Công trình thứ hai đóng vai trò vô cùng quan trọng và là nền tảng của toàn bộ lý thuyết Khinh-Trọng, đó là
“Khinh-Trọng: cơ sở lý thuyết” (Nxb Thế giới, 2012). Đây là công trình ra đời khi GS Tô Duy Hợp tròn 70 tuổi, một mốc thời gian đủ để nhìn lại và tổng kết những tâm huyết của cuộc đời hoạt động lý luận và khoa học. Trong công trình này, tác giả trình bày 4 nội dung chính: phần thứ nhất là sự dẫn nhập lý thuyết khinh-trọng, trình bày lại quan niệm về lý thuyết, đối tượng của lý thuyết khinh-trọng và con đường đến với lý thuyết khinh-trọng; phần thứ hai trình bày về các bằng chứng khinh-trọng dưới dạng hiển ngôn hoặc hàm ý khinh-trọng từ các công trình nghiên cứu đã xuất bản đến bằng chứng trên có sở quy nạp và loại suy; phần thứ ba trình bày quá trình lập thuyết khinh-trọng, từ việc xác lập các khái niệm cơ bản, phát biểu các định đề cơ bản và cơ sở lôgích của lý thuyết; và phần thứ tư là luận thuyết khinh-trọng đề cập đến hai quá trình quan trọng là từ lôgích khinh-trọng đến khinh-trọng lôgích và từ lý thuyết khinh-trọng đến khinh-trọng lý thuyết. Từ 4 nội dung chính này, Tô Duy Hợp đã trình bày một cách có hệ thống về lý thuyết khinh-trọng, trong đó đặc biệt đi sâu vào bản chất của lý thuyết khinh-trọng và các khung phân tích khinh-trọng nhằm gợi cho người đọc hiểu rõ hơn về lý thuyết cũng như có cơ sở để vận dụng lý thuyết vào quá trình nghiên cứu. Như GS Tô Duy Hợp đã nhấn mạnh: “Lý thuyết khinh-trọng với tư cách là một khung lý thuyết mới mang tính phổ quát, phổ dụng sẽ có cơ sở riêng = hạt nhân của nó bao gồm 3 thành phần: 1-Các khái niệm cơ bản, 2-Các định đề cơ bản và 3-Cơ sở lôgích khinh-trọng, hướng dẫn quá trình luận thuyết và dụng thuyết khinh-trọng. Ngoài ra, do đặc điểm tự phản tư của nó, cơ sở riêng của lý thuyết khinh-trọng sẽ trở thành cơ sở siêu lý thuyết của chính nó. Điều này có nghĩa rằng lý thuyết khinh-trọng có đặc trưng kép: vừa là lý thuyết vừa là siêu lý thuyết”
[4]. Nói tóm lại, lý thuyết khinh-trọng là một lý thuyết khoa học phổ quát, phổ dụng, được hình thành trên cơ sở các nghiên cứu triết học và xã hội học của của GS Tô Duy Hợp và đang được vận dụng trong một số lĩnh vực khác nhau. Lý thuyết khinh-trọng cũng là một thành quả, một đóng góp của GS Tô Duy Hợp trong cuộc đời nghiên cứu lý luận và khoa học của ông. Để hiểu rõ hơn về lý thuyết này, có lẽ cần thiết phải nhìn lại cuộc đời của tác giả và quá trình xây dựng và vận dụng lý thuyết của ông.
Tô Duy Hợp sinh ngày 08-3-1942[5] tại xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình có bố là một cán bộ hoạt động cách mạng còn mẹ là một phụ nữ làm nghề nông kết hợp với buôn bán lẻ ở chợ. “Gia đình tôi sống gần chợ và gần sông, từ bé đã phải lặn lội lên rừng kiếm củi, xuống sông bắt cá và phụ mẹ buôn bán. Lớn lên một chút tôi còn dạy học thêm cho em gái và một số người trong làng để đổi lấy gạo. Cuộc sống khó khăn dạy cho tôi tinh thần tự lập sớm, đồng thời cũng làm cho tôi có một tâm hồn tự do và phóng khoáng. Có lẽ điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi sau này, đặc biệt là sự tự do trong tâm hồn”[6]. Năm 1955, Tô Duy Hợp được tập kết ra Bắc để học tập do bố ông là cán bộ cách mạng đã ra trước đó, mẹ ông và các em vẫn ở lại Nghĩa Hành. Trên đất Bắc, ông được tiếp tục học phổ thông và tham gia các hoạt động ở trong trường dành cho các em học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Năm 1961, ông được cử sang Liên Xô học đại học, ngành Triết học tại trường Đại học Tổng hợp Lomonosov. Tại đây, ông theo học chuyên ngành Lôgích học và tiếp cận với những khái niệm, những tư liệu về Lôgích học trên thế giới. Như ông nói: “Quá trình học triết học ở Liên Xô đầu những năm 1960 chưa thật sự làm cho tôi rõ nét hơn về con đường mình lựa chọn sau này. Tuy nhiên, nó củng cố niềm yêu thích triết học. Đặc biệt, những tri thức ban đầu về Lôgích học giúp tôi có nền tảng khoa học hơn trong quá trình tư duy về các sự vật, hiện tượng”[7]. Rất tiếc, thời gian Tô Duy Hợp học tập ở Liên Xô cũng là lúc tình hình chính trị, tư tưởng ở Liên Xô trở nên phức tạp. Những người theo chủ nghĩa xét lại đã lên tiếng phê bình lại những quan điểm của các lãnh tụ Đảng Cộng sản đi trước, đặc biệt là phê phán quan điểm của Stalin. Trước tình hình đó, năm 1964, Đảng ta đã yêu cầu các sinh viên, cán bộ đi học ở Liên Xô, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học xã hội phải về nước. Sinh viên Tô Duy Hợp rời Liên Xô khi chưa hoàn thành chương trình đại học.
Sau khi về nước, Tô Duy Hợp chuyển sang học ngành vật lý hạt nhân tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sự chuyển ngành này, như GS Tô Duy Hợp chia sẻ: “Tôi thích triết học từ khi còn học phổ thông ở trong nước, mấy năm học ở Liên Xô càng củng cố thêm niềm vui đó. Khi về Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy Lê Văn Thiêm gọi tôi lên hỏi: giờ không được đi Liên Xô để học tiếp thì tôi muốn học ngành nào trong nước?. Tôi hồn nhiên trả lời là theo Ăngghen nói thì cần thiết phải học từ toán, lý, hóa, sinh rồi sau đó mới chuyển sang khoa học xã hội sẽ tốt hơn. Vậy nên tôi sẽ bắt đầu học toán. Thầy Thiêm nghe vậy thì bật cười bảo tôi là nếu tôi học vậy thì đến hết đời cũng chưa học xong. Sau đó thầy bảo tôi thích lý thuyết thì nên theo thầy Hoàng Phương – Trưởng khoa Vật lý và là một chuyên gia về Vật lý lý thuyết để học. Tôi nghĩ học vật lý sẽ tạo cho mình có một có sở tư duy về triết học tốt hơn nên đến gặp thầy Hoàng Phương để học tập”[8]. Năm 1967, chưa tốt nghiệp đại học nhưng ông vẫn được nhận về trường Đại học Xây dựng Hà Nội làm giảng viên ở Khoa Vật lý do nhà trường mới tách ra nên cần thêm cán bộ giảng dạy. Thời kỳ 1967-1974, dù làm công tác giảng dạy vật lý tại Đại học Xây dựng Hà Nội nhưng giảng viên Tô Duy Hợp luôn chuẩn bị và chờ thời cơ để xin chuyển sang nghiên cứu về triết học theo đúng niềm đam mê của mình.
Năm 1974, ông Tô Duy Hợp được về Viện Triết học (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) công tác, tiếp tục nghiên cứu về chuyên môn chính từng học ở Liên Xô là Lôgích học. Sở dĩ nguyện vọng này của ông được chấp nhận vì thời gian ông học ở Liên Xô đã có nền tảng về Lôgích học, lại được bạn bè, đồng nghiệp cùng đi học ở Liên Xô đang công tác ở Viện Triết ủng hộ. Mười lăm năm công tác tại Viện Triết học (1974-1989) là quãng thời gian quan trọng để ông Tô Duy hợp xây dựng quan điểm lý thuyết khinh-trọng của ông. Sau mười năm tạm xa rời với những tri thức triết học để đi vào học tập và giảng dạy vật lý, Tô Duy Hợp lại có điều kiện để theo đuổi đam mê của mình. Tại Viện Triết học lúc đó, ông được sống trong tinh thần của cuộc tranh luận giữa Lôgích biện chứng và Lôgích hình thức. Là trưởng phòng Lôgích học của Viện, ông cũng viết rất nhiều bài để tham gia tranh luận về vấn đề này mà sau đó được ông tuyển chọn để đưa vào cuốn sách xuất bản năm 2007 (đã phân tích ở trên). Quá trình làm việc và nghiên cứu triết học đã tạo cho ông những nhận thức quan trọng về các song đề để sau này nó trở thành cơ sở xây dựng lý thuyết khinh-trọng. Trên cơ sở cuộc tranh luận trong triết học này, Tô Duy Hợp bắt đầu quan tâm đến vai trò của Lôgích biện chứng trong đổi mới tư duy và xây dựng lý thuyết. Những bài viết lúc này của ông đã thể hiện quan điểm khinh-trọng dù chủ yếu bằng hàm ngôn. Sau này, khi xây dựng cơ sở lý thuyết, GS Tô Duy Hợp đã tổng hợp quá trình này lại: “Công trình bắt đầu từ việc tìm hiểu và nghiên cứu nhằm thấu hiểu và hóa giải song đề giữa Lôgích hình thức hoặc/và Lôgích biện chứng. Đây là song đề Lôgích mang tính tổng hợp, đa chức năng: nó vừa mang tính nhận thức luận, phương pháp luận, lại vừa có tính bản thể luận; ngoài ra nó còn có tính mục đích luận và thực tiễn luận”
[9]. Năm 1985 ông bảo vệ thành công luận án PTS triết học tại Liên Xô. Về công tác ở Viện Triết học, cũng gặp nhiều khó khăn như ông tâm sự: “Tại Viện triết học, tôi tập trung nhiều cho vấn đề chuyên môn, cộng thêm cá tính tự do, thích làm những thứ tôi thích và thẳng thắn nên nhiều khi cũng không được lòng nhiều người. Và đến khi không tìm được tiếng nói chung với ban lãnh đạo viện thì tôi xin chuyển công tác… Thời gian làm việc tại viện đã tạo nền tảng cho tôi để xây dựng lý thuyết, chủ yếu là hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng lý thuyết qua những nguyên tắc của Lôgích học và hình thành các quan điểm khinh-trọng”
[10].
Hai cuốn sách trình bày lý thuyết khinh-trọng
Năm 1989, ông chuyển qua Viện Xã hội học làm việc và mở đầu cho một chuyên ngành mới do ông tạo dựng: Xã hội học nông thôn. Lúc này, ông phải tự học về những kiến thức cơ bản nhất của một ngành mới và bắt đầu đi thực địa nghiên cứu xã hội học. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chuyển sang một chuyên ngành mới cũng tạo ra cho ông một chân trời mới trong việc hệ thống lại quan điểm khinh-trọng của mình và bắt đầu vận dụng vào các nghiên cứu cụ thể để sau đó xây dựng thành lý thuyết khinh-trọng.
Sự hình thành lý thuyết khinh-trọng là quá trình Tô Duy Hợp tổng-tích hợp các lý thuyết triết học và xã hội học cả phương Tây và phương Đông. Trong quá trình nghiên cứu, ông đã dành nhiều tâm huyết để khảo cứu các tư tưởng quan trọng trong triết học phương Đông và phương Tây. Ông quan tâm nhiều đến các triết lý dân gian của Việt Nam hay tư tưởng của nhiều người đi trước, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm, Lê Quý Đôn, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh… hay khảo cứu quan điểm của các nhà nghiên cứu đương thời như Cao Xuân Huy, Phan Ngọc, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm… Cùng với đó là việc nghiên cứu các quan điểm về triết học phương Tây để tìm những hạt nhân hợp lý cho quan điểm lý thuyết khinh-trọng. Như GS Tô Duy Hợp chia sẻ: “Có hai phương thức để xây dựng lý thuyết. Thứ nhất là khái quát hóa những kinh nghiệm hay khái quát hóa những dữ liệu thực nghiệm khoa học, chủ yếu bằng con đường quy nạp (ngoại suy) hoặc/và loại tỷ (loại suy) để xây dựng lý thuyết. Thứ hai là xây dựng lý thuyết mới từ những lý thuyết cũ qua quá trình phân tích, phê phán, đề xuất ý tưởng mới, hay theo con đường suy diễn (nội suy) từ các lý thuyết tổng quát, trìu tượng để có được những lý thuyết mới cụ thể hơn”
[11]. Trên cơ sở đó, lý thuyết khinh-trọng được ông xây dựng dựa trên cả hai phương pháp: “một mặt tiến hành tổng-tích hợp hạt nhân hợp lý và hợp tình của các kinh nghiệm khinh-trọng và của các lý thuyết sẵn có, tuy không có diễn ngôn khinh-trọng dưới dạng tường minh nhưng xét về thực chất thì có hàm ý khinh-trọng (sau khi được giải mã); mặt khác đề xuất giả thuyết khinh-trọng dưới dạng phổ quát, phổ dụng rồi cố gắng biến giả thuyết nền tảng mới đó thành lý thuyết nền tảng mới thông qua 3 bước cơ bản: 1- Lập thuyết khinh-trọng, 2-Luận thuyết khinh-trọng, 3-Dụng thuyết khinh-trọng”
[12].
Quá trình xây dựng lý thuyết khinh-trọng cũng là quá trình liên tục tiếp xúc với các quan điểm khác, phân tích và bổ sung, thay đổi để hoàn thiện lý thuyết. Trong đó có những cuộc tiếp xúc quan điểm học thuật quan trọng ảnh hưởng nhiều đến quá trình lập thuyết. Theo GS Tô Duy Hợp, có 3 cuộc tiếp xúc quan điểm khoa học của các nhà nghiên cứu phương Tây làm thay đổi nhiều về tư duy của ông. Đầu những năm 2000, ông tiếp xúc với quan điểm của G. Ritzer trong công trình “Contemporary sociological Theory” (“Lý thuyết Xã hội học đương đại”) (Third Edition, MC Graw – Hill, Inc. Newyork, 1992). Chính công trình này đã tạo nguồn cảm hứng cho ông tiếp tục tổng – tích hợp lý thuyết trong Xã hội học để hoàn thiện lý thuyết khinh – trọng. Quá trình vận dụng các quan điểm khinh – trọng và phân tích đặc điểm bản chất của các quá trình tương tác, biến đổi xã hội đã cho ông thức nhận rõ ràng hơn về các khung mẫu khinh – trọng. Từ đó ông xây dựng thành mô hình lý thuyết khinh – trọng với 2 loại khung mẫu lựa chọn khinh – trọng (bao gồm 4 khung mẫu phân biệt khinh – trọng và 4 khung mẫu bất phân khinh – trọng); 2 loại phương thức biến đổi khinh – trọng (bao gồm 3 phương thức điều chỉnh khinh – trọng và 3 phương thức thay đổi khinh-trọng). Đây là một bước quan trọng trong quá trình lập thuyết, nó tạo ra phương hướng và khả năng vận dụng vào các lĩnh vực tư duy và hành động cụ thể. Nhưng lý thuyết khinh – trọng không dừng lại ở đó, nó tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện qua quá trình tiếp xúc với các quan điểm khác cũng như tổng – tích hợp từ những nghiên cứu thực nghiệm, cụ thể. TS Nguyễn Thị Minh Phương, một người học trò, đồng nghiệp đã theo GS Tô Duy Hợp trong suốt quá trình lập thuyết, luận thuyết, và dụng thuyết khinh – trọng đã nhấn mạnh đến hai cuộc tiếp xúc quan trọng. Trước hết là cuộc tiếp xúc với quan điểm của S. Hungtinton qua cuốn sách “Sự va chạm giữa các nền văn minh” (Nxb Lao động, 2003). Cuộc tiếp xúc này đã: “Khiến ông mừng rỡ vì đã giúp ông biểu đạt chiều chuyển động và phương thức chuyển động của các mô hình như tuyến tính hay zích zắc, thuận nghịch hay bất thuận nghịch,… Ông đã mô phỏng theo hình vẽ của S. Hungtinton để thể hiện phương thức điều chỉnh, thay đổi khinh-trọng… để hoàn thiện lý thuyết của mình”
[13]. Năm 2009, Lý thuyết khinh-trọng hoàn thiện thêm một bước sau cuộc tiếp xúc với quan điểm của A.Morin qua công trình “Nhập môn tư duy phức hợp” (Nxb Tri thức, 2009). Cuộc tiếp xúc này giúp ông “khẳng định tư duy khinh-trọng là một tư duy phức hợp cao độ… Từ đây, diễn ngôn của ông có thay đổi khi nhắc đến các cặp nan đề bao giờ cũng có cụm từ “hoặc/và””
[14]. Trải qua những cuộc tiếp xúc quan trọng đó, gắn với quá trình vận dụng nghiên cứu các trường hợp cụ thể vùng với các học trò, đồng nghiệp, lý thuyết khinh-trọng của GS Tô Duy Hợp ngày càng được bổ sung và hoàn thiện thêm. Nhưng quá trình vận động của lý thuyết khinh-trọng không có dừng lại hay kết thúc mà nó vẫn tái tiếp diễn với các quá trình luận thuyết và dụng thuyết. Đó là quá trình tư duy lại/về lý thuyết khinh-trọng và quá trình tương tác, tiếp nhận, cải tiến và vận dụng lý thuyết.
Quá trình lập thuyết và luận thuyết phải trải qua nhiều gian nan, hao tổn nhiều sức lực và tâm huyết của GS Tô Duy Hợp, nhưng quá trình dụng thuyết và phổ biến lý thuyết lại đòi hỏi bản lĩnh của một nhà nghiên cứu, một người khởi xướng lý thuyết mới. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam, lý thuyết là vấn đề mới mẻ, ít được quan tâm và cũng khó được chấp nhận vì bụt chùa nhà không thiêng thì càng phải bản lĩnh hơn. Trước hết là bản lĩnh để đương đầu với những phê phán từ các đồng nghiệp. Như GS Tô Duy Hợp chia sẻ: “Một lý thuyết khoa học ra đời và phát triển được trong bối cảnh Việt Nam là không dễ dàng. Nhiều khi, sự phê phán không đến từ chuyên môn mà xuất phát từ sự đố kỵ, ghen ghét, không muốn người khác thành công hay không chấp nhận sự sáng tạo mang tính cá nhân của người khác. Có những người đồng nghiệp đã nói với tôi là “Rất tiếc, anh chưa đủ điên rồ để trở thành chân lý”, thậm chí có người còn chỉ thẳng tôi hỏi là “rút cuộc, ở đất nước này, anh khinh ai, anh trọng ai thì anh phải nói rõ ra”… Những phê phán như vậy không đúng về mặt chuyên môn và không có giá trị về quan điểm lý luận và khoa học, nhưng đã gây ra những khó khăn, trở ngại cho nhà nghiên cứu”
[15]. Bên cạnh đó, sự phê phán mang tính chuyên môn lại là một điều cần thiết, như GS Tô Duy Hợp nhận định: “Quá trình phê phán rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là vấn đề lý thuyết. Nó gắn liền với quá trình lập thuyết và luận thuyết. Phải có tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhiều người, nhiều phía và tiếp nhận nhiều ý kiến khác chiều, trái chiều. Nói tóm lại cần phải có bản lĩnh để lắng nghe và điều chỉnh nhằm hoàn thiện hơn về lập luận của mình”
[16]. Với tinh thần đó, trong nhiều năm qua, GS Tô Duy Hợp và các học trò đã không ngừng bổ sung hoàn thiện lý thuyết khinh-trọng. Và càng ngày, việc vận dụng lý thuyết này vào quá trình nghiên cứu, đào tạo và vào đời sống càng được mở rộng, được nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp… quan tâm hơn.
Trước hết, đối với GS Tô Duy Hợp, trong hầu hết các công trình nghiên cứu trong khoảng hai thập kỷ qua ông đều trình bày rõ việc sử dụng lý thuyết khinh-trọng để tiếp cận vấn đề. Và nó cũng tạo nên đặc trưng cho quan điểm nghiên cứu của ông và dần được nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ. Các cơ sở đào tạo như Khoa Xã hội học (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQGHN), Khoa Xã hội học (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGTPHCM), Viện Xã hội học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Khoa Xã hội học (trường Đại học khoa học Huế), các Khoa Xã hội học (Học viện Chính trị khu vực I ở Hà Nội và Học viện Chính trị khu vực III ở Đà Nẵng)… cũng bắt đầu quan tâm và mời GS Tô Duy Hợp đến giảng dạy cho học viên, nghiên cứu sinh về lý thuyết xã hội học nói chung và lý thuyết khinh-trọng nói riêng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến lý thuyết khinh-trọng trong quá trình đi tìm triết lý phát triển hay minh triết kinh doanh của doanh nghiệp mình. Doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa từng trao đổi: Lúc đầu tiếp cận lý thuyết khinh-trọng của GS Tô Duy Hợp tạo cho tôi nhiều suy nghĩ nhưng cũng rất khó hiểu. Phải đọc và trao đổi nhiều lần tôi mới bắt đầu có những cảm nhận của mình về giá trị của lý thuyết, từ đó tạo cho tôi nhiều suy nghĩ, nhiều cảm hứng trong công việc. Kinh doanh ngày càng cần những triết lý mới, và lý thuyết khinh-trọng cho tôi nhiều gợi ý trong việc lựa chọn những mô hình, cách thức để phát triển hòa hợp
[17].
Một số bản thảo trao đổi và dịch thuật về lý thuyết khinh-trọng
Quá trình tham gia trao đổi và giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp cũng tạo điều kiện để lý thuyết khinh-trọng được mở rộng hơn đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ đang trên con đường đi tìm cơ sở lý thuyết cho các dự định nghiên cứu của mình. Nhiều người cũng đã tìm đến GS Tô Duy Hợp với đề nghị được ông hướng dẫn khoa học để vận dụng lý thuyết khinh-trọng để làm luận án tiến sĩ ở các ngành khác nhau. Trước đây, đã có 5 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ với việc vận dụng lý thuyết khinh-trọng làm cơ sở tiếp cận do GS Tô Duy Hợp hướng dẫn là Nguyễn Lâm Tuấn Anh (ngành Nhân học văn hóa xã hội, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia), Nguyễn Thị Minh Phương (ngành Xã hội học, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Lê Thúy Ngà (ngành Xã hội học, trường Đại học Công đoàn), Nguyễn Vũ Quỳnh Anh (ngành Xã hội học, Viện Nghiên cứu Con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Trương Thị Thu Thủy (Xã hội học, Viện Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Và hiện nay, các học trò này vẫn tiếp nghiên cứu vận dụng lý thuyết khinh-trọng vào nghiên cứu khoa học và làm luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của ông. Kết quả đã có 4 người bảo vệ xong luận án là Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Lê Thúy Ngà, Nguyễn Thị Minh Phương, Trương Thị Thu Thủy, còn Nguyễn Lâm Tuấn Anh cũng đang chuẩn bị để bảo vệ luận án. Dù có gặp những khó khăn trong quá trình vận dụng để nghiên cứu cũng như trong quá trình bảo vệ luận án, nhưng các học trò cũng đều thể hiện được những kết quả khả quan và luận án đều có những đóng góp nhất định. Đó có lẽ là một phần thưởng quan trọng dành cho GS Tô Duy Hợp sau khi dành trọn niềm đam mê và tâm huyết cho quá trình xây dựng lý thuyết khinh-trọng.
Nếu quá trình vận dụng lý thuyết ở trong nước gặp nhiều khó khăn thì việc tạo ảnh hưởng ra bên ngoài lại còn gặp nhiều gian nan hơn. Khó khăn trước nhất đến từ việc chuyển tải thuật ngữ và khái niệm sang ngoại ngữ. “Quan điểm lý thuyết khinh-trọng với tư cách là lý thuyết phổ quát, phổ dụng (áp dụng cho vố số sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy) gặp rắc rối khi phiên dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài. Hai từ khóa “khinh” và “trọng” tương tự như hai từ “âm” và “dương” trong thuyết âm dương… có bản tính Hán – Việt rất độc đáo, không tìm thấy thuật ngữ tương đương một đối một trong các ngôn ngữ nước ngoài quan trọng như tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga”
[18]. Vậy nên cần phải linh động theo mục đích cụ thể khi dịch hoặc để thành cụm từ “khinh-trong theory” khi sử dụng. Hay như GS Tô Duy Hợp đề xuất khi dịch sang tiếng Anh thì lý thuyết khinh-trọng có thể được dịch là “khinhtrongism” để cho những người quan tâm hiểu theo góc độ của họ. Dù gặp những khó khăn nhất định nhưng lý thuyết khinh-trọng cũng đã được giới thiệu đến với các nhà nghiên cứu nước ngoài khi họ đến Việt Nam công tác và tiếp xúc hoặc qua các nguồn thông tin như bài giới thiệu của GS.TS Lê Ngọc Hùng ở một tạp chí khoa học ở Mỹ… Việc quảng bá lý thuyết khinh-trọng ra nước ngoài có ý nghĩa quan trọng, nhưng trước khi làm được điều đó, như bình luận của GS.TS Lê Ngọc Hùng thì các nhà nghiên cứu Việt Nam cần phải đọc và vận dụng, phê phán để đóng góp và vận dụng để bổ sung vào lý thuyết của GS Tô Duy Hợp. Việc chuyển ngữ và và giới thiệu ở nước ngoài cũng quan trọng, nhưng trước đó người Việt cần quan tâm đến nó bởi đây là sáng tạo của một người Việt
[19].
Năm nay, GS Tô Duy Hợp đã ở tuổi 75 với một ngân quỹ thời gian không còn được dồi dào như trước, nhưng niềm đam mê vẫn luôn cháy bỏng trong ông. Ông vẫn cùng học trò đi về các vùng nông thôn để nghiên cứu thực địa, hàng tháng vẫn tổ chức và tham gia trao đổi với các nhà nghiên cứu, nhà đào tạo, nhà quản lý và các học trò, các doanh nghiệp về những vấn đề lý luận và khoa học cơ bản và thiết thực đối với công cuộc đổi mới đất nước. Khát khao truyền đạt cho học trò vẫn luôn thôi thúc ông quên đi tuổi tác. Trong các cuộc tọa đàm, ông luôn là người ghi chép nhiệt tình nhất, và sau mỗi buổi tọa đàm, ông cũng là người hiếm hoi gửi những ghi chép và cả những suy nghĩ của mình cho những người tham gia tọa đàm để tiếp tục trao đổi. Lý thuyết khinh-trọng của Tô Duy Hợp là một lý thuyết phổ quát, đề cao sự hòa hợp, sự đa dạng và sự chuyển biến, chống lại những quan điểm cực đoan, nó cũng giống với con người Tô Duy Hợp: thẳng thắn, mạnh mẽ nhưng cầu thị, cởi mở. Để kết thúc bài viết này, xin được sử dụng một câu nói của một người đồng nghiệp cũng là học trò của GS Tô Duy Hợp khi nói về thầy, dù hơi cảm tính nhưng thấy cũng có giá trị: Lý thuyết khinh-trọng là lý thuyết phổ quát, phổ dụng với hầu hết các vấn đề, các sự vật, hiện tượng, nhưng cũng khó mà tổng quát được con người của thầy Tô Duy Hợp, không tổng quát được tấm lòng của thầy đối với lý luận và khoa học, đối với gia đình, đồng nghiệp và học trò.
Bùi Minh Hào
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[1] Tô Duy Hợp (2012): “Khinh-Trọng: cơ sở lý thuyết”. Nxb Thế giới, Hà Nội, trang 6.
[2] Tô Duy Hợp (2012): Tài liệu đã dẫn, trang 8.
[3] Lê Ngọc Hùng: “Disrespect/Respect: A theoretical viewpoint in Philosophical and Sociological studies” (Khinh-Trọng: một quan điểm lý thuyết trong nghiên cứu Triết học và Xã hội học). Tài liệu do GS Lê Ngọc Hùng gửi cho GS Tô Duy Hợp và đang được ông lưu giữ.
[4] Tô Duy Hợp (2012): Tài liệu đã dẫn, trang 35.
[5] Theo chia sẻ của GS Tô Duy Hợp, đó là ngày sinh của ông theo giấy khai sinh do bố ông kê khai khi hai bố con tập kết ra Bắc, nhưng sau ngày giải phóng 1975 gặp mẹ, bà cho biết ông sinh vào cuối năm 1941 hay đầu năm 1942, nhưng không nhớ chính xác về ngày tháng. Vì vậy toàn bộ hồ sơ, lý lịch của ông đều lấy theo giấy khai sinh.
[6] Phỏng vấn GS.TS Tô Duy Hợp ngày 24-6-2014. Tài liệu Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[7] Phỏng vấn GS.TS Tô Duy Hợp ngày 01-7-2014. Tài liệu Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[8] Phỏng vấn GS.TS Tô Duy Hợp ngày 01-7-2014. Tài liệu đã dẫn.
[9] Tô Duy Hợp (2012): Tài liệu đã dẫn, trang 4.
[10] Phỏng vấn GS.TS Tô Duy Hợp ngày 08-7-2014. Tài liệu Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[11] Phỏng vấn GS.TS Tô Duy Hợp ngày 16-6-2014. Tài liệu Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[12] Tô Duy Hợp (2012): Tài liệu đã dẫn, trang 41-42.
[13] Nguyễn Thị Minh Phương:“Lý thuyết khinh-trọng:một chặng đường kiến thiết.In trong “Khinh-Trọng:Cơ sở lý thuyết” (Phụ lục). Nxb Thế giới, 2012, trang 281.
[14] Nguyễn Thị Minh Phương: Tài liệu đã dẫn, trang 282.
[15] Phỏng vấn GS.TS Tô Duy Hợp ngày 16-6-2014. Tài liệu đã dẫn.
[16] Phỏng vấn GS.TS Tô Duy Hợp ngày 16-6-2014. Tài liệu đã dẫn.
[17] Ý kiến trao đổi của doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa, nguyên Giám đốc chiến lược, tập đoàn FPT tại buổi tọa đàm về lý thuyết Khinh-Trọng ở Hà Nội ngày 5-7-2014.
[18] Tô Duy Hợp (2012): Tài liệu đã dẫn, trang 10.
[19] Ý kiến của GS.TS Lê Ngọc Hùng tại tọa đàm về Lý thuyết khinh-trọng tại Viện Xã hội học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) ngày 5-4-2010.