Người thầy của lãnh đạo, thành thầy giáo vì muốn làm học trò tốt

GS.TS. Hoàng Ngọc Hòa – Nguyên là Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có hơn 40 năm giảng dạy trong hệ thống trường Đảng.

Chính vì những trăn trở đó mà vị giáo già này luôn nghiêm khắc với chính bản thân và với người học để cuối cùng cả người dạy và người học đều phải đạt được kết quả tốt nhất trong quá trình học tập – nghiên cứu tích lũy kiến thức.

Cơ duyên đến với nghề nhà giáo là do làm tốt vai trò người học

Nhân dịp Ngày Hiến chương các Nhà giáo, chúng tôi có cuộc trò chuyện với vị giáo sư cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, điều đặc biệt, đối tượng học trò của ông là những người đã, đang và sẽ là những cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị Việt Nam.

Chúng tôi gặp ông trong một buổi chiều giữa tháng 11 này tại Hà Nội, ông mở cửa tiếp khách niềm nở. Mở đầu câu chuyện, ông luôn nói rằng “không có gì đáng viết, tất cả chỉ là cái cần thiết đối với công việc giáo dục – đào tạo mà thôi”. Nhưng là ông nói vậy, chứ với chúng tôi, ở ông, là những câu chuyện đặc biệt về con người, sự nghiệp không thể tốt hơn thế.

Giáo sư Hoàng Ngọc Hòa năm nay đã 73 tuổi, quê ông ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, ra Bắc học tập, tiếp đến là làm công tác giảng dạy tại trường trung cấp Hóa chất (Phú Thọ) từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước.

GS. TS. Hoàng Ngọc Hòa trong buổi trò chuyện với phóng viên về cuộc đời dạy học của mình. Ảnh Xuân Trung

Năm 1969 ông được cử đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc 5, sau khi tốt nghiệp, được nhà trường chọn giữ lại làm giảng viên để góp phần đào tạo ra những người cũng làm thầy như mình. Ông nói, cái khó nhất của cuộc đời làm thầy giáo của ông là phải giảng giải cho những người học có trình độ và độ tuổi thậm chí còn cao hơn ông. Cuộc đời như là cơ duyên đưa ông đến với nghề dạy học từ khi ông về trường trung cấp Hóa chất ở Phú Thọ, vào những năm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc rất ác liệt. Tiếp đến là tại Trường Nguyễn Ái Quốc 5, cũng vẫn trong thời kỳ miền Bắc đang phải đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nên Nhà trường phải sơ tán xuống tỉnh Hưng Yên.

Tại đây, ông tham gia đào tạo giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông.

Làm công tác giảng dạy tại Trường Nguyễn Ái Quốc 5 cho tới giữa năm 1978, ông được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), sau khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh, một lần nữa, ông lại được giữ lại làm giảng viên và làm công tác quản lý, cho tới giữa năm 2011 thì nghỉ hưu.

Cũng tại ngôi trường này, năm 1996 ông được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư, năm 2002 được phong hàm Giáo sư.

Sống trong thời kỳ gian khó nhất của cuộc đời làm thầy, ông mới thấy không có gì quý hơn là tình người, tình thầy trò dành cho nhau. Nhiều khi không quá câu nệ ranh giới thầy – trò, mà cao hơn là tình người, tình đồng chí, đồng nghiệp.

Thời kỳ còn ở nơi sơ tán, mỗi lần đến ngày kỷ niệm 20/11 thầy và trò tập trung nhau lại, chủ yếu là vui văn nghệ cùng nhau để mừng ngày kỷ niệm, còn việc tặng hoa hầu như không có.

Hòa bình lập lại, cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, ông về Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc làm nghiên cứu sinh, rồi được chọn giữ lại làm giảng viên.

Quãng thời gian này là lúc mà ông được tiếp xúc với nhiều đối tượng người học khác nhau, đó là những người đã, đang là cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp và sẽ là những cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp ở vị trí cao hơn.

Do vậy, thử thách tiếp theo của người thầy trong thời bình và ở môi trường mới là trau dồi kiến thức, tự học hỏi vươn lên không ngừng để tích lũy và có thể truyền thụ đến người học những tri thức tinh túy nhất. Điều này rất khó vì người học phần đa là có trình độ học vấn cao và đã kinh qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý.

Người thầy không được xuê xoa trong lúc truyền thụ kiến thức

Trong vị thế mới và môi trường mới, ông luôn xác định để hoàn thành nhiệm vụ thì quan hệ giữa người dạy và người học phải làm sao thực hiện cho được: thầy ra thầy, trò ra trò, nhưng quan hệ đó phải luôn được củng cố, phát triển bằng tình đồng chí cùng cộng đồng trách nhiệm.

Do đó, ông đặt ra mục tiêu cho mình trong suốt thời gian làm thầy là: Người thầy phải luôn học tập, rèn luyện không ngừng để nâng cao trình độ, năng lực và đi sâu nghiên cứu khoa học, xâm nhập thực tiễn để đủ sức ngoài việc trang bị kiến thức bổ ích cho người học, còn phải gợi mở cho họ trau dồi phẩm chất, đạo đức, củng cố niềm tin, nuôi dưỡng lý tưởng và cao hơn là hướng dẫn hành động.

Trong thời gian dạy học của mình, Giáo sư Hoàng Ngọc Hòa nhận được nhiều niềm vui bất ngờ. Trong ảnh giáo sư giới thiệu về người học trò cũ của mình. Ảnh Xuân Trung

Vấn đề này rất khó, nhưng không phải không làm được, theo ông muốn làm được điều đó thì bản thân người thầy phải thực sự cầu thị, nghiêm túc học tập, nghiên cứu để tích lũy làm giàu vốn tri thức về môn học của mình và những môn học có liên quan mật thiết để hình thành nên vốn tri thức mang tính thích hợp cao hơn hẳn người học, chứ không được giảng dạy vốn tri thức nông cạn một cách xuê xoa theo kiểu “cơm chấm cơm”.”Việc trang bị kiến thức cho người học không phải là đọc lại giáo trình, mà người dạy phải biết ở chương đó, mục đó, điểm nào là điểm chốt, nó gắn với thực tiễn như thế nào, người thầy phải giảng giải truyền thụ cho người học rõ ràng, khúc chiết điểm chốt đó, để từ việc năm chắc điểm chốt, mà người học đọc hiểu sâu sắc giáo trình và tài liệu học tập, tiếp tục phát triển nhân rộng lên.

Trên cơ sở nắm được chiều sâu kiến thức đó thì mới gợi mở được việc trau dồi phẩm chất, đạo đức, củng cố niềm tin, nuôi dưỡng lý tưởng, cao hơn là hướng dẫn hành động. Vì “lý luận là màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi” và “thực tiễn là cơ sở của nhận thức, tiêu chuẩn của chân lý”, giáo sư Hoàng Ngọc Hòa chia sẻ.

Người thầy muốn làm được điều như trên bắt buộc phải luôn tự học, nâng mình lên và phải tích cực, say sưa nghiên cứu khoa học, gắn lý luận với thực tiễn.

Trong nghiên cứu khoa học phải nắm bắt được những yêu cầu thực tiễn đang đặt ra để nghiên cứu, chứ không xuất phát từ những kiến thức mình đã có.

Nghiên cứu khoa học giúp cho trong những trang sách, bài báo viết ra, những tiết lên lớp đều có dấu ấn thực tiễn đã được nhận thức và kết quả nghiên cứu khoa học được đưa vào thực tiễn cuộc sống.

Cho đến bây giờ mỗi lần nhớ lại từng lớp học viên của mình, giáo sư Hoàng Ngọc Hòa bảo rằng, điều hạnh phúc lớn nhất của một người làm thầy là chứng kiến những lớp học viên của mình được trưởng thành và có những đóng góp thiết thực cho đời sống cộng đồng và đất nước.

Sự nghiệp trồng người là trăm năm, chứ không phải “một sớm, một chiều”, điều này càng nói lên công lao cống hiến tận tâm cho sự nghiệp của những nhà giáo nặng lòng với sự nghiệp “trồng người”.

Cái khó nhất đối với một nhà giáo là truyền thụ kiến thức cho người học như thế nào, để từ đó gợi mở cho họ đổi mới cách nghĩ, cách làm và vận dụng tri thức tích lũy được vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho cộng đồng và đất nước là niềm mong ước và là phần thưởng lớn nhất đối với những người làm thầy ở Trường Đảng như giáo sư Hoàng Ngọc Hòa.

Quãng thời gian công tác từ năm 1969-2011 (42 năm) trong hệ thống giáo dục lý luận của Đảng, giáo sư Hoàng Ngọc Hòa cho biết, kỷ niệm mà cho đến hôm nay có ý nghĩa động viên bản thân nhiều nhất là có những học viên trưởng thành từ gian khó, một lòng vì đất nước.

Người mà giáo sư Hoàng Ngọc Hòa muốn kể tới là ông Nguyễn Bá Thanh, đây là người học viên gương mẫu, nghiêm túc trong học tập, trung thực, quyết liệt và rất sáng tạo trong hành động.

Giáo sư Hoàng Ngọc Hòa kể lại kỷ niệm về người học viên xuất sắc của mình, ông Nguyễn Bá Thanh, từ một học sinh miền Nam tập kết ra Bắc học tập và đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I, sau đó trở về miền Nam góp sức xây dựng quê hương và thăng tiến từ chủ nhiệm hợp tác xã lên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Hòa Vang.

Từ đó được cử vào học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khi còn rất trẻ (năm 1984-1986).

Đây là người học viên mà giáo sư Hoàng Ngọc Hòa gọi là học viên mẫu mực: Học thấm, hiểu sâu – vận dụng sáng tạo – làm việc công tâm, hiệu quả và là một cán bộ trung thành với Đảng và Nhà nước, hết mực tận tụy với Dân…

Nhờ đó ông được Đảng tin, Dân tín, từ cán bộ cấp cơ sở thăng tiến dần cho tới 2 nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, gần 2 nhiệm kỳ Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, rồi Trưởng Ban Nội chính Trung ương, có nhiều đóng góp xứng đáng làm đẹp cho đời và sự phát triển của đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Giáo sư Hoàng Ngọc Hòa rất tự hào về người học viên của mình khi mà những kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập trên đất Bắc và 2 năm học ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, trong đó có phần đóng góp của giáo sư, đã được ông Nguyễn Bá Thanh hiện thực hóa trong thực tiễn đổi mới, xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp trên quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng – Trung Dũng, Kiên Cường.

Cuộc đời giảng dạy trong hệ thống Trường Đảng của giáo sư Hoàng Ngọc Hòa còn có nhiều niềm vui bất ngờ, nhiều học viên không được ông hướng dẫn làm luận văn, luận án, nhưng vẫn nhớ đến ông như một người thầy có tình cảm lớn.

Trong quá trình làm việc của mình, giáo sư Hoàng Ngọc Hòa luôn tâm niệm một triết lý sống cho riêng mình, đó là trong công việc thì “tận tụy hết mức, làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất”; trong cuộc sống thì “nhìn xuống để tự tin, nhìn lên để phấn đấu, nhưng phải nhìn ngang để sống. Nhưng phải luôn cần, kiệm và sống trung thực, bình dị.