Giấc mơ khoa học của nữ tiến sĩ Hóa học

39 tuổi, bắt đầu thực hiện giấc mơ khoa học

Năm 1981, tốt nghiệp loại giỏi ngành Hóa Lý, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội nay là Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQGHN, cô cử nhân Phạm Thị Kim Trang tiếp tục ở lại gắn bó với mái trường trong vai trò nghiên cứu viên tại Khoa Sinh học. Những câu chuyện về cuộc đời khoa học của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, của nhà nông học Lương Định Của in đậm trong kí ức tuổi thơ, đã giúp cô tiếp tục gieo mầm ước mơ khoa học của riêng mình. Những tấm gương quên mình vì khoa học của các thầy cô giáo đi trước cũng là ngọn lửa âm ỉ trong lòng cô gái.

Năm 1985, Kim Trang lập gia đình và lần lượt cho ra đời 3 đứa con, gánh nặng gia đình cuốn ước mơ trở thành nhà khoa học của cô cán bộ trẻ Kim Trang đi xa thêm một quãng. Như bao đồng nghiệp khác, cuộc sống khó khăn thời bao cấp buộc cô phải năng động, xông pha vào nhiều công việc dịch vụ khoa học ứng dụng, ngắn ngày.

 

TS. Phạm Thị Kim Trang

Cô đã tranh thủ mọi thời gian để học tập, rèn luyện tiếng Anh, mở rộng kiến thức sang các lĩnh vực khoa học khác như Sinh học phân tử, Hóa phân tích ứng dụng và mơ ước một ngày nào đó sẽ được tập trung vào làm nghiên cứu khoa học cơ bản. Cũng chính nhờ sự lăn lộn trong môi trường khoa học thực tiễn, đa lĩnh vực, cô đã tích góp được nhiều kinh nghiệm có ích cho sự nghiệp nghiên cứu sau này.

Năm 1998, khi cuộc sống gia đình cơ bản ổn định, các con đã lớn, Phạm Thị Kim Trang tiếp tục con đường học tập trong vai trò học viên cao học. Sau khi nhận tấm bằng Thạc sĩ loại giỏi, chị tiếp tục hành trình chinh phục tri thức và trở thành nghiên cứu sinh của Trường ĐHKH Tự nhiên, ĐHQGHN. Chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2006 với đề tài “Nghiên cứu sử dụng các chỉ thị Hoá Sinh để đánh giá mức độ ô nhiễm Asen trong nước giếng khoan và mối tương quan với thâm nhiễm Asen trên người”, chuyên ngành Sinh hóa. Chị chia sẻ, sau tuổi 39 mới là những tháng ngày tôi sống với sự nghiệp khoa học của riêng mình.

Trong một lần phỏng vấn, về mái trường đã chắp cánh giấc mơ khoa học, chị bảo, “tôi là một sản phẩm đào tạo hoàn toàn của Việt Nam. Tôi đã học tập, nghiên cứu và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ tại chính ngôi trường trên một trăm năm tuổi – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN”. Chị bảo : “tôi tâm niệm khoa học sẽ hữu ích khi phục vụ được cộng đồng. Các nghiên cứu khoa học cơ bản thì cần thiết, tốn thời gian và tiền bạc, xong kinh phí cấp cho các đề tài dạng này thường không nhiều. Chúng tôi thường phải thực hiện xen kẽ các đề tài ứng dụng, chuyển giao, để có kinh phí “nuôi” tiếp giấc mơ khoa học”.

Asen – mối lương duyên khoa học

Asen như một mối lương duyên gắn TS. Phạm Thị Kim Trang với những nhà khoa học cùng chí hướng tại CETASD và nước ngoài.

Nhớ lại những năm 2000, dự án hợp tác với Viện khoa học và Công nghệ Nước, Thụy Sĩ, đang cần người phụ trách nhóm nghiên cứu kim loại nặng, chị đã đến xin thầy Phạm Hùng Việt, giám đốc Trung tâm CETASD, cho được tham gia. Cơ hội may mắn đó đã dẫn chị vào con đường nghiên cứu lâu dài với asen.

Chị cùng các đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế đã trải qua nhiều nhọc nhằn, chuyên tâm cùng thực hiện những điều tra, khảo sát nghiên cứu tổng hợp về vấn đề ô nhiễm asen trong nước ngầm tại Việt Nam.

Đó là hiện trạng ô nhiễm trong nước giếng khoan, nguy cơ thâm nhiễm ở người do sử dụng nước chứa asen, giải pháp giảm thiểu sự phơi nhiễm bằng bể lọc cát, tìm hiểu khả năng ứng dụng vi khuẩn để phát hiện ô nhiễm asen, tìm hiểu con đường vận chuyển asen trong nước ngầm và các yếu tố ảnh hưởng do con người gây nên. Hơn 20 bài báo quốc tế về vấn đề asen đã được công bố. Chị đã gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu asen tại CETASD 15 năm qua.

Chị tâm sự, có lẽ chỉ có ở CETASD, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, với sự hỗ trợ rất nhiều từ thầy Phạm Hùng Việt, từ các đồng nghiệp trong và ngoài nước, chị mới có được thành tích hôm nay.

Rồi 5 năm sau đó (năm 2005), các nghiên cứu hợp tác với Thụy Sĩ về Asen đã đưa chị và đồng nghiệp đến với giải Nhất của Tạp chí Khoa học Công nghệ Môi trường của Hoa Kỳ. Giải thưởng như một sự động viên, khích lệ các nhà khoa học tiếp tục tận hiến trên con đường nghiên cứu của mình. Tới năm 2013, bài báo “Cơ chế làm chậm sự di chuyển của Asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene” của tập thể nghiên cứu quốc tế và CETASD đã đăng trên tạp chí Nature.

Đây là niềm vinh dự và tự hào của tập thể tác giả, trong đó có chị Trang với tư cách là người đồng chỉ đạo và thực hiện nghiên cứu. Để có công trình này, nhóm nghiên cứu đã mất 7 năm lăn lộn với thực tiễn, khoan giếng, lấy mẫu, phân tích trong phòng thí nghiệm. Những tháng ngày kiệt lực, lội bùn trong mưa gió, rét mướt trên các cánh đồng, bãi sông, những bữa cơm ăn vội cùng với các bác thợ khoan đã được đền đáp.

Qua 15 năm, với sự hỗ trợ và hợp tác rất hiệu quả của các đồng nghiệp trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bản đồ về nguy cơ và mức độ nhiễm Asen trong nước giếng khoan cũng như đánh giá được mức độ tích lũy Asen trong cơ thể con người. Đó là những bằng chứng để cảnh báo rằng, để phòng tránh các tác hại do asen gây ra thì cần phải loại bỏ Asen trong nước.

Chị Trang cho biết, lịch sử chế độ thủy văn của đồng bằng sông Hồng với hiện tượng lũ lụt xảy ra phổ biến có lẽ là nguyên nhân làm cho asen tăng cao trong nước ngầm tại khu vực này. Thành phần hóa học của lớp trầm tích ở vùng này rất thuận lợi cho việc hình thành môi trường khử và dẫn đến giải phóng Asen từ các khoáng sắt. Nguồn nước ngầm tầng nông ở phía Nam của sông Hồng có mức độ ô nhiễm cao hơn phía Bắc. Vùng Hà Tây cũ, Hà Nam, Nam Định có mật độ giếng bị ô nhiễm nhiều hơn.

Các vùng thuộc Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ nguy cơ ô nhiễm Asen ít hơn. Tuy chỉ với hơn 500 mẫu nước, bản đồ asen tại khu vực đồng bằng sông Hồng đã có những thông tin rất hữu ích cho các nhà khoa học cũng như thực tiễn.

Năm 2015, Tiến sĩ TS. Phạm Thị Kim Trang
vinh dự được nhận giải thưởng của L’Oreal.

Dưới góc độ của nhà khoa học, TS. Phạm Thị Kim Trang khuyến cáo, để có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày, người dân có thể tận dụng nguồn nước mưa hoặc xử lí Asen trong nước ngầm. Ví dụ, thành phần hóa học của nước ngầm tại tỉnh Hà Nam rất thuận lợi cho việc xử lí Asen hiệu quả bằng bể lọc cát thông thường, với chi phí rất rẻ. “Khi có kinh phí nhiều hơn, các địa phương có thể khai thác nước tập trung, với qui mô lớn phục vụ cho cả làng, xã, huyện… ” – TS. Kim Trang tâm tư.

Ô nhiễm nguồn nước ăn uống đã và đang là thảm họa đối với đời sống con người ở các vùng nông thôn nghèo trên thế giới. Ở những nước kém phát triển, hàng triệu người dân đang phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, đặc biệt là nguồn nước ngầm bị nhiễm Asen/ thạch tín. Asen là nguyên tố có độc tính cao và chỉ cần một lượng rất nhỏ cũng có thể gây tác hại cho cơ thể con người nếu hàng ngày đưa vào cơ thể.

“Đa phần nông dân vùng đồng bằng sông Hồng vẫn đang sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là lí do để chúng tôi có những nghiên cứu về hiện trạng, tìm hiểu cơ chế hình thành và các ảnh hưởng do khai thác nước ngầm của con người . Kết quả nghiên cứu của công trình này rất hữu ích cho các nhà quản lí trong nhiệm vụ quy hoạch, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm an toàn và bền vững hơn” – TS. Kim Trang suy tư.

Nói về một số khó khăn cho phụ nữ làm nghiên cứu tại trường đại học, TS. Kim Trang tâm sự: “công việc chính của tôi hiện nay là nghiên cứu khoa học và tham gia hỗ trợ giảng dạy sau đại học. Tôi may mắn có nhiều thời gian tập trung cho nghiên cứu hơn so với các cán bộ giảng dạy. Công việc nghiên cứu đòi hỏi sự liên tục, tập trung cao độ, trong khi việc giảng dạy có thể làm cho quỹ thời gian bị chia nhỏ, khó tập trung. Phụ nữ và nam giới đều có năng lực như nhau trong nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, công việc gia đình đã tiêu tốn nhiều sức lực của phụ nữ. Chúng tôi sẽ tập trung cho công việc hơn khi gia đình riêng ấm no, hạnh phúc. Ham thích của riêng mình đôi khi phải nén lại trong một thời gian, vì chồng con nhưng không thể từ bỏ và không thể không cố gắng nếu ta muốn thành công. Cứ bắt đầu và không bao giờ muộn.”

Năm 2015, Tiến sĩ TS. Phạm Thị Kim Trang vinh dự được nhận giải thưởng của L’Oreal.

GS. Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận xét : “TS. Kim Trang được Hội đồng Khoa học bình chọn cho nghiên cứu đánh giá vấn đề ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm và tác động đến sức khỏe của con người.

Đề tài nghiên cứu của TS. Phạm Thị Kim Trang tập trung nghiên cứu vào thạch tín là nguyên tố có độc tính rất cao, có liên quan tới một số bệnh ung thư và gây nguy cơ tác động xấu tới sức khỏe người dân bị phơi nhiễm thạch tín trong nước ăn uống.

Nghiên cứu của TS. Kim Trang đã góp phần lý giải con đường hình thành thạch tín trong nước ngầm, cho thấy sự có mặt của thạch tín trong các tầng chứa nước Holocen và Pleistocen có thể chịu tác động từ việc khai thác nước ngầm quy mô lớn, đặc biệt là xây dựng được bản đồ ô nhiễm thạch tín trong nước ngầm tầng nông Holocen trong các giếng khoan tại khu vực đồng bằng sông Hồng”.

Được biết, công trình nghiên cứu của TS Phạm Thị Kim Trang đã được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành Quốc tế có uy tín như: Nature, Nature Geoscience… trong 3 năm qua và được đánh giá là có giá trị trong lĩnh vực môi trường với các giải pháp cho thấy bể lọc cát có thể sử dụng để loại bỏ thạch tín trong nước.

Đỗ Ngọc Diệp
Nguồn: www.dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc