Đi tìm “hạt” ước mơ

Hơn mười năm mài rũa “công cụ”

GS.TS Đỗ Long sinh ngày 17-10-1939 tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Ngay từ nhỏ, Đỗ Long đã rất yêu thích thơ đến mức đọc câu thơ nào hay đều nhớ và không cần chép lại. Đỗ Long luôn ấp ủ trong lòng ước mơ sau này sẽ gắn bó với sự nghiệp văn chương.

Vì là con em gia đình cách mạng, ngày 20-7-1953, Đỗ Long được Tỉnh ủy Phú Thọ thông báo về việc ông được cử sang Trung Quốc học tập. Chưa biết sẽ học ngành gì nhưng được đi học, chúng tôi mừng lắm vì không phải sợ máy bay, súng giặc, phải đi tản cư nữa. Đến Lạng Sơn, tôi không thấy có hải quan, không lính biên phòng, chỉ thấy các chị, các anh người Trung Quốc trìu mến đếm từng bạn, nhấc bổng lên xe đã được bịt kín mít. Có bạn quay sang hỏi tôi: Sao lại phải đếm từng người một?. Trước khi lên tàu, chúng tôi thay đồ và mặc bộ quần áo do Trung Quốc trang bị. Trên tàu, các bữa ăn của chúng tôi khác hẳn so với ở Việt Nam, có người còn xách từng xô nước lên toa cho chúng tôi rửa chân[1].

Lúc đầu, Đỗ Long cùng các bạn học tại Lương Sơn thuộc Giang Tây, Trung Quốc. Nhưng học được nửa kỳ, do lạnh quá, các ông được chuyển về học tại Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây. Sau thời gian học tiếp văn hóa, đầu năm 1955, 100 học sinh Việt Nam đang học tại Quế Lâm được Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam cử sang Liên Xô học, nhưng không có tên Đỗ Long. Tháng 5-1955, theo quyết định của Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam, do Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ký, Đỗ Long cùng một số bạn từ Quế Lâm sang học tại trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, chuyên ngành tiếng Nga. Nhận được tin, Đỗ Long rất bất ngờ và buồn lắm. Nhưng nghĩ lại, đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh, Đảng đã tạo điều kiện cho các ông đi học, nên ông có nghĩa vụ phải chấp hành. Có bạn tâm sự với ông rằng định giả vờ ốm để được ở lại, nhưng ông khuyên: Thế không ổn, phải đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần; Tổ quốc đang cần những người đi học tiếng Nga về để làm phiên dịch hoặc để dạy tiếng Nga. Nhớ lại lúc nhận được chỉ định đi học tiếng Nga, đêm hôm đầu tiên nằm trên tàu đi từ Quế Lâm lên Bắc Kinh tôi khóc đỏ hoe cả mắt và bạn tôi thì không đứa nào ngủ được. Buộc phải dừng học văn hóa để đi học tiếng Nga đối với chúng tôi là một sự hy sinh rất là lớn. Nhưng chúng tôi biết, có những người không được như mình, nên điều đầu tiên là chúng tôi phải chấp nhận, sau đó dần nguôi ngoai và tự động viên mình để phấn đấu, để học tập[2].

Do việc học trước đó bị gián đoạn, không liên tục, nên khi sang Trung Quốc phương châm là các ông tập trung học những môn bổ sung kiến thức còn thiếu. GS Đỗ Long vẫn nhớ như in tên các thầy cô giáo đã chắp cánh ước mơ, luôn hết lòng vì học trò: …làm toán – nhờ thầy Lại/văn học – yêu thầy Khôi/nhạc – thầy Nhân/họa – thầy Lợi/thầy Dụ/đưa ta qua sông núi tuyệt vời/thơ Lý Trần – thầy Quý giảng/sử Lê Nguyễn – cô Quế Bình/đất nước phân tranh/giọng thầy Phương đẫm lệ/tất cả/thấm vào ta/như dòng sữa mẹ/nuôi ta/khôn lớn/trưởng thành[3] Bên cạnh việc Đỗ Long hoàn thành xuất sắc việc học tiếng Nga, nhờ Viện sĩ thông tấn Kaplenkô Grigiôebur – giảng viên của nhà trường, là người thầy đã truyền cho ông tình yêu văn học Nga, ông trở thành một trong ba học sinh đạt kết quả xuất sắc môn học này.

