Cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Văn Hiếu cho thấy nhiều điều đáng suy ngẫm về công việc nghiên cứu khoa học cũng như cách vượt qua khó khăn để đạt đến vinh quang.
Theo đuổi con đường khoa học thì cần phải có niềm đam mê
– Xin được chúc mừng Giáo sư với Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016, Giải thưởng danh giá dành cho nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Nhưng như lời một bài hát “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai”, vậy những chông gai của giáo sư là gì khi chọn con đường nghiên cứu khoa học?
– Tôi là con thứ 10 trong một gia đình nghèo có 11 người con. Dù rất vất vả mưu sinh nhưng bố mẹ luôn động viên con cái học hành. Trong số 11 anh chị em của tôi thì có 9 người tốt nghiệp đại học và 2 người học nghề. Có lẽ đó cũng là động lực khiến tôi luôn nỗ lực vượt khó và tự mình vươn lên chứ không trông chờ đòi hỏi ở người khác.
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu
Tất nhiên khó khăn này thì không phải hiếm trong xã hội nhưng thực sự để theo đuổi con đường khoa học thì cần phải có niềm đam mê. Tôi còn nhớ, có những giai đoạn, mình chỉ có biết từ giảng đường đến ký túc xá, học và học, ngoài ra không còn thứ gì xung quanh khiến mình phải quan tâm. Có lẽ hơi cực đoan nhưng đúng là tôi thấy vui và hài lòng vì điều đó.
Đến bây giờ, có nhiều người bạn cùng trang lứa rẽ ngang làm kinh doanh và rất giàu có nhưng họ không có được sự thanh thản, niềm đam mê của một anh giáo truyền cảm hứng cho sinh viên, nghiên cứu sinh. Hay những vui sướng tột cùng khi khám phá chân trời tri thức, mà lúc đó, chỉ cần làm trận bia hơi với bạn bè cũng thấy “đã” làm sao.
– Câu hỏi có lẽ nhiều người đã từng hỏi ông nhưng tôi vẫn tò mò muốn biết, giữa muôn vàn ngành nghề hấp dẫn, kiếm được nhiều tiền, tại sao Giáo sư lại chọn cho mình con đường nghiên cứu khoa học?
– Tôi không biết nói như thế nào… (Bật cười). Có lẽ cũng do hoàn cảnh. Nhà quá nghèo, lúc đi học, tôi chỉ biết chọn ngành nào được học bổng, được chu cấp chỗ ăn chỗ ở để giảm gánh nặng cho cha mẹ, thế là chọn thôi.
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu trong phòng thí nghiệm
Thế nên dù tốt nghiệp khoa Hóa, ĐH Tổng hợp Huế nhưng tôi vẫn chọn học cao học ở Viện Khoa học Vật liệu – Trung tâm quốc tế đào tạo về Khoa học vật liệu ĐH Bách khoa, vì thời đó, chỉ duy nhất đơn vị này có học bổng và cho học viên chỗ ăn ở tại ký túc xá.
– Tôi được biết, Giáo sư đã làm nghiên cứu sinh tại khoa Kỹ thuật Điện tử, ĐH Twente, Hà Lan. Thời gian đó, Giáo sư đã nhận được nhiều lời mời ở lại nhưng vẫn chọn con đường trở về công hiến cho khoa học nước nhà? Lý do của sự lựa chọn đó là gì, thưa Giáo sư?
– Khi ở Hà Lan, tôi từng đấu tranh tư tưởng là về hay ở lại. Nhưng các thầy hướng dẫn của tôi ở bên đó lại khuyên tôi nên trở về để đóng góp cho nền khoa học nước nhà. Hồi mới về, cuộc sống của tôi và gia đình rất vất vả. Tôi vừa phải dạy học, vừa đi làm công ty để kiếm tiền. Thực ra, trong thời gian ở nước ngoài, tôi cũng tích lũy được một ít tiền, đủ để “trụ” được vài ba năm.
Quỹ Khoa học Công nghệ quốc gia – cứu cánh của rất nhiều nhà khoa học
– Và rồi Giáo sư có hối hận?
– Không bao giờ. Tôi đã thấy mình rất sáng suốt với quyết định này. Tất nhiên, tôi cũng loay hoay trước cơn bão “cơm áo gạo tiền”, phải mất 5 năm, không “xin” được một đề tài nào. Thậm chí thời gian đầu tôi đã bỏ ra làm doanh nghiệp với mức lượng 60 triệu đồng/tháng nhưng rồi, nỗi nhớ nghề, nhớ phòng thí nghiệm khiến tôi cứ day dứt không yên.
