm 30. Tất cả các thầy cô chúc mừng nhau một năm giảng dạy thật tốt, rồi kể chuyện quê nhà, và hát những bài hát quen thuộc (thực tình là có quen nhưng ít thuộc). Chếnh choáng men rượu Ăngkor, sau 12 giờ đêm ai về phòng nấy. Nhìn thấy bài thơ mới làm được phần đầu:

“Ráng đỏ hoàng hôn… chợt nhìn xa
Chiều nay thương quá ở nơi xa
Bếp hồng khuya sớm đàn con nhỏ 
Không khói không sương mắt kính nhòa…”

Đọc lại bài thơ đầy cảm hứng dâng trào tôi cầm bút viết tiếp:

“Mẹ bảo dạo ni ba nhớ nhà
Ba nhìn ráng đỏ tưởng nhà ta
Thơ ba hay quá, con không hiểu
Hay gửi về con… thước vải hoa”

Tự nhiên không khóc mà nước mắt giàn giụa, không viết nữa! Tắt đèn đi nằm, nghe rõ trong vườn nhà tiếng dế kêu ri rỉ. Sáng mai thức dậy các giáo viên gặp nhau ở hành lang chúc nhau năm mới bằng câu hỏi: Đêm qua có ngủ được không?. Không khóc mà nước mắt đầm đìa trên gối. Nhưng kìa ngoài cổng các sinh viên từng đoàn đã kéo nhau đến chúc mừng. Lại tay bắt mặt mừng, trà nước, bia Pochentong, rượu Ăngkor và kẹo đường thốt nốt. Những bài ca tiếng Khơme dìu dặt và tiếng Việt xôn xao cất lên. Mấy ngày tiếp theo nhà trường lấy ô tô đưa các chuyên gia đi thăm các nơi, khi thì bờ sông Mekong, khi thì nhà chùa, cung điện… Thế rồi lại lên lớp ngày hai buổi vui với công việc, vui với sự tiến bộ trông thấy trong các lớp sinh viên. 

TS Nguyễn Thái Hòa (thứ 2 từ phải) trong lễ chia tay sinh viên Campuchia, năm học 1985-1986

Mấy tháng sau chúng tôi được hưởng cái tết thứ hai – Tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia. Trước ngày tết chúng tôi được mời dự một lễ cưới rất đặc sắc! Lễ cưới kéo dài trong 3 ngày, có các nhà sư áo vàng đến tụng kinh niệm Phật rất trọng thể. Chú rể và cô dâu mặc trang phục lối dân tộc, quỳ trước bàn thờ gia tiên, tay nâng một thanh kiếm trần sáng quắc. “Không được để kiếm rơi” – một bạn nói nhỏ – trong khi nhà sư lần tràng hạt tụng kinh. Tiếp theo, nhà sư cắt một món tóc nhỏ ở của cô dâu và chú rể đem ra vườn chôn, và hai bên cha mẹ buộc chỉ đỏ cho cô dâu và chú rể, hai bên họ hàng thông gia mời trầu rượu. Mấy ngày tết Campuchia chúng tôi đi tham quan đồi Bà Pênh (Daun Penh) và vào chùa. Khắp nơi, tiếng trống, tiếng đàn gõ, tiếng kèn hòa nhịp theo điệu nhạc ru hồn như suối chảy, tiếng tụng kinh và những bộ quần áo lóng lánh sắc màu. 

Buổi chiều, ông Hiệu trưởng và các cán bộ sinh viên đến trường ăn tết. Sau những câu chúc mừng líu ríu, nhạc nổi lên và múa roăm-voong thâu đêm suốt sáng. Lúc nghỉ, có trò chơi mà thầy giáo và sinh viên nam nữ đứng gần nhau trò chuyện thân mật.Lệ thường thì không được phép như vậy.một cặp nam nữ lai nhau trên xe đạp chỉ có thể là vợ chồng chứ bạn bè cũng không được thân mật như thế. Ngày tết, người Campuchia đối xử với nhau thân tình, giữa ông hiệu trưởng, thầy giáo, sinh viên ai ai cũng như nhau.Có trò chơi oong cun ngoài sân, người chơi dùng hạt oong cun vừa to vừa đen bóng. Ném chơi, không trúng thì bị phạt.Thầy Hiệu trưởng già mấy lần phải kéo quần lên quá gối cho sinh viên dùng hạt ấy gõ vào đầu gối “cốc cốc” trong khi xung quanh cười vui vẻ. 

Đến tối về nhà thấy bài thơ còn dở dang, lại đang có hứng tôi cầm bút viết tiếp đoạn kết: 

Vải đã mua rồi con của ba
Đẹp như ráng đỏ, sắc màu pha
Gửi thêm trăng sáng và “roăm” nữa 
Điệu múa đắm say “Áp xa ra”! 

Vậy là hai cái tết: tết Việt Nam và tết Campuchia trong ba tháng và bài thơ ở Phnom Penh cũng hoàn thành! Nhưng bài thơ lớn với chúng tôi là dạy tiếng Việt trong một niên khóa để sinh viên Campuchia nghe được giáo sư Việt Nam giảng bài còn đòi hỏi chúng tôi phải gắng hết sức mình, thường xuyên rút kinh nghiệm để sinh viên có thể đọc, viết, nghe, nói là điều mong ước lớn nhất, gợi nhiều cảm hứng và phát huy sáng kiến ở mỗi chuyên gia chúng tôi.
 

PGS.TS Nguyễn Thái Hòa
Đại học Sư phạm Hà Nội