GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh – cây đại thụ trong làng các nhà động vật học, sinh thái học và bảo vệ thiên nhiên Việt Nam

Tôi biết GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh từ giữa năm 1974 sau khi tốt nghiệp khoa Sinh vật, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tôi được phân công về công tác tại phòng Động vật. Lúc đó, Phó Tiến sỹ Đặng Huy Huỳnh đã là Trưởng phòng Nghiên cứu Động vật. Trong suốt hơn 40 năm gắn bó với Giáo sư cả trong nghiên cứu khoa học cũng như trong sự nghiệp xây dựng cơ quan, đơn vị: Ban đầu là phòng Nghiên cứu Động vật, sau đó là Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái học và Tài nguyên sinh vật, rồi đến Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và thậm chí là cả trong sự nghiệp xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam mà tôi đã và đang theo đuổi. Hơn 40 năm qua, cơ quan, đơn vị của chúng tôi và kể cả cơ quan chủ quản là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KH&CNVN), ngày nay cũng đã nhiều lần thay tên, đổi biển gắn với lịch sử, theo sự phát triển liên tục của nó. Tôi còn nhớ rất rõ lúc tôi mới được vào làm việc ở Phòng của GS Huỳnh, bộ môn Ký sinh trùng của tôi còn chưa được biên chế thành một Tổ chuyên môn, còn Viện Sinh vật lúc đó cũng chưa được hình thành mà vẫn được gọi là khối Sinh học thuộc Viện Khoa học tự nhiên thuộc Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

Sự nghiệp lãnh đạo, xây dựng cơ quan của GS Huỳnh gắn liền với sự hình thành của Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1975 khi thành lập Viện Khoa học Việt Nam, GS Huỳnh đã được bổ nhiệm ngay làm Phó Chánh văn phòng của Viện. Cùng với đó, Viện Sinh vật học cũng được hình thành và chỉ sau chưa đầy một năm, theo đề nghị của các nhà sinh học trong viện ông đã được điều về làm Phó Viện trưởng Viện Sinh vật  học. Năm 1986, khi tách ra thành Trung tâm Sinh thái học và Tài nguyên sinh vật, GS Huỳnh (lúc đó đã bảo vệ luận án TSKH ở Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô) được chuyển sang làm Phó Giám đốc Trung tâm và đến năm 1990 khi thành lập Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật Giáo sư trở thành Viện trưởng đầu tiên của viện này cho đến khi về hưu theo chế độ (năm 1995).

 

PGS.TS Phạm Văn Lực (Nguồn: Internet)  

Là một người từng công tác quản lý, lãnh đạo ở 3 cơ quan khác nhau thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Văn phòng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) nhưng tôi vẫn luôn luôn duy trì sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình tại phòng Thí nghiệm Ký sinh trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Vì vậy tôi có được cơ may làm việc và công tác liên tục với GS Huỳnh cho đến tận ngày nay. Tôi biết rất rõ Giáo sư là nhà khoa học –  luôn luôn sốt sắng, hoạt động, nghiên cứu không ngừng nghỉ. Ông là một cây đại thụ trong làng các nhà động vật học, sinh thái học và bảo vệ thiên nhiên Việt Nam. Không chỉ có thế, Giáo sư còn là một người hết sức quan tâm và có nhiệt huyêt mãnh liệt trong việc hoạt động cho sự ra đời của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Từ khi mới được thành lập, Viện Khoa học Việt Nam đã được cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và GS Đặng Huy Huỳnh là một trong những nhà khoa học của Viện được giao nhiệm vụ nghiên cứu đó. Tôi còn nhớ khi còn ở Viện Sinh vật học, với cương vị là Phó Viện trưởng, kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu động vật, Giáo sư đã chủ động đề xuất và đứng ra chủ trì xây dựng nhà bảo tàng động vật trực thuộc viện, Phòng Bảo tàng ấy còn tồn tại và vẫn phát triển cho đến ngày nay chính là nhờ có công lao, công hiến của GS TSKH Đặng Huy Huỳnh. Suốt mấy chục năm qua, ông đã chủ trì, dẫn đầu rất nhiều đoàn nghiên cứu thực địa của Phòng và Viện, những chuyến thực địa trên khắp các tỉnh thành, địa phương, từ đất liền đến các hải đảo trên cả nước từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước cho đến tận ngày nay, đã thu thập cho bảo tàng này hàng vạn mẫu vật, trong đó có rất nhiều mẫu quý. Từ khi dự án xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2002) và nhất là sau ngày Bảo tàng TNVN được thành lập (tháng 3 năm 2006), tôi với cương vị là Trưởng Ban Quản lý và sau đó là Giám đốc Bảo tàng đã không ngừng hợp tác và liên tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, có trách nhiệm của Giáo sư. 

Ngày nay, ở tuổi ngoài tám mươi, nhưng GS Đặng Huy Huỳnh vẫn còn sức khỏe và vẫn không ngừng hoạt động trong các lĩnh vực sở trường của mình. Ông vẫn liên tục nghiên cứu, liên tục đào tạo thế hệ trẻ, Giáo sư thật sự là một tấm gương sáng, vô cùng đáng ngưỡng mộ trong làng khoa học sinh vật học Việt Nam. Cầu chúc cho Giáo sư sức khỏe và hoạt bát như thế nhiều năm nữa. 

   

PGS.TS Phạm Văn Lực 

Chủ tịch HĐKH, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam