Chỉ huy quyết đoán, giỏi sử dụng đội ngũ tham mưu
Năm 1990, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Tiệp Khắc (trước đây), tôi trở về nước và được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học của Học viện Quân y (HVQY). Từ đó, tôi có dịp được làm việc dưới sự chỉ huy trực tiếp của GS, TSKH, Thiếu tướng Lê Thế Trung với cương vị Giám đốc học viện lúc bấy giờ. Những bài học mà tôi học được từ ông đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự hiểu biết, kinh nghiệm và tác phong công tác của tôi suốt chặng đường sau này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng, GS. TSKH Lê Thế Trung
Một hôm, trong chuyến công tác vào miền Trung và Tây Nguyên, đứng dưới rặng cây trong khách sạn Lê Lợi, TP Huế, ông hỏi tôi với giọng rất chân tình: “Theo anh, học viện chúng ta nên chọn một đề tài khoa học gì làm điểm tựa để vươn lên?”. Tôi có dịp được nói ra những suy nghĩ đã ấp ủ bấy lâu: “Thưa thủ trưởng, học viện nên chọn đề tài ghép thận!”. Thế rồi cứ như một sự trùng phùng, ông dẫn tôi đi theo con đường bên sông Hương thơ mộng và đặt ra hết câu hỏi này đến câu hỏi khác về ghép thận và chăm chú nghe tôi nói, mà không thổ lộ ý của mình. Mới đầu, tôi cứ nghĩ thủ trưởng của mình mới tiếp cận vấn đề này, nên hỏi để tìm hiểu. Nhưng dần dần thông qua các câu hỏi mà ông đặt ra, tôi mới ngộ ra rằng, thủ trưởng của mình đã có chủ định từ lâu và hiểu biết vấn đề rất chi tiết. Chẳng qua ông hỏi là để kiểm chứng những sự hiểu biết đó mà thôi. Một ấn tượng sâu sắc tôi vẫn nhớ đến hôm nay là khi ông hỏi tôi: “Vì sao anh lại chọn ghép thận?”. Tôi e ngại không biết có nên nói suy nghĩ thật của mình hay không, rồi cứ rào trước đón sau như để thăm dò thái độ của thủ trưởng. Ông có vẻ sốt ruột, yêu cầu tôi trả lời thẳng vào câu hỏi. Tôi mạnh dạn thưa với ông, nhưng vẫn phải dọn đường: “Thủ trưởng cho em nói thật, nếu có gì sai thủ trưởng đừng đánh giá em về tư tưởng, chính trị!”. Tôi thấy ông cười một cách thoải mái và tiếng cười của ông vang khá to bên bờ sông Hương vắng lặng. “Ồ! Anh lạ nhỉ, tôi đâu có phải đi sát hạch chính trị anh. Tôi đang muốn anh khuyên tôi”. Thấy ông nói vậy, tôi như được cởi tấm lòng, nói một cách say sưa về công việc ghép thận…
Luận bàn về ghép thận cứ say sưa mãi, khiến hai thầy trò chúng tôi đi bộ đến tận cầu Tràng Tiền rồi mới quay lại. Câu chuyện chỉ bắt đầu có vậy thôi, nhưng khi trở về học viện, ông đã vạch ra một kế hoạch, tổ chức tiến hành nhiều công việc và rất quyết đoán để khởi động quá trình chuẩn bị ghép thận ở Việt Nam. Và, đúng chỉ có gần hai năm thôi, được sự cho phép của Bộ Y tế, sự ủng hộ của đồng nghiệp trong cả nước, sự giúp đỡ của của chuyên gia bạn, ca ghép thận đầu tiên trên người ở Việt Nam đã tiến hành thành công ở HVQY.
Người thầy nêu tấm gương ham học
Ai cũng biết ông là chuyên gia đầu ngành của Việt Nam về bỏng, ghép tạng và cả phòng, chống thảm họa. Nhưng khác với chuyên ngành bỏng, nơi ông đã được đào tạo một cách bài bản tại Liên Xô (trước đây) và có nhiều năm lăn lộn với thực tiễn, ghép thận là một việc hoàn toàn mới mẻ với ông. Ông hiểu, để ghép thận thành công, điều quan trọng là tìm ra cặp người cho và người nhận thận phù hợp về mặt di truyền. Tức là rất cần những chuyên gia về miễn dịch học, trong khi đó, chuyên khoa miễn dịch học của ngành y tế lúc bấy giờ còn rất non trẻ; ở HVQY vẫn chưa có. Ông quyết định thành lập ngay Bộ môn Miễn dịch học và đề xuất với Cục Cán bộ giao cho tôi là Chủ nhiệm. Để có cơ hội giúp cán bộ và sinh viên học viện nắm được những kiến thức về miễn dịch học hiện đại, tôi xin phép ông, cho mời nhiều nhà khoa học có kiến thức uyên thâm và kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu miễn dịch học vào giảng dạy tại HVQY. Cũng với mục đích đó, khi tôi đề nghị với ông cho phép tổ chức hội nghị liên viện hằng năm về nghiên cứu và giảng dạy miễn dịch học nhằm tạo cơ hội giao lưu với các đơn vị ngoài học viện để học hỏi thêm về miễn dịch học, ông tán thành và hết lòng ủng hộ. Sinh hoạt liên viện đã duy trì được 20 năm liên tục với sự tham gia của nhiều nhà khoa học về miễn dịch học trong nước và quốc tế. Nhiều buổi, tôi thấy ông đến dự sinh hoạt và lắng nghe báo cáo như một sinh viên. Điều gì chưa rõ, ông lại gọi tôi lên và yêu cầu tôi nói cho ông hiểu cặn kẽ. Vì vậy, khi bước vào ghép thận, ông không những chỉ huy như là một nhà ngoại khoa về ghép mà còn chỉ huy vững vàng về miễn dịch ghép.
Trong những lần tháp tùng ông đi công tác, tôi thấy bao giờ ông cũng dậy rất sớm và cặm cụi bên bàn làm việc. Ông có một quyển sổ nhỏ ghi chằng chịt những điều thu nhận được trong ngày. Nhiều lần đi qua cửa phòng của ông, tôi nghe rất rõ ông đang tập phát âm những từ tiếng Anh khó, mà trước đó ông hay phát âm lẫn sang tiếng Pháp… Những kỷ niệm ấy trong các chuyến tháp tùng ông đi công tác từ Nam chí Bắc giúp tôi lý giải vì sao thủ trưởng của tôi, một người xuất thân là công nhân in, đã học y tá, y sĩ, bác sĩ rồi trở thành tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, phó giáo sư và giáo sư y học-một nhà khoa học nổi tiếng. Tấm gương ham học của ông thật là một bài học sâu sắc đối với tôi.
Tấm gương về chỉ huy và tổ chức nghiên cứu khoa học
GS. TSKH Lê Thế Trung đã để lại nhiều bài học quý về phương diện quản lý khoa học. Sau những năm chiến đấu gian khổ, giai đoạn đầu đất nước tiến hành đổi mới, HVQY còn nhiều khó khăn. Nhiều lần đi công tác với ông và trao đổi về công việc, tôi thấy ông luôn muốn tìm một sự thay đổi có tính đột phá. Ông khẳng định: “Không đổi mới thì học viện không thể tiến lên được!”. Và, quyết tâm chiến lược ấy của ông đã thể hiện ra bằng những việc cụ thể.
Đầu tiên, ông muốn mở tầm nhìn ra ngoài ngành quân y, bằng cách liên hệ và học tập, rồi hợp tác với các đơn vị dân y trong toàn quốc. Có lần ông nói với tôi: “Anh đã công tác ở trường ngoài (tức là trường ngoài quân đội), anh đã giao lưu với các trường bạn, anh cần giúp tôi mở rộng bốn bức tường của học viện ta!”.
Hiểu được mong muốn của ông, tôi đã tham mưu và tháp tùng ông đến nhiều trường đại học, viện nghiên cứu của ngành y tế cả nước. Qua các chuyến đi ấy, ông đã phân tích với tôi cả điểm yếu lẫn điểm mạnh của HVQY. Với điểm yếu thì ông học tập để khắc phục. Điểm mạnh thì ông phát huy để nâng cao vị thế của học viện. Trước đây, học viện chỉ đào tạo sau đại học cho cán bộ quân y, ông đã cho phép Phòng Quản lý khoa học và Phòng Đào tạo sau đại học, ngoài nhiệm vụ đẩy mạnh đào tạo nghiên cứu sinh và chuyên khoa sau đại học cho các cơ sở quân y, lập kế hoạch xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các nghiên cứu sinh ngoài quân đội vào học tập và làm luận án tại một số bộ môn của học viện có thế mạnh và có đủ điều kiện. Thế là một hướng mới trong kết hợp quân-dân y về đào tạo được hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Chuyên ngành bỏng là thế mạnh của GS Lê Thế Trung. Ông đã vận dụng cơ chế kết hợp quân-dân y trong thời bình để nâng tầm và chắp cánh bay cao cho chuyên ngành này. Ông đã tạo ra một cơ hội để chuyên ngành bỏng của chúng ta phát triển ngang tầm với các nước khu vực và quốc tế như ngày nay. Tôi còn nhớ, một hôm, ông gọi tôi và đồng chí Nguyễn Vân Sáu, Chánh văn phòng của học viện, lên giao nhiệm vụ: “Hai anh giúp tôi liên hệ với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ) để xin ra đời một Trung tâm Bỏng Quốc gia theo mô hình kết hợp quân-dân y!”. Thật là một ý tưởng độc đáo! Hai chúng tôi đều hiểu như thế và quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ ông giao. Chúng tôi giúp ông xây dựng luận chứng khoa học, làm các văn bản giấy tờ, báo cáo với các cơ quan… Ngày Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh ký quyết định ra đời Viện Bỏng Quốc gia, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ ông giao…
GS. TSKH, Thiếu tướng Lê Thế Trung là một tấm gương về người chỉ huy, tổng công trình sư, nhà tổ chức và quản lý khoa học y học vừa có tầm nhìn chiến lược, vừa có phương thức tác chiến cụ thể để xây dựng các mũi nhọn khoa học tại HVQY.
GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng – Nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam;
Phó chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Trung ương;
nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương