Giáo sư Bùi Huy Đáp – cánh chim đầu đàn của nền khoa học nông nghiệp Việt Nam

Lần đầu tôi được biết GS Bùi Huy Đáp là vào năm 1956 khi ông đến giảng bài về quy luật tiến hóa của sinh vật cho học sinh toàn trường Trung cấp Nông lâm Trung ương mà tôi là học sinh Khoa Trồng trọt. Tôi rất ấn tượng về một bài giảng hay, hấp dẫn đến kỳ lạ, với lượng kiến thức khổng lồ mà trước đó chưa bao giờ được nghe. Nhưng thực ra tôi cũng chưa lĩnh hội được đầy đủ nội dung bài giảng, mà chỉ nhớ là rất hay! Kể cũng không lạ vì ông đang là Hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy ở trường Đại học Nông lâm mà ưu ái về giảng vài tiết cho trường trung cấp chúng tôi. May mắn cho tôi khi ra trường được về bộ môn Sinh lý thực vật ở trường Đại học Nông lâm rồi sau đó là Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam mà GS Bùi Huy Đáp đều là thủ trưởng. Trong 15 năm làm khoa học nông nghiệp (1959-1973) tôi trưởng thành đến đâu lại thấy tầm vóc của ông lớn hơn mà trước đó tôi chưa nhận ra.

        GS  Bùi Huy Đáp cùng các học trò là cựu sinh viên khóa 1             trường Đại học Nông lâm, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật ông 80 tuổi.      Hà Nội, 15-12-1998

Một nhà khoa học nông nghiệp đầu đàn

Năm 1964, khi nghe PTS Đào Thế Tuấn  thuyết trình một chuyên đề về “Khoa học trong nghiên cứu khoa học” ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội), tôi mới hiểu ra những việc GS Bùi Huy Đáp điều hành Trường và Viện đều tuân theo quy luật “Khoa học về khoa học”. Ông rất chú trọng phương pháp nghiên cứu và giá trị thực tiễn của các đề tài nghiên cứu. Các khoa trồng trọt, chăn nuôi thú y, kinh tế, cơ khí có rất nhiều đề tài tổng quát và chuyên sâu khác nhau. Ông yêu cầu các chủ nhiệm đề tài từ xây dựng đề án đến triển khai thực hiện và nghiệm thu phải bám sát phương châm ba tính chất: tính khoa học, tính thực tiễn và tính quần chúng.

Để đảm bảo tính khoa học trong nghiên cứu, GS Bùi Huy Đáp đòi hỏi các đề tài phải có những thí nghiệm cơ bản. Chẳng hạn khi nghiên cứu về phòng trừ bệnh vàng lụi ở lúa thì GS Đáp giao cho anh Phan Đình Phụng phải tìm được kháng nguyên, kháng thể của virus gây bệnh. Để nghiên cứu cấy nhỏ dảnh (ít dảnh) ông giao bộ môn Sinh lý thực vật cấy một dảnh mạ vào 1m2 bùn tốt cho phát triển tự nhiên, kết quả thu được mấy chục bông lúa, trong sản xuất lúc bấy giờ số bông một khóm có khi còn ít hơn số dảnh mạ cấy ban đầu…

Để đảm bảo tính thực tiễn ông luôn nhắc nhở các học trò, cán bộ của mình: “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”. Đánh giá kết quả nghiên cứu phải căn cứ giá trị áp dụng vào sản xuất trên đồng ruộng, trong chuồng trại. Chính vì thế, cán bộ của Viện nhiều khi bắt tay làm như nông dân thực thụ là chuyện bình thường, đến đâu cũng được cán bộ và nhân dân địa phương quý mến.

