GS Trần Quán Anh, người đặt nền móng ngành Nam học Việt Nam

Cho đến bây giờ, ngành Nam học Việt Nam đã phát triển và tâm lý của xã hội cũng đã cởi mở hơn, bớt e ngại hơn khi nói về căn bệnh vô sinh ở nam giới, nhưng theo GS Trần Quán Anh, công tác nghiên cứu, chữa trị bệnh vô sinh ở nam giới vẫn không gian nan bằng công việc thay đổi nhận thức của xã hội về căn bệnh này.

Tâm sự với chúng tôi, GS Trần Quán Anh kể rằng, năm 1961, ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội và được giữ lại Trường làm công tác giảng dạy. Và cũng thời gian ấy, ông có một anh bạn thân do mắc chứng yếu sinh lý nên lập gia đình đã lâu mà không có con cái. Hạnh phúc gia đình bạn ông đứng trước nguy cơ tan vỡ vì chịu nhiều áp lực từ người thân và xã hội. Trước nỗi buồn của bạn và cũng là nỗi buồn của không biết bao nhiêu người đàn ông đang phải âm thầm chịu đựng, ông quyết tâm xin vào Khoa Phẫu thuật Tiết niệu của Trường Đại học Y Hà Nội để đi sâu vào nghiên cứu ngành Nam học.

Hàng nghìn đứa trẻ như thế này đã được ra đời
nhờ những thành tựu nghiên cứu nổi bật trong lĩnh vực chữa trị vô sinh ở nam giới của GS Trần Quán Anh.

GS Trần Quán Anh là người đặt nền móng cho ngành Nam học của Việt Nam.

GS Trần Quán Anh (ngoài cùng, bên trái) chỉ đạo ca mổ điều trị dị tật dương vật cho một bệnh nhân.


Gần 40 năm trong nghề, ông đã gặt hái được nhiều thành công lớn trong việc điều trị các căn bệnh nam khoa.

Vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, khi đất nước còn chiến tranh, tài liệu, sách vở về ngành Nam học ở Việt Nam rất hiếm. Vì thế, ông và các đồng nghiệp phải tự mày mò, tìm hiểu và nghiên cứu để mong tìm ra các biện pháp điều trị. Sau biết bao gian lao, vất vả ông đã chữa khỏi bệnh cho người bạn thân và giúp anh ấy có được đứa con đầu lòng trong niềm vui sướng không gì tả nổi. Từ tín hiệu vui này, Bộ Y tế đã đánh giá cao những phương pháp điều trị vô sinh của ông và từ đó bắt đầu gợi mở ý tưởng thành lập chuyên ngành Nam học ở Việt Nam.

Mãi đến năm 1990, Trung tâm Nam học đầu tiên của Việt Nam thuộc Bệnh viện Việt Đức mới được thành lập và GS Trần Quán Anh là người tiên phong về công tác với cương vị Giám đốc Trung tâm. Sau một thời gian công tác ở đây ông nhận ra rằng, làm việc ở một khoa đặc biệt này không những cần chuyên môn giỏi mà còn cần đến những kiến thức như một chuyên gia tâm lý.

GS Trần Quán Anh cho biết, đa phần đàn ông đều ngại nói về căn bệnh tế nhị của mình, nên càng để lâu hạnh phúc gia đình càng có nguy cơ tan vỡ. Đây là một loại bệnh không thể điều trị trong ngày một ngày hai mà cần có phác đồ điều trị lâu dài đến vài tháng thậm chí cả năm trời, kể cả phải tiến hành phẫu thuật, và đặc biệt là liệu pháp tâm lý.

Với chuyên môn được giới y học công nhận là người có “bàn tay vàng” trong lĩnh vực phẫu thuật tiết niệu, nhưng GS.TS Trần Quán Anh chỉ tự nhận mình như là một nhà thương thuyết. Qua gần 40 năm công tác, ông rút ra kinh nghiệm rằng, để thuyết phục bệnh nhân yên tâm điều trị thì coi như đã có 30% thành công, còn 70% còn lại thì nằm ở phác đồ điều trị.

