PGS.TS Nguyễn Xuân Hải sinh năm 1966 tại Nam Định. Phát huy giá trị truyền thống của quê hương và gia đình anh đã không ngừng cố gắng trong học tập và vươn lên làm chủ nguồn tri thức.
Chân dung PGS.TS Nguyễn Xuân Hải
Năm 1983, sau khi tốt nghiệp cấp 3 anh thi đậu vào Khoa Tâm lý – Giáo dục, trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (nay là trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Vào đại học chính là môi trường lý tưởng, là mảnh đất tri thức đa màu sắc để anh có thêm cơ hội học tập nâng cao và tiếp thu được nhiều kiến thức mới của nhân loại làm hành trang cho sự nghiệp sau này.
Năm 1988, anh tốt nghiệp đại học và về công tác tại trường Cao đẳng nghề Nam Định. Trong quá trình công tác anh không chỉ hoàn thành tốt công việc chuyên môn mà anh còn dành nhiều thời gian cho việc học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn. Năm 1998, anh bảo vệ thành công Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Giáo dục học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).
Chưa dừng lại ở đó, anh tiếp tục theo học và tốt nghiệp Cử nhân ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2000) và tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (năm 2001). Sau khi hoàn thành các khóa học cần thiết để bổ sung những kiến thức cũng như văn bằng cần có anh chuyển về làm Nghiên cứu viên tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Thời gian sau đó không lâu anh được đề bạt làm Trưởng phòng nghiên cứu Phát triển trí tuệ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Năm 2006, anh về công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và giữ cương vị Phó trưởng Khoa Quản lý giáo dục. Năm 2009, anh bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và cũng trong năm này anh được cử làm Thực tập sinh Khoa học Quản lý giáo dục tại NorthWestern Politechnic University, California – USA.
Sau khi trở về nước anh được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Khoa Giáo dục Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 2010 cho đến nay. Là một người thầy đam mê nghiên cứu khoa học, trân trọng hết lòng truyền dạy cho học trò, anh luôn xem nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ song song và nếu không đầu tư vào nghiên cứu chuyên sâu thì khó có thể đổi mới được giảng dạy. Do đó, anh xác định nghiên cứu khoa học là yếu tố chính để thúc đẩy, bổ trợ và góp phần đảm bảo chất lượng cho giảng dạy. Việc đầu tư nghiên cứu khoa học sẽ tiếp cận được với phương pháp và lý thuyết hiện đại trên thế giới để ứng dụng, vận dụng vào điều kiện của Việt Nam và có như vậy thì mới giúp quá trình giảng dạy được hiệu quả. Sự khát khao cống hiến cho nghề trong anh chưa bao giờ vơi, anh vẫn miệt mài với từng trang giáo án, trăn trở với từng công trình khoa học.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao Quyết định cho PGS.TS Nguyễn Xuân Hải – Trưởng khoa Giáo dục Đặc biệt
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, sự ra đời của Khoa Giáo dục Đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 2001 đã ghi dấu ấn quan trọng trong việc xây dựng hệ thống Giáo dục đặc biệt ở các tỉnh thành phía Bắc nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp thiết của xã hội về việc xây dựng đội ngũ giáo viên, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt. Nhiệm vụ chính của Khoa là đào tạo giáo viên dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt ở các trung tâm, các trường hòa nhập hoặc chuyên biệt trong cả nước. Trong công tác đào tạo, Khoa GDĐB luôn quan tâm đầu tư, nghiên cứu xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo cũng như không ngừng đổi mới phương pháp đào tạo bám sát với thực tiễn của ngành.
Việc nghiên cứu từ sớm giúp anh có các công trình công bố khá đều đặn và có đóng góp cụ thể cho chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt. Anh đã có hàng chục công trình khoa học các cấp được công. Trong đó có những đề tài như: Tìm hiểu những biểu hiện và hướng giáo dục khắc phục những biểu hiện hành vi bất thường trẻ chậm phát triển trí tuệ bậc tiểu học; Dạy học một số chủ đề theo hướng tiếp cận năng lực cá nhân trẻ chậm phát triển trí tuệ bậc tiểu học; Biện pháp đảm bảo quyền được tiếp cận với giáo dục cho trẻ em đường phố; Xây dựng Chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý về giáo dục hòa nhập cấp Trung học cơ sở; Xây dựng Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục hòa nhập cho cán bộ các trường đại học, cao đẳng và cán bộ quản lý cấp Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo; Nghiên cứu thử nghiệm mô hình giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật cấp Trung học cơ sở; Nghiên cứu kinh nghiệm của Hoa Kỳ về đảm bảo chất lượng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật – Giải pháp đề xuất cho Việt Nam; Nghiên cứu năng lực thực hành nghề nghiệp trong giáo dục hoà nhập của đội ngũ giáo viên phổ thông…
Các đề tài của anh cho thấy sự nhạy bén của tư duy và sự quan tâm đúng mức đối với chương trình dạy học ứng dụng. Ngoài ra, anh cũng đã xuất bản hơn chục cuốn sách chuyên ngành Giáo dục Đặc biệt, cụ thể: Giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật; Giáo dục hòa nhập trẻ khó khăn về học tập tiểu học; Quản lý giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở tiểu học; Giáo dục hòa nhập dành cho hệ cao đẳng sư phạm mầm non; Quản lý giáo dục hòa nhập; Quản lý trường, lớp dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt; Năng lực nghề nghiệp trong Giáo dục hòa nhập của giáo viên phổ thông…
Với bất cứ đối tượng nào, anh cũng chú ý đến đặc điểm của người học, đặc thù ngành học và nhấn mạnh đến sự thay đổi về phương pháp, tư duy tiếp cận. Anh cho rằng chỉ có niềm đam mê, khát vọng theo đuổi đam mê thì mới có được các kết quả, sản phẩm có chất lượng và mới khẳng định được giá trị bản thân.
Trên cương vị Trưởng khoa, anh tậm sự: “Thời gian công tác tại trường Đại Sư phạm cũng như Khoa Giáo dục Đặc biệt đã giúp tôi hiểu rõ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học giáo dục. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta đang đứng trước một yêu cầu lớn về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, khi sự phát triển của nền giáo dục chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, của nền kinh tế. Hệ thống giáo dục của chúng ta phải được xây dựng dựa trên một cơ sở lý luận về khoa học giáo dục bài bản”.
Trải qua nhiều năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học, anh đã giúp bao thế hệ học trò trưởng thành. Với vai trò là một nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý anh đang nỗ lực từng ngày để góp tâm sức, trí tuệ của mình vào sự phát triển của Khoa Giáo dục Đặc biệt gắn với hội nhập quốc tế.
Ngọc Giáp