Như bởi “mối lương duyên” với văn học, với ngôn ngữ hay bởi “mắc nợ” tiếng Việt mà PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt (Giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) gắn chặt cuộc đời mình với ngôn ngữ nói chung, với tiếng Việt nói riêng để rồi cho ra đời rất nhiều tác phẩm văn chương và khoa học về ngôn ngữ đồng thời có những sáng tạo, cải cách trong phương pháp giáo dục và cách thức tiếp cận và giảng dạy văn học và tiếng Việt.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt sinh ngày 21 tháng 4 năm 1953 tại Phú Cường, Ba Vì, Hà Nội. Ông sinh ra và lớn lên trong giai đoạn toàn dân tộc Việt Nam đang phải cùng nhau trải qua muôn vàn gian khó, vất vả của thời kì đất nước tập trung dồn tất cả nguồn lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, rồi tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mĩ thống nhất đất nước. Mang trong mình bản chất hào hoa, lãng mạn của chàng trai miền văn hóa xứ Đoài, ông khát khao tìm đến văn chương để lòng mình “dễ” đi tìm cái đẹp, cái vui, cái “ngọt” của quê hương, đất nước, con người giữa thời buổi đầy những đau thương và chia ly bởi chiến tranh cũng như bị thôi thúc bởi niềm đam mê vẻ đẹp của văn học mà tháng 10 năm 1971, chàng thanh niên ấy quyết định theo đuổi chuyên ngành Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Năm 1976, ông tốt nghiệp ra trường và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại một khoa nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo nhân tài văn chương, đó là khoa Ngữ Văn trường ĐHTH Hà Nội – nơi ông đã theo học. Chỉ sau vài năm ở lại trường ông đã liên tiếp cho xuất hiện nhiều vở kịch công diễn trên sân khấu và trên màn ảnh ti vi cả nước. Như người bạn đồng nghiệp Trần Hinh (cán bộ giảng dạy khoa Văn học ĐHKH XH&NV) từng viết, ông là người nổi tiếng từ rất sớm Khi mới 26 tuổi ông đã chuyển thể thành công tiểu thuyết “Chuyện ngày thường ở huyện” của nhà văn Nga nổi tiếng Ôvetskin và được phát sóng trên Truyền hình cả nước làm chấn động khán giả đương thời (Thời ấy, cả nước chỉ mới có một đài Truyền hình). Ở lại trường chưa được 10 năm, năm 1984, ông được cử sang làm chuyên gia giảng dạy tiếng Việt tại Phnompenh, Campuchia. Năm 1985, ông trở về nước và tiếp tục công tác giảng dạy tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tháng 11 năm 1988, ông được cử đi học nghiên cứu sinh tại Moscow và bảo vệ thành công xuất sắc Luận án Tiến sĩ tại Viện ngôn ngữ, Viện hàn lâm Khoa học Nga, tháng 2 năm 1994. Về nước, ông lại tiếp tục làm công tác giảng dạy ở khoa Ngữ văn ĐHTH Hà Nội. Năm 1996, bộ môn Ngôn ngữ học tách thành khoa riêng với tên mới là khoa Ngôn ngữ học. Ông về giảng dạy tại khoa này với tư cách là khoa mới thành lập của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu, có vốn hiểu biết rộng, ngoài việc tham gia giảng dạy tại ĐHTH (sau này là ĐHQGHN), ông còn được mời làm giáo sư thình giảng cho các trường Đại học Ngoại giao QT Moscow, Liên bang Nga; Đại học Paris VII, Cộng hòa Pháp; Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải, Trung Quốc, tham gia hướng dẫn cho nhiều sinh viên và học viên Cao học người nước ngoài. Ngoài công tác giảng dạy, ông còn có nhiều thành tựu trong sáng tác văn chương, nên đã được kết nạp vào làm hội viên hội Nhà văn Việt Nam năm 1997 và được Nhà nước phong hàm PGS năm 2005. Từ khi thành lập khoa Ngôn ngữ học đến nay, ông liên tục làm Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông chẳng những là một trong những chuyên gia hàng đầu giảng dạy bộ môn Phong cách học và Ngôn ngữ văn học, mà đồng thời còn là tác giả của rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học và sáng tác văn học. Hoạt động sáng tạo văn học và nghiên cứu khoa học của ông rất đa dạng. Cho đến nay, ít ai có được số lượng đầu sách xuất bản trên hầu khắp các nhà xuất bản Trung ương ở Hà Nội như ông, thậm chí có cả sách xuất bản ở nước ngoài. Đây là một điều rất đặc biệt khiến cho ông Trần Hinh từng coi ông là một “hiện tượng”. Số lượng các bài báo ông từng công bố cũng rất lớn và phong phú trải rộng trên nhiều tờ báo và tạp chí khác nhau. Điều này cho thấy, ông chẳng những là người nhiệt huyết, đam mê mà còn là người có kiến thức rộng lớn phủ sóng trên nhiều lĩnh vực; và hơn hết ông là người đầu óc tổ chức khoa học, biết sắp xếp thời gian để có thể cống hiến hết mình cho sự nghiệp mình theo đuổi.
Chỉ riêng lĩnh vực sáng tác, ông là người có nhiều đóng góp ở hầu hết các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, sân khấu, điện ảnh và thơ. Nhiều tác phẩm của ông được nhiều nhiều người yêu thích như “hai đầu của bức thư tình”, “Các con đại tá” (2 tập), “Phía sau giảng đường”, “Vì tôi yêu”, “Hồi ức tuồi mười ba”, “Những kẻ giấu mặt”, “Chuyện thường ngày ở huyện”, “Cổng trường thời mở cửa”, “Quái nhân” (tiểu thuyết); “Nước mắt cô đào”, “Vì tôi yêu” (Sân khấu), “Văn khoa chân dung ký”… Đặc biệt, ông chính còn là tác giả của bộ phim 10 tập phản ánh về giáo dục và nhà trường “Cổng trường Thời mở cửa” được công chiều trên hàng chục kênh truyên hình cả nước, được nhiều người xem mến mộ. Hơn thế nữa, thời gian làm NCS ở Nga ông còn là người sáng lập ra một Công ty sản xuất phim tư nhân mang tên “Đoàn làm phim Moscva” (năm 1993) từng sản xuất ra bộ phim “Hoa rừng trắng” do chính ông làm tác giả và đạo diễn. Bộ phim được hoàn thành với diễn viên của 5 nước: Việt Nam, Ucraina, Nga, Ba Lan và Nam Tư và được chiếu rộng rãi phục vụ cho người Việt ở nước ngoài và một số cơ quan ở trong nước. Sự nghiệp thành lập hãng phim tư nhân của ông không được tiếp tục vì sau đó ông về nước (năm1994) nhưng nó là manh nha và tạo tiền đề cho việc hình thành ra “luật mới” cho phép các Công ty tư nhân sản xuất phim ở Việt Nam sau này.
Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều công trình lý luận, phê bình văn học như “Nhà văn, sự sáng tạo nghệ thuật” (năm 1999), “Về một cách tiếp cận tác phẩm văn học” (bút danh Văn Tuệ Quang, năm 2000), “Phong cách học với lý luận, phê bình văn học và việc dạy văn trong nhà trường” (Nxb HN 2002). Hiện ông có bản thảo “Nhà văn và thi pháp” chuẩn bị xuất bản…
Về lĩnh vực thơ ca, ông cũng là một trong những người tiên phong trong cuộc cách tân thơ Tân hình thức theo hướng mới và là được coi là người khai sáng ra dòng thơ hình họa tiếng Việt. Điều này được thể hiện rõ qua tập thơ “Lữ hành” (Nxb Văn học năm 2014) và trường ca “Cuộc chiến mười ngàn ngày” (Nxb Công an Nhân dân 2015). Tập thơ “Lữ hành” gồm 95 bài là tập thơ trữ tình được ông sáng tác dọc theo các cuộc hành trình của ông qua nhiều nước trên thế giới, thể hiện tâm tư của một trí thức luôn mang nặng tấm lòng yêu nước và tiếng Việt. Tập thơ này có nhiều bài thơ hình họa, bộc lộ một xu hướng mới trong việc khai thác các giá trị của tiếng Việt trong quá trình xây dựng hình tượng thơ. Tập “Cuộc chiến mười ngàn ngày” là tập trường ca đầu tiên ở Việt Nam khái quát một chặng đường lịch sử 30 năm chiến tranh của dân tộc được viết bằng thứ ngôn ngữ vừa hào sảng vừa trữ tình, bay bổng. GS.TS Hoàng Trọng Phiến từng nhận xét “Với tập trường ca này, Hữu Đạt không chỉ phản ánh được một cách sinh động một giai đoạn lịch sử oai hùng của đất nước mà còn làm cho tiếng Việt trở nên, lung linh huyền ảo”. Trường ca này gồm 12 chương, phong phú về nội dung độc đáo về hình thức thể hiện với 39 hình họa khác nhau gồm các khổ thơ hình mũi tên, hình thạp đồng, hình mái nhà rông, hình chiếc cốc, hình chiếc chìa khóa, hình lọ hoa, hình cây rơm, hình nậm rượu, hình cây thánh giá… và cả hình bản đồ Việt Nam. Nó có thể coi đây là tập trường ca có hình thức rất độc đáo “độc nhất vô nhị” trong thơ ca đương đại.