Ông kể rằng, cách đây gần 10 năm, có hai vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hùng và chị Phan Thị Kim Dung  ở Hòa Bình dắt díu nhau về Hà Nội gặp ông để nhờ xác định xem ai bị vô sinh để ly hôn cho thanh thản. Sau khi khám, ông xác định được nguyên nhân đến từ người chồng và cũng khẳng định như đinh đóng cột là có thể chữa trị được và hai vợ chồng sẽ có con bình thường. Thế nhưng chị vợ vẫn khóc lóc: “Gia đình, họ hàng, làng xóm dị nghị đủ điều, vợ chồng cháu không thể chịu đựng được nữa rồi! Chúng cháu chỉ muốn có kết quả này để ly hôn cho thanh thản và không oán trách nhau mà thôi!”.

Trước sự việc đó, GS.TS Trần Quán Anh đã mời vợ chồng này ở lại và đi ăn trưa để thuyết phục. Ông giải thích cặn kẽ nguyên nhân tan vỡ hôn nhân chỉ vì vô sinh nhưng sự việc có thể chữa trị được nhưng cần thời gian khoảng 1 năm và chia làm 3 đợt điều trị. Sau khi nghe GS Trần Quán Anh thuyết phục, vợ chồng anh Hùng có vẻ xuôi lòng và đồng ý cho đợt điều trị đầu tiên.

Cũng như bao bệnh nhân khác, sau khi phát thuốc và lên phác đồ điều trị cho bệnh nhân Hùng, hàng tuần GS.TS Trần Quán Anh đều gọi điện để hỏi thăm bệnh tình và tạo niềm tin cho gia đình bệnh nhân. Trong những cuộc điện thoại đó, ông còn trò chuyện cả với bố mẹ đẻ của anh Hùng để gia đình giảm bớt áp lực lên hạnh phúc đôi vợ chồng trẻ. Đến nay, vợ chồng anh Hùng đã sinh được con gái đầu lòng là cháu Linh Đan 4 tuổi và con trai thứ hai là cháu Hải Nam 2 tuổi.

Vợ chồng anh Phạm Văn Thảo ở Hải Phòng trong lần trở lại thăm GS Trần Quán Anh,
người đã giúp anh chị tìm thấy niềm hạnh phúc lớn lao được làm cha, làm mẹ.

Với gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng ở Hòa Bình,

GS Trần Quán Anh không chỉ là ân nhân mà còn là một người ông, người cha đáng kính.

Những quả cam vườn chín mọng, một món quà giản dị nhưng chứa chan tình cảm
của gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng dành cho GS Trần Quán Anh.


GS Trần Quán Anh cảm thấy thật hạnh phúc khi thấy bé Hải Nam, con trai của anh Hùng, lớn khôn và khỏe mạnh.

Những lúc áp lực công việc căng thẳng, GS.TS Trần Quán Anh lại bắt xe ô tô lên Hòa Bình chơi với vợ chồng anh Hùng và hai cháu nhỏ. Bởi nơi ấy, GS được các thành viên trong gia đình yêu quý, kính trọng như người ông, người cha. Mới đây, khi về thăm gia đình anh Hùng, GS Trần Quán Anh đã rơi nước mắt vì hạnh phúc khi bé Hải Nam đã biết bập bẹ những tiếng nói đầu đời khi gọi: “Ông ơi!”.

Có thể nói, cả cuộc đời theo nghề y, GS.TS Trần Quán Anh đã làm được hai việc lớn. Đó là đặt nền móng, đào tạo được đội ngũ y bác sỹ lành nghề cho ngành Nam học Việt Nam và trực tiếp khám, điều trị bệnh đem lại hạnh phúc cho hàng nghìn cặp cợ chồng vô sinh, hiếm muộn.

Bây giờ, tuổi đã ngoài thất tuần nhưng GS.TS Trần Quán Anh vẫn miệt mài làm việc ở Bệnh viện tư nhân Tâm Anh trên đường Lý Nam Đế do ông thành lập. Ông tâm niệm rằng, còn sức còn làm, còn chữa bệnh cho nhân dân.

 

Bài: Thông Thiện – Ảnh: Tất Sơn

Nguồn: vietnam.vnanet.vn/vietnamese/gs-tran-quan-anh-nguoi-dat-nen-mong-nganh-nam-hoc-viet-nam/54912.html