Biến khó thành dễ, biến phức tạp thành đơn giản
Nhà giáo Nhân dân Vũ Đình Lai là một trong những người có nhiều cống hiến cho ngành Cơ học, nhất là trong phân môn Sức bền vật liệu, trường Đại học Giao thông vận tải. Hơn nửa thế kỷ giảng dạy và nghiên cứu, thầy đã dành tuổi trẻ, tình yêu và nhiệt huyết của mình cho môn học này cùng nhiều thế hệ sinh viên.
GS.TS.NGND Vũ Đình Lai
Năm 1946, Vũ Đình Lai tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học (theo hệ thống giáo dục của Pháp) tại trường Bonnal, Hải Phòng. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng gia đình tản cư về Thái Bình và theo học tại trường Quang Trung năm 1948. Sau đó ông thi đỗ vào trường Nguyễn Khuyến của Nam Định đang tản cư ở Ninh Bình. Năm 1950, Vũ Đình Lai xin vào học tại trường Nguyễn Thượng Hiền (Thanh Hóa), cuối năm ông được cấp bằng tú tài và dạy học tại một trường học ở xã Huy Toán, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Cuối 1951 Vũ Đình Lai trúng tuyển vào ban Toán – lý, trường Đại học Khoa học cơ bản. Sau đó được đưa sang học ở Quế Lâm, Trung Quốc. Năm 1953, Vũ Đình Lai tốt nghiệp đại học, về nước ông được phân công tác tại Bộ Giao thông và được giao nhiệm vụ tham gia khôi phục tuyến đường bộ tại Tây Bắc, cùng tuyến đường sắt Mục Nam Quan – Yên Viên, Gia Lâm, Văn Điển, Hà Nội – Lào Cai.
Năm 1955, trường Cao đẳng Giao thông công chính chuyển từ Ninh Bình về Hà Nội xây dựng lại cơ sở mới tại Cầu Giấy, Vũ Đình Lai được điều về làm giảng viên dạy môn trắc đạc. Năm 1962, trường Đại học Giao thông vận tải được thành lập trên cơ sở Ban Xây dựng trường Đại học Giao thông Vận tải[1] và đào tạo hai chuyên ngành chính là Công trình và Cơ khí. Ông Vũ Đình Lai khi đó được phân về khoa Công trình và giảng dạy môn học hoàn toàn mới so với kiến thức của mình – môn sức bền vật liệu. Giảng viên Vũ Đình Lai gắn bó với môn học này kể từ đó đến nay.
Những năm 60 của thế kỷ trước, sức bền vật liệu là môn học mới chưa có giáo trình bằng tiếng Việt. Để giảng dạy môn học này, giảng viên Vũ Đình Lai phải tham khảo và cập nhật kiến thức thông qua sách, báo, tạp chí của Liên Xô, Pháp và cố gắng tìm ra phương pháp tối ưu để truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Ông nhận thấy, các nhà khoa học trên thế giới khi phát hiện ra vấn đề mới thì thường giải thích dài dòng và khó hiểu. Qua thời gian, những vấn đề này được tác giả hoặc người đọc tóm lại thành nguyên lý cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu hơn. Ông thấy rằng trong giảng dạy cũng vậy, ban đầu sẽ khó khăn nhưng cần phải “biến khó thành dễ, biến khó hiểu thành dễ hiểu, biến phức tạp thành đơn giản”. Để làm được điều đó, ông trực tiếp ra công trường tìm hiểu rồi lấy những kết quả thực tế làm ví dụ giải thích cho học trò. Hay khi giảng đến những vật liệu khó như composite, sợi thủy tinh, ông lặn lội tìm kiếm bằng được những vật liệu ấy để sinh viên mục sở thị ngay trên lớp. Ông cũng tự tay làm những mô hình thí nghiệm từ những vật liệu đơn giản như xốp, hộp đựng thức ăn… để bài giảng trở nên phong phú hơn.
Giáo cụ trực quan do GS Vũ Đình Lai sưu tầm hoặc tự chế tạo.
Từ trái: nhựa composite, mô hình dầm, dụng cụ đo sức căng bề mặt
Không được đào tạo bài bản về kỹ năng sư phạm, nhưng những bài giảng của ông luôn có sức hút kỳ lạ. Phó giáo sư Nguyễn Văn Bính chia sẻ: GS Lai là bậc thầy phù phép biến môn học sức bền vật liệu khô khan, khó học thành môn học dễ hiểu, dễ học. Dáng người nhỏ bé nhưng thầy cứ thoăn thoắt đi, nói và thực hành luôn trên bục giảng khiến học trò không thể rời mắt khỏi thầy[2].
Làm thầy phải tìm và đào tạo được trò giỏi
Trong quá trình đào tạo thế hệ giảng viên kế cận, GS Vũ Đình Lai luôn chú trọng truyền lại kinh nghiệm và phương châm dạy học của mình cho các học trò. Thời kỳ làm Chủ nhiệm bộ môn Sức bền vật liệu, những năm 1968-1988, thầy Vũ Đình Lai nhận thấy cần tổ chức một cuộc thi dành cho tất cả sinh viên của bộ môn Sức bền vật liệu để tuyển chọn sinh viên giỏi. Ý tưởng này của ông nhận được sự ủng hộ của Ban Giám hiệu nhà trường và ông trở thành người tiên phong trong việc tuyển chọn cũng như trực tiếp đào tạo số sinh viên này. Phương pháp đào tạo của ông là truyền đạt những kiến thức cơ bản rồi ra bài tập theo cấp độ từ dễ đến khó, sinh viên nào không theo kịp sẽ bị đánh trượt, những sinh viên giỏi nhất sẽ tiếp tục được bồi dưỡng sau đó giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Năm 1998, Hội Cơ học tổ chức thi Olympic cơ học toàn quốc. Bộ môn Sức bền vật liệu, trường Đại học Giao thông vận tải chọn ra những sinh viên giỏi nhất tham dự cuộc thi và đã giành giải nhất ngay năm đầu tiên. Kể từ đó đến nay, bộ môn Sức bền vật liệu đã 28 lần dự thi Olympic và có 15 lần đạt giải nhất. Có thể nói, GS Vũ Đình Lai là một trong những người đóng góp nhiều công sức nhất làm cho việc đào tạo sinh viên và đội ngũ kế cận giỏi của trường Đại học Giao thông vận tải.
Hiện nay, nhắc tới bộ môn Sức bền vật liệu của trường Đại học Giao thông vận tải, nhiều người thường gọi đó là bộ môn của GS Lai. Phó giáo sư Lương Xuân Bính, hiện là Chủ nhiệm bộ môn Sức bền vật liệu trường Đại học Giao thông vận tải, là một học trò của thầy Vũ Đình Lai, chia sẻ rằng: Anh em trong bộ môn được hưởng nhiều từ “tiếng vang” do thầy tạo ra. Khi tham gia bất kỳ vụ đấu thầu công trình nào, chỉ cần nói rằng ở bộ môn của GS Lai thì lập tức được tin tưởng. Ngoài ra, GS Vũ Đình Lai còn nổi tiếng với nhiều cuốn sách gối đầu giường về chuyên môn sức bền vật liệu như: Sức chịu vật liệu: Dùng cho lớp quản lý công trình và cơ khí năm học 1961-1962, Nxb Đại học Giao thông – Vận tải, 1961; Giáo trình sức chịu vật liệu, Vũ Đình Lai (chủ biên ), Trường ĐH Giao thông vận tải, 1964; Sức bền vật liệu, Vũ Đình Lai (chủ biên), Nxb Giao thông vận tải, 2005; Bài tập sức bền vật liệu, Vũ Đình Lai (chủ biên), Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1976… Những cuốn sách này đều được tái bản nhiều lần.
Cuối năm 1994, thầy Vũ Đình Lai nghỉ hưu nhưng ông vẫn bền bỉ giảng dạy và cống hiến cho bộ môn, chỉ đến khi ông bị tai biến vào năm 2015 mới thôi không đứng lớp. Tuy vậy, ông vẫn hỗ trợ bộ môn trong công tác đào tạo tiến sĩ. Để tri ân những đóng góp của GS Vũ Đình Lai với bộ môn Sức bền vật liệu nói riêng và với trường Đại học Giao thông vận tải nói chung, nhà trường đã dành riêng một phòng làm việc để lưu giữ những tài liệu của ông và đặt tên là “phòng Giáo sư”.
Giáo sư Vũ Đình Lai từng bộc bạch, hơn 50 năm làm thầy, tôi vẫn luôn bám sát với châm ngôn nghề và luôn nỗ lực truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm bản thân có[3]. Những thế hệ học trò của ông hiện đang là giảng viên của trường Đại học Giao thông vận tải như PGS Nguyễn Văn Bính, PGS Lương Xuân Bính… luôn cố gắng học hỏi thầy để trở thành những người thầy mẫu mực dẫn dắt học trò tiếp nối truyền thống dạy và học của nhà trường.
Lê Nhật Minh – Hoàng Thị Kim Phượng
____________________
* GS.TS NGND Vũ Đình Lai, chuyên ngành Cơ học, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Sức bền vật liệu, khoa Cơ học, trường Đại học Giao thông vận tải.
** PGS.TS Nguyễn Văn Bính, chuyên ngành Cơ khí, nguyên Giám đốc Trung tâm máy xây dựng, trường Đại học Giao thông vận tải.
[1] Ban Xây dựng trường Đại học Giao thông Vận tải thành lập năm 1960.
[2] Ghi âm hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Văn Bính, 12-8-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Ghi âm phỏng vấn GS.TS Vũ Đình Lai, 14-12-2017, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.