GS.TS Đỗ Long tại nhà riêng, năm 2015

Năm 1959, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Nga ở trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Đỗ Long muốn xin về công tác tại Viện Văn học để có cơ hội giới thiệu văn học Nga, văn học Xôviết, nhưng không được chấp nhận. Đỗ Long được phân công về làm phiên dịch tại trường Đại học Thể dục Thể thao ở Từ Sơn, Bắc Ninh. GS Long chia sẻ: Tôi bực lắm, thế rồi bố tôi khuyên không được đứng núi này trông núi nọ, Đảng đã nuôi ăn học cả 4 năm đại học ở Bắc Kinh và 2 năm trước đó, do đó phải phục tùng tổ chức, không được cựa quậy, phải làm việc cho nghiêm túc[4]. Nghe lời khuyên của cha, ông vẫn tuân thủ sự phân công song luôn quan niệm, tiếng Nga chỉ là công cụ để ông thực hiện đam mê, do đó, vừa làm công việc phiên dịch tiếng Nga, Đỗ Long còn tìm hiểu và được biết tại trường Đại học Thể dục Thể thao có dạy môn tâm lý học. Một ý tưởng lóe sáng, Đỗ Long nghĩ: Muốn làm văn làm thơ thì phải biết tâm lý, giỏi tâm lý[5]. Từ đó, Đỗ Long tìm sách viết về tâm lý để tự học, đồng thời xin nhà trường làm phiên dịch cho những đoàn công tác dài hạn, để có điều kiện xin đi học về tâm lý. 

Quyết tâm thực hiện ước mơ

Đầu năm 1967, Đỗ Long được phòng tổ chức của trường thông báo chuẩn bị đi dịch cho đoàn sang Liên Xô công tác dài hạn. Sang Liên Xô, thấy gần nơi ông ở có trường Đại học Sư phạm quốc lập Riadan, ông tìm hiểu và xin vào học môn tâm lý học tại đây. Để vào học ở trường này, ông được vợ ông Trần Tử Bình – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thời kỳ đó viết thư cho Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô Nguyễn Thọ Chân, đề nghị tạo điều kiện cho ông đi học. Về phía trường Đại học Thể dục Thể thao cũng đồng ý cho ông học, nếu được bạn chấp nhận.

Tháng 10-1967, Đỗ Long được nhận vào học tại khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm quốc lập Riadan để tu nghiệp theo chuyên ngành Tâm lý học đại cương và Tâm lý học sư phạm, theo hình thức thực tập sinh. Buổi sáng ông đi làm phiên dịch, buổi chiều đi học ở trường. Trước đó, ông đã học tiếng Nga, đọc sách tâm lý học, nên cũng có nhiều thuận lợi. Ông nghiêm túc tự bắt mình học như một sinh viên, hết năm thứ nhất ông đã học xong chương trình của môn Tâm lý học.

Kết thúc một năm học, ông đã hoàn thành xuất sắc chương trình học tập tại đây. Đồng chí Đỗ Long đã hoàn thành tốt kế hoạch học tập đã được vạch ra cho đồng chí. Với tinh thần cần cù và năng lực, đồng chí đã tự đào tạo để chuẩn bị cho bản thân bước vào hoạt động khoa học. Đồng chí đã học tập, nghiên cứu sách báo khoa học và tài liệu đã quy định, đã thi tối thiểu về Tâm lý học đạt điểm 5, đã viết tiểu luận Vấn đề ý chí trong tâm lý học Xôviết, đạt điểm 5, đã thi tối thiểu về ngoại ngữ (tiếng Nga) cũng đạt điểm 5[6].

