Công tác nghiên cứu sưu tầm có một vị trí trọng yếu trong hoạt động chuyên môn khá đặc biệt của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Trong hành trình gần một thập kỷ qua, cùng với mục tiêu chung của Trung tâm, công việc nghiên cứu sưu tầm đã gặt hái được những thành quả thật đáng khích lệ, trong đó phải kể đến một khối lượng không nhỏ những tri thức khoa học đa dạng, những tấm gương đạo đức làm người, làm nghề cùng nhiều kiến thức về lịch sử, xã hội…mà nghiên cứu viên thu hoạch được trong quá trình tác nghiệp. Trong những buổi tiếp xúc làm việc với nhà khoa học, khi khám phá ra những điều thú vị, có giá trị góp phần làm phong phú thêm những mảng màu trong cuộc đời nhà khoa học, nghiên cứu viên chúng tôi thật sự cảm thấy hứng khởi, thêm yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp cao cả mà Trung tâm đang thực hiện.
Gặp lại “người thân trong gia đình nhà khoa học”
Vào tháng 3-2016 vừa qua, khi đặt vấn đề nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Kế Bính, chúng tôi nhận ra vợ chồng ông đã từng tham dự Lễ tiếp nhận Bộ sưu tập tài liệu hiện vật thuộc lĩnh vực khoa học xã hội của vợ chồng PGS Lê Văn Sáu[1] – PGS Bùi Thị Kim Quỳ[2] (tháng 8- 2014), với tư cách thành viên gia đình nhà khoa học. PGS Bùi Thị Kim Quỳ, nhân vật chính trong buổi lễ là chị ruột vợ ông – bà Bùi Kim Sơn, nguyên giáo viên dạy môn Hóa học trường cấp III Đống Đa, Hà Nội.
Câu chuyện trong buổi đặt vấn đề nghiên cứu nhà khoa học chuyên ngành Luyện kim này trở nên cởi mở, gần gũi. PGS.TS Nguyễn Kế Bính là giảng viên thuộc thế hệ đầu tiên xây dựng khoa Mỏ – Luyện kim, trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ những ngày đầu thành lập. Và suốt hơn 40 năm (từ 1957) gắn bó, tâm huyết với ngành Luyện kim, ngoài công tác giảng dạy, giảng viên Nguyễn Kế Bính rất say sưa với nghiên cứu khoa học, đặc biệt ông là người tiên phong thực hành ứng dụng khoa học vào những dự án sản xuất về luyện kim như sản xuất gang, thiếc; dự án dây chuyền sản xuất mới làm đất đèn trong trường ĐH Bách khoa Hà Nội và mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy cũng như thực tế sản xuất trực tiếp ra sản phẩm.
Tìm hiểu về gia đình ông, chúng tôi có được thêm thông tin thật lý thú: PGS.TS Phạm Thị Thu Hồ[3], một nhà y học mà Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã và đang nghiên cứu, lại chính là phu nhân người em ruột liền kề ông – TS Nguyễn Thế Đức, nguyên Giám đốc Thư viện quốc gia, Hà Nội. Vậy là, đối với PGS.TS Nguyễn Kế Bính, PGS Bùi Thị Kim Quỳ là chị vợ, còn PGS.TS Thu Hồ là em dâu. Một tam giác được hình thành nối ba nhà khoa học ở ba lĩnh vực nghiên cứu khác nhau này bằng mối quan hệ gia đình ruột thịt, đặc biệt ở họ còn có một điểm chung là đều ủng hộ, tin tưởng Trung tâm. Đối với chúng tôi, đó thật sự là điều thú vị đầy ý nghĩa.
Những nhà khoa học trong cùng một gia tộc
Trong một số nghiên cứu của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cụm từ “cả nhà làm khoa học” đã được nói tới. Đây là điểm đặc biệt có giá trị trong nghiên cứu cuộc đời nhà khoa học nói riêng, nghiên cứu lịch sử nền khoa học Việt Nam nói chung.
Truyền thống hiếu học, khát khao được học tập từ thời xa xưa ở người Việt Nam đã luôn là niềm tự hào của dân tộc ta. Trong lịch sử nền giáo dục, nền khoa học nước nhà, đã ghi nhận nhiều tấm gương “gia đình hiếu học”, “cả nhà làm khoa học”.
Câu chuyện về bốn nhà khoa học trong gia tộc Nguyễn Cảnh mà Trung tâm đã nghiên cứu là một ví dụ điển hình. Ngay từ năm 2009, Trung tâm đã tiếp cận đặt vấn đề nghiên cứu GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn[4], người anh cả trong gia đình. Sau đó nghiên cứu viên Trung tâm tiếp tục đặt vấn đề nghiên cứu ba người em ruột của ông, là GS.TSKH y học Nguyễn Cảnh Cầu, TS vật lý Nguyễn Cảnh Hồ và GS.TS ngành thủy lợi Nguyễn Cảnh Cầm. Họ đều là những nhà khoa học có uy tín, có những đóng góp trong lĩnh vực công tác, nghiên cứu của mình. Và như những con ong chăm chỉ, sau 5 năm miệt mài, các nghiên cứu viên của Trung tâm đã đón nhận toàn bộ tài liệu hiện vật do 4 nhà khoa học là anh em trong đại gia đình Nguyễn Cảnh tin tưởng trao tặng Trung tâm. Buổi lễ tiếp nhận khối tài liệu hiện vật của gia đình nhà khoa học Nguyễn Cảnh Toàn được tổ chức vào cuối năm 2014, đã trở thành sự kiện đặc biệt của Trung tâm. Đây là bộ sưu tập không chỉ có giá trị về mặt khoa học, mà nó còn là một chủ đề nghiên cứu về truyền thống học tập, vượt khó tự học của nhiều thành viên trong một gia đình.
Lễ tiếp nhận tài liệu của bốn nhà khoa học trong gia tộc Nguyễn Cảnh (GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn ngồi hàng trước)
Gia đình GS Nguyễn Văn Huyên cũng là một hình mẫu “cả nhà làm khoa học”. Trước khi là một Bộ trưởng Bộ Giáo dục tại nhiệm lâu nhất và để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử giáo dục Việt Nam, GS Nguyễn Văn Huyên là một nhà dân tộc học uyên bác thể hiện ở một số công trình nghiên cứu của ông như Văn minh Việt Nam, các nghiên cứu về lễ, hội… Tiếp nối con đường khoa học của cha, người con trai út Nguyễn Văn Huy theo nghiệp nghiên cứu dân tộc học, rồi thành công trong lĩnh vực bảo tàng, bảo tồn di sản từ khi ông đảm trách vai trò Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (1995-2006), rồi sau đó trực tiếp lãnh đạo chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa. Từ ông, chúng tôi tiếp cận nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu – chị gái thứ ba của ông. Là nhà khoa học, nhà quản lý công tác tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, bà đã có bề dày đóng góp cho y học quân đội. Chồng bà – GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng là một nhà khoa học khá nổi tiếng trong lĩnh vực sinh học. Nhìn lại những năm tháng đã đi qua trong cuộc đời, PGS Nguyễn Văn Huy nghiệm ra rằng, môi trường gia đình, nền nếp, phong cách sống, làm việc trong gia đình, mà trực tiếp là các bậc cha mẹ có sức ảnh hưởng đầu tiên, có tầm quan trọng đặc biệt sâu sắc trong quá trình hình thành tính cách, đường hướng cho con cháu. Tất nhiên con cháu phải ý thức được trách nhiệm tự thân phấn đấu, noi gương sáng các bậc cha anh, cùng gìn giữ thanh danh gia đình bằng những đóng góp, cống hiến cho đất nước, cộng đồng…[5]. Như lời cổ nhân “cha truyền con nối”, các thế hệ tiếp sau trong đại gia đình họ Nguyễn này đã và đang kế thừa truyền thống gia đình làm khoa học.
GS Hoàng Tụy[6] cũng có những chia sẻ tương tự về gia đình, rằng ông chịu nhiều ảnh hưởng từ anh trai Hoàng Dư và Hoàng Phê. Với anh Hoàng Dư, ông học được tinh thần chống Pháp, không chịu luồn cúi, còn anh Hoàng Phê là tấm gương sáng về tự học. Sinh ra và lớn lên trong dòng họ có truyền thống yêu nước và hiếu học, là hậu duệ của Tổng đốc thành Hà Nội Hoàng Diệu[7], anh em GS Hoàng Tụy đã noi gương các bậc cha anh, nỗ lực phấn đấu và phát huy được danh tiếng một dòng họ lâu đời của mảnh đất Quảng Nam.
Trong những tấm gương “cả nhà làm khoa học”, không thể không kể đến gia đình nhà giáo Dương Quảng Hàm. GS Dương Quảng Hàm sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học. Anh trai cả là Dương Bá Trạc, một trong những người sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, em trai là Dương Tụ Quán, họ đều là những danh sĩ có tiếng tăm. Bản thân ông, ngoài công việc giảng dạy, rồi sau là Hiệu trưởng đầu tiên trường Chu Văn An ở Hà Nội (chính là trường Bưởi danh tiếng), ông còn viết sách giáo khoa văn học và sử học cho nhà trường và để lại cho hậu thế những cuốn sách có giá trị nghiên cứu như Việt Nam văn học sử yếu (1941), Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942).
Các con của GS Dương Quảng Hàm trong lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông,1998
(từ trái, hàng đầu: GS Dương Trọng Bái, GS Dương Thị Thoa, bà Dương Thị Ngân, GS Dương Thị Cương;
hàng sau: ông Dương Tự Minh, bà Dương Thị Duyên, ông Dương Đại Hồng)
Đặc biệt, ba trong số tám người con của ông đều là những nhà khoa học danh tiếng, có nhiều đóng góp cho nền khoa học nước nhà. Đó là Nhà giáo nhân dân, nhà vật lý học, Anh hùng lao động Dương Trọng Bái, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội (1976-1980). Đó là GS Dương Thị Thoa (Lê Thi), nguyên Viện trưởng Viện Triết học, rồi Viện trưởng Viện Nghiên cứu về giới, và GS Dương Thị Cương – người từng giành giải thưởng Kovalevskaya, nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ sản trung ương). Qua tiếp xúc, làm việc với GS Dương Thị Thoa và mở rộng nghiên cứu GS Dương Trọng Bái (thông qua con trai ông), chúng tôi lĩnh hội sâu sắc rằng truyền thống yêu nước cùng sự tự tôn truyền thống gia đình và danh dự dòng họ đã trở thành giáo lý trong gia đình họ Dương này, và đó chính là điểm tựa cho mọi thành viên gia đình cống hiến hết mình cho khoa học, cho xã hội, đồng thời làm rạng danh truyền thống gia đình. Cũng thông qua sự giới thiệu trực tiếp của GS Lê Thi (Dương Thị Thoa), chúng tôi đã tiếp cận đặt vấn đề nghiên cứu TTND.GS. AHLĐ Vũ Văn Đính, nguyên Trưởng khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội – chồng của cố GS Dương Thị Cương. Về hai vợ chồng nhà y học có nhiều đóng góp này, Trung tâm sẽ tiếp tục khai thác, nghiên cứu cuộc đời và những công trình khoa học mà họ đã cống hiến cho y học.
Chúng tôi tin rằng tiếp cận nghiên cứu những nhà khoa học và những mối quan hệ thân tộc giữa họ sẽ là một chủ đề hấp dẫn để khai thác tiếp trong thời gian tới. Đó là công việc không ít khó khăn nhưng đầy ý nghĩa mà chúng tôi kiên trì thực hiện.
Tự hào về thầy, rạng rỡ về trò
Trong hành trình tác nghiệp, đến nay Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận đặt vấn đề nghiên cứu hàng ngàn nhà khoa học. Một trong những thu hoạch mang ý nghĩa giáo dục cao đối với các nghiên cứu viên, đó là tình thầy – trò sâu đậm đã đọng lại trong tâm khảm của nhiều nhà khoa học.
Như GS.TS Nguyễn Khánh Trạch[8] nhớ về người thầy tôn kính của mình: “Có thể nói, GS Đặng Văn Chung đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Về mặt kiến thức, Giáo sư không thể truyền hết được kiến thức (vì kiến thức rộng mênh mông lắm), nhưng Giáo sư để lại cho chúng tôi phương pháp và những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp”[9].
Tự hào vì may mắn được làm việc dưới sự chỉ dẫn nghiêm ngặt của thầy Chung, học trò Nguyễn Khánh Trạch từng chia sẻ: “Theo thầy chỉ dạy, phương pháp trong chuyên môn là không bao giờ được chủ quan tin vào cảm tính, nhận xét sơ sài, mà phải đi đến tận cùng của hiện tượng, phải xác định chắc chắn rồi mới đi đến chẩn đoán và điều trị, đó là nguyên tắc bất di bất dịch mà tôi học được từ thầy Chung. Về mặt sư phạm, GS Đặng Văn Chung cũng là người thầy rất tuyệt vời. Đến năm thứ 2 chúng tôi đã đi thực tập ở bệnh viện. Thời kỳ đó thầy thuốc còn ít lắm. Lớp các anh, các chị khóa trước, như anh Vũ Văn Đính, chị Nguyễn Thị Trúc, chị Dương Thị Cương giúp kèm cặp lớp sau như chúng tôi. Khi tốt nghiệp, được giữ lại làm giảng viên, tôi rất nhớ đã phải chuẩn bị bài giảng cẩn thận, rồi giảng thử theo yêu cầu rất quy củ và nghiêm ngặt trong đào tạo của thầy Chung. Trước khi được lên bục giảng cho sinh viên, chúng tôi phải giảng thử trước các giáo sư, các thầy và các anh em đồng nghiệp. Giảng không đạt thì phải sửa lại chỉn chu từ bài giảng đến tác phong sư phạm. Giảng đến khi nào đạt thì thầy Chung mới cho phép giảng cho sinh viên”[10]. Về nguyên tắc đạo đức đối với bệnh nhân, GS Chung luôn căn dặn: chúng ta có chữa được cho bệnh nhân hay không là một việc, nhưng ít nhất mình đừng làm cho bệnh nhân đau đớn thêm. Đó là tình thương, trách nhiệm của thầy đối với người bệnh, dù giàu hay nghèo, người thân hay sơ, khi đã đến với thầy thuốc Đặng Văn Chung, ông đều ưu ái và chữa trị tận tình bằng cả tấm lòng và tài năng chuyên môn uyên bác.
Tuy về bộ môn công tác khá muộn, không có nhiều kiến thức chuyên môn Nội, nhưng nhờ chăm chỉ cần cù, làm việc đến nơi đến chốn (đặc biệt khi theo dõi việc mổ tử thi) mà học trò Nguyễn Khánh Trạch được thầy Chung chú ý và tin tưởng truyền dạy. Đến nay, GS Nguyễn Khánh Trạch vẫn rất ngưỡng mộ: ”Thầy Chung là người rất giỏi về mổ tử thi, ngay cả những trường hợp Giáo sư không dự mổ tử thi, nhưng ông có thể biết được chất lượng qua báo cáo, vì vậy báo cáo không đúng là “chết” với thầy”[11].
Có thể nói, cặp thầy trò Đặng Văn Chung – Nguyễn Khánh Trạch đã trở thành nổi tiếng trong chuyên ngành Nội khoa ở Bệnh viện Bạch Mai. Thần tượng thầy, học theo thầy, được thầy tận tình chỉ bảo, truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm và cả tinh thần, đạo đức làm việc, và trò đã trưởng thành, kế tục thầy, được “nhiều anh em đồng khóa, đồng nghiệp nhận xét rằng mình có nhiều nét giống cụ Chung trong phong cách làm việc”[12], GS Nguyễn Khánh Trạch thường nhắc đến nhận xét này với niềm hãnh diện và tự hào.
Trong nghiên cứu về chuyên ngành triết học, chúng tôi may mắn khai thác được những thông tin quý về tình thầy trò ở một sắc thái khác. Thầy – GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn[13] và trò – PGS.TS Phạm Văn Đức[14].
Phạm Văn Đức là sinh viên trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, chuyên ngành Triết học, khóa 1977-1982. Có lẽ là sự may mắn khi sinh viên Phạm Văn Đức được thầy Nguyễn Trọng Chuẩn hướng dẫn khóa luận, bởi thầy Chuẩn đã từng tốt nghiệp khoa Triết học tại trường đại học danh tiếng – trường ĐH quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. Ngay sau khi tốt nghiệp, Phạm Văn Đức trở thành đồng nghiệp của thầy Chuẩn tại Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Qua 10 năm công tác, phấn đấu, Phạm Văn Đức được làm nghiên cứu sinh tại Viện Triết học, và thầy Chuẩn – Viện trưởng Viện Triết học thời kỳ đó lại là thầy hướng dẫn khoa học cho đề tài luận án PTS:“Sự kế thừa và phát triển trong quá trình nhận thức phạm trù “quy luật”. Vậy là, Phạm Văn Đức được thầy Nguyễn Trọng Chuẩn trực tiếp hướng dẫn hai công trình học vấn trong cuộc đời. Là học trò vinh dự được kế nhiệm Viện trưởng Viện Triết học sau thầy Chuẩn từ năm 2006, PGS.TS Phạm Văn Đức thật sự may mắn được thầy Chuẩn hướng dẫn, đào tạo bài bản. Từ bản khóa luận tốt nghiệp đại học được thầy chỉnh sửa rất kỹ cả từ học thuật đến chữ nghĩa văn phong, tiếp sau là luận án phó tiến sĩ, đặc biệt là những năm tháng được làm việc, là đồng nghiệp của thầy, đó chính là môi trường học, trải nghiệm quý giá. Thầy không chỉ truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, mà thầy còn là tấm gương về phong cách làm việc khoa học, không ngừng học tập, và ở thầy còn thể hiện một tấm lòng vì thế hệ trẻ, một nhà quản lý bản lĩnh và công minh. Tháng 6-2014, PGS.TS Phạm Văn Đức được bổ nhiệm là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đó là sự ghi nhận những nỗ lực vươn lên trên con đường công tác, nghiên cứu của cá nhân ông, đồng thời còn là niềm tự hào của những người thầy đã dìu dắt, đào tạo ông, đặc biệt là GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn.
Nhớ lại hai lần trực tiếp hướng dẫn cho học trò Phạm Văn Đức, GS Nguyễn Trọng Chuẩn thổ lộ: “Tôi đã hướng dẫn nhiều, khoảng 30 nghiên cứu sinh, nhưng tôi rất ấn tượng với trường hợp Phạm Văn Đức, vì thầy trò tôi có một quá trình được cùng nhau trao đổi về một chuyên ngành khoa học không dễ này. Ngay từ năm thứ hai đại học, thầy trò đã xác định, chuẩn bị cho đề tài tốt nghiệp. Hướng dẫn khóa luận đại học, rồi luận án phó tiến sĩ[15] (thời đó chưa có hệ Cao học), tôi thấy đây là một học trò thông minh, ham học hỏi, thể hiện một tư chất nghiên cứu đầy triển vọng”[16]. Theo GS Nguyễn Trọng Chuẩn, hạnh phúc của người thầy là chứng kiến trò trưởng thành và biết cống hiến, góp sức cho đời, và sẽ càng tự hào khi trò thành công và phát triển hơn thầy.
* *
*
Còn nhiều trường hợp điển hình khác mà chúng tôi chưa có dịp đề cập trong phạm vi bài viết này. Tuy nhiên, với nội dung trên cũng đã phần nào phác họa nên những mối quan hệ thú vị đầy ý nghĩa ở nhiều nhà khoa học, mà như PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam từng nói, đó là một “ma trận” với các mối quan hệ chằng chịt, theo chiều dọc, ngang hay theo các quan hệ xã hội, nhất là về thân tộc, thích tộc của các nhà khoa học. Ở họ mỗi người một vẻ, nhưng tựu trung lại, họ đều như một sợi chỉ màu góp phần dệt nên tấm thảm đa sắc của nền khoa học Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu những điều thú vị đó.
Mai Phi Nga – Trần Bích Hạnh
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
——————–
[1] Nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[2] Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về giới và gia đình, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai.
[4] Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
[5] Trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, ngày 4-5-2016.
[6] GS Hoàng Tụy là nhà toán học, nguyên Chủ nhiệm khoa Toán lý, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
[7] Hoàng Diệu (1829-1882) là Binh bộ Thượng thư, Hà Ninh Tổng đốc, nổi tiếng với khí tiết khảng khái chống Pháp, tử thủ giữ thành Hà Nội ngay cả khi triều đình Nguyễn đã đầu hàng.
[8] Nguyên Chủ nhiệm khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai.
[9] [10] [11] [12] Xem thêm Di sản ký ức của nhà khoa học, NXB Tri thức, 2012, tập 2, tr. 295 – 300.
[13] GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học (1991 – 2006), thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
[14] PGS.TS Phạm Văn Đức, nguyên Viện trưởng Viện Triết học (2006 – 2014), hiện là Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (từ tháng 6-2014).
[15] Hai tài liệu: khóa luận tốt nghiệp đại học và luận án PTS của PGS.TS Phạm Văn Đức hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Di sản các NKH Việt Nam.
[16] Trao đổi với GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, tháng 9 -2014.