Tôi chỉ thực sự được học thầy Nguyễn Kim Đính lần đầu tiên là sau ngày giải phóng miền Nam, khi rời quân ngũ quay trở lại giảng đường học cùng khoá 18. Khi đó thầy khoảng hơn 40 tuổi, hơi gầy (tạng thầy như thế, tuy rằng những năm đó có mấy ai không gầy!). Nhưng dưới vành mũ casquette bằng dạ (như tôi biết sau này, đã theo thầy nhiều năm, từ những ngày ở Moskva) là đôi mắt sáng luôn hướng vào người đối thoại, vừa như khích lệ, vừa như chờ đón một điều gì đó. Đặc biệt, mỗi khi thầy nhấc chiếc mũ ra, vầng trán rộng không chỉ gây ấn tượng bề ngoài về sự vượt trước thời gian mà còn làm cho khuôn mặt đôn hậu sáng thêm lên vẻ trí tuệ. Quả thực những bài giảng của thầy về M.Gorky, V.Mayakovsky… đã vượt ra khỏi giới hạn của những cuốn giáo trình hiếm hoi thời đó (đâu như chỉ có 2 cuốn chính trong thư viện: một của V.Nubarov – giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nửa cuối những năm năm mươi và một, của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị). Ở đấy, trong bài giảng của thầy, chúng tôi không chỉ tìm được những tri thức mới mẻ mà còn cảm nhận được cả nỗi khát khao “đưa những tia lửa mặt trời vào dòng máu con người” và niềm hứng khởi “thực hiện nghị quyết trái tim”, tuyên chiến với “thói phàm tục Xô viết” của các nhà văn đó. Sau này, khi được gần gũi thầy, được tiếp tục học và cùng giảng dạy với thầy trong một bộ môn, tôi dần hiểu được cội nguồn của chất giọng vừa sôi nổi, thiết tha, vừa chắc chắn, khúc chiết trong những bài giảng và công trình nghiên cứu của thầy.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Kim Đính là Chủ nhiệm Bộ môn Văn học nước ngoài (1984-1992), Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1988-1991) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội/Ảnh: Thành Long.
Ai đã từng đọc tất cả, hoặc hầu hết những công trình nghiên cứu của riêng thầy hay do thầy chủ trì – khoảng ba mươi bài báo, cuốn sách, đề tài nghiên cứu khoa học (một con số không thực “bắt mắt” lắm với những ai thích số liệu thống kê), chắc đều có thể chia sẻ với tôi ấn tượng trước hết về một ngòi bút luôn táo bạo vượt trước và lôi kéo đồng nghiệp, học trò “xông vào” những vấn đề học thuật thời sự trong nghiên cứu văn học như loại hình học, thi pháp học, kí hiệu học, trần thuật học, văn hoá học. Chỉ qua các công trình công bố trên Tạp chí văn học – Một số vấn đề thi pháp của nghệ thuật ngôn từ (1985), Về khuynh hướng nghiên cứu văn chương tự tại (1993), Các nhà ngữ văn Nga và khuynh hướng kí hiệu học văn chương (1995), in trong kỉ yếu hội thảo quốc gia về Thơ Mới – Cảm nhận không gian nghệ thuật trong Thơ Mới (trong cuốn Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, 1993), hoặc qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ Những vấn đề ngữ thoại tự sự (1998), với tôi, hình bóng của Thầy nếu “nhìn nghiêng” đã thấy thật sắc nét. Trong niên biểu của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, có thể nói mà không sợ quá rằng các sự kiện khoa học mà thầy tích cực tham gia gắn với những vấn đề trên không chỉ giới hạn phạm vi ảnh hưởng ở một đơn vị học thuật. Chẳng hạn như tại cuộc hội thảo khoa học năm 1980 (được tổ chức tại 19 Lê Thánh Tông, tôi không nhớ chính xác tên gọi) về những vấn đề lí luận và thực tiễn trong nghiên cứu văn học, có cả các học giả của Viện Văn học và Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia, bản tham luận Một số vấn đề về phương pháp nghiên cứu loại hình của thầy đã thuyết phục cử toạ không chỉ bởi sự tường minh của những đúc kết lí luận cho một vấn đề khá mới mẻ khi đó mà còn bởi thái độ cẩn thận chắt lọc và trân trọng ghi nhận kết quả nghiên cứu thực tiễn của đồng nghiệp, dẫu người đó chưa thực sự có ý thức vận dụng phương pháp này. Tôi muốn nói đến Tập II của công trình văn học sử Văn học Việt Nam thế kỉ X nửa đầu thế kỉ XVIII (nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1979) do giáo sư Bùi Duy Tân biên soạn (trong bộ giáo trình 2 tập của các tác giả Đinh Gia Khánh, Mai Cao Chương, Bùi Duy Tân) được thầy nhắc đến ở bản tham luận, trong đó tác giả của cuốn sách, theo thầy, cũng đã dựa trên nguyên tắc “tính cộng đồng loại hình” để phân định các trào lưu và thể loại của giai đoạn từ thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XVIII. Tôi cũng rất ấn tượng về sự trân trọng lẫn nhau của các thầy trong Khoa khi bên lề cuộc hội thảo đó, đáp lại lời chào của tôi, Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn nói ông đến dự hội thảo “cốt để nghe bài của anh Đính”. Sau này, bản tham luận đó được thầy phát triển thành chuyên đề giảng dạy nhiều năm ở bậc sau đại học. Nhìn vào “hệ hình” nghiên cứu lí luận, phê bình văn học những năm sau đó, tôi cứ nghĩ chắc không phải ngẫu nhiên mà sau những bài viết mang tính tổng kết và gợi mở của thầy, cùng những công trình của các giáo sư cùng thế hệ với thầy như thầy Đỗ Đức Hiểu, thầy Trần Đình Hượu, đã xuất hiện một số bài viết/cuốn sách đáng chú ý của những học trò gần gũi với Thầy, chẳng hạn, về loại hình học của Lại Nguyên Ân (Thử tìm hiểu loại hình các môtip chủ đề trong văn học Viêt Nam hiện đại, Tạp chí Văn học, 1987, số 6) và Trần Ngọc Vương (Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam. NXB Giáo dục, 1995), về thi pháp học của Nguyễn Xuân Kính (Thi pháp ca dao, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004), v.v…
Thầy là chuyên gia về văn hoá, văn học Nga/Ảnh: Thành Long
Nhưng nói đến Giáo sư Nguyễn Kim Đính, trước hết là nói đến một nhà Nga học. Thầy thuộc thế hệ Nga học đầu tiên được đào tạo cơ bản. Ngay sau khi tốt nghiệp khoá I Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1959 thầy được cử đi tu nghiệp ở Liên xô. Sau bốn năm thực tập tại Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, được thụ giáo nơi những giáo sư, chuyên gia nổi tiếng về văn học Nga như A.V.Alpatov, A.I.Metchenko, G.N.Pospelov, … trở về nước, thầy chuyên chú nghiên cứu và giảng dạy văn học Nga cho đến khi nghỉ hưu, năm 2001. Cuốn chuyên khảo đầu tiên của thầy viết về nhà văn Nga xô viết Maxim Gorky, dày 293 trang, xuất bản năm 1981. Sau cuốn M. Gorki – Đời sống và sự nghiệp của Giáo sư Hoàng Xuân Nhị viết trước đó 22 năm (1959), cuốn chuyên khảo này cho chúng ta biết sâu hơn, sinh động hơn về một Gorky – “con chim báo bão” của cách mạng, “vị tông đồ” của chủ nghĩa xã hội, người sáng tạo nên “huyền thoại về con người mang đôi cánh của Icarus”. Lẽ dĩ nhiên, thời gian đã cho phép những người kế tục thầy trong công việc giảng dạy và nghiên cứu Văn học Nga sẽ giới thiệu thêm một khuôn mặt khác của Gorky – một trong những hiện tượng vĩ đại và phức tạp của văn học thế giới, Mặc dầu vậy, tôi vẫn nghĩ, cuốn sách của thầy hoàn toàn có thể được dùng làm đối tượng thực hành phân tích thể loại phê bình chân dung sáng tạo trong môn Lý luận, phê bình nghệ thuật của chương trình đào tạo hiện hành cho sinh viên ngành Văn học.
GS.NGND Nguyễn Kim Đính tại nhà riêng năm 2012/Ảnh: Thành Long
Cũng như đa phần những người đã từng học ngành văn học ở Nga thời kì xô viết, sự gắn bó của thầy với nước Nga không chỉ ở những ấn tượng hoặc kỉ niệm đẹp về thiên nhiên và con người xứ sở bạch dương mà còn ở những lí tưởng nhân văn cao đẹp, tràn đầy sức sống trong những hình tượng văn học bất hủ của các nhà văn cổ điển Nga.
Là con của một nhà giáo nổi tiếng ở xứ Thanh quê xứ Nghệ, bản thân thầy từ nhỏ đã được học chữ Hán, nhận bằng Diplôme ở trường Đào Duy Từ, cùng thời với bậc trưởng tràng của thầy là giáo sư Trần Đình Hượu, lại đã từng 4 năm dạy trung học (dạy toán!) ở Quảng Xương, trước khi thầy vào học khoá I Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đôi nét “trích ngang” như vậy để có thể hình dung được “tầm đón nhận” văn học/văn hoá Nga của độc giả-Nguyễn Kim Đính. Và cũng chỉ mang “tầm đón nhận” như thế mới có đủ bản lĩnh thích nghi với những biến đổi của thời cục mà vẫn thuỷ chung với ngành Nga học. Còn nhớ, vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước, sau khi Liên Xô sụp đổ, có một vài “nhà Nga học” đã nhanh chóng thay đổi niềm tin nhiều chục năm vào những giá trị (đích thực) của nền văn học Xô viết, trở thành hoặc loay hoay tìm cách trở thành một “nhà” khác. Còn với người-độc-giả-trung-thành Nguyễn Kim Đính, đọc không chỉ là tri nhận mà còn là/ắt phải là đi kèm với sáng tạo, sáng tạo trong ý nghĩa độc đáo, của riêng mình, về một phương diện nào đó. Có lẽ vì thế mà gần đây, trong những lần gặp gỡ nhau giữa các nhà Nga học, khi cùng tham gia các hội đồng chuyên môn đánh giá luận án tiến sĩ hoặc xét giải thưởng nhà nước, thầy thường nói rằng “chúng ta học thì được nhiều nhưng làm không được bao nhiêu”. Đó là một thực tế. Nhưng cũng có một thực tế khác được Phó giáo sư Đào Tuấn Ảnh, một đồng nghiệp gần gũi với thầy trò chúng tôi, nhắc tới khi đó: “chúng ta có thể buồn vì làm chưa được nhiều nhưng chúng ta có thể yên tâm vì những thứ chúng ta làm ra không phải là “hàng chợ!”. Còn với tôi, trong những lời đó của Thầy, tôi đọc được không chỉ chút tiếc nuối mà còn cả niềm mong mỏi vươn tới những cái đích mới trong cuộc chạy tiếp sức của những thế hệ Nga học nước nhà.
GS.NGND Nguyễn Kim Đính và sinh viên ngành Văn học/Ảnh: Thành Long
Trong nhiều điều thầy chia sẻ với tôi suốt những năm cùng công tác, có 2 điều tôi thường đem chia sẻ lại với các học trò mỗi khi nhắc đến thầy như là một bậc ân sư. Điều thứ nhất là đòi hỏi nền tảng kiến thức chuyên môn. Thầy nói với tôi trong lần gặp đầu tiên, khi tôi trở thành đồng nghiệp của thầy: “Muốn giảng dạy và nghiên cứu tốt, trước hết em phải giỏi ngoại ngữ và nắm vững lí luận văn học”. Có lẽ trong số các bạn đồng môn-đồng nghiệp, tôi đã may mắn có được người định hướng, sẵn lòng chia sẻ về chuyên môn ngay từ khi trở thành cán bộ giảng dạy (thầy thường nói vui rằng “cứ thoải mái bóc lột” thầy chừng nào có thể). Điều thứ hai là trách nhiệm đạo đức của người làm thầy, được thầy nói đến theo cái cách của “dân văn”. Đó là một lần cách đây hơn 20 năm, nhân mạn đàm về một vài hiện tượng “lệch chuẩn” trong quan hệ thầy – trò, thầy nhắc lại hai câu thơ của nhà thơ Xô – viết Nikolai Sidorenko mà thầy rất tâm đắc:
Hát gì thì hát, làm gì thì làm
Nhưng đừng làm bẩn dơ những bông tuyết đầu mùa.
“Tuyết đầu mùa” của mỗi người – đó là biểu tượng của sự trong trắng, thiêng liêng: “nụ hôn đầu, trận đánh đầu tiên” (E. Evtusshenko), trang giấy trắng đầu tiên trong cuốn vở cuộc đời… Thầy luôn tâm niệm nghề làm thầy chính là để giúp cho mỗi người biết gìn giữ những giá trị cao quý đó trong suốt cuộc đời của mình.
Cuộc đời “học không biết chán, dạy không biết mỏi” của thầy gắn liền với những con chữ. Dịp thầy tròn bảy mươi lăm tuổi, tôi và mấy người bạn đã tặng thầy bức thư pháp với bốn chữ Đôn Hậu Bác Văn.
GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN NGUYỄN KIM ĐÍNH
Năm sinh: 1931.
Quê quán: Hà Tĩnh.
Tốt nghiệp đại học ngành Văn học (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) năm 1959.
Thực tập sinh sau đại học tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU), Liên Xô (1959 – 1963).
Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984.
Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1991.
Được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1990.
Được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2000.
Thời gian công tác tại trường: 1963-2001.
+ Đơn vị công tác: Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội).
+ Chức vụ quản lý:
Chủ nhiệm Bộ môn Văn học nước ngoài (1984-1992).
Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1987).
Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1988-1991).
Các hướng nghiên cứu chính: Văn học Nga; Văn học Xô Viết (sau Cách Mạng tháng 10); Lý luận về thi pháp và ngôn từ; Loại hình học văn học và thi pháp tự sự.
Các công trình khoa học tiêu biểu:
Lịch sử văn học Nga (viết chung, đồng chủ biên với PGS. Đỗ Hồng Chung), NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1998.
Lịch sử văn học Xô Viết (viết chung, đồng chủ biên), NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp 1982,1985.
Macxim Gorki, NXB Văn hóa, 1981.
Từ điển Văn học (viết chung), NXB Khoa học Xã hội 1983,1993.
Puskin trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21 (viết chung), NXB Thông tin, 2002.
PGS.TS Phạm Gia Lâm
Nguồn:www.ussh.vnu.edu.vn/d4/news/GSNGND-Nguyen-Kim-Dinh-nguoi-thay-don-hau-bac-van-1-12194.aspx