Bác sĩ Đặng Hanh Đệ gắn bó với Bệnh viện Việt – Đức từ khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội (1960). Trong những năm tháng còn công tác, ông dường như ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Nhớ lại những ngày Hà Nội rực lửa cuối năm 1972, trong ông có những ký ức rất đặc biệt. Vào ngày 18-12-1972, khoảng 20h, khi cả nhà bác sĩ Đặng Hanh Đệ đang ngồi trong ánh sáng tù mù của chiếc đèn dầu ở ngôi nhà trên phố Đặng Dung thì nghe tiếng còi hú của ô tô cấp cứu. Nhìn ra thì là chiếc ô tô của Bệnh viện Việt Đức đến đón ông vào bệnh viện vì có ca cấp cứu.
Tới bệnh viện, ông vội đến ngay phòng mổ. Ở đó, một bệnh nhân nữ khoảng 19-20 tuổi bị thương ở đùi đang biểu lộ sự đau đớn trên gương mặt. Những phẫu thuật viên đã xử lý vết thương, lộ ra 2 đầu tĩnh mạch, 2 đầu động mạch ở đùi. Về lý thuyết thì phải xử lý vết thương để nối các động mạch và tĩnh mạch này lại. Tuy nhiên bệnh nhân không chỉ bị đứt động mạch đùi mà còn bị mất đoạn động mạch nên thiếu để nối. Trước tình hình ấy, bác sĩ Đặng Hanh Đệ khắc phục bằng cách lấy mạch máu nhân tạo, nối động mạch để máu lưu thông xuống đùi. Ông quyết định phải thắt lại tĩnh mạch, nhưng khi thắt tĩnh mạch đùi thì chỉ 5-10 phút sau, những chỗ bị thương ứa máu, không thể cầm được, phảu lấy gạc ép và băng lại vết thương. Nhưng ở chỗ vết thương máu vẫn thấm. Bệnh nhân được đưa về buồng nhưng chân sưng lên rất to.
Bác sĩ Đặng Hanh Đệ, 1987
Đêm hôm ấy (18-12), trực ở bệnh viện, bác sĩ Đặng Hanh Đệ được biết máy bay B52 bắt đầu thả bom ở Đông Anh. Sáng sớm hôm sau kiểm tra lại bệnh nhân nữ bị đứt tĩnh mạch ông đã xử lý tối qua, thì chân đã sưng to gần gấp đôi so với bên chân bình thường. Vết thương được băng bó máu vẫn rỉ ra và thấm ướt bông băng. Ông đành yêu cầu truyền máu để bù lại huyết thanh và máu mất. Tuy nhiên truyền bao nhiêu máu cũng không thể nâng được huyết áp của bệnh nhân. Tình trạng bệnh nhân ngày một xấu đi, huyết áp tụt, chân thì sưng to. Ông và đồng nghiệp cố giữ tình trạng bệnh nhân đến ngày hôm sau thì nhận ra cách xử lý đó thất bại nên phải cắt cụt chân của bệnh nhân. Ông kể: “Cắt cụt trong hoàn cảnh như thế là bắt buộc. Nhưng vì xử lý chậm cho nên cắt chân nhưng cô gái vẫn không qua khỏi được. Từ ca xử lý thất bại đó, tôi rút ra rằng trước khi nối động mạch bắt buộc phải làm cho đường tĩnh mạch được thông. Đây là kinh nghiệm về mặt chuyên môn hết sức đau đớn, là một bài học xương máu vẫn luôn ám ảnh tôi”. Sau ca mổ đó, từ ngày hôm sau, bệnh viện phải thực hiện toàn bộ các ca phẫu thuật dưới hầm trú ẩn của bệnh viện. Và cũng từ buổi tối ngày 18-12-1972 ấy, bác sĩ Đặng Hanh Đệ phải “trực chiến” tại Bệnh viện, ông hầu như không có đêm nào ông ngủ ở nhà mà thường phải thức suốt đêm để phẫu thuật cho các bệnh nhân ở bệnh viện.
Thường cứ ăn cơm tối xong, khoảng 21h là có tiếng ầm ì B52 và tiếng bom nổ. Hôm máy bay Mỹ ném bom phố Khâm Thiên, bác sĩ Đặng Hanh Đệ đạp xe ra đó và chứng kiến một cảnh tượng hoang tàn. Một một bên dãy phố gần như bị phá nát hết không còn gì, chỉ còn lại gạch. Phía còn lại của dãy phố nhiều ngôi nhà bị vỡ cửa kính và hư hỏng nặng. Đứng trên đống đổ nát ấy là những người dân, cán bộ dân phòng đang hì hục bới gạch tìm thân nhân bị vùi lấp, không rõ họ còn sống hay đã chết! Vào buổi tối, nhiều người dân Hà Nội không biết đi đâu để tránh bom, họ rải chiếu, đắp chăn nằm trước Đại sứ quán Trung Quốc và Đại sứ quán Liên Xô vì nghĩ rằng hai sứ quán đó Mỹ không dám thả bom.
Trước đợt B52 ném bom Hà Nội, nhiều học trò ở Bệnh viện Việt – Đức đề nghị GS Tôn Thất Tùng, khi đó là Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức đi sơ tán, nhưng thầy dứt khoát không đi. Mọi người bàn bạc và thống nhất cử ông Dương Đức Bính, bí thư chi bộ bộ môn Ngoại, cùng một số người nữa thuyết phục GS Tôn Thất Tùng. Buổi sáng hôm ấy, GS Tôn Thất Tùng không phẫu thuật, thấy một nhóm khoảng chục y bác sĩ vào phòng, giáo sư vui vẻ trò chuyện. Mọi người nhìn nhau như thúc giục ông Bính, cuối cùng ông Bính lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng em là những cán bộ trẻ trong bộ môn, vì thấy Mỹ ngày càng bắn phá ác liệt, Hà Nội chắc cũng đến lượt bị B52 dội bom, chúng em đã bàn bạc, đồng lòng đề nghị thầy đi sơ tán để giữ gìn vốn quý của đất nước”. Khi nghe học trò nói như vậy, lúc đầu thầy Tùng còn bình thản, nhưng càng nghe thì mặt thầy đỏ bừng và ngăn không cho học trò nói tiếp. Giáo sư gằn giọng: “Các anh bảo tôi đào ngũ à? Đất nước đang trong lúc gian nguy, tôi biết tôi phải làm gì chứ. Các anh ra đi”. Thế là không ai nói thêm một câu nào, nhìn nhau, lẳng lặng kéo ra ngoài. Cách suy nghĩ và hành động của thầy đã để lại cho học trò ấn tượng sâu sắc về một người trí thức cách mạng đã từng nhiều lần vào sinh ra tử.
Trong những ngày B52 ném ở Hà Nội, gia đình GS Tôn Thất Tùng (gồm giáo sư, bà Vi Nguyệt Hồ và bác sĩ Tôn Thất Bách) vẫn cả ngày, cả đêm ở bệnh viện để “chiến đấu” cùng các học trò cứu chữa người bệnh. Thầy không trực tiếp phẫu thuật nhưng thầy thường xuyên có mặt động viên mọi người. Trong đêm tối, thầy như ngọn đuốc soi đường động viên học trò làm việc. Sự có mặt của Thầy khiến mọi người yên tâm vui vẻ làm việc, không còn lo lắng và sợ sệt điều gì. Trong những ngày ấy, GS Tùng yêu cầu lập một quầy phở bên ngoài hầm mổ để phục vụ cho các y bác sĩ. Mặc dù Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên, nhà máy nước Yên Phụ, đại sứ quán Pháp đều đã bị máy bay B52 thả bom đổ nát, nhưng tất cả y bác sĩ đều vững lòng tin, không hề tỏ ra sợ sệt và sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống hiểm nguy.
Hà Nội những ngày cuối năm 1972 vắng vẻ và buồn đến lạ thường. Các con phố thiếu bóng người, chỉ còn tiếng máy bay, tiếng gió rét thỉnh thoảng rít lên từng hồi, kéo theo những đợt lá khô. Ở bên trong căn hầm mổ của Bệnh viện Việt – Đức, bác sĩ Đặng Hanh Đệ vẫn nghe thấy tiếng còi báo động, tiếng máy bay và cả những tiếng nổ kinh hoàng của B52. Có những phút thảnh thơi, ông lên cửa hầm, từng đợt gió mùa đông Bắc không làm ông lạnh hơn. Trên bầu trời Hà Nội, là những vệt sáng của tên lửa phòng không được bắn lên từ dưới mặt đất. Thỉnh thoảng là những đốm lửa đỏ rực rơi xuống khiến các y bác sĩ vui mừng, vì đó chắc chắn là những chiếc máy bay bị quân đội bắn hạ.
Sau khi máy bay Mỹ ném bom Bạch Mai, Khâm Thiên, bác sĩ Đặng Hanh Đệ lo lắng nên quyết định đưa gia đình đi sơ tán. Hình ảnh của đêm sơ tán cuối năm 1972 vẫn được ông khắc ghi: “Tôi nhớ cảnh tượng hôm đó cực kỳ ấn tượng. Khoảng 22h-23h đêm, cả gia đình tôi với rất nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh đi ra đường Trần Phú. Cả dãy phố rất đông người, kéo dài đến đầu đường Kim Mã. Bố mẹ dắt díu con đi trong đêm tối, chẳng ai nói với ai một lời. Thỉnh thoảng nghe tiếng bà mẹ giục con: “đi mau lên con, kẻo lạc đấy”. Hòa vào dòng người ấy, tôi và gia đình đi bộ dọc đường Trần Phú, đến đầu đường Kim Mã mới có thể lên xe đạp được. Bố vợ tôi vai đeo balo, đèo đứa con gái đầu lòng của tôi. Tôi thì đèo vợ và cậu con trai mới sinh. Chưa hết, một bên xe để bếp dầu Trung Quốc, bên kia để chăn bông, ghi đông thì lủng lẳng mấy hộp sữa, đồ đạc linh tinh. Cứ thế, chúng tôi lặng lẽ đi lên Chúc Sơn, cách Hà Nội khoảng 20 cây số. Gần đến sáng thì tới được nơi sơ tán”.