Với kết quả học tập tốt, Đỗ Long được học tiếp sang chương trình nghiên cứu sinh hàm thụ (vừa làm phiên dịch, vừa học) tại trường này cho đến năm 1969. Năm 1970, Đỗ Long về công tác tại Viện Triết học, ông được lãnh đạo của viện rất quý vì vốn tiếng Nga rất tốt. Từ đây, cuộc đời Đỗ Long bước sang một trang mới, thực hiện những công trình nghiên cứu cũng như gắn bó với ước mơ ông từng theo đuổi. Ông đi sâu nghiên cứu phạm trù giao tiếp trong tâm lý học và những vấn đề lý luận; Phương pháp luận của tâm lý học đại cương, tâm lý học xã hội, tâm lý học nhân cách; Đặc điểm tâm lý học dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, “cái tôi” và nhân cách Việt Nam, tâm lý nông dân Việt Nam.

Sau 7 năm công tác tại đây, năm 1977 ông được cử sang đi làm thực tập sinh tại Viện Tâm lý học, Liên Xô trong thời gian một năm. Kết thúc một năm thực tập, phía Liên Xô đề nghị với đại sứ quán Việt Nam cho ông ở lại làm nghiên cứu sinh, nhưng không được chấp thuận. Ông đành ngậm ngùi về nước công tác, nhưng vẫn “âm thầm” chuẩn bị luận án phó tiến sĩ. Ông lựa chọn đề tài nh hưởng của giao tiếp với tư cách là một phạm trù của tâm lý học trong sự diễn biến của tâm lý nông dân Việt Nam để đi sâu nghiên cứu.

Năm 1983, ông viết xong luận án và gửi sang Viện Tâm lý học Liên Xô. Sau đó, Viện này đã gửi công văn đề nghị phía Việt Nam cho ông được sang bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Bấy giờ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam là ông Phạm Như Cương đã ký quyết định cử ông sang Liên Xô trong thời gian 6 tháng để thực hiện việc bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Dưới sự hướng dẫn của bà Xôlôcôva, nghiên cứu sinh Đỗ Long tiếp tục hoàn chỉnh thêm luận án và bảo vệ thành công luận án vào năm 1984. Kết thúc buổi bảo vệ luận án, bà Xôlôcôva nói với nghiên cứu sinh Đỗ Long: Cám ơn số phận đã cho tôi một học trò, một nghiên cứu sinh rất có năng lực mà tôi rất quý, rất mến[7].

Năm 1989, Viện Tâm lý học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) được thành lập, TS Đỗ Long được cử về Viện công tác. Ông lần lượt đảm nhận các cương vị: Trưởng ban Tâm lý học; Trưởng phòng Tâm lý học; Giám đốc Trung tâm Tâm lý học xã hội; Viện phó, rồi Viện trưởng Viện tâm lý học; Tổng biên tập tạp chí Tâm lý học thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.

Xuất phát điểm GS.TS Đỗ Long đến với ngành Tâm lý học dẫu có muộn hơn, nhưng ông đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều và đạt được những thành quả nhất định. Ông đã hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; công bố hàng trăm bài báo khoa học; chủ trì 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ; chủ biên, đồng tác giả và tác giả của 12 cuốn sách chuyên ngành. Ông cũng dành một góc tâm hồn cho tình yêu với thơ ca. Năm 2014, ông đã cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Hạt nắng” do Nhà xuất bản Văn học phát hành. Dẫu vậy, khi nói về bản thân mình, ông luôn khiêm tốn: Cái tôi làm được trong lĩnh vực tâm lý cũng chỉ là hạt thôi, hạt muối trong biển lớn, hạt cát trên sa mạc, nhưng đó là mơ ước cả cuộc đời tôi [8].

Hoàng Thị Liêm

[1] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Long ngày 17-10-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Long ngày 17-10-2014, tài liệu đã dẫn.

[3] Đỗ Long, bài thơ Lộc biếc sông ly, trong tập Hạt nắng. H- Văn học, tr. 33-34.

[4] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Long ngày 17-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[5] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Long ngày 17-10-2014, tài liệu đã dẫn.

[6] Bản nhận xét (bằng tiếng Nga) về kết quả học tập của Đỗ Long – thực tập sinh tại khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm quốc lập Riadan của thầy В. И. Селиванов, năm 1968, do GS Đỗ Long dịch năm 2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[7] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Long ngày 24-10-2014, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Phỏng vấn GS.TS Đỗ Long ngày 24-10-2014, tài liệu đã dẫn.