Nỗ lực vượt khó để thành công

Giáo sư Nguyễn Như Khanh[1] sinh năm 1940 trong một gia đình bần nông ở miền quê nghèo – xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông chia sẻ: Tôi mồ côi bố từ khi mới lên 8 tuổi. Những ngày tháng vừa đi học, vừa đi làm thuê với đủ các nghề như đào đất, gánh nước, dạy trẻ… tuy vất vả nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy nản chí.

GS.TS Nguyễn Như Khanh giới thiệu một số tài liệu tặng Trung tâm

Năm 1966, ông hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo kĩ sư ngành Sinh – hóa tại trường Đại học Sư phạm quốc gia Moskva, mang tên V. I. Lênin (Liên Xô) và được chuyển tiếp học nghiên cứu sinh, nhưng vì thương mẹ một mình ở quê nhà, nên ông từ chối cơ hội quý giá này. Trở về Việt Nam, ông được phân công làm cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lâm nghiệp[1] (1966-1973), rồi trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1974. Trong quá trình công tác và nghiên cứu, ông đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài khoa học có ý nghĩa thực tiễn cao. Ông cởi mở: Trong những năm tháng chiến tranh, cuộc sống của cán bộ, giảng viên vô cùng vất vả. Nhưng chính môi trường khắc nghiệt như thế đã mài rũa thêm nghị lực trong tôi. Thế hệ ông đã trải qua một thời kỳ như vậy, vừa nỗ lực công tác vừa sẵn sàng chiến đấu. Năm 1969 ông được Trung ương Đoàn thanh niên tặng Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, và năm 1989 ông được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất của Hội đồng Bộ trưởng.

Cũng tại buổi làm việc, GS Nguyễn Như Khanh đã tin tưởng trao tặng Trung tâm khoảng 200 tài liệu, bao gồm: luận văn tốt nghiệp, báo cáo khoa học, các văn bản hành chính… liên quan đến hoạt động chuyên môn của ông. Đây là những tài liệu rất hữu ích để nghiên cứu về lịch sử cuộc đời của Giáo sư.   

Nguyễn Thị Hợp

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


[1] Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý – sinh hóa, khoa Sinh – kỹ thuật nông nghiệp, trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

[2] Nay là Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam.