Gian khó là động lực vươn lên

Năm 1950, Nguyễn Đức Vy lên bảy tuổi, gia đình theo cha đi kháng chiến vào Thanh Hóa. Tháng ngày khó khăn bắt đầu, dù cha cậu được bổ nhiệm làm Giải phẫu trưởng Quân y Viện K71, kiêm Ngoại khoa dân y Liên khu III, IV nhưng lương cán bộ kháng chiến không đủ nuôi cả gia đình đông người. Không có lựa chọn nào khác, anh em cậu phải làm đủ mọi việc kiếm sống.

Những ngày ở Đa Nẫm (Thanh Hóa), Nguyễn Đức Vy còn nhỏ tuổi nhưng đã theo anh chị đi mò cua, bắt ốc. Tám tuổi, cậu cùng mẹ đi hái chè, trèo đèo, lội suối lên rừng chặt cây, đốn củi đốt thành than bán cho thợ rèn, hay bó lại đem ra chợ đổi gạo. Dù đã đến tuổi đi học, nhưng gia cảnh khốn khó nên cậu phải tự học ở nhà. Khi trời còn tờ mờ sáng, cha Nguyễn Đức Vy đã đánh thức các con dậy và ngồi vào bàn học, rồi cha tranh thủ dạy theo chương trình tiểu học bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt. Những ngày cha vắng nhà, mẹ thay cha dạy dỗ con cái. Tuy không được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng cậu đã ý thức phải học tốt để sau này không phụ lòng cha mẹ.

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn tổng phản công, Trung ương Đảng quyết định mở đợt chỉnh huấn chính trị từ Trung ương đến cơ sở để thống nhất cao về mặt nhận thức. Nhận lệnh, cha của Nguyễn Đức Vy lên chiến khu Việt Bắc tham dự Hội nghị. Sau 3 tháng chỉnh huấn, trên đường đi bộ về cha bị suy nhược cơ thể và qua đời khi đang điều trị tại Bệnh viện Liên khu Việt Bắc (Tuyên Quang). Vắng bóng cha, cuộc sống của gia đình càng thêm vất vả, mẹ cậu phải oằn mình bươn trải để nuôi 12 người con ăn học. Thương mẹ, Nguyễn Đức Vy càng chăm chỉ học tập, và lao động để kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Thời gian này, vùng núi Đa Nẫm khô hạn, mẹ giao cho Nguyễn Đức Vy và anh trai đào giếng lấy nước. Đất đồi khô cứng, dụng cụ đào chỉ có cuốc, xẻng và cây tre làm thang di chuyển. Nhiều lần Nguyễn Đức Vy kiệt sức, lả đi vì đói, và mệt, nhưng vẫn kiên trì đào đến khi giếng có mạch nước để cả gia đình sinh hoạt.

Vốn ham học, Nguyễn Đức Vy và anh trai Nguyễn Đức Bách[1] đã xin mẹ cho đến trường. Trường tiểu học cách nhà gần 10 km, học vào buổi tối, để phục vụ cho việc học tập hai anh em tự làm đèn chai đốt bằng dầu lạc và đóng một cái cặp gỗ. Tan học, hơn 11 giờ đêm mới về đến nhà, chỉ có ngô rang hoặc khoai luộc để ăn qua bữa, nhưng điều đó chẳng thể làm giảm đi tinh thần ham học của cậu học trò nghèo, chưa một lần cậu nghĩ sẽ bỏ học.

Hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), Nguyễn Đức Vy cùng gia đình từ Thanh Hóa trở về Thái Bình. Sau hai tháng đi bộ mọi thành viên đều vui mừng khi nhìn thấy Nhà thương Thái Bình[2] nơi cha mẹ từng làm việc. Đặc biệt, mẹ cậu gặp lại người quen khi xưa và được cho ở nhờ trong căn nhà cấp bốn nên đã quyết định ở lại đây. Bấy giờ, cả gia đình chưa biết làm gì để sinh sống, trong khi Nguyễn Đức Vy và các anh chị em đã quá tuổi đến trường. Mẹ cậu tâm sự với các con: Trước tiên mẹ phải đi liên hệ để xin quay lại công tác tại Nhà thương Thái Bình, mẹ có lương thì các con mới có tiền ăn học[3]. Thương mẹ vất vả, gia đình đông người mình mẹ không thể cáng đáng hết. Ngày qua ngày, Nguyễn Đức Vy và anh trai kéo xe bò đi lấy nước ở sông về bán cho các hộ gia đình. Thậm chí, anh em cậu còn phải kéo xe gạo từ Thái Bình sang chợ Rồng (Nam Định) cho mẹ bán. Cả gia đình cùng lao động cực nhọc, nhưng cơm vẫn phải độn ngô, khoai… mà còn không đủ ăn.

 Nguyễn Đức Vy (hàng 2, thứ nhất từ phải) chụp cùng anh chị em trong gia đình, năm 1959

Sáu tháng sau, Nguyễn Đức Vy được mẹ xin vào học ở trường Tiểu học thị xã Thái Bình. Nhà nghèo, cậu chỉ có duy nhất chiếc quần dài và áo cộc nhuộm củ nâu mặc đi học. Tưởng như giấc mơ đến trường của cậu được chắp nối từ đây, nhưng đang học được nửa năm vì quá khó khăn nên gia đình lại chuyển về quê Hải Dương sinh sống. Ngày đầu trở về gia đình còn túng thiếu, Nguyễn Đức Vy đi bán bánh mì để phụ giúp mẹ trang trải cho gia đình, có tiền đóng học phí.

Thế rồi, Nguyễn Đức Vy cũng được vào học lớp nhất[4], trường Nam Tiểu học Hải Dương[5]. Tuổi thơ cậu đã trải qua nhiều gian truân, nhưng cậu vẫn hồn nhiên như bao học trò mới lớn. Khi đang ngồi học lần đầu nhìn thấy chiếc ô tô như con bọ hung bò lên dốc tôi đã hò reo vang lớp: a, ô tô kìa… và tôi bị thầy chủ nhiệm Lương Thọ Ngọc phạt dùng thước gõ nhẹ vào bàn tay, rồi dọa sẽ phạt – GS Nguyễn Đức Vy kể[6]. Dù biết thầy rất nghiêm khắc, nhưng rất thích ô tô nên trò Nguyễn Đức Vy vẫn thường xuyên ngó nhìn ra đường. Vì vậy, cuối năm thầy nhận xét trong học bạ của cậu: vô tổ chức, hay nhìn ra đường xem ô tô[7].

Năm học lớp 5 ở trường cấp II Trần Phú (Hải Dương), Nguyễn Đức Vy chăm ngoan, học giỏi nên được thầy cử làm lớp trưởng và Liên đội trưởng Đội thiếu nhi Tiền phong của trường. Đến nay, GS Nguyễn Đức Vy vẫn không quên niềm hạnh phúc, sự hãnh diện khi đang học lớp 8, trường cấp III Hồng Quang ông đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (30-10-1959).

Bấy giờ, lương y sĩ sản khoa của mẹ không đủ nuôi các con, nên ngoài đi học vào buổi sáng Nguyễn Đức Vy cùng anh trai Nguyễn Đức Bách còn tranh thủ buổi chiều đi kéo xe bò chở gạch, gạo, làm cửu vạn, bốc vác ở bến đò để kiếm tiền. Nhớ về ngày đó, giọng ông trầm xuống, khóe mắt rung rung, ông kể: Nhớ nhất là lần tôi cùng anh trai Nguyễn Đức Bách kéo xe bò chở gạch, ngói để xây các công trường. Chuyến xa nhất chở từ thị xã Hải Dương lên xây trường cấp III Kim Thành dài 22km, bánh xe bò không có ổ bi đường gập gềnh khó đi, nhưng hai anh em kiên trì thay nhau kéo, đẩy. Vất vả, nhưng trên đường đi chỉ có củ khoai, và nắm cơm độn ngô đem theo để ăn. Dọc đường về lại tiếp tục bắt khách, và kéo hàng thuê để kiếm thêm tiền. Tuổi thơ tôi đã dữ dội như thế, song tôi vẫn lạc quan, yêu đời[8].

Ban ngày vất vả là vậy, tối khuya mới về đến nhà nhưng Nguyễn Đức Vy không quên nhiệm vụ học bài. Để có đôi guốc mộc đến trường anh em cậu cũng phải tự chế bằng cách đẽo gỗ xoan làm đế, quai bằng lốp xe đạp. Tuổi thơ của Nguyễn Đức Vy không có thời gian để vui chơi như những đứa trẻ khác, mà gắn với làm thuê kiếm sống. Nhưng lúc nào cậu cũng cảm thấy đó là niềm vui sống, để phấn đấu vươn lên trong học học tập.

Thời gian học lớp 8 (Hải Dương), Nguyễn Đức Vy ốm nặng, bị viêm gan do lao động quá sức nên phải nghỉ học một năm. Sau khi khỏi bệnh, cậu quay lại trường học (năm1960). Kỳ nghỉ hè, cậu đi bốc vác xi măng, gạo… ở bến sông Hàn (Hải Dương). Hè năm lớp 9, một người bạn rủ cậu đi làm thợ lò than (miner) ở mỏ Mạo Khê, Đông Triều, Hải Dương (nay thuộc Quảng Ninh). Suốt 3 tháng, ngày ngày Nguyễn Đức Vy làm dưới hầm than, bữa trưa chỉ có vài củ khoai nướng, buổi tối cậu cùng công nhân tranh thủ xuống sông Kinh Thầy mò cua, bắt cá để kiếm thêm thức ăn. Số tiền kiếm được cậu tích góp đem về cho mẹ đóng học. Nhớ lại ký ức đó, GS Nguyễn Đức Vy tâm sự: Lao động là vinh quang, nên chưa bao giờ tôi thấy mình khổ, sau mỗi lần đi làm thuê giúp tôi thêm thấu hiểu sự gian lao của cha mẹ và cả dân tộc ngày đó. Đặc biệt, trong gian khó nhưng các anh chị (Nguyễn Đức Ngữ[9], Nguyễn Đức Toản[10], Nguyễn Đức Bách, Nguyễn Đức Lư[11]…) luôn phấn đấu học giỏi đã như nguồn động lực thôi thúc tôi vươn lên học tập thật tốt, để sau này có tri thức đóng góp cho sự phát triển cho đất nước[12].

Năm 1958, chị gái Nguyễn Thị Lan bị đau bụng do bón tắc ruột giun, nhưng bác sĩ chẩn đoán bị ruột thừa, phải mổ. Ca phẫu thuật kéo dài hơn bốn tiếng, trang thiết bị y tế thiếu thốn nên phải lấy chỉ khâu quần áo để khâu vết mổ ở ruột. Vì vậy, sau ba ngày về nhà thì chị bị nhiễm trùng và qua đời. Chứng kiến sự ra đi của chị gái do hạn chế về chuyên môn của bác sĩ càng thôi thúc Nguyễn Đức Vy học tập để sau này theo nghiệp của cha mẹ cứu chữa cho người bệnh.

Dường như, biết bao gian khổ không cản trở được ý chí, nghị lực vươn lên của cậu học trò nghèo Nguyễn Đức Vy. Sau những tháng ngày cần cù, chịu khó, miệt mài học tập, Nguyễn Đức Vy tự hào là thí sinh duy nhất của khu tả ngạn (Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình) thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội (năm 1963). Kể từ đó, tương lai mở ra và cuộc đời cậu như bước sang một trang mới.

Tuổi thơ của Nguyễn Đức Vy luôn dữ dội tựa con sóng ngoài biển khơi. Có lẽ bởi thế đã tạo cho ông sự rắn rỏi, nghị lực vượt lên khó khăn để được đi học và thỏa niềm mong ước được góp sức nhỏ của mình cho ngành Y của đất nước. Đúng như, GS.TS Nguyễn Đức Vy tâm sự: Dường như, gian khó đã tô hồng cho tuổi thơ tôi[13]

Tạ Thị Anh

* GS.TS Nguyễn Đức Vy, chuyên ngành Y học, nguyên Giám đốc, kiêm Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Phụ sản Trung ương (1998-2004).

[1] Nay là PGS.TS Nguyễn Đức Bách, chuyên ngành Triết học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

[2] Nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

[3] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Đức Vy, 12-4-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Thuộc hệ thống giáo dục 9 năm.

[5] Nay là trường Trung học cơ sở Tô Hiệu (Hải Dương).

[6] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Đức Vy, 12-4-2018, tài liệu đã dẫn.

[7] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Đức Vy, 12-4-2018, tài liệu đã dẫn.

[8] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Đức Vy, 12-4-2018, tài liệu đã dẫn.

[9] GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, ngành Khí tượng thủy văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.

[10] Ông Nguyễn Đức Toản, chuyên gia cao cấp ngành Thủy lợi.

[11] Ông Nguyễn Đức Lư, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện tỉnh Kiến An (nay là Hải Phòng).

[12] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Đức Vy, 12-4-2018, tài liệu đã dẫn.

[13] Ghi âm hỏi thông tin GS.TS Nguyễn Đức Vy, 12-4-2018, tài liệu đã dẫn.