GS. TSKH. Nguyễn Quang Hồng
Một trong những điểm đáng chú ý trong công trình của Giáo sư Nguyễn Quang Hồng là việc đưa thành công chữ Nôm Việt lên bàn phím máy tính. Nhân dịp này, Tạp chí GTVT đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Quang Hồng để tìm hiểu thêm về quá trình này.
Xin Giáo sư hãy chia sẻ cảm nghĩ khi biết công trình của mình được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà Nước về KH&CN đợt V?
GS Nguyễn Quang Hồng: Tôi chắc rằng mình cũng như nhiều nhà khoa học khác nghiên cứu vì niềm say mê chứ không đặt nặng vấn đề thành tích, giải thưởng. Tôi nghĩ nếu làm khoa học mà cứ chăm chăm nghĩ đến giải thưởng thì chưa chắc đã đạt được điều gì xứng đáng với giải thưởng ấy. Làm khoa học là phải toàn tâm toàn ý, giải thưởng chỉ là một cách để ghi nhận. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta phủ nhận ý nghĩa to lớn của giải thưởng này. Khi biết cụm công trình của mình đã trải qua 4 vòng xét duyệt với số phiếu tán thành tuyệt đối, tôi vô cùng ngạc nhiên và xúc động. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Hội đồng cấp Nhà nước và các nhà khoa học đã ghi nhận công phu nghiên cứu của tôi trong suốt 18 năm qua.
Giáo sư có thể khái quát những thành tựu nổi bật trong công trình của mình?
GS Nguyễn Quang Hồng: Công trình của tôi dành cho việc nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện về những vấn đề chủ yếu đặt ra khi đi vào tìm hiểu chữ viết cổ truyền của các dân tộc Việt Nam, mà trọng tâm là chữ Nôm của người Việt.
Chữ Nôm Việt và các văn tự theo hình mẫu chữ Hán khác ở Việt Nam đã được nhiều học giả trong nước và thế giới quan tâm, nghiên cứu từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên có một chuyên luận nghiên cứu về văn tự học chữ Nôm một cách toàn diện, có hệ thống và sâu sắc. Công trình này là công trình đầu tiên đưa ra minh chứng về khởi nguồn và khởi điểm hình thành của hệ thống chữ Nôm Việt dựa trên một quan điểm hoàn toàn mới. Bên cạnh đó, tôi còn đề xuất sự cần thiết trong việc phân biệt “cấu trúc chức năng và cấu trúc hình thể”, “cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu” trong cấu tạo chữ Nôm; cung cấp một bảng phân loại cấu trúc chữ Nôm Việt bao quát và sát với thực tế hơn những nghiên cứu đã có trước đây, với 3 tiểu loại: hội âm đẳng lập, hội ý chính phụ và chữ đơn giảm nét, điều mà trước đây chưa nghiên cứu nào phản ánh được.
Đặc biệt, tôi đã chỉ rõ sự tương đồng và đưa ra phát hiện mới về sự khác biệt đặc trưng giữa chữ Nôm và chữ Hán, qua đó chứng tỏ chữ Nôm không chỉ mô phỏng chữ Hán mà còn có sự sáng tạo riêng của nó. Cụ thể, trong chữ Hán không hề có một chữ “hội âm” nào và văn tự học chữ Hán cũng chưa hề có khái niệm “hội âm”, trong khi đó chữ Nôm có một bộ phận hội âm. Sự phát hiện mới mẻ này khi được công bố đã khiến các học giả quốc tế rất ngạc nhiên.
Không dừng lại ở đó, trong chuyên luận này, lần đầu tiên vấn đề chữ Nôm Việt hội nhập với khu vực và thế giới đã được đề cập. Tôi và những đồng nghiệp của mình đã dành 12 năm để xác lập các mã Unicode cho chữ Nôm, từ đó đưa chữ Nôm lên bàn phím máy tính, giúp người dùng máy tính có thể gõ chữ Nôm trên máy tính giống như gõ chữ Hán, chữ Hàn.
Việc đưa thành công chữ Nôm lên bàn phím máy tính có ý nghĩa như thế nào, thưa Giáo sư?
GS Nguyễn Quang Hồng: Việc đưa thành công chữ Nôm lên bàn phím máy tính đã cho nó một vị trí xứng đáng trong lịch sử, đồng thời góp phần quan trọng trong việc khai thông giao lưu quốc tế và đưa chữ Nôm xích lại gần với thế hệ trẻ.
Mặt khác, bộ mã Unicode này sẽ giúp các học giả, nhà nghiên cứu về chữ Nôm đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nếu như trước đây chữ Nôm phải viết bằng tay, vừa tốn thời gian lại dễ xảy ra sai xót thì nay, bộ mã Unicode này đã khắc phục được những hạn chế đó. Nhờ bộ mã Unicode này mà công trình nghiên cứu dày 2.400 trang của tôi chỉ mất 6 năm để hoàn thành công đoạn viết sách, chứ nếu viết tay chữ Nôm thì không biết bao giờ mới xong.
Giáo sư đánh giá như thế nào về ý kiến nên đưa chữ Hán, chữ Nôm thành bộ môn riêng vào giảng dạy trong nhà trường?
GS Nguyễn Quang Hồng: Theo tôi, việc đưa chữ Hán, chữ Nôm thành bộ môn riêng để giảng dạy trong nhà trường là không cần thiết, hơn nữa nó làm gia tăng thêm gánh nặng cho chương trình học vốn đã quá nặng của các em. Thay vào đó, chúng ta nên bổ sung thêm phần nguyên văn chữ Hán, chữ Nôm của một bài thơ, bài văn trong sách giáo khoa vào bên cạnh phần phiên âm, dịch nghĩa; hoặc có phần chú thích nguyên văn chữ Hán, chữ Nôm bên cạnh một số từ nào đó để các em bước đầu ấn tượng với mặt chữ Hán, Nôm. Việc đưa chữ Hán, Nôm vào sách giáo khoa giờ đơn giản hơn rồi nhờ có bộ mã Unicode. Học sinh nào muốn tiếp cận gần gũi hơn với chữ Hán, Nôm thì chỉ cần mở máy tính ra, dùng bộ mã Unicode là có thể gõ được chữ và tra cứu nghĩa trên mạng.
Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!
GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nguyên Chủ tịch hội Ngôn ngữ học Việt Nam là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngôn ngữ học và nghiên cứu Hán Nôm.
Ông là tác giả của những công trình nghiên cứu đồ sộ như: “Khái luận văn tự học chữ Nôm” (2008), “Âm tiết và loại hình ngôn ngữ” (2012) và gần đây nhất là bộ “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” dày tới 2.323 trang, sưu tập và dẫn giải hơn 9.450 hình chữ Nôm khác nhau, trong đó có gần 3.000 chữ Nôm tự tạo chưa hề có mặt trong các tự điển khác.
Cuốn chuyên luận “Khái luận văn tự học chữ Nôm” đã giành được giải thưởng J. Balaban của Hội Bảo tồn Di sản Chữ Nôm (Hoa Kỳ) vào năm 2009 và là 1 trong 7 công trình xuất sắc được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đợt V.
PHƯƠNG VŨ
Nguồn:www.tapchigiaothong.vn/gap-vi-giao-su-dua-thanh-cong-chu-nom-viet-len-ban-phim-may-tinh-d31327.html