GS Mai Kỷ sinh ra ở xứ dừa Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định, trong một gia đình họ Mai có truyền thống hiếu học. Trong 47 năm công tác, GS Mai Kỷ đã trải qua nhiều cương vị khác nhau. Dù ở cương vị công tác nào, GS Mai Kỷ đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp cho sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đóng góp to lớn, hiệu quả cho sự phát triển của ngành Dân số.
Những câu chuyện rất đời
Với Thạc sĩ Nguyễn Văn Tân, phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa Gia đình, người từng có hơn 10 năm gắn bó với GS Mai Kỷ ở vị trí trợ lý, thì sự ra đi này còn là một tổn thất, một sự mất mát quá lớn. Bởi GS Mai Kỷ không chỉ là người thầy mà còn là người bạn vong niên, người đồng nghiệp mà ông vô cùng kính trọng.
Trong con mắt của người học trò xưa, GS Mai Kỷ không chỉ là người thầy lớn. Nhân cách của ông, đạo đức và tầm vóc của ông không chỉ khiến học trò ngưỡng mộ mà chính tính cách rất con người của ông đã luôn khiến người đối diện hay bên cạnh cảm thấy được chia sẻ, gần gũi.
Trong con mắt của người học trò nhỏ, GS Mai Kỷ không chỉ là một người thầy mà còn là một người bạn vong niên. “Có nhiều câu chuyện ông ấy nói với tôi mà tôi nghĩ rằng ông khó có thể nói với ai khác. Đó là những câu chuyện rất con người, rất đời thường bên ngoài công việc”, ông Tân xúc động chia sẻ.
Nói về GS Mai Kỷ, ông Nguyễn Văn Tân cho rằng, “rất khó để có thể nói trong một vài lời”. “Nhưng nếu so sánh thì tôi nhớ đến tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Solokhop, “Một con người chân chính”, một trí tuệ sắc sảo nhưng lại có lối sống giản dị”, ông Tân nói.
Vợ chồng GS Mai Kỷ
“Có mấy câu chuyện xúc động khi ông đang giữ vị trí bộ trưởng. Thời kỳ ấy, GS Mai Kỷ nhận được rất nhiều thư người dân gửi đến. Lúc đó ông đang bị tai biến mạch máu não không thể viết bằng tay. Ông giao cho tôi làm thay việc này. Cầm lá thư đọc, tôi thấy lời lẽ viết trong thư không bình thường. Không hiểu họ nói gì, tôi cất đi. Ít hôm sau bác Mai Kỷ hỏi tôi về bức thư, tôi thành thật trình bày về “hoàn cảnh” của người viết và tính đặc biệt của bức thư. Nghe xong bác nói, người dân đã tin tưởng gửi thư đến cho mình, thì mình phải trả lời. Tôi tìm bức thư, soạn lại câu hỏi gửi bác rồi ghi chép lại câu trả lời gửi đến người viết. Câu chuyện diễn ra đã cách đây 22 năm nhưng nó như một lời nhắc nhở khiến tôi luôn phải suy ngẫm trước những điều mình tưởng chừng nhỏ bé, có thể bỏ qua. Thông điệp của GS Mai Kỷ luôn là chạm đến cùng những sự giản dị, chân thật của cuộc sống”.
Ngoài đời GS Mai Kỷ là một người quan tâm đến tất cả nhân viên trong cơ quan từ anh bảo vệ đến người lái xe, bác đều thăm hỏi thường xuyên. Đi công tác, bác vào tận xã thôn để xem các chính sách, nghị quyết từ trên trung ương khi về đến địa phương được thực hiện như thế nào, có vướng mắc gì không?
Được làm việc với ông nhiều năm, tôi học được cách đánh giá về tầm nhìn xa, rộng, khả năng tổng hợp sắc bén, kỹ năng truyền thông một vấn đề để có thể đi sâu vào đời sống nhân dân. Bao giờ cũng thế, ông luôn trực tiếp xử lý số liệu, phản ánh vấn đề, hiện tượng bằng con số chứ không chỉ bằng lời nói. Vì thế mọi phép so sánh của ông trong công việc đều rất rõ ràng, dễ hiểu.
Chuyện tình lãng mạn và cuộc hôn nhân đặc biệt
Điều mà Thạc sĩ Nguyễn Văn Tân luôn cảm thấy được chia sẻ, gần gũi với người thầy yêu quý chính là việc ông chia sẻ nhiều câu chuyện trong cuộc đời mình với người học trò và là cấp dưới thân cận. Đó là một góc rất con người, rất đời thường. Cho đến lúc này, khi người thầy đã nói lời giã biệt để đến một thế giới khác, người học trò càng trân quý những kỉ niệm, những chia sẻ chỉ giữa hai thầy trò mới biết.
Có một câu chuyện được GS Mai Kỷ kể nhiều với người học trò nhỏ, đó là cuộc hôn nhân đặc biệt với người bạn đời duy nhất của ông.
Ông Tân tiết lộ, người vợ hiện tại của GS Mai Kỷ chính là mối tình đầu của ông. Hai người vốn quen nhau từ lúc còn rất trẻ. Đó là những năm 1946, 1947, khi cả hai đang công tác đoàn tại tỉnh Bình Định. Quen nhau một thời gian, GS Mai Kỷ được cử ra Hà Tĩnh học rồi tham gia sỹ quan quân đội. Trong thời gian đi bộ đội, cảm thấy chiến tranh ác liệt không thể hẹn ngày trở về, ông viết thư động viên “người yêu” đi lấy chồng. Cầm lá thư, dù rất đau khổ nhưng người con gái ấy vẫn quyết định kết hôn với một chàng trai khác, cũng là một anh lính cụ Hồ. Không lâu sau ngày đứa con đầu lòng ra đời, người lính đã hi sinh trên mặt trận kháng chiến chống Pháp.
Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ mừng sinh nhật Giáo sư Mai Kỷ cùng phu nhân tại nhà riêng của Giáo sư. Ảnh: Hà Anh (GĐ&XH)
Hòa bình lập lại năm 1954, cô Diệp (tên người phụ nữ) tập kết ra Bắc. Bà bắt đầu hoạt động cách mạng và giữ vị trí quan trọng trong một cơ quan nhà nước tại Hà Nội. Thời kỳ này, GS Mai Kỷ đi học ở Liên Xô, đến năm 1959, ông trở về làm giảng viên ở trường ĐH Bách Khoa. Trong một dịp tình cờ gặp lại nhau, họ quyết định nối lại tình xưa. Một cái kết đẹp sau những thăng trầm bởi chiến tranh, bom đạn. Hai người có với nhau hai người con và sống cuộc đời hạnh phúc, trọn vẹn.
Ngoài mối tình lãng mạn và cuộc hôn nhân đặc biệt, cuộc đời của GS Mai Kỷ còn có những khoảng lặng trong sự nghiệp. Điều này nhiều người biết nhưng ít ai có thể hiểu cặn kẽ và được nghe những lời tâm sự của ông. Bởi với những khoảng lặng như thế, GS Mai Kỷ rất kiệm lời.
“GS Mai Kỷ gọi khoảng thời gian 10 năm ông rơi vào “khoảng lặng” là 10 năm cát bụi. Suốt 10 năm, ông làm một giảng viên ĐH chuyên ngành cơ khí đơn thuần. Dù được đánh giá là một chuyên gia hàng đầu về ngành cơ khí, được học tập và đào tạo bài bản nhưng khi về nước, được phân vào vị trí khiêm tốn, ông vẫn rất mẫn cán và tận huyết với vai trò, công việc được giao.
Ông Tân nhớ lại, năm 1963, GS Mai Kỷ tiếp tục được cử đi học hàm tiến sĩ ở Liên Xô. Năm 1966, ông trở về Việt Nam với học hàm Phó Tiến Sĩ (PTS), bậc hàm này lúc đó rất hiếm. Dù vây ông vẫn quay lại với công việc giảng dạy quen thuộc, dù trước khi đi ông đã là trưởng phòng Giáo vụ.
Suốt 10 năm, dù chỉ đảm nhiệm vị trí giảng viên đơn thuần nhưng ông vẫn là chuyên gia đầu ngành về luyện kim, cho nên thường xuyên được Bộ Chính trị triệu lên họp. Lúc đó, đường lối của Đảng và Nhà nước là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng nên ngành luyện kim rất được chú trọng.
Việc GS Mai Kỷ không được cân nhắc chỉ bởi vì một lời phát biểu trong lúc trà dư tửu hậu của một người khác về khoảng thời gian ông còn đang làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Thông tin không chính thống nhưng lại gây khó khăn và hiểu nhầm về ông đối với các cấp lãnh đạo. Sau này người có ý phê phán đã gặp lại GS Mai Kỷ và nói lời xin lỗi và ông đã bỏ qua không một lời chê trách.
10 năm gió bụi như một khoảng lặng trong cuộc đời nhưng ông rất ít khi chia sẻ hay đổ lỗi cho một ai đó. Ông xem như đó là một động lực để phấn đấu trong sự nghiệp.
Cả cuộc đời ông không chỉ luôn đặt ra những đỉnh cao trong khoa học để chinh phục mà còn là cuộc chiến đấu không ngừng với bệnh tật.
Nhớ lại những kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Tân xem đây như những dòng tri ân trước vong hồn của một người thầy, người bạn lớn.
Đào Bích
Nguồn:www.giadinhvietnam.com/doi-song/gs-mai-ky-nguoi-thay-lon-voi-nhung-cau-chuyen-rat-doi-d94384.html