Giáo sư Ngô Việt Trung: “Chỉ ai đam mê mới ở lại với ngành toán”

Giáo sư Ngô Việt Trung thẳng thắn cho hay nơi ông công tác cũng không giữ được nhiều nhà khoa học hàng đầu. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Khoa học cơ bản bị “che mờ”

Khiêm nhường khi nói về mình, nhưng khi được hỏi về khoa học cơ bản, giọng của vị giáo sư dành trọn cả đời nghiên cứu cho toán học như linh hoạt hẳn. Ông bảo, khoa học cơ bản của Việt Nam đạt trình độ quốc tế trong một số ngành như toán, lý, khoa học vật liệu, hoá học.

Rồi ông kể rằng, để có một nền khoa học cơ bản được thế giới ghi nhận như hiện nay là công vun xới của nhiều thế hệ. Ngay từ sau kháng chiến chống Pháp và trong chiến tranh chống Mỹ, nhiều thế hệ học sinh giỏi đã được chọn để gửi đi nước ngoài học tập. Là thế hệ học sinh thứ hai đi học trong chiến tranh chống Mỹ (năm 1969, khi mới 16 tuổi), giáo sư Ngô Việt Trung luôn ý thức được việc phải học thế nào để trở về phục vụ Tổ quốc tốt nhất.

Theo ông, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ngày đó có tầm nhìn rất xa, phân công học sinh đi học theo nhiều ngành khác nhau trong tất cả các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nông lâm nghiệp, … để có thể xây dựng đất nước sau chiến tranh. Tuy nhiên, khi về nước, nhiều người không theo đuổi được chuyên môn của mình do trình độ phát triển lạc hậu lúc bấy giờ. Những ai kiên trì gắn bó với nghiên cứu khoa học thì sau này đều trở thành những trụ cột trong khoa học Việt Nam.

Thế nhưng, ông bỗng trùng giọng: “Có một nghịch lý là trong chiến tranh, người ta biết rằng phải xây dựng khoa học cơ bản để làm nền tảng phát triển giáo dục và kinh tế, nhưng khi đất nước không còn nghèo nữa thì người ta bỗng quên mất điều này.”

Ông kể rằng, các nhà lãnh đạo trước đây như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa… thường xuyên hỏi ý kiến các nhà khoa học đầu ngành. Đã có thời kỳ, mỗi tháng Bộ Chính trị tổ chức một cuôc họp để lãnh đạo các ban ngành nghe một nhà khoa học báo cáo. Ngày nay, đối với các dự án kinh tế lớn, người ta cũng lập ra các hội đồng khoa học để nghe ý kiến, nhưng ý kiến của các nhà khoa học đó có được tiếp thu hay không, hội đồng gồm những ai là chuyện khác.”

Về mặt danh nghĩa, khoa học là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp phát triển đất nước, được ghi hẳn trong hiến pháp. Rõ ràng là chúng ta chỉ có thể đuổi kịp các nước xung quanh nếu chúng ta sản xuất ra những hàng hoá tốt hơn họ và điều này chỉ có thể đạt được nếu chúng ta nghiên cứu khoa học tốt hơn họ. “Cho nên, nhìn vào dài hạn, đất nước muốn phát triển thì phải có một nền khoa học không hẳn là đỉnh cao thì cũng phải đạt ngưỡng trung bình. Còn nếu chúng ta cứ nhập công nghệvà không có sản phẩm công nghệ xuất khẩu sang các quốc gia khác thì không bao giờ đuổi kịp,” ông Trung trăn trở.

Lấy ví dụ trong vụ hacker tấn công hệ thống thông tin của Vietnam Airlines mới đây, giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng nếu chúng ta tự phát triển công nghệ an ninh mạng không bị phụ thuộc vào người khác thì sẽ hạn chế rủi ro và có thể chủ động trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý sớm. Để làm được điều đó phải có các nhà toán học nghiên cứu về mã hoá… Mà, điều này thì không thểnhập khẩu mà phải tự mình làm mới bảo đảm được.Ông cũng đưa ra một ví dụ như Samsung là tập đoàn Hàn Quốc tuyển dụng nhiều nhất các nhà toán học làm ứng dụng và cũng là công tài trợ nhiều nhất cho nghiên cứu toán lý thuyết.

Nhân tài dứt áo

Việc chảy máu chất xám trong ngành khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản trong thời gian qua liên tục đã được cảnh báo, song có lẽ sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu chính sách trọng dụng nhân tài chưa thực sự đi vào cuộc sống. Hầu hết những học sinh xuất sắc nhất sau khi đi học nước ngoài đã không trở về đất nước.

Về chuyện này, giáo sư Ngô Việt Trung thẳng thắn cho biết ngay cả nơi ông công tác [Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam-pv] cũng không giữ chân được nhiều nhà khoa học hàng đầu.

Giáo sư Ngô Việt Trung và cộng sự (Ảnh: Vietnam+)

Cho rằng không phải ai giỏi cũng phải nghiên cứu khoa học cơ bản, giáo sư Ngô Việt Trung khuyến nghị Việt Nam phải có cơ chế chính sách đặc thù để những người say mê làm khoa học phải sống được không những cho mình và cho cả gia đình họ để họ an tâm làm việc và đóng góp cho đất nước.

“Những người làm khoa học cơ bản, đặc biệt là trong giới trẻ, còn làm nghiên cứu phần lớn là do đam mê. Có những lúc chúng tôi rất buồn khi có người hỏi những cán bộ trẻ rằng sao không đi làm việc chân tay để có thu nhập cao hơn? Quả thật là các nhà khoa học trẻ bây giờ chỉ sống với đồng lương khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng và nếu có tham gia đề tài thì mức thu nhập đó chỉ nhân lên gấp đôi là cùng…,” ông nói.

Bên cạnh chế độ đãi ngộ, một trong những vấn đề chính đối với các nhà khoa học trẻ chính là cơ chế hoạt động để họ có thể nghiên cứu một cách hiệu quả nhất. “Nếu lấy các nhà khoa học về công tác thì phải sử dụng họ có hiệu quả. Nhưng các cơ quan và xí nghiệp nhà nước chúng ta có thật sự lấy việc hoạt động có hiệu quả làm mục tiêu hay không? Bởi nếu không lấy hiệu quả làm đầu thì dù có đưa nhà khoa học giỏi nhất về thì họ cũng không làm được gì” ông Trung thẳng thắn…/.

Công trình đặc biệt xuất sắc

GS.TSKH Ngô Việt Trung cùng GS.TSKH Nguyễn Tự Cường và GS.TSKH Lê Tuấn Hoa là đồng tác giả của cụm công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc” được đề nghị trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ vào đầu tháng Chín tới với 23/23 phiếu đồng ý tại Hội đồng cấp Nhà nước.

Cụm công trình được chọn lọc từ 200 bài báo đã công bố của các thành viên nhóm, được thực hiện từ năm 1980 tới năm 2008, trong chuyên ngành Đại số giao hoán của Toán học.

Đây là cụm công trình được đánh giá đặc biệt xuất sắc vì đã mở ra một số hướng nghiên cứu quan trọng như lý thuyết vành Cohen – Macaulay suy rộng và dáng điệu tiệm cận của các bất biến; phát hiện ra một số kết quả đột phá góp phần thúc đẩy sự phát triển của một số hướng nghiên cứu chủ chốt; xây dựng một số khái niệm và phương pháp nghiên cứu mới ngày nay được dùng phổ biến trong Đại số giao hoán.

Theo thống kê của Hội toán học Mỹ, tính từ năm 2000 đến nay, các công bố của nhóm tác giả đã được trích dẫn gần 1.800 lần bởi gần 600 tác giả. Có ít nhất 24 cuốn sách giáo trình và chuyên khảo của các chuyên gia nước ngoài trích dẫn, trong đó có 8 cuốn trình bày lại một số kết quả của cụm công trình.

Các thành viên của nhóm tác giả đã được mời làm chủ tịch 10 hội nghị quốc tế và làm báo cáo tại hơn 50 hội nghị và 60 cơ sở nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài. Hai người trong nhóm tác giả được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học của các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, thông qua cụm công trình, nhóm tác giả xây dựng được một cộng đồng nghiên cứu mạnh có uy tín quốc tế tại Việt Nam về một chuyên ngành Toán học hiện đại có nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khoa học khác. Nhóm tác giả đã đào tạo thành công 22 tiến sĩ và các tiến sĩ này đều có công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Trong số này có 1 người đã trở thành giáo sư, 8 người là phó giáo sư và họ đều là những chuyên gia có uy tín nhất định trên thế giới.

Qua công tác nghiên cứu và đào tạo, nhóm tác giả đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển khoa học tại Việt Nam, đồng thời nâng cao được vị thế và uy tín của nền khoa học Việt Nam trên thế giới…

Cùng với Giải thưởng Tạ Quang Bửu, việc lựa chọn những công trình nghiên cứu cơ bản để trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đã chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, vốn bị “lu mờ” bấy lâu này.

TRUNG HIỀN

Nguồn:www.vietnamplus.vn/giao-su-ngo-viet-trung-chi-ai-dam-me-moi-o-lai-voi-nganh-toan/403782.vnp