Tại Chúc Sơn, gia đình bác sĩ Đặng Hanh Đệ ở nhờ nhà một người dân, có con gái từng được ông mổ tim. Trước đó, chủ nhà đã cho người về Hà Nội để mời cả gia đình bác sĩ lên đó sơ tán. Bố mẹ của bác sĩ Đặng Hanh Đệ đã về sơ tán ở Chúc Sơn từ trước vài ngày. Người chủ nhà nơi gia đình sơ tán cũng tầm tuổi bố ông nhưng rất nhiệt tình và nhanh nhẹn. Ông chủ nhà nhờ mọi người đào một cái hầm ngay dưới gầm giường cho mẹ bác sĩ Đệ. Vì mẹ ông mắt lòa, không nhìn thấy gì nên mỗi khi có báo động là bà cụ xuống ngay hầm cho tiện. Gia đình chủ nhà chỉ có hai bố con, sống trong ngôi nhà ngói 3 gian nhưng ông cụ sẵn sàng phục vụ những vị khách quý ở Hà Nội. Bố mẹ vợ của ông Đệ thì ở nhờ nhà một người dân ở gần đó. Đây cũng là gia đình có người con trai được bác sĩ Đệ mổ tim. Tình cảm người dân trong lúc có chiến tranh thật là nồng hậu.
Đưa gia đình đến nơi sơ tán, ổn định chỗ ăn ở, bác sĩ Đặng Hanh Đệ đạp xe quay trở lại Bệnh viện Việt – Đức để tiếp tục nhiệm vụ của mình. Thỉnh thoảng, sắp xếp được thời gian, ông đạp xe vội về thăm gia đình. Ông nhớ lại: “Khoảng 16h-17h giờ ăn cơm chiều xong thì quay trở lại Bệnh viện Việt – Đức. Vợ tôi bế con đi cùng tôi ra phía bờ đê Chúc Sơn. Những lần tiễn tôi, vợ tôi thường nói, không biết đêm nay như thế nào, không biết có được gặp lại tôi nữa không. Khi nghe những lời đó tôi rất xúc động. Vì mình là người trong cuộc nên không nghĩ như thế, vẫn hết sức vui vẻ lên đường”.
Sau 12 ngày đêm cuối năm 1972, trước sự phản đối của dư luận quốc tế, đồng thời nếm thất bại nặng nề bởi lưới lửa phòng không của quân và dân ta, Mỹ phải ngừng ném bom và ký Hiệp định Paris. Bác sĩ Đệ lên đón ngay con gái trở về Hà Nội, sau đó ông lên đón cả gia đình. Ngôi nhà số 2 Đặng Dung ở trước mặt ông không còn nguyên vẹn như lúc gia đình rời đi sơ tán. Cửa kính của cả 3 tầng nhà đều vỡ nát, không còn chiếc cửa sổ nào nguyên vẹn. Ngước lên trên còn nhìn thấy nhiều mảnh kính cửa lơ lửng, chỉ trực có cơn gió hoặc tác động nhẹ là rơi. Ông tìm chiếc gậy dài để đẩy cho những mảnh kính còn đang lủng liểng trên cao rơi xuống rồi hai bố con mới dám bước vào nhà. Trong căn nhà bề bộn, hoang vắng nhưng trong lòng ôngvui mừng, vì luôn thường trực ý nghĩ: có lẽ chiến tranh đã kết thúc! Khi Hiệp định Paris được công bố, mọi người đều vỡ òa, vì không còn chiến tranh phá hoại nữa. Về lại nhà cũ ở phố Đặng Dung khi ấy đã rất đông đủ. Vợ chồng ông lại tiếp tục với công việc ở Bệnh viện Việt – Đức…
Sau những ngày bom đạn ác liệt, chiếc hầm mổ dã chiến của Bệnh viện Việt – Đức được tận dụng làm nơi ở cho sinh viên nội trú. Nó là biểu tượng kiên cường bất diệt của những người yêu hòa bình, sẵn sàng cống hiến vì hòa bình.
Chiến tranh đã qua đi, nhiều người, trong đó có bác sĩ Đặng Hanh Đệ không muốn nhắc tới nhiều, vì nó gợi lại sự buồn đau, mất mát…. Nhưng ông cũng không thể quên được những ngày ác liệt ấy, vì ông là một nhân chứng của lịch sử.
Nguyễn Thanh Hóa