Những dấu son một thời

May mắn hẹn gặp được ông tại nhà riêng, một người có phong thái đĩnh đạc, ung dung và cũng thật bình dị, dễ gần. Không mất nhiều thời gian, chúng tôi như tìm thấy điểm chung trong câu chuyện về chặng hành trình cuộc đời. Những thăng trầm trong chặng đường dài của ông cứ cuốn hút tôi theo từng lời kể. GS.TS Nguyễn Văn Huyên sinh năm 1949, tuổi thơ ông chứng kiến cảnh quê hương bị chiến tranh, bị kẻ thù gieo tang tóc. Khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, niềm đam mê sách vở và kiến thức mới mẻ giúp ông liên tục là học sinh xuất sắc. Dù trong thời chiến, ông cùng thế hệ những người con xứ Nghệ ấy vẫn say sưa học tập, càng quyết tâm hơn để vươn lên với hy vọng làm được điều gì đó cho quê hương.

Tuổi trẻ thế hệ ông luôn bừng lên khí thế thời đại Hồ Chí Minh anh hùng. Khó khăn không cản được khát vọng vươn lên và niềm tin chiếm lĩnh khoa học. Tốt nghiệp Phổ thông với kết quả học tập xuất sắc và sự nỗ lực rèn luyện không ngừng, ông được nhà trường gửi ra nước ngoài học tập. Đó là mùa thu năm 1967, một chặng đường mới, một chân trời mới mở ra cho tương lai đầy triển vọng của cuộc đời người trí thức trẻ khi ấy.

GS.TS triết học Nguyễn Văn Huyên

Rời Tổ quốc, GS Huyên bắt đầu hành trình mới của mình. Trong những năm tháng học tập ở nước ngoài, văn minh thế giới càng thôi thúc ông khát khao trở về cống hiến cho quê hương. Ngay sau khi bảo vệ xuất sắc luận văn Cử nhân, ông về nước, đem tri thức phục sự nước nhà thân yêu. Với thành tích học tập xuất sắc, GS.TS Nguyễn Văn Huyên được phân công công tác tại Bộ Ngoại giao. Nhưng với niềm đam mê khoa học cháy bỏng, ông chuyển sang Viện Triết học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) từ năm 1973. Được làm việc trong môi trường phù hợp, GS.TS Nguyễn Văn Huyên đã bắt tay ngay vào nghiên cứu, phát huy những sở trường, năng lực. Say mê công việc, ông càng thấy yêu thích và hứng thú các lĩnh vực về Tâm lí học, Đạo đức học, Mỹ học, các lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành Văn học. Đây thực sự là đất tốt để tài năng của ông nhanh phát triển. Năm 1980 – 1981 ông được cử sang ĐH Tổng hợp Hà Nội bổ túc và lấy Bằng II – Đại học Triết học.

Mới về viện ông đã công bố những công trình đầu tiên trên Tạp chí chuyên ngành. Nhận thấy triển vọng phát triển của người cán bộ trẻ khi đó, năm 1982, ông được Nhà nước cử đi học nghiên cứu sinh tại Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Rời Liên Xô năm 1987, GS.TS Nguyễn Văn Huyên về lại Viện Triết học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, Lúc đầu ông làm Thư ký Tòa soạn, sau là Trưởng phòng Biên tập Tạp chí Triết học. Đầu năm 1990 ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng biên tập Tạp chí đó. Giữa năm 1994 ông là Phó Viện trưởng Viện triết học. Đó là thời gian hoạt động khoa học và quản lý sôi nổi với nhiều thành tựu nhất của ông. GS.TS Nguyễn Văn Huyên mở rộng quan hệ quốc tế, tổ chức các hội thảo khoa học trong và ngoài nước, thực hiện nhiều công trình khoa học, đẩy mạnh quan hệ nghiên cứu Việt – Nga, Việt – Trung, Mỹ, Canada, Thái Lan… Năm 2003, khi Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cần xây dựng môn Chính trị học, ông được đề bạt làm Viện trưởng Viện Chính trị học. Đây là một thách thức mới, song với nền tảng triết học vững vàng, ông đã góp sức mình trong công tác xây dựng môn Chính trị học, đưa Viện Chính trị học ngày một nâng cao vị thế trong công tác đào tạo chuyên ngành.

Đến năm 2009, GS.TS Nguyễn Văn Huyên chuyển sang làm Nghiên cứu viên cao cấp, Giảng viên cao cấp ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đam mê văn hóa, GS.TS Nguyễn Văn Huyên đã có nhiều công trình giá trị về văn hóa và làm rõ bản chất, đặc điểm, cấu trúc của văn hóa, chứng minh văn hóa là mục tiêu và động lực của phát triển xã hội. Thời gian công tác ở Học viện, GS Nguyễn Văn Huyên đã công bố nhiều công trình về Chính trị học như: “Quyền lực và quyền lực chính trị, Con người chính trị, Văn hóa chính trị”…. Là ủy viên Hội đồng lý luận TƯ, GS đã thực hiện xuất sắc đề tài cấp Nhà nước: “ĐCS cầm quyền – nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng”, đồng thời đóng góp nhiều ý tưởng khoa học và kiến nghị cho Đảng trong xây dựng Văn kiện Đại Hội XI. Về mảng triết học xã hội, GS Nguyễn Văn Huyên đã xuất bản nhiều công trình: Triết lý phát triển xã hội, Triết lý phát triển Mác, Anghen, Lênin, Hồ Chí Minh, Triết lý phát triển xã hội Hồ Chí Minh…. Nhiều công trình, đề tài khoa học về xây dựng CNXH ở Việt Nam, về đổi mới Đảng, Nhà nước, về Dân chủ… do ông tiến hành được lấy làm căn cứ cho việc xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo ở Học viện.

Đến nay, GS.TS Nguyễn Văn Huyên đã có hơn 70 cuốn sách (tác giả, đồng tác giả, chủ biên, đồng chủ biên, viết chung) cùng với hơn 400 công trình khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành, bài báo trên các báo trung ương và hàng loạt báo cáo khoa học khác. Ông cũng đã chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hàng chục đề tài khoa học (cấp Nhà nước, cấp Bộ, Chương trình Cấp bộ). Ngoài ra, ông cũng tham gia tổ chức và viết hàng chục bộ giáo trình, chương trình đào tạo ở Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và một số HV, ĐH, cơ sở đào tạo khác. GS cũng đã trực tiếp hướng dẫn bảo vệ thành công hơn 20 Tiến sĩ, gần 50 Thạc sĩ, và nhiều cán bộ cao cấp khác.

Với những đóng góp khoa học, đào tạo và lãnh đạo, quản lý, GS.TS Nguyễn Văn Huyên đã được Nhà nước phong học hàm PGS năm 1996 và GS năm 2004. Ông cũng được trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như : Huân chương Lao động hạng Nhì; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huy chương Vì Sự nghiệp KH & CN; Huy chương Vì Sự nghiệp KHXH Việt Nam; Giải thưởng Khoa học về KHXH&NV(năm 2000) của Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam; Giải thưởng Khoa học giai đoạn 2000- 2005 và giai đoạn 2009-2014 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Sự nghiệp vẻ vang của vị Giáo sư ấy mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập và bước tiếp trên hành trình chinh phục tri thức không ngừng nghỉ của mỗi người chúng ta cho sự nghiệp chung của đất nước.

Nguyễn Đức
Nguồn: www.trithucvaphattrien.vn/