Để đảm bảo tính quần chúng, GS Bùi Huy Đáp luôn trăn trở tìm biện pháp đơn giản, dễ làm để nông dân áp dụng như gieo hạt cây điền thanh gối vào lúa xuân làm phân bón cho vụ mùa. Hoặc như trộn đất sét với phân đạm vo viên để chống rửa trôi… Quan điểm nhân dân của ông đã được thấm nhuần từ bài giảng đầu tiên của ông mà tôi được nghe. Tôi rất nhớ câu ông nhấn mạnh: “Cái gì không phải là nhân dân thì không thể tồn tại trên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa này được”. Từ quan điểm có tính nguyên tắc đó, GS Bùi Huy Đáp nhất quán tổ chức nghiên cứu khoa học theo mô hình kết hợp chặt chẽ ba công đoạn, có khi tuần tự, có khi đồng thời, đó là: phòng thí nghiệm, ô thí nghiệm và điểm thực nghiệm.

Vào lúc ấy, phòng thí nghiệm đã được trang bị phương tiện khá đầy đủ, ngoài cán bộ nông nghiệp còn có các cử nhân hóa học, sinh học, vật lý tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, Đại học Sư phạm về cùng làm việc. Ô thí nghiệm là những ô ruộng, vườn khoảng 20 m2 hoặc một ô chuồng có ít nhất 5-10 con vật nuôi đồng đều. Mỗi công thức được nhắc lại ít nhất ba lần, kết quả phải tính sai số để biết độ tin cậy của thí nghiệm. Ở ô thí nghiệm đã có điều kiện gần với thực tế sản xuất, nhưng vẫn chưa đủ để đưa vào sản xuất đại trà, nên còn phải có điểm thực nghiệm trong thực tế sản xuất. Điểm thực nghiệm là tổ chức sản xuất ở quy mô nông dân thừa nhận, có khi tới vài chục hecta như lúa xuân ở Tân Hưng Hòa, Kiến Xương, Thái Bình (1967), hàng trăm con lợn lai kinh tế ở Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội (1972).

Ngày nay người ta nói nhiều đến sinh thái: khuyến nông sinh thái, trang trại sinh thái, rừng sinh thái, kiến trúc sinh thái, đô thị sinh thái, bệnh viện sinh thái… nhưng không mấy ai nhớ vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước chính GS Bùi Huy Đáp là người đầu tiên soạn giáo trình Sinh thái nông nghiệp.

Với quan điểm chỉ đạo và phương pháp luận nghiên cứu khoa học như vậy nên mặc dù đất nước có chiến tranh, thiếu thốn đủ bề về cả trang thiết bị và nhân lực nhưng GS Bùi Huy Đáp vẫn chỉ đạo đội quân khoa học nông nghiệp lập nên nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng hậu phương miền Bắc vững chắc, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc. Đó là tiền đề cho nông nghiệp Việt Nam cất cánh vào những năm sau, vươn lên tốp đầu của thế giới về gạo, hồ tiêu, cà phê, hạt điều, cao su và cải tạo tốt đàn gia súc, gia cầm trong cả nước…

Nhiều năm sau nghỉ hưu GS Bùi Huy Đáp dưỡng bệnh tại nhà riêng ở khu Phương Mai, tôi có lần đến thăm ông và bày tỏ sự tâm đắc với phương pháp luận khoa học của ông nhưng thấy ông thoáng buồn mà rằng: “Bây giờ mấy ai chú ý đến đâu, nhiều nghiên cứu trùng lặp và kém hiệu quả!”

Giáo sư Bùi Huy Đáp – nhà khoa học đậm chất Việt

Cũng là người Việt, nhưng không phải nhà khoa học nào cũng đậm chất Việt như GS Bùi Huy Đáp. Ông từng đỗ tú tài loại giỏi thời thuộc Pháp, được học bổng nhưng lại nằm trong số ít người ứng thí vào trường Canh nông Đông Dương, nơi đào tạo cái nghề vẫn bị coi thường nhưng đặc trưng và phổ biến nhất ở nước ta thời bấy giờ. Không những thế, ngay cuối kỳ thực tập tốt nghiệp (1940) ông đã xuất bản cuốn sách đầu tay Nghề trồng cây ăn quả ở Trung kỳ, một tên sách rất mộc mạc, gần gũi với ngôn ngữ nông dân Việt Nam.

Tốt nghiệp kỹ sư thời Pháp thuộc, ông lại xin vào học việc với một thợ cày cùng quê. Trong hoàn cảnh xã hội lúc ấy, nếu không phải là một trí thức có tinh thần yêu dân, yêu nước cháy bỏng thì không thể có hành động như ông được.

Phần lớn hoạt động khoa học đầy nhiệt huyết của GS Bùi Huy Đáp diễn ra trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong hoàn cảnh nào ông cũng tìm cách cống hiến cho nông nghiệp, nông dân được nhiều nhất. Khi là Phó Giám đốc Nha Nông chính đóng ở Việt Bắc với một nhóm cán bộ trình độ còn thấp, phương tiện gần như không có gì thế mà ông đưa ra được những giải pháp ứng dụng rộng rãi. Có thể đưa ra đây hai minh chứng tiêu biểu.

Với lúa là “Cấy dày vừa phải”, GS Bùi Huy Đáp khuyến cáo cấy dày vừa phải là khoảng 25 khóm/1m2. Hiệu quả của cấy dày vừa phải đến mức đi vào ca dao “Cấy thưa thừa đất, cấy dày thóc chất đầy kho”. Có lúc một số người không nghe khuyến cáo của GS Bùi Huy Đáp là cấy dày vừa phải, kết quả chỉ có rơm, thì lại phát sinh câu ca “Cấy thưa thừa thóc, cấy dầy cóc được ăn”. Tôi cũng đã phải thức đêm thay nhau quạt gió cho “ Ruộng siêu cao sản” kiểu này nên nhớ lâu.

Với cây mầu là “Khoai lang ụ”. Điều này hiện nay không còn được áp dụng, nhưng đặt vào hoàn cảnh kháng chiến, thiếu ăn, lại bị phi pháo địch uy hiếp thì thêm một rổ khoai cũng là quý. Còn nhớ hồi ấy trong sân ngoài ngõ, ven đường cái quan nhan nhản những ụ khoai lang, tuy năng suất không cao nhưng nó đã có sứ mệnh lịch sử của riêng nó.

Ở Việt Nam ta có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”, điều này lại càng đúng với nông dân. GS Bùi Huy Đáp khi làm điểm thực nghiệm ông không làm đơn lẻ mà làm nhiều điểm có chính, có phụ, có tổng hợp, có chuyên sâu. Tổng hợp lại đều là mắt thấy tai nghe nên có sức thuyết phục tuyệt đối. Để đưa lúa xuân ra sản xuất đại trà, ông giao cho anh Nguyễn Văn Luật phụ trách một tổ thực nghiệm thâm canh tổng hợp ở hợp tác xã Tân Hưng Hòa kiêm chuyên sâu về giống lúa ở hợp tác xã Vũ Thắng thuộc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; Một điểm chuyên sâu phân bón ở hợp tác xã Tân Phong thuộc huyện Vũ Thư ; Một điểm chuyên sâu về tưới, tiêu ở Nguyên Xá do anh Vũ Mạnh Rinh phụ trách; Một điểm chuyên sâu về trâu kéo ở huyện Thụy Anh do anh Huê kỹ sư chăn nuôi phụ trách; Một điểm chuyên về bảo vệ thực vật ở xã Trực Trung huyện Trực Ninh, Nam Định do anh Phan Đình Phụng phụ trách. Ông còn “cắm” anh Nguyễn Đức Triều ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, Nam Định làm điểm phụ thâm canh tổng hợp. Cách làm của GS Bùi Huy Đáp giống như bên quân sự gọi là “hỏa lực phân tán, hỏa điểm tập trung” nên chắc thắng. Tôi biết được sau này anh Nguyễn Văn Luật trở thành Giáo sư, Viện trưởng, Anh hùng lao động; anh Vũ Mạnh Rinh trở thành Tiến sĩ, Chủ tịch, Bí thư tỉnh Thái Bình; anh Nguyến Đức Triều trở thành Bí thư huyện ủy Hải Hậu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Chắc rằng ở những cương vị mới, các anh ấy tiếp tục vận dụng có hiệu quả “phương pháp đậm chất Việt” của GS Bùi Huy Đáp. Còn ở hai hợp tác xã điểm là Tân Hưng Hòa và Tân Phong thì hai ông chủ nhiệm là ông Trương An Điềm và ông Quế đều được tuyên dương Anh hùng Lao động.

Tôi còn nhớ những ngày đầu về bộ môn Sinh lý thực vật do GS Bùi Huy Đáp làm Hiệu trưởng kiêm Trưởng bộ môn. Ở cương vị ấy hẳn ông có toàn quyền quyết định cử Phó bộ môn nhưng ông đã có sự kết hợp hài hòa về nhân sự rất Việt Nam, đó là bên cạnh PTS Đào Thế Tuấn học ở Liên Xô về làm Phó bộ môn, lại có anh Nghiêm Phú Chuẩn tốt nghiệp Trung cấp khóa II Việt Bắc cùng làm Phó bộ môn. Bộ môn Sinh lý thực vật lúc bấy giờ làm cả nghiên cứu và giảng dạy, đội ngũ cán bộ bao gồm các anh ở Việt Bắc về và nhiều cán bộ tốt nhiệp đại học trong nước và nước ngoài được bổ sung. Anh em trong bộ môn đoàn kết thương yêu nhau như người một nhà, đó là thời hoàng kim trong đời công tác khoa học của tôi!

Một chuyện GS Bùi Huy Đáp chia sẻ tại hội nghị của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam vào năm 1964, khi ông làm trưởng đoàn một đoàn các nhà khoa học Việt Nam đi dự Hội nghị khoa học toàn thế giới tại Bắc Kinh. Đây cũng là một dấu ấn Việt Nam trong giao lưu khoa học quốc tế. Khi ấy, đoàn đại biểu Việt Nam tổ chức chiếu phim chiêu đãi hội nghị, sau khi xem xét, Trưởng đoàn Bùi Huy Đáp quyết định chiếu bộ phim Chiến thắng Điện Biên Phủ và bộ phim Đại công trường Bắc Hưng Hải, tức là chủ đề chiến đấu và xây dựng. Nhưng thấy cảnh công trường hầu hết là phụ nữ đào gánh đất thủ công, trơ trọi giữa công trường một máy bơm nước cũng không to tát gì, nhiều đại biểu cho rằng như ở nước họ thì không chấp nhận được! Ông nhanh trí giải thích rằng Việt Nam vốn là thuộc địa, nghèo nàn lạc hậu, nhờ chiến đấu hy sinh mới giành được độc lập. Nay bắt đầu kiến thiết nên phải kết hợp giữa thủ công và hiện đại (cái máy bơm), khách xem tuy chưa thật thông suốt nhưng cũng không bắt bẻ được gì.

Có một chuyện vui vui. Anh em nông nghiệp vẫn kháo nhau rằng chính GS Bùi Huy Đáp đã đặt tên cho đèo Mụ Giạ. Khi đang là sinh viên nông nghiệp, đi dã ngoại qua một cái đèo chưa có tên, thầy giáo người Pháp hỏi ông tên đèo là gì? Chẳng lẽ sinh viên người Việt mà không biết! Nhân có mấy bà già đi qua đèo ông liền đáp là đèo mụ già, người Pháp viết không có dấu nên ghi trong bản đồ là Mu Gia, tiếng địa phương phát âm thiên nặng nên nghe thành Mụ Giạ. Từ đấy có tên đèo Mụ Giạ – cái tên rất dí dỏm.

Nhân vô thập toàn, dù sinh thời còn có người chưa hài lòng về GS Bùi Huy Đáp, nhưng tự đáy lòng, tôi vô cùng kính mến và ngưỡng mộ thầy.

 

Kỹ sư, Luật gia, Đại tá Phạm Bình Nhưỡng

Tháng 5 năm 2015