Giáo sư Phong Lê: Viết như định mệnh, như lẽ sống, như đam mê…

Ấn tượng đầu tiên khi tôi đến nhà GS Phong Lê, đó là sách. La liệt sách, xếp từ gian ngoài vào gian trong, rồi lên cả tầng 2, nơi ông vẫn thường ngồi làm việc. Ông bảo, những cuốn sách trên giá gần nơi ông ngồi làm việc nhiều nhất, là những cuốn mà sách mà ông đang dùng đến, khi nào xong lại chuyển xuống dưới, cứ thế gia sản sách khổng lồ của ông ngày một dày hơn, và những công trình nghiên cứu của ông vẫn cứ lần lượt ra đời.

Tình yêu văn học được vun đắp từ người cha

GS Phong Lê kể, quê ông ở Sơn Trà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, một xã sâu gần mép núi Mồng Gà, xa sông và đường lớn, nên rất heo hút, đời sống cư dân rất nghèo. Bố ông là hương sư (người làm nghề giáo, cố vấn luật lệ trong làng), trước năm 1945 dạy bậc tiểu học ở Thanh Hóa, sau 1945 về dạy ở tỉnh nhà. “Là thầy giáo, nên ông rất có ý thức kèm cặp cho tôi trong học hành; chăm mượn sách báo văn chương cho tôi đọc. Ngoài sách do bố mượn cho, tôi còn đọc đủ loại sách do mình tự tìm lấy bằng cách trao đổi với bạn bè, trong đó kiếm hiệp, trinh thám là loại sách tôi cũng mê không kém Tam Quốc, Đông Chu liệt quốc, Thủy Hử…”, GS. Phong Lê nhớ lại. 

Chịu ảnh hưởng đủ loại sách đến với tuổi thiếu niên, nên Phong Lê đã đam mê viết lách từ khi còn rất sớm. Bắt đầu mô phỏng kiếm hiệp, sau đó là thơ văn lãng mạn, rồi là luận văn về các tác phẩm văn chương mình yêu thích. Học xong phổ thông hệ 9 năm trường cấp ba Phan Đình Phùng, chàng trai trẻ Phong Lê rời quê hương, một mình lên Hà Nội để thi vào khoa Văn Đại học Tổng hợp, khi đó vừa mới thành lập năm 1956, trở thành sinh viên khóa đầu tiên của nhà trường.

Gia đình GS. Phong Lê năm 1977.

GS Phong Lê chia sẻ, cha ông là người có học thức sâu sắc và tầm nhìn xa, ông rất quan tâm đến việc dạy dỗ, động viên con cái nỗ lực học tập. Điều đó có thể thấy được qua bức thư mà cha ông viết cho ông khi ông còn đang theo học Đại học Tổng hợp ở Hà Nội: Trong thư cụ căn dặn: “Tình hình học tập mỗi ngày một khó khăn, con cần cố gắng thêm. Cần đặt kế hoạch ngay từ bây giờ, không nên bỏ một giờ chết. Vì con cũng biết thì giờ nó cứ trôi đi không bao giờ nó quay trở lại. Học bổng cũng rất cần với gia đình ta, nhưng không phải nó quyết định việc học tập của con, nó chi phối một phần nào thôi. Dù thế nào gia đình cũng cố gắng cho con theo học. Vấn đề ấy con đừng lo ngại lắm mà nó chi phối mất việc học tập, mà cũng không nên đặt hy vọng quá nhiều mà thất vọng nhiều. Ta cứ bình tĩnh mà đợi chờ kết quả”.

Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội những năm 1956-1957 vô cùng phức tạp, Phong Lê đã được cha định hướng về vai trò của gia đình quan trọng như thế nào: “Gia đình là nơi ta tu dưỡng duy nhất trên con đường trưởng thành của thanh niên. Tất nhiên có nhiều phút giây khủng hoảng về tinh thần, vì đời không bao giờ nuông chiều người như ý muốn của họ, những phút giây ấy, gia đình là nơi tâm hồn ta tìm chỗ trú ẩn chắc chắn. Những lúc đấu tranh gay go với sinh hoạt hàng ngày, nhất là nơi thành thị, những phút đấu tranh gian khổ với bản thân, gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất để ta mạnh dạn tiến lên, con chưa đọc quyển “Những kẻ khốn nạn” của Victor Hugo, có dịp con nên đọc quyển dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, trong đó con sẽ thấy, ‘Jean Valjiean’, một người vô gia đình, nó khao khát tình yêu gia đình như thế nào. Do đó, mỗi tháng viết thư về nhà, con chớ quên cho thầy biết những diễn biến tư tưởng của con trong tháng nếu có. Thầy khuyên con thế là vì tất nhiên trước thanh niên đương thời kỳ lớn lên có nhiều phút mơ mộng, thường chữ Pháp gọi là ‘baatir des chaateaux en espace’ tức là ‘xây lâu đài trên cát’ rồi thất vọng sinh ra hoang mang, khủng hoảng về tâm hồn, chứ thầy luôn tin tưởng ở sự đấu tranh bản thân của con…”. Qua những dòng thư đầy sự quan tâm và khéo léo giáo dục một thanh niên mới lớn, sống đơn độc ở thành thị của người cha với con trai, chúng ta đều hiểu rằng, cuộc đời của GS Phong Lê được xây dựng trên một nền tảng vững chắc như thế nào. 

Sau 3 năm học tập tại khoa Ngữ văn, năm 1959, Phong Lê tốt nghiệp đại học và được nhận về Viện Văn học vừa mới thành lập, làm việc tại Ban văn học Việt Nam cận hiện đại. Tại đây, ông được làm việc và học hỏi rất nhiều từ các bậc trưởng lão đi trước như Viện trưởng Đặng Thai Mai, Viện phó Hoài Thanh, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan… Từ đó ông trưởng thành nhanh chóng và trở thành cán bộ cốt cán của Viện Văn học. Đến năm 1988, trong cuộc bầu cử Viện trưởng đầu tiên được tổ chức ở Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), Phong Lê được cán bộ Viện tín nhiệm bầu làm Viện trưởng. Ông được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1984 và Giáo sư năm 1991. GS Phong Lê tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, đào tạo nên nhiều thế hệ học trò trong ngành nghiên cứu, phê bình văn học.

Chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam hiện đại

Gần như cả cuộc đời GS Phong Lê đã dành hết tâm huyết cho công tác khoa học và giáo dục. Sau hơn nửa thế kỷ miệt mài tìm tòi, khám phá, ông đã để lại nhiều dấu ấn trên cả ba phương diện: nghiên cứu, phê bình văn học, quản lý khoa học và giảng dạy, đào tạo cán bộ. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu bền bỉ nghiên cứu sâu về văn học Việt Nam hiện đại. Lần theo hành trình sáng tạo của ông, người đọc có thể hình dung ra bức tranh tổng quát về văn học hiện nước nhà xuyên suốt thế kỷ 20, tới những thập niên đầu của thế kỷ 21 cùng những tác giả tiêu biểu thời kỳ lịch sử đó.

Sự nghiệp khoa học về văn học của GS.Phong Lê có thể chia thành 2 thời kỳ. Thời kỳ đầu khoảng 25 năm, từ 1960 đến đầu những năm 80 của thế kỷ 20, ông tìm tòi, thể nghiệm hướng nghiên cứu về tác phẩm, tác giả thuộc thể loại tự sự của văn học Việt Nam trước và sau 1945, theo phương pháp tiếp cận xã hội học văn học mác-xít. Các công trình đáng ghi nhớ của ông trong thời kỳ này là: Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1970 (chuyên luận- 1972); Văn và người (phê bình, tiểu luận, 1976); Văn xuôi Việt Nam trên con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa (chuyên luận, 1980).

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao Huân chương
Lao động hạng Nhất cho Viện Văn học nhân 30 năm thành lập (1959-1989).

Thời kỳ sau, từ giữa những năm 80 trở lại đây, bắt nhịp với sự chuyển động đổi mới của xã hội và đời sống văn học đương đại, GS. Phong Lê mở rộng đối tượng nghiên cứu, bao quát toàn bộ sự vận động của tiến trình văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, trải dài từ đầu thế kỷ XX đến nay. 

Ngay từ những chuyên luận đầu tiên, GS. Phong Lê đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề xây dựng lịch sử văn học với tư cách một bộ môn khoa học. Điều này được khẳng định rõ hơn trong tác phẩm “Văn học Việt Nam hiện đại – Lịch sử và lý luận”. Công trình này được tập hợp từ 7 cuốn sách của ông xuất bản trong thời gian từ năm 1980 đến năm 1997. Qua cuốn sách hơn 700 trang, nhìn từ góc độ lý luận, tác giả đã trình bày một số vấn đề đặt ra trong phương hướng xây dựng một nền văn xuôi Việt Nam hiện thực xã hội chủ nghĩa vốn là một đối tượng rộng lớn, phong phú trong sự phát triển chung của văn học Việt Nam sau 1930. Có thể nói, đây là công trình bao quát được diện mạo văn học Việt Nam thế kỷ 20 trên cả hai bình diện lý luận và thực tiễn…

Bên cạnh những công trình mang tính đánh giá, tổng kết về các vấn đề của lịch sử văn học, GS. Phong Lê dành nhiều tâm sức cho việc nghiên cứu, giới thiệu các gương mặt có đóng góp cho quá trình hiện đại hóa văn học. Như “Văn và người” (1976), “Văn học Việt Nam hiện đại – những chân dung tiêu biểu” (2001). Năm 2006, ông cho ra đời tập chân dung và tiểu luận tiêu biểu “Người trong văn”, giới thiệu hơn 30 gương mặt văn nghệ sỹ và trí thức Việt Nam hiện đại như: Nam Cao, Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan…

GS. Phong Lê chia sẻ, trong số hàng trăm chân dung văn học Việt Nam, ông đặc biệt ấn tượng và tập trung đầu tư sức nghĩ vào 3 tác giả mà ông cho là quan trọng nhất, là Nam Cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nguyễn Du.

GS. Phong Lê kể, trong tất cả các tác giả trước năm 1945, ông tâm đắc với Nam Cao nhất, bởi đây là một nhà văn sống một cách rất nghiêm túc và có những suy nghĩ sâu sắc. Từ 2 tiểu thuyết, 2 áng văn bất hủ của Nam Cao là Chí phèo và Sống mòn, Nam Cao đã khái quát rất giỏi về thân phận những con người. Một là số phận của người nông dân bị tha hóa, thứ 2 là bi kịch của một anh trí thức sống mòn. GS. Phong Lê bảo, ông bị ám ảnh về những thân phận đó, nên những bài viết đầu tiên khi về Viện Văn học của ông là về Nam Cao. Đến năm 1997, ông xuất bản cuốn sách chân dung phác thảo về Nam Cao, và đến 2014 thì hoàn thiện chân dung đó bằng cuốn “Nam Cao, sự nghiệp và chân dung”. “Tôi gắn bó với Nam Cao, bởi qua Nam Cao, tôi chiêm nghiệm được nhiều điều ở đời”, GS. Phong Lê chia sẻ. 

Với Hồ Chí Minh – một danh nhân văn hóa, là người vừa hiện đại hóa, vừa cách mạng hóa. GS. Phong Lê cho biết, ông nghiên cứu sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi Hồ Chí Minh không chỉ là cứu tinh của dân tộc, một anh anh hùng dân tộc, mà còn bởi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ duy nhất của thế kỷ 20 có tư chất văn hóa, bởi ông có 3 tác phẩm để đời. Tác phẩm thứ nhất là “Bản án chế độ thực dân Pháp”, tác phẩm có tầm của một bản án, nhân danh những người bị áp bức trên toàn thế giới nói về chủ nghĩa thực dân. Tác phẩm thứ 2 là “Nhật ký trong tù” – một bức tự họa chân dung về mình cực kỳ xuất sắc, mà qua đó, thể hiện lên chân dung một con người vĩ đại nhưng cũng rất dung dị. Và tác phẩm thứ 3 là bản Tuyên ngôn độc lập – lời tuyên bố mang ý nghĩa lịch sử khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Đến cuối đời gặp Nguyễn Du, GS. Phong Lê chia sẻ, ông nghiên cứu về Nguyễn Du, bởi đó là một danh nhân văn hóa, lại là đồng hương xứ Nghệ. Thêm vào đó, yêu văn học, nên ông đặc biệt yêu cái nghệ thuật ngôn từ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ông bảo, nếu nói văn học là nghệ thuật ngôn từ, thì không có ngôn từ nào mà đẹp, phong phú hơn Truyện Kiều, và đó là lý do vì sao mà sức sống của Truyện Kiều lại bền bỉ như thế, trở thành hồn dân tộc, thành cốt cách dân tộc… .

GS. Phong Lê thừa nhận, ông may mắn khi được làm Viện trưởng Viện Văn học đúng vào thời kỳ đổi mới, mở ra những suy nghĩ mới, những nhận thức mới về tất cả những vấn đề của lịch sử văn học cũ. Ông bảo, cái “được” lớn nhất trong 8 năm ông làm Viện trưởng Viện Văn học, là Viện cùng với các đơn vị như Hội nhà văn, khoa Văn Đại học Tổng hợp, Bộ Văn hóa – Thông tin tổ chức được 25 cuộc hội thảo về các tác giả lớn của văn học hiện đại, giúp cho xã hội nhận thức lại, đánh giá lại về một số nhân vật được cho là “có vấn đề”. Nhiều “án oan”, rồi những nhận thức sai, khắc nghiệt về một số tác giả văn học thời tiền chiến như Tản Đà, Vũ Trọng Phụng… đã được nhìn nhận, đánh giá lại. Đồng thời, có những giá trị được khơi rộng thêm, chẳng hạn như giá trị của Nguyễn Huy Tưởng, của Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… Và quan trọng nhất, là di sản văn học Việt Nam hiện đại phong phú hơn nhiều, sự tiếp nhận của xã hội bên ngoài cũng thông thoáng hơn, công chúng cũng nhìn nhận rộng rãi hơn nhiều, chứ không khô cứng và chật hẹp như trước.

6 may mắn và 3 quên

Tổng kết ngắn gọn về cuộc đời và sự nghiệp của mình, GS Phong Lê nói, ông định vị cuộc đời mình bằng 3 quên: Quên bệnh tật, quên thù giận và quên tuổi tác. Cái quên thứ nhất là quên bệnh tật. Ông bảo: “Đã ở tuổi gần 80, tôi đã vào ‘của tử’ mấy lần rồi, phải chung sống với bệnh tật mấy chục năm rồi, nên tôi không còn sợ nó, nhưng phải quên nó đi, và nghĩ rằng mình không bị bệnh hiểm là được”.

Cái quên thứ 2, là quên hận thù, và không thù giận, bởi đến tuổi này, ông nhận thấy rằng, một cuộc sống tử tế và thân thiện với mọi người, đó là cuộc sống lãi nhất cho đời một con người. Điều này ông đã làm được, và bây giờ ông giải tỏa được hết những chuyện không vui, tinh thần ông rất thoải mái. Nhưng cái quên thứ 3 là quên thời gian, quên tuổi tác thì khó vô cùng. Ông bảo, giờ ông đã gần 80, phải ướm xem mình còn bao nhiêu quỹ thời gian để làm việc có ích – đây chính là cái khó quên nhất. “Bây giờ, với tôi, thời gian là quý nhất, không có gì quý hơn thời gian nữa. Đến bây giờ tôi còn tỉnh táo là đã lãi và trời phù hộ lắm rồi, bởi mình không thể trường sinh mãi được”, GS Phong Lê chia sẻ.

Nói về sự nghiệp của mình, GS Phong Lê tổng kết, trong hành trình sự nghiệp của mình, mặc dù không bằng phẳng, nhưng ông gặp được 6 may mắn.

May mắn thứ nhất của ông, là khi sinh ra, đã có nghề cho mình theo đuổi. Từ một anh học trò xứ Nghệ, được cha hun đúc tình yêu văn chương từ nhỏ, nên ông đã có hứng thú và muốn theo đuổi nghề viết.

Cái may thứ 2 là, năm 1956, ngay khi học hết lớp 9 (tương đương tốt nghiệp THPT hiện nay), lại có ngay một trường Đại học Tổng hợp, và đúng năm đó, có Văn khoa tổng hợp ra đời để ‘đón’ ông vào học khóa đầu tiên, và ông là thế hệ đầu tiên của Văn khoa tổng hợp khi đó.

Cái may thứ 3 là đến năm 1959, năm ông tốt nghiệp đại học, thì cũng năm đó, Viện Văn học ra đời, và ông là sinh viên mới ra trường duy nhất được phân công về Viện Văn học để công tác, được làm việc với những nhà khoa học sáng giá nhất như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy, Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại, Hoàng Ngọc Phách… đó là địa chỉ không thể ao ước được hơn. Và trong bầu khí quyển đó, từ năm 1959, theo sự trưởng thành của Viện Văn học, bản thân ông cũng trưởng thành theo, từ thực tập nghiên cứu, đến trợ lý nghiên cứu, nghiên cứu viên, sau được tham gia vào Hội đồng khoa học, làm Trưởng ban Văn học hiện đại.

May mắn thứ 4 là trong suốt tiến trình hình thành và phát triển, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, vào năm 1988, Viện Văn học có một cuộc bầu cử viện trưởng, và ông may mắn được anh chị em cán bộ trong viện tín nhiệm, bầu ông lên giữ vị trí đứng đầu một Viện nghiên cứu về Văn học. 8 năm ông làm Viện trưởng Viện Văn học, ông đã làm được rất nhiều việc đáng ghi nhận. Đặc biệt là tổ chức được 25 cuộc hội thảo nhận diện, đánh giá lại một số gương mặt tiêu biểu của văn học thời tiền chiến.

Cái may thứ 5, ông bảo, là ông thôi chức viện trưởng đúng thời điểm. Năm 1995, sau 8 năm giữ chức Viện trưởng, GS Phong Lê rời cương vị, dành toàn bộ thời gian và sức lực cho công tác nghiên cứu. Và hàng loạt công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học quan trọng của ông đã ra đời trong thời gian này. Đặc biệt là hai công trình: Văn học Việt Nam hiện đại – những chân dung tiêu biểu và Một số gương mặt văn chương – học thuật Việt Nam hiện đại”, đều ra đời trong năm 2001, và được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ năm 2005.

May mắn thứ 6, theo ông, đó là niềm hạnh phúc được làm thầy. Thời đó, GS Phong Lê là người duy nhất trong Viện Văn học dấn thân vào nghề dạy. Trước đó, GS Đặng Thai Mai và Hoài Thanh từng là thầy dạy ở Trưởng Đại học Tổng hợp, nhưng khi về Viện làm quản lý, đã không còn dạy học nữa. Ở Viện Văn học thời đó cũng không có ai đi dạy học cả. Riêng ông, từ những năm 80, đã bắt đầu đi dạy ở các trường đại học trên khắp cả nước. Từ những năm 90, ông dạy cao học và tiến sỹ. Ông bảo, với ông, viết và nói đi đôi với nhau, đồng thời với viết nghiên cứu, là những bài giảng, cùng với bài giảng là hướng dẫn, đào tạo 3 bậc, cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Đến nay, những học trò của ông nhiều vô kể, riêng ông đã hướng dẫn cho 16 tiến sỹ, khoảng trên 50 thạc sỹ, cử nhân thì không thể tính được…

Nói về bài học kinh nghiệm cho thành công trong nghề nghiệp của mình, GS. Phong Lê cho rằng, trước hết phải có lòng yêu nghề, chọn đúng sở trưởng và đúng với niềm yêu thích của mình, thêm một chút năng khiếu, có đam mê thì sẽ thành công. Nhưng ông cũng thừa nhận, để có thành công ngày hôm nay, ông đã chịu “què quặt” ở một số mặt, đặc biệt là ở phương diện vui chơi, giải trí. Ông tiếc thời gian vô cùng, nên làm việc không ngừng nghỉ, và như vậy, ông không có thời gian đưa được vợ con đi xem ca nhạc, đi xem đá bóng… nên vợ con ông đã phải hy sinh rất nhiều.

Đến bây giờ, dù đã ở tuổi gần 80, GS. Phong Lê vẫn miệt mài làm việc không ngừng nghỉ. Lúc nào trên bàn ông cũng có hàng chồng sách, những trang bản thảo ông đang viết dở. Ngay thời điểm này, ông có 3 cuốn sách đang nằm chờ ở nhà in. Trong đó, có một cuốn “85 chân dung văn chương Việt”, một cuốn sách viết riêng cho xứ Nghệ, tri ân quê hương ông. Hai cuốn sách này dự kiến sẽ ra mắt trước Tết Nguyên Đán năm Mậu Tuất (2018). Còn cuốn sách thứ 3, là tuyển tập lớn về văn học hiện đại, dày 1.200 trang. GS. Phong Lê cho biết, đây là cuốn sách tập hợp những những gì tinh túy nhất, mà nhìn vào đó, người đọc có thể hiểu một cách tổng quan về văn học hiện đại Việt Nam. Cuốn sách dự kiến đến giữa năm 2018 sẽ ra mắt bạn đọc. “Tôi sẽ còn viết, viết đều, viết nhiều, viết nữa, viết như định mệnh, như lẽ sống, như đam mê. Viết cho đến khi nào không cầm bút được nữa mới thôi!”, GS Phong Lê chia sẻ.

Bên cạnh việc đều đặn cho ra đời những cuốn sách nghiên cứu về văn học,  hiện nay, với cương vị là Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, GS. Phong Lê đang cùng anh em trong Hội nỗ lực tổ chức các hoạt động quan trọng, làm tiền đề chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 200 năm ngày giỗ Đại thi hào Nguyễn Du. Ông bảo, ông làm điều này, trước là cho quê hương, sau là vì sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Bài: Lan Lộc
Ảnh: Lê Phú
Nguồn: https://baotintuc.vn