Về nghiên cứu, có lẽ lĩnh vực ông quan tâm nhất là đặc trưng của tiếng Việt với rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ông chính là người đầu tiên viết và cho xuất bản cuốn “Tiếng Việt thực hành” ở Việt Nam (XB 1995). Đây là cuốn sách dạy các kỹ năng và kiến thức cơ bản nhất về giao tiếp phục vụ cho sinh viên Cao đẳng và các trường Đại học học tiếng Việt nên đã được tái bản nhiều lần và được các đồng nghiệp kế thừa để biên soạn các cuốn thực hành tiếng Việt và thực hành biên soạn văn bản. Ngoài ra ông còn cho xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị “Cơ sở tiếng Việt”, “Phong cách học tiếng Việt hiện đại”, “Phong cách học và các phong cách chức năng”, “Văn học Việt Nam và tiếng Việt văn học” (Giáo trình), “Một số vấn đề cề ngôn ngữ nghệ thuật” (Bài giảng sau Đại học) , “Ngôn ngữ thơ Việt Nam”, “Đặc trưng ngôn ngữ và văn hóa giao tiếp tiếng Việt”, “Tri nhận không gian, thời gian trong thành ngữ tục ngữ tiếng Việt” (Sách chuyên luận), “Vấn đề chuẩn hóa ngôn ngữ phong cách hành chính công vụ”, “Mối quan hệ giữa ngôn ngữ-văn hóa và biểu hiện của nó trong tiếng Việt”, “Đặc trưng ngôn ngữ thơ và ca dao”, “Con đường tạo nghĩa của các thành ngữ, tục ngữ liên quan đến văn hóa ăn và văn hóa mặc trong tiếng Việt”, “Vấn đề chuẩn hóa từ vựng trong các văn bản luật thời kỳ Đổi mới”. Các cuốn sách, các bài báo khoa học của ông không chỉ cung cấp kiến thức phong phú, thể hiện tư duy khoa học nghiêm túc qua những phân tích sắc sảo, lập luận chặt chẽ, góp phần cho công tác đào tạo các bậc cử nhân, tiến sĩ ở trường đại học mà còn là những gợi dẫn thú vị cho những ai quan tâm đến ngôn ngữ và văn chương.
Là một người thầy có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục, đào tạo đồng thời cũng là người yêu tiếng Việt, yêu văn chương, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt từng chỉ ra rằng, cần đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy văn học trong nhà trường bởi đối với học sinh, sinh viên, môn học nào cũng là quan trọng nhưng “học văn là học làm người” và thực trạng dạy văn, học văn đang có nhiều biểu hiện đáng lo ngại và là mối băn khoăn, quan tâm của toàn xã hội. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do sự máy móc trong giảng dạy và hạn chế của các phương pháp dạy văn hiện nay. Chính vì vậy, ông luôn cố gắng vận dụng tốt “phương pháp mở” trong nghiên cứu, tiếp cận các vấn đề về ngôn ngữ và văn chương. Ông luôn giữ vững quan điểm “Khi giảng dạy, người thầy phải đóng vai trò là một “đạo diễn”, gợi mở để phát huy năng lực sáng tạo của học sinh, sinh viên. Người thầy không nên công thức, máy móc, một chiều hay lặp lại các phân tích khi giảng dạy các tác phẩm khác nhau. Bên cạnh đó, ông còn cho rằng, chương trình học văn ở các cấp hiện nay vẫn còn nhiều bất hợp lý. Các tác phẩm được sách giáo khoa lựa chọn chưa tiêu biểu cho phương pháp sáng tác của văn học Việt Nam hiện đại. Điều này chứng tỏ chương trình học văn còn có nhiều lúng túng về mặt lý luận, thậm chí thể hiện cách nhận diện các thời kỳ văn học theo kiểu còn hời hợt, khập khiễng. Vì vậy, theo ông “Đổi mới cách dạy văn và học văn không được chạy theo “mốt” thời đại hay chạy theo các lý thuyết mới từ nước ngoài một cách thái quá như hiện nay… Khi dạy văn và học văn, chúng ta không thể không tính toán kỹ cái gọi là đặc trưng văn hóa, ngôn ngữ dân tộc và cách tư duy của người Việt”.
Là một người thầy tâm huyết với mong muốn truyền đạt tất cả tình yêu văn chương và những kiến thức về ngôn ngữ và văn học mà mình tích lũy được cho sinh viên, đồng thời đặt mình trong vai trò là một nhà nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ và văn học, ông luôn chủ động “làm mới” mình và làm mới phương pháp giảng dạy bằng cách phân tích vấn đề hay phân tích, hướng dẫn sinh viên cảm nhận tác phẩm văn học theo cách của riêng mình.
Có lẽ, ngoài những giờ dạy ở lớp, sự dễ hiểu trong cách dẫn dắt vấn đề, sự giản dị mà thâm thúy trong cách sử dụng ngôn từ trong các cuốn sách mà ông viết cũng đã thể hiện rõ tâm huyết của một người thầy luôn chăm lo, giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt.
Nguyễn Thị Thúy Nga
Nguồn: Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 298+299, 2016