Đang lúc nản lòng lắm thì năm 2009, Quỹ Khoa học Công nghệ quốc gia (Nafosted) ra đời. Đó là cứu cánh của rất nhiều nhà khoa học, chúng tôi đã thực sự được sống với nghề…
Lúc đó, tôi đã được làm chủ nhiệm một đề tài, với mức thù lao khoảng 17 triệu đồng/tháng. Cộng thêm với lương nhà trường trả nữa nên tôi quyết định nghỉ làm công ty để chuyên tâm làm khoa học.
– Giáo sư có thể nói qua về công trình được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016? Nó có ý nghĩa như thế nào đối với khoa học và thực tiễn đời sống?
– Công trình tôi tham dự Giải thưởng Tạ Quang Bửu có tên gọi: “Thiết kế chế tạo cấu trúc nano thứ cấp SnO2/ZnO nhằm tăng cường khả năng nhạy khí hơi cồn”. Công trình được đăng ký trên tạp chí “Sensors and Actuators B” là một tạp chí thuộc lĩnh vực Vật lý và Thiên văn học, với chuyên ngành Thiết bị đo đạc, được xuất bản bởi nhà xuất bản uy tín Elsevier của Hà Lan.
Theo số liệu cập nhật trên Google Scholar, công trình tham gia xét thưởng được trích dẫn khoảng 15 lần trích dẫn hằng năm.
Nhóm nghiên cứu của tôi đã thiết kế chế tạo cấu trúc nano rẽ nhánh SnO2/ZnO trên cơ sở dây nano SnO2 lõi và thanh nano ZnO nhánh nhằm tăng cường tính chất nhạy khí với hơi cồn. Nghiên cứu này có thể ứng dụng trong chuẩn đoán bệnh qua phân tích hơi thở. Đây là một hướng nghiên cứu đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học.
Trên ý tưởng này, hàng loạt các công trình công bố sau này của các đồng nghiệp trên thế giới đã phát triển các cấu trúc dị thể khác nhau để ứng dụng cho cảm biến khí.
Hơn thế, việc chế tạo được nhiều cấu trúc nano thứ cấp mới sẽ mở rộng được khả năng ứng dụng của các cấu trúc nano một chiều truyền thống, không chỉ ở lĩnh vực cảm biến khí mà còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác như lĩnh vực linh kiện điện tử nano, pin năng lượng…
Đặc biệt, công trình này được thực hiện hoàn toàn bằng nội lực của nhóm nghiên cứu mà không cần các đóng góp hoặc phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.
– Giáo sư có thể nhắn nhủ gì với những bạn trẻ đã và đang tiếp bước trên con đường nghiên cứu khoa học?
– Đúng là tôi may mắn vì có những người thầy giỏi và tốt, nhưng con đường mà tôi đã trải qua đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân rất nhiều, giống như hầu hết các đồng nghiệp cùng trang lứa và các bạn trẻ bây giờ.
Từ đó tôi chiêm nghiệm một điều, mình cứ làm thật tốt công việc của mình đi, rồi sẽ được thành quả xứng đáng. Các bạn trẻ từ nước ngoài về mà cứ đòi hỏi nhà nước phải thế này, nhà nước phải thế kia các bạn mới làm việc được thì sẽ chẳng bao giờ các bạn làm được gì trong bối cảnh đất nước hiện nay.
– Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ đầy nhiệt huyết của Giáo sư!
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1972, hiện là tác giả và đồng tác giả của 130 công trình khoa học, 85 bài báo trên các tạp chí ISI, trong đó có 22 bài báo được trích dẫn quốc tế 22 lần.
GS.TS Nguyễn Văn Hiếu là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu như Nghiên cứu chế tạo một số loại linh kiện điện tử và cảm biến trên cơ sở dây nano ôxít kim loại bán dẫn, Nghiên cứu chế tạo một số cảm biến khí và sinh học trên cơ sở vật liệu có cấu trúc nano kết hợp công nghệ vi cơ điện tử, Đề tài nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng”.
Năm 2010, GS.TS Nguyễn Văn Hiếu nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ có kết quả NCKH xuất sắc năm 2010 của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Năm 2015, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu giáo sư, học vị cao quý và hiện đang là giáo sư trẻ nhất Việt Nam.
Liên Cơ