Giáo sư Đặng Huy Ruận sinh năm 1939 tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, một vùng đất giàu truyền thống hiếu học. Khi ông 3 tuổi thì bố qua đời, cả gánh nặng gia đình dồn lên trên đôi vai người mẹ. Đến tuổi đi học, thương mẹ, ông luôn cố gắng học thật giỏi. Thời điểm đó, do hoàn cảnh khách quan ông phải chuyển qua nhiều trường, từ tiểu học trường làng, đến trường cấp 2 Nho Quan – Ninh Bình, rồi Mỹ Lộc, Nam Định. Và, chỉ riêng thời cấp 3 ông đã theo học ở ba trường: trường Phổ thông Liên khu 3; Nam Định; trường cấp 3 Lê Hồng Phong. Nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến tinh thần ham học tập trong ông. Năm 1957, khi học sinh Đặng Huy Ruận đang học trường Phổ thông cấp 3 Liên khu 3[1] thì được trường tổ chức cho học sinh đi xem bộ phim tài liệu: Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov của tôi ở rạp Văn Hoa trên phố Trần Hưng Đạo, tỉnh Nam Định. Vẻ hoành tráng, kỳ vĩ của trường khiến ông thực sự ngỡ ngàng và hơn nữa ông còn được nghe rằng: Nếu một người vừa mới sinh ra, cứ mỗi ngày đi đến một phòng, thì phải đến 54 tuổi mới đi hết số phòng trong tòa nhà của trường[2]. Vì vậy, ông háo hức, có mơ ước sau này một lần được đặt chân đến đây.
Ba mươi năm trước thấy cảnh trường
Nhà cao cao vút cạnh hàng dương
Ước mơ duy nhất vào lúc đó,
Được đến tham quan mấy giảng đường[3]
Năm 1960, Nhà nước ta bắt đầu có chính sách gửi học sinh sang Liên Xô và các nước Đông Âu học tập. Khi ấy, Đặng Huy Ruận là một trong số học sinh đầu tiên của trường Phổ thông cấp 3 Lê Hồng Phong được cử đi học nước ngoài vì có thành tích học tập xuất sắc, đạo đức tốt, và lý lịch gia đình rõ ràng. Ông cho biết: Nhận được quyết định tôi được cử đi học đại học ở Liên Xô, gia đình và cả dòng họ đều rất phấn khởi. Đặc biệt, tôi đã hiện thực hóa được giấc mơ hằng ấp ủ, khi đó cảm xúc của tôi khó diễn tả thành lời, tôi vui mừng, hạnh phúc đến tột độ[4].
Ngày 16-8-1961, Đặng Huy Ruận đi tàu hỏa sang Liên Xô học tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V.Lomonosov, ngành Toán điều khiển. Lần đầu tiên đặt chân trên đất Liên Xô, ông cảm thấy choáng ngợp, phong cảnh, đất nước bạn rộng lớn, đẹp hơn những gì ông tưởng tượng, con người ở đây thân thiện, nhiệt tình. Và ông biết rằng từ đây cuộc đời mình đã được đổi thay. Sau 5 năm học tập và sinh sống tại Liên Xô đã đem lại cho ông nguồn tài sản vô giá về kiến thức cơ bản và tác phong, nền nếp học tập.
Năm 1966, tốt nghiệp với kết quả học tập loại giỏi, ông Đặng Huy Ruận trở về nước và được phân công về giảng dạy tại khoa Toán- Cơ- Tin học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Và đây cũng là sự khởi đầu cho chặng đường hơn 40 năm ông gắn bó với nghề giáo. Giáo sư Đặng Huy Ruận quan niệm: Tôi luôn cảm thấy mình thật may mắn, hạnh phúc vì được sống và làm việc trong môi trường Khoa Toán – Cơ – Tin học, cùng với những đồng nghiệp thông minh, có trách nhiệm, năng động, luôn biết khắc phục khó khăn để vươn lên.Tôi không nghĩ mình lại có thể rời xa khoa này, làm một nghề khác vì tôi yêu công việc của một thầy giáo dạy toán[5]. Đây thực sự là môi trường, cơ hội để thầy giáo trẻ Đặng Huy Ruận thực hiện những đam mê mà ông hằng ấp ủ. Khi ấy, Khoa Toán đang phải sơ tán lên vùng rừng núi Đại Từ, Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên). Mặc dù tuổi trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nhưng ông đã được cấp trên tin tưởng phân công làm Trưởng ban Xây dựng cơ sở vật chất của Khoa Toán ở vùng sơ tán. Những năm tháng ấy, đời sống vật chất, tinh thần của thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói riêng, của cả miền Bắc nói chung khó khăn, thiếu thốn, nhưng tinh thần học tập của sinh viên, nghị lực vượt khó để nghiên cứu khoa học rất cao. Quá trình giảng dạy, giảng viên Đặng Huy Ruận thường chuẩn bị rất kỹ và cẩn thận các bài giảng trước khi lên lớp. Bên cạnh đó, ông vẫn nuôi ước mơ sẽ trở lại nước Nga để học tập, nâng cao trình độ. Một lần nữa mơ ước ấy lại được hiện thực hóa. Năm 1970, Nhà nước có chủ trương đào tạo nâng cao cho đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên Đặng Huy Ruận và một số đồng nghiệp của trường được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Một lần nữa mơ ước được trở lại nước Nga đã thành hiện thực. Trong 2 năm, nghiên cứu sinh Đặng Huy Ruận hoàn thành luận án với đề tài: “Độ phức tạp của Automat”. Cuối năm 1973, tại trường Đại học tổng hợp Lêningrad, Liên Xô. Hội đồng chấm luận án, đánh giá luận án của NCS Huy Ruận đạt xuất sắc vì đã thể hiện, đánh giá được mức độ phức tạp trong vấn đề nghiên cứu ứng dụng, đồng thời cung cấp dữ liệu liên quan đến tin học lý thuyết cho người nghiên cứu, giảng dạy.
GS.TS Đặng Huy Ruận, ngày 3-7-2018
Trở về nước, ông tiếp tục công tác giảng dạy tại khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hầu hết thời gian ông tập trung cho công việc, đem những kiến thức học được từ nước bạn để truyền tải cho các thế hệ sinh viên và các hoạt động nghiên cứu. Quá trình học tập, rèn luyện ở Liên Xô từ đại học, nghiên cứu sinh đã giúp thầy giáo Đặng Huy Ruận lĩnh hội nhiều kiến thức chuyên môn về toán tin và phong cách làm việc rất khoa học, nghiêm túc. Đến nay, GS.TS Đặng Huy Ruận đã hướng dẫn thành công 5 luận án tiến sĩ, 50 luận văn thạc sĩ. Trong đó, có 3 luận án tiến sĩ đi theo hướng nghiên cứu về ngành toán điều khiển của ông. Giáo sư Đặng Huy Ruận luôn tự hào về các học trò của mình, nhiều học trò cũ của ông trong số đó không ít người đã trở thành những nhà khoa học xuất sắc, những nhà quản lý tốt, những cán bộ chuyên sâu công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: TS Phùng Văn Ổn, GĐ Trung tâm Tin học (Văn phòng Chính phủ); TS Vũ Trọng Quế, giám đốc Sở thông tin và truyền thông tỉnh Nam Định, hay giảng dạy ở khoa Toán cơ tin, trường ĐH Khoa học tự nhiên. Đối với ông, thành công của học trò cũng như thành công của chính mình vậy. Để hỗ trợ cho công việc giảng dạy, ông rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học cơ bản. Ông đã tham gia một số đề tài cấp Bộ, cấp trường. Ông đã có 26 bài viết nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Không chỉ hoàn thành tốt chức trách trong chuyên môn giảng dạy, thầy Đặng Huy Ruận còn hoàn thành tốt nhiệm vụ với cương vị là quản lý của khoa Toán như Phó chủ nhiệm Khoa phụ trách đào tạo (1991-1995); Chủ nhiệm Khoa Toán – Cơ – Tin học (1995 – 1999). Về công tác đoàn thể, ông Ruận là Uỷ viên thường vụ rồi Phó thư ký Ban chấp hành Công đoàn nhà trường (1975 – 1987). Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với một chữ tâm trong sáng nhất.
Sự tận tụy với nghề càng được minh chứng sau khi nghỉ hưu (năm 2005), GS Đặng Huy Ruận vẫn tiếp tục gắn bó với trường lớp, đồng nghiệp, sinh viên trong các giờ giảng. Ông còn đảm nhiệm chức trưởng ban điều hành lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên Trung học phổ thông chuyên toán toàn quốc của trường Đại học Khoa học tự nhiên. Giáo sư Đặng Huy Ruận cho biết, từ đầu những năm 90 đời sống của các giáo viên vẫn còn khó khăn, nhiều thầy cô giáo phải có thêm nghề phụ mới tồn tại được, thậm chí có khi nghề phụ còn mang lại thu nhập cao hơn nghề dạy học. Khi ấy, học sinh đăng ký vào học ngành Toán đếm trên đầu ngón tay. Đương nhiên trong điều kiện khó khăn chung của ngành giáo dục cả nước, một số ngành học chưa đủ hấp dẫn để thu hút được sinh viên. Điểm thi đầu vào chưa cao nên để nâng cao được chất lượng là một điều không đơn giản. Không chỉ riêng chuyên ngành Toán – Tin ứng dụng mà ở nhiều ngành khác nữa, sinh viên đã được trang bị khá tốt về lý thuyết, còn khâu thực hành thì chưa thật đầy đủ, nhất là việc thâm nhập vào thực tế. Bao trăn trở lo âu đè nặng lên vai người thầy giàu tâm huyết. Ông trăn trở, thiết nghĩ, một đất nước muốn phát triển được không thể thiếu các ngành khoa học cơ bản, trong đó có ngành Toán học. Đầu năm 1993, ông cùng với một số đồng nghiệp đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo mở thêm ngành Toán-tin ứng dụng. Chương trình đào tạo đại học ngành Toán – Tin nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ sở vững chắc và các kiến thức chuyên ngành mang tính liên ngành Toán ứng dụng và Tin học. Được Bộ phê duyệt, trường mở khóa đầu tiên (cuối năm 1993) chỉ có 60 sinh viên nhưng đến năm thứ 2 lên tới 90 sinh viên và hiện nay mỗi khóa tuyển 120 sinh viên với điểm đầu vào ngày càng cao. Giáo sư Đặng Huy Ruận luôn trăn trở làm sao để bồi dưỡng, giúp đỡ và khuyến khích các tài năng trẻ, đặc biệt trong toán học ông đang phụ trách giảng dạy… Vì vậy, năm 1997, khi nhà nước mở khóa đào tạo cử nhân khoa học tài năng, đầu tiên là ngành Toán học đã thu hút được nhiều sinh viên xuất sắc. Điều đó làm cho người thầy giáo giàu tâm huyết càng thêm phấn khởi.
Nắm bắt nhu cầu đào tạo cán bộ của khoa trong thời kỳ đổi mới, được sự ủng hộ của nhà trường, GS Ruận và lãnh đạo khoa Toán- Cơ tin học đã mở rộng công tác đào tạo liên kết với sở giáo dục ở các tỉnh Nam Định, Đà Nẵng, Bình Định…Công tác này nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng của công tác giáo dục ở bậc đại học, phục vụ nhu cầu tin học hóa, đồng thời tăng thêm được nguồn thu nhập cho mỗi cá nhân và cả tập thể. Giáo sư Ruận tâm sự, hiện nay đời sống mọi mặt của cán bộ giảng dạy đã được nâng cao để mọi người yên tâm gắn bó với nghề, với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Ông cũng mong muốn đội ngũ cán bộ trẻ đang dần dần trở thành lực lượng chủ yếu của Khoa sẽ được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện toàn diện để họ không bị phân tán tư tưởng mà cùng nhau chung vai phấn đấu xây dựng Khoa tiến mạnh hơn nữa.
Trọn đời gắn bó với nghiệp trồng người, GS Ruận luôn truyền thụ kiến thức, niềm đam mê khoa học, cho đồng nghiệp cùng các thế hệ sinh viên và dù ở vị trí công tác nào GS.TS.NGND[6] Đặng Huy Ruận cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ghi nhận những đóng góp đó, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân huy chương và nhiều bằng khen. Giờ đây, khi đã ở tuổi 80, ông vẫn còn cống hiến cho công tác giáo dục và đào tạo, năm 2017, NGND Đặng Huy Ruận đã hoàn thành cuốn sách tâm đắc trong nghiệp làm thầy của mình “Giải bài toán trò chơi bốc thăm các vật, phương trình đồng dư và hệ phương trình đồng dư bằng đồ thị”, do Nxb Giáo dục ấn hành. Cuốn sách được đông đảo đồng nghiệp và học trò của ông cùng nhiều độc giả quan tâm, đón nhận.
Lưu Thị Thúy
[1] Năm 1958, đổi tên là trường Phổ thông cấp 3 Lê Hồng Phong, nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định.