Một chặng đường gian khó mà tự hào

Cấp tốc đào tạo phiên dịch tiếng Nga

Khi hòa bình lập lại (sau năm 1954), miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với sự giúp đỡ của người anh cả Liên Xô. Từ năm 1955, sau một số chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, nhiều hiệp ước hợp tác được ký kết giữa Liên Xô và Việt Nam. Cũng từ đây, nhiều đoàn chuyên gia Liên Xô sang hỗ trợ nước ta xây dựng kinh tế, văn hóa, giáo dục. Nhưng một vấn đề đặt ra là rất thiếu những người thông thạo tiếng Nga làm phiên dịch cho các chuyên gia.

Đoàn sinh viên đang học tiếng Nga tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) được gọi ngay về nước. Thế là vừa mới học xong năm thứ hai của khóa trình bốn năm, tháng 7-1955 cậu sinh viên Bùi Hiền cùng bạn bè trong lớp, tất thảy độ 20 người khăn gói về nước nhận nhiệm vụ. Phần lớn bạn bè ông được cử làm phiên dịch, còn một số khác gồm Bùi Hiền, Vũ Lộc, Nguyễn Bá Hưng cùng với Trần Thống (tốt nghiệp khoá trước) được phân công đào tạo phiên dịch tiếng Nga cấp tốc 6 tháng. Mới chân ướt chân ráo vừa từ Bắc Kinh về khi vẫn đang dang dở thời sinh viên, các anh chưa hề biết thế nào là dạy học, cũng không có tài liệu giảng dạy… Đây quả là một nhiệm vụ khó!

Nhưng đất nước đang cần, nhu cầu đang rất cấp thiết. Bốn thầy giáo trẻ và một số người nước ngoài biết tiếng Nga ở Hà Nội đã bắt tay vào cùng giảng dạy. Còn học viên có hơn trăm người, chủ yếu là cán bộ đi học, chia làm sáu lớp, mỗi lớp có một người nước ngoài biết tiếng Nga và một giáo viên người Việt. Người nước ngoài chưa từng dạy tiếng Nga cho người Việt nên tự sáng tạo trong quá trình giảng dạy. Do khả năng phát âm, âm điệu của người nước ngoài có những tương đồng với người Nga nên họ đảm nhận dạy thực hành tiếng, còn giáo viên Việt Nam dịch và giải thích ngữ pháp. Về nước, Bùi Hiền và các bạn mang hết sách giáo khoa về, nhưng toàn bằng tiếng Trung Quốc, nên không thể sử dụng cho học viên. Dựa vào nội dung sách giáo khoa đó và nghĩ thêm các chủ đề trong sinh hoạt, như đi chợ, khám bệnh… các anh biên soạn thành bài đọc. Ngày đó chưa có máy photocopy như bây giờ nên sau khi soạn xong, các thầy lại hì hụi ngồi viết trên giấy sáp nến để in thành nhiều bản cho học viên.

Vào các buổi sáng học viên lên lớp nghe giảng, chiều tự học ở ký túc xá. Các thầy giáo không quản chiều hay tối thường đến tận phòng giúp học trò luyện phát âm. Có nhiều hôm giúp học viên luyện phát triển khẩu ngữ, giáo viên khản cả tiếng. Nhiều học viên sợ làm phiền anh em cùng phòng, nên ra ngồi ngoài cột điện hoặc chỗ sáng để học, giáo viên cũng phải theo cùng.

Mới học được hai tháng, tháng 9 năm ấy, một trận bão lớn tràn qua Hà Nội khiến nhà cửa bị sập, quần áo đồ đạc vung vãi. Sau bão, cả thầy và trò cùng dựng lại lớp, lợp lại nhà để học. Các thầy biết rằng 6 tháng không thể học được nhiều, nên cần phải tóm tắt để anh em có vốn kiến thức có thể làm việc với chuyên gia. Một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng đến thăm lớp. Bác căn dặn: “Là người cách mạng phải học tiếng Nga, tiếng nói của Lênin”[2]. Chỉ một câu nói nhưng đã trở thành nguồn sức mạnh vô hình, thúc đẩy cả thầy và trò cùng cố gắng. Sau 7 tháng học tập, các học viên tỏa đi khắp miền Bắc làm nhiệm vụ phiên dịch cho các chuyên gia.

Trường Ngoại ngữ ra đời

Tháng 10-1955 Bộ Giáo dục quyết định thành lập trường Ngoại ngữ do Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn kiêm hiệu trưởng. Đầu năm 1956, trường bắt đầu khai giảng, với hai ban Nga văn và Trung văn. Thầy giáo trẻ Bùi Hiền được phân công tiếp tục phụ trách ban Nga văn. Nhớ lại ngày nhận nhiệm vụ, PGS.TS Bùi Hiền tâm sự: “Do mới ra trường nên mình làm gì cũng thấy bỡ ngỡ, nhiệm vụ trên giao thì cứ nhận và cố gắng làm cho tròn trách nhiệm”[3].

 Ánh mắt của PGS.TS Bùi Hiền rạng ngời khi nhớ lại một thời gian khó mà đáng tự hào

Trường Ngoại ngữ mới thành lập, chưa xác định thuộc hệ đào tạo nào, chỉ biết rõ mục tiêu sẽ đào tạo phiên dịch, ít ra là có trình độ trung cấp ngoại ngữ. Lúc đó tuyển được 10 lớp (mỗi lớp khoảng 20-25 sinh viên). Tuyển sinh xong cũng là lúc kết thúc lớp cấp tốc tiếng Nga, các thầy giáo trẻ chuyển sang đào tạo lứa sinh viên mới này. Với thời gian đào tạo trong hai năm, trường mời thêm mười chuyên gia Liên Xô sang, mỗi lớp có một chuyên gia. Tuy nhiên, vẫn thiếu giáo viên Việt Nam, nên Nhà nước đã điều thêm một số học sinh khá giỏi được cử sang Liên Xô học từ năm 1954 về nước tham gia giảng dạy.

Dãy nhà học được làm kiên cố hơn, kí túc xá đàng hoàng hơn so với lớp tiếng Nga cấp tốc, nhưng nhìn chung cơ sở vật chất vẫn còn nghèo nàn, bàn ghế xộc xệch, bảng chỉ bằng các tấm gỗ ghép lại. Chuyên gia Liên Xô bắt tay vào soạn tài liệu. Chính người Nga biên soạn tài liệu, nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khó là họ chưa dạy tiếng Nga cho người nước ngoài nên phải dựa vào các giáo viên Việt Nam (đã có vốn kinh nghiệm 6 tháng dạy lớp cấp tốc). Giáo viên Nga, Việt bàn bạc sẽ cùng soạn tài liệu, phía Việt Nam cung cấp tư liệu, các bài đọc (lấy từ sách báo, tài liệu Việt Nam) để các chuyên gia soạn lại thành bài đọc và bài tập. Chuyên gia soạn bằng tiếng Nga còn ông Bùi Hiền dịch sang tiếng Việt. Anh em say sưa học vì nhiệm vụ rất rõ – sau hai năm phải làm phiên dịch, mà là phiên dịch chuyên môn phục vụ sản xuất chứ không phải phiên dịch sinh hoạt thông thường. Nhưng, phiên dịch cái gì, nội dung thế nào thì không biết nên các thầy giáo chỉ dạy kiến thức chung chung và cung cấp vài tài liệu chuyên ngành. Như thế, ít ra là đã có tài liệu để dạy học. Nhưng, tài liệu được soạn theo kiểu “ăn đong”, ngày mai dạy thì hôm nay soạn rồi đưa cho một người chuyên viết trên giấy sáp nến để in, quay rônêô. Có hôm không kịp in tài liệu, thầy trò lại lên lớp “học chay”. Ngoài tài liệu viết tay tự soạn như thế thì sách báo của Liên Xô đưa sang vẫn còn ít, chỉ đủ để chuyên gia và cán bộ giáo viên tìm nội dung đưa vào giảng dạy, chứ không có trên thư viện để sinh viên đọc.

Học ngoại ngữ thì môn nghe hiểu rất quan trọng. Ngoài giờ lên lớp, nhà trường lắp đặt hệ thống phát thanh đưa loa đến từng đầu hồi nhà sinh viên. Nội dung phát thanh là những bài tự soạn, tìm ở các tài liệu, biến báo cho dễ hiểu rồi đọc trên micrô phát về các lớp. PGS.TS Bùi Hiền nhớ lại: “Nhiều khi điện đóm phập phù, trục trặc nên rất khó nghe. Tuy vậy, sinh viên vẫn hăng hái, không khí học tập sôi nổi”[4].

Chưa hết hai năm học, tình hình gấp quá nên nhà nước trưng dụng những sinh viên học khá ra làm việc ngay, chưa cần tốt nghiệp. Cũng từ khóa này, các giáo viên Việt Nam bắt đầu có kinh nghiệm giảng dạy và nâng cao nghiệp vụ, thực hành. Cả thầy người Việt và chuyên gia Liên Xô đều dần hình thành được cách dạy, cách học, nhưng chủ yếu vẫn là kiểu “kinh nghiệm chủ nghĩa”.

Chuyển mục tiêu đào tạo

Từ năm 1958, nhu cầu học tiếng Nga trở nên phổ biến ở các trường đại học và một số trường phổ thông. Do đó, trường Ngoại ngữ sáp nhập vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành khoa Ngoại ngữ với bốn phân khoa: Anh, Pháp, Nga, Trung. Theo đó, mục tiêu đào tạo thay đổi từ đào tạo phiên dịch sang đào tạo giáo viên.

Lúc này, phân khoa Nga có khoảng 20 giáo viên, bao gồm cả một số sinh viên vừa tốt nghiệp trường Ngoại ngữ được giữ lại khoa. Ông Bùi Hiền tiếp tục phụ trách phân khoa. Do thay đổi mục tiêu đào tạo nên thầy giáo Bùi Hiền lại phải tìm hiểu về sư phạm và sư phạm ngoại ngữ. Mục tiêu chung là đào tạo để trở thành giáo viên dạy ngoại ngữ (chứ không chung chung là đào tạo ngoại ngữ như trước). Các ông đặt vấn đề: vậy thì tiêu chí của giáo viên cần gì? Giáo viên phải rất chuẩn, có thể tuyển đầu vào chưa cần biết ngoại ngữ nhưng tiếng Việt phải thông thạo, chú ý về khả năng nghe và phát âm. Với mục tiêu mới, tài liệu giảng dạy trước kia không còn phù hợp nữa, phần nào dùng được thì tiếp tục sử dụng, toàn bộ phải xây dựng thành tài liệu giáo khoa