Con người cá nhân ở đây là các nhà khoa học có tên tuổi, nghề nghiệp nhất định, không phải là khái niệm con người chung chung. Quan điểm lấy con người làm trung tâm trong nghiên cứu lịch sử không phải là mới lạ, nhưng trong bối cảnh Việt Nam, quan điểm này vẫn có nhiều giá trị về nhận thức cũng như phương pháp luận. Trước đây, việc tiếp cận lịch sử qua cuộc đời một cá nhân thường chỉ trong trường hợp đó là một vĩ nhân, một cá nhân xuất sắc có vai trò lớn trong cộng đồng. Cách tiếp cận như vậy có nhiều giá trị, bởi các vĩ nhân thường liên quan đến nhiều sự kiện, hiện tượng của một cộng đồng. Nhưng nó cũng có những hạn chế, đặc biệt là thiếu sự tiếp cận vi mô do họ liên quan chủ yếu đến nhiều sự kiện lớn, còn những sự kiện bình thường, cuộc sống hàng ngày của họ thì ít liên quan, hoặc bị chính nhà nghiên cứu bỏ qua, hoặc có khi lại được thổi phồng lên cho “xứng tầm” với các yếu nhân. Song, lịch sử không đơn giản như vậy, lịch sử luôn phức tạp hơn mọi suy nghĩ, nhìn nhận của một con người. Vậy nên “dưới chân của những người khổng lồ vẫn là những góc khuất” mà ở đó có những sự kiện làm thay đổi lịch sử. Tiếp cận theo cách lấy nhà khoa học làm trung tâm và làm đối tượng nghiên cứu là một cách tiếp cận bổ sung cho những cách tiếp cận lịch sử đang phổ biến hiện nay. Khái niệm “nhà khoa học” ở đây được hiểu là những người hoạt động trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định, có những công trình nghiên cứu và có ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực chuyên môn cũng như ngoài xã hội. Khái niệm này không bó hẹp chỉ với các nhà khoa học nổi tiếng được nhiều người biết đến hoặc có bằng cấp cao, học hàm học vị cao, nhưng cũng không mở rộng để chỉ cả giới trí thức. Điều quan trọng là họ hoạt động nghiên cứu khoa học trong một lĩnh vực cụ thể và có công trình nghiên cứu khoa học.
(PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề xuất và vận dụng tại Trung tâm DSCNKHVN)
Trong sơ đồ dưới dạng mô hình hóa phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm mà PGS.TS Nguyễn Văn Huy, “kiến trúc sư” đảm trách chỉ đạo chuyên môn của Trung tâm DSCNKHVN đưa ra năm 2009, thể hiện rõ con người cá nhân vừa là một đối tượng cụ thể, vừa là một thành tố của cấu trúc hệ thống. Tiếp cận lịch sử lấy nhà khoa học làm trung tâm bao gồm cả tiếp cận lịch đại (trục dọc) và đồng đại (trục ngang). Theo tiếp cận lịch đại, cuộc đời nhà khoa học là một chuỗi các sự kiện kéo dài trong hàng chục năm, thậm chí trong một thế kỷ. Trong thời gian dài đó, họ chịu ảnh hưởng và cũng tạo ảnh hưởng đối với nhiều sự kiện lịch sử (ở các cấp độ, quy mô khác nhau) cũng như đối với các nhân vật khác. Như vậy, nghiên cứu về cuộc đời một nhà khoa học là tìm hiểu các sự kiện, nhân vật liên quan đến nhà khoa học đó trong suốt một thời đoạn lịch sử kéo dài có khi đến cả trăm năm. Còn trong tiếp cận đồng đại, cuộc đời của một nhà khoa học ở mỗi giai đoạn đều có những mối quan hệ với các sự kiện, nhân vật khác nhau. Nghiên cứu mỗi giai đoạn trong cuộc đời của một nhà khoa học là nghiên cứu về nhiều sự kiện, nhân vật có liên quan đến nhà khoa học trong giai đoạn đó. Từ tiếp cận lịch sử cuộc đời nhà khoa học đi đến tổng hợp hay tích hợp thông tin, tư liệu cả trục dọc và chiều ngang của tiến trình và phạm vi đó sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn đa dạng và sinh động hơn về lịch sử, mà cụ thể ở đây là một phần lịch sử có liên quan đến nhà khoa học. Nói cách khác, mỗi nhà khoa học như một “trường” trong quá trình nghiên cứu lịch sử xã hội và các “trường” này luôn có quan hệ tương tác với nhau. Nghiên cứu lịch sử cuộc đời cũng là nghiên cứu sâu về mỗi “trường” và nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa các “trường” để tiếp cận lịch sử.
Khi coi nhà khoa học là đối tượng nghiên cứu để nhận thức lịch sử, cần có nguồn sử liệu để tiếp cận lịch sử cuộc đời của họ. Với quan điểm đó, Trung tâm DSCNKHVN đã tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác nhau liên quan đến cuộc đời của nhà khoa học. Trước hết là những nguồn tài liệu thành văn đã xuất bản liên quan đến bối cảnh lịch sử chung của đất nước, liên quan đến gia đình, dòng họ, đến cơ quan, trường học của họ và đến cá nhân họ. Những tài liệu này cung cấp cái nhìn khái quát về cuộc đời nhà khoa học. Cách tiếp cận của Trung tâm có nét đặc trưng kép khi vừa quan tâm tới những tài liệu chung, vừa quan tâm cả tài liệu cá nhân của mỗi nhà khoa học. Tài liệu chung ở đây được hiểu là những tài liệu đã công bố và được nhiều người biết đến; còn tài liệu riêng được hiểu là những tài liệu ở dạng chưa hoàn chỉnh, hoặc chưa được công bố và ít người biết đến. Trung tâm DSCNKHVN rất coi trọng nguồn tài liệu riêng mà các nhà khoa học lưu giữ. Nguồn tài liệu này đa dạng và phong phú, với nhiều loại khác nhau: bản thảo, sổ ghi chép, thư từ, ảnh, phim, hiện vật liên quan… Trong đó, Trung tâm đặc biệt quan tâm đến một số loại tài liệu được coi là quan trọng mang tính “sống còn” cho quá trình phát triển công tác nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, như sẽ đề cập dưới đây.
Sau khi những cuốn sách như Nhật ký Đặng Thùy Trâm[2] hay Mãi mãi tuổi hai mươi[3] xuất hiện trên văn đàn, nhiều người đã thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của những cuốn nhật ký của những người không nổi tiếng. Trước đó, không nhiều người biết đến Đặng Thùy Trâm, cũng chẳng mấy cơ quan chú ý sưu tầm tài liệu liên quan đến những người không nổi tiếng. Các nhà khoa học mà Trung tâm DSCNKHVN nghiên cứu là những người có ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực chuyên môn và liên quan đến nhiều vấn đề lịch sử, nhưng những trang viết hàng ngày của họ vẫn chưa được quan tâm đúng mức so với giá trị của nó. Nhiều nhà khoa học thường có thói quen ghi chép lại những công việc hàng ngày, những cuộc họp bàn công việc, họp chuyên môn, hay tham gia các lớp học, tập huấn, hay những cuộc trao đổi nhỏ trong quá trình làm việc. Họ cũng thường ghi chép lại suy nghĩ về cuộc sống, về những sự kiện mà họ được trải nghiệm, chứng kiến hay quan tâm. Những ghi chép của họ một phần được dùng làm tài liệu để nghiên cứu, nhưng phần lớn “tồn kho” trong thời gian dài và ít được chú ý tới. Tuy nhiên, nguồn tài liệu ghi chép này lại vô cùng quan trọng đối với sự trưởng thành, hình thành tư tưởng, quan điểm và liên quan đến quá trình nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo của nhà khoa học. Nói cách khác, đây là nguồn tài liệu quan trọng để nghiên cứu về lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học.
Trong bối cảnh thời chiến tranh, các nhà khoa học cũng thường phải sống xa nhà, xa quê, để tham gia công tác, hoạt động khoa học hay học tập ở nước ngoài. Nhìn chung, cuộc sống xa cách như thế là chuyện phổ biến đối với giới khoa học Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Trong điều kiện đó, những bức thư trao đổi với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp là một phần di sản, một loại tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc đời nhà khoa học. Hiện nay, Trung tâm DSCNKHVN bảo quản hàng vạn bức thư của các nhà khoa học trong những khoảng thời gian và những hoàn cảnh khác nhau. Điểm chung của các bức thư là chứa đựng tâm trạng, tình cảm và suy nghĩ của cá nhân nhà khoa học hay của người gửi thư cho họ. Những bức thư thể hiện cái nhìn cá nhân nhưng sinh động và chân thật. Ví dụ hơn 200 bức thư của vợ chồng GS Văn Tạo gửi cho nhau trong thời gian ông đi học ở Liên Xô (1961-1964) đã cung cấp nhiều hiểu biết về cuộc sống của gia đình công chức ở Hà Nội đầu những năm 1960, về tâm tư của những người đi học ở Liên Xô thời kỳ đó. Trong những lá thư gửi đi, vợ ông kể khá chi tiết về việc thuê nhà để ở, chuyện mua lương thực và thực phẩm, mua thuốc cho con, chuyện quan hệ với đồng nghiệp ở Hà Nội… Ở chiều ngược lại, GS Văn Tạo cũng thể hiện những suy nghĩ của một người cán bộ được cử sang Liên Xô học khi mà cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại lên cao và có nguy cơ ông sẽ không được bảo vệ luận án… Vào thời điểm đó, những suy nghĩ, trăn trở của hai ông bà khó có thể nói ra với mọi người, nhưng trong thư gửi cho nhau thì họ viết thẳng thắn, chân thật, thể hiện nhiều khía cạnh cuộc sống hiện thực lúc đó.
Đây là loại tài liệu thể hiện rõ nhất quá trình hoàn thành một công trình nghiên cứu của nhà khoa học. Qua các bản thảo cũng cho phép nhận diện về trang thiết bị, chất liệu được sử dụng trong thời kỳ nhà khoa học thực hiện công trình nghiên cứu. Từ các bản thảo có thể hiểu được quá trình xử lý tài liệu, chỉnh sửa, bổ sung, thay đổi và hoàn thành một nghiên cứu khoa học. Có thể coi bản thảo là một loại tư liệu để tìm hiểu những thay đổi trong quá trình nghiên cứu của nhà khoa học. Tuy nhiên, từ trước tới nay, giới nghiên cứu chỉ quan tâm nhiều đến công trình khoa học đã được hoàn chỉnh, không quan tâm đến tài liệu bản thảo – sản phẩm trong quá trình nghiên cứu. Bởi bản thảo là những sản phẩm chưa hoàn chỉnh, chưa công bố và thường bị quên lãng, thậm chí vứt bỏ sau khi hoàn thành nghiên cứu và công trình được xuất bản. Nhưng khi mà việc phê phán các nghiên cứu khoa học để đạt tới những nhận thức khác ngày càng được coi trọng, buộc các nhà nghiên cứu phải đánh giá lại cả về quá trình nghiên cứu, thay vì chỉ đánh giá kết quả nghiên cứu, thì tài liệu bản thảo bắt đầu có vai trò quan trọng hơn. Lúc này, nhà nghiên cứu cần tiếp cận quá trình nghiên cứu trước đó của nhà khoa học, nhằm tìm những điểm then chốt trong quá trình nhận thức để lý giải cho những quan điểm của họ trình bày trong kết quả nghiên cứu. Việc nghiên cứu các bản thảo, từ bản đầu tiên đến bản hoàn chỉnh được đưa đi xuất bản, là một quá trình đánh giá nghiêm túc đối với lao động trí tuệ của nhà khoa học, một quá trình tiếp nối liên tục từ các nguồn dữ liệu của nhà nghiên cứu.
Di sản ký ức là một khái niệm tương đối mới. Trên thế giới, từ cuối thế kỷ XX, UNESCO đã phát động chương trình “Ký ức thế giới” để kêu gọi toàn thể loài người cùng góp phần bảo tồn các loại tài liệu, nhất là ký ức về nhân loại. Tuy nhiên, thuật ngữ “di sản ký ức” theo cách hiểu của UNESCO là một khái niệm rộng lớn, bao hàm nhiều ý nghĩa và nhiều thể loại tài liệu, di sản khác nhau, cả vật thể và phi vật thể. Đối với Trung tâm DSCNKHVN, di sản ký ức được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, đó là một dạng tài liệu tồn tại dưới dạng trí nhớ của mỗi người và ai cũng có những ký ức nhất định. Di sản ký ức là những dấu vết về những sự kiện hoặc nhân vật được lưu lại nhờ bộ não của con người, trong quá trình tiếp xúc, suy nghĩ hay tương tác với những người khác trong các bối cảnh khác nhau.
Bên cạnh đó, trong gần 8 năm qua, Trung tâm DSCNKHVN đã ghi âm, ghi hình về di sản ký ức của hàng trăm nhà khoa học và thu về hàng vạn phút ghi âm, ghi hình để lưu trữ và nghiên cứu. Theo đó, là quy trình chuyên môn nghiệp vụ mà các nghiên cứu viên phải tiếp tục xử lý, tác nghiệp… Có thể nói, những di sản ký ức là một tài sản vô cùng quý báu cho các thế hệ nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử một thời đoạn của dân tộc, của cha ông. Nhưng cũng cần phải lưu ý đến tính cá nhân của loại tài liệu này: đây là ký ức của một người cụ thể và nó có thể chưa hẳn chính xác do thời gian quá lâu hoặc trong trường hợp trí nhớ của nhà khoa học suy giảm, cho nên khi sử dụng cần có sự khảo cứu, kiểm chứng và đối chiếu nhiều nguồn tài liệu khác nhau, cũng như có sự đồng thuận của chủ sở hữu tài liệu đó.
Như đã nói trên, tiếp cận lịch sử cuộc đời các nhà khoa học là cách tiếp cận liên ngành, nên Trung tâm DSCNKHVN đang hướng đến phương pháp tổng hợp hay tích hợp các nguồn tài liệu, thông tin đa chiều, để có cái nhìn toàn diện hơn về đối tượng nghiên cứu. Nhà khoa học là một đối tượng nghiên cứu phức tạp thể hiện qua các mối liên hệ của họ theo trục dọc và chiều ngang. Với những nguồn tài liệu khác nhau, trong đó coi trọng nguồn tài liệu mang tính cá nhân, chưa được kiểm chứng, thì việc nghiên cứu và sử dụng lại càng phải cẩn trọng. Như đã xác định, nhà khoa học là trung tâm trong sơ đồ nghiên cứu, nhưng bản thân họ cũng là một thế giới với các mối quan hệ phức tạp và không dễ để nhận thức khách quan. Họ là một “trường” rất nhỏ khi đặt trong bối cảnh rộng lớn như đã thể hiện trên sơ đồ, từ bối cảnh quốc tế, trong nước đến bối cảnh của ngành, trường, cơ quan, gia đình… Và nhà khoa học cũng tương tác với nhiều “trường” khác trong quá trình sinh sống cũng như hoạt động chuyên môn và hoạt động xã hội. Bởi vậy, khi tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời các nhà khoa học, Trung tâm DSCNKHVN chú trọng việc nghiên cứu cả tài liệu văn bản, cả tài liệu ký ức. Trong nghiên cứu tài liệu văn bản như các ghi chép, thư từ, bản thảo…, việc so sánh, đối chiếu nhiều nguồn với nhau là rất cần thiết để tránh sai sót. Từ tài liệu ghi chép cá nhân của nhà khoa học cũng phải được đối chiếu với ghi chép của những nhà khoa học khác có liên quan đến cùng một sự kiện hay nhân vật nào đó, hoặc đối chiếu với các tài liệu đã phổ biến. Sự đối chiếu, so sánh như vậy có giá trị tương hỗ nhau giữa các nguồn tài liệu để đi gần hơn đến sự thật lịch sử. Đối với tài liệu ký ức lại càng phải kiểm chứng nhiều hơn. Thường khi nghiên cứu về một nhà khoa học, bên cạnh tìm hiểu ký ức và tư liệu của chính nhà khoa học đó, cần phải tìm hiểu thêm qua nhiều nhà khoa học khác là học trò hay đồng nghiệp của nhà khoa học kia. Từ nhiều góc nhìn khác nhau, lịch sử cuộc đời của nhà khoa học sẽ được thể hiện rõ ràng và đầy đủ hơn. Tất nhiên, ý kiến của những người khác cũng chịu sự chi phối của cảm tính và do đó cần được xem xét kỹ lưỡng khi sử dụng làm tư liệu cho việc nghiên cứu.
[2] Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2005.
[3] Mãi mãi tuổi hai mươi, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2005.