Người lặng lẽ lưu giữ bóng thời gian

Hành trình nghiên cứu của PGS.TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế là những chuỗi ngày dài đam mê tìm kiếm, nghiên cứu, sáng tạo suốt bao năm tháng.

PGS.TS Phan Thanh Bình

Quê ông ở Quảng Thành, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, nơi có những di tích Chămpa cổ xưa và cảng Thanh Hà cận kề. Sinh sống, học tập và làm việc ở Huế và từ cái nôi giàu truyền thống văn hoá nghệ thuật nà y đã nuôi dưỡng, bồi bổ tâm hồn người nghệ sĩ trong ông. Với ông, sự khao khát đam mê và tình yêu dành cho văn hóa mỹ thuật Nguyễn đã đi sâu vào máu thịt. PGS.TS. Phan Thanh Bình đã được đào tạo một cách bài bản và là một người may mắn được trải qua việc học tập ở cả ba trường mỹ thuật và viện nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam là Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Nhưng khởi đầu là từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, nơi thổi hồn cho nhiều thế hệ họa sĩ nổi tiếng, với những bậc thầy tên tuổi có nhiều công lao đó ng góp cho nền giáo dục mỹ thuật của Huế như các họa sĩ Tôn Thất Đào, Phạm Đăng Trí, Hồ Hoàng Đài, Đỗ Kỳ Hoàng, Lê Thành Nhơn, Vĩnh Phối, Đinh Cường, Tôn Thất Văn và sau này là các họa sĩ Trương Bé, Dương Đình Sang, Tôn Nữ Tuyết Mai…

PGS.TS. Phan Thanh Bình với Lớp Mỹ thuật ứng dụng tại
Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị trong một buổi học
trực quan Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam tại Bảo tàng Quảng Trị

Cho đến những năm sau này, dù được đi học ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, trong ông vẫn đau đáu về nơi kinh đô cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam với hệ thống đền đài, lăng tẩm quy mô và đồ sộ, nơi chứa đựng bao điều kỳ diệu trong các hoa văn trang trí, tác phẩm điêu khắc, các chất liệu khảm sứ, pháp lam, đắp nổi nề, sơn son thếp vàng… Tình yêu đó thể hiện qua hơn hai trăm bài viết, nghiên cứu, hàng chục đề tài cấp cơ sở và 9 đề tài cấp Đại học Huế và cấp Bộ về mỹ thuật thời Nguyễn, các hoa văn và chất liệu tạo hình đặc sắc, giá trị tạo hình-thẩm mỹ của tranh dân gian làng Sình-Huế… Tham gia hàng chục hội thảo trong nước và quốc tế, là đồng tác giả của 15 cuốn sách và vựng tập mỹ thuật. Nhiều nội dung nghiên cứu của ông sau này được tích hợp trong luận án Tiến sĩ được bảo vệ năm 2010 tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam: Nghiên cứu nghệ thuật khảm sành sứ trong mỹ thuật cung đình thời Nguyễn – cũng là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về giá trị chất liệu đặc trưng này của xứ Huế. Ngoài ra ông còn là một họa sĩ sáng tác tranh sơn dầu, acrylic và cũng chủ yếu về đề tài Huế như “Bóng thời gian” (acrylic 2006), Chuông chiều (sơn dầu 2002), Biển tình (acrylic 2012), Phố cổ Bao Vinh (acrylic 2008). Gần đây nhất là tác phẩm Sonat No 23 (Acrylic 2015) là một trong 20 tác phẩm của tác giả Huế đã được trưng bày trong triển lãm 5 năm một lần là Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 tại Hà Nội.

Tác phẩm “Bóng thời gian”

Tốt nghiệp đại học ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật năm 1985 tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, trở về là giảng viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật, cho đến khi Đại học Huế thành lập và Trường trở thành Trường Đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Huế đến nay, PGS.TS. Phan Thanh Bình dường như gắn chặt với công tác nghiên cứu khoa học. Từ khi còn là Tổ trưởng Tổ Khoa học (1995), Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Đối ngoại (2000) đến Phó Hiệu trưởng đặc trách về khoa học công nghệ (2005 – 2009) cho đến nay là Hiệu trưởng Nhà trường, ông vẫn dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học, vẫn tranh thủ đi tìm kiếm những giá trị mới trong mỹ thuật thời Nguyễn và từ đó truyền lửa đam mê cho các thế hệ giảng viên trẻ, sinh viên. Có thể nói, các công trình nghiên cứu của PGS.TS. Phan Thanh Bình đã tạo được sự lan toả không chỉ đối với giới nghệ sĩ, sinh viên nghệ thuật mà còn đối với du khách trong và ngoài nước khi tìm đến Huế. Họ hiểu hơn về Huế, về con người và các giá trị nghệ thuật của Huế thông qua các tá c phẩm của ông. Đó là sự gần gũi với đời sống từtranh dân gian làng Sình đến những trang trí kiến trúc cung đình, khảm sành sứ, tranh gương, pháp lam, giá trị mỹ thuật của Cửu Đỉnh, trên bia lăng của các vua chúa… đều là những đối tượng được ông nghiên cứu nghiêm túc, khoa học ngay từ những ngày đầu đến với nghệ thuật. Những kết quả từ những công trì nh nghiên cứu này được ứng dụng vào thực tế giảng dạy các học phần Mỹ thuật học, Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, Mỹ học chuyên ngành và vận dụng trong sáng tác, là tài liệu nghiên cứu hữu ích không chỉ ở trường mà còn các cơ quan văn hóa và trường đại học mỹ thuật khác.

Với vai trò là người thầy, PGS.TS. Phan Thanh Bình đã khéo léo lồng ghép các chương trình văn hóa Nguyễn vào các học phần đào tạo tại Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Hoạ sĩ Phan Lê Chung, giảng viên Trường ĐH Nghệ thuật nhận xét: “Với phong cách dí dỏm của mình, các bài giảng của thầy trở nên thú vị và hấp dẫn hơn đối với sinh viên. Những câu chuyện và những trải nghiệm thực tếcủa bản thân thầy là những bài học thú vị, là những ví dụ trực quan sinh động nhất. Thông qua đó, sinh viên cũng hiểu hơn những khó khăn vất vả trong con đường nghiên cứu. Những bài giảng về văn hóa, mỹ thuật thời Nguyễn không chỉ qua các hình ảnh trên sách vở mà thầy còn dẫn dắt học trò trải nghiệm thực tế thông qua những chuyến đi điền dã tại các địa điểm di tích, sinh viên được xem tận mắt, được trực tiếp chạm tay vào các đối tượng nghiên cứu. Việc kết hợp giữa các bài học lý thuyết và tổ chức các chuyến đi thực tế này đã làm mềm hơn và dễ nhớ hơn các môn học vốn được cho là khô khan và khó nhớ”.

Không những truyền lửa đam mê cho các thế hệ học trò, PGS.TS. Phan Thanh Bình đã và đang nỗ lực giới thiệu Huế, Việt Nam cho bạn bè thế giới thông qua những hợp tác giữa Trường ĐH Nghệ thuật và các trường đại học nghệ thuật nước ngoài, tranh thủ các diễn đàn, hội thảo để phổ biến văn hoá nghệ thuật Việt. Từ năm 1990 đến nay, ông đã tham gia gần 50 hội thảo trong nước và quốc tế, trong đó có những đóng góp thiết thực cho việc đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục thẩm mỹ, kết cấu chương trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật.

Tác phẩm “Bản Sonate No 23”

Tháng 10/2015, workshop Chia sẻ kiến thức và sự phổ biến Văn hoá nghệ thuật giữa các nước trong lưu vực Tiểu vùng sông Mêkong (bao gồm Thái Lan, Lào, Myanma, Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc) tổ chức tại Thái Lan với mục tiêu giới thiệu được nhiều giá trị mỹ thuật của mỗi dân tộc, PGS.TS Phan Thanh Bình cùng các nghệ sĩ được mời đến từ 6 nước đã tạo nên một không khí phấn khích, đầy tinh thần nghệ sĩ, tinh thần giao lưu học hỏi và trao đổi những kinh nghiệm văn hoá nghệ thuật mang đậm bản sắc vùng miền của mỗi nước một cách cụ thể như với Việt Nam là vùng văn hoá Huế, Lào là vùng văn hoá Luangprabang, Thái Lan là vùng văn hóa Chiang Mai, Chiang Rai… Hoạt động còn nhằm thiết lập mạng lưới về nghệ thuật và văn hoá phát triển mạnh hơn nữa của các nước trong vùng và khu vực ASEAN.

Với những nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo và truyền lửa đam mê cho nhiều thế hệ học trò, PGS.TS. Phan Thanh Bình đã nhận được rất nhiều phần thưởng cao quý của Hội Mỹ thuật Việt Nam, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Một thông tin mới là vào tháng 2/2016, nhận lời mời của Hội đồng Nghệ thuật các nước Tiểu vùng Mekong, PGS.TS. Phan Thanh Bình sẽ sang Thái Lan nhận danh hiệu Nghệ sĩ uy tín năm 2016. Sự kiện gồm các triển lãm và hội nghị chuyên đề về cuộc sống và nghệ thuật của các nghệ sĩ danh tiếng ở các nước Tiểu vùng sông Mekong.

Có thể nói trong công cuộc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa và nghệ thuật, nhiệm vụ của nhà nghiên cứu, người làmvăn hóa như PGS. TS. Phan Thanh Bình đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi vì họlà những mắt xích những cầu nối để đưa các giá trị đó đi đến với công chúng và người yêu nghệ thuật. Dẫu biết con đường nghiên cứu là một hành trình dài, gian nan và vất vả nhưng sự trăn trởvà day dứt trong nghề nghiệp đã trở thành những động lực thúc đẩy ông dấn thân trên con đường của mình. Hành trình nghiên cứu văn hóa mỹ thuật của ông luôn là những chuỗi ngày dài âm thầm và lặng lẽ. Con đường đó không phải là một con đường bằng phẳng, dù gồ ghề và gập gềnh nhưng ông đã chọn nó. Nói về điều này PGS.TS. Phan Thanh Bình chia sẻ: “Là giảng viên lý luận mỹ thuật, tôi hiểu rằng trong môi trường nghệ thuật, uy tín chuyên môn đối với đồng nghiệp và sinh viên là rất quan trọng, người thầy nghệthuật phải có “cái gì đó” nổi bật, thu hút trong chuyên môn là sáng tác hay công trình nghiên cứu khoa học của mình. Hoạt động nghiên cứu đã đem lại cho tôi những kết quả tốt trong giảng dạy, sáng tác, nhưng quả thật nghiên cứu khoa học thật là một công việc gian nan, đòi hỏi phải thực sự có niềm đam mê và sự kiên trì”.

Hữu Ái
Nguồn: Tạp chí Đại học Huế, trang 55-57, số 98 (Số Xuân Bính Thân), tháng 1 + 2 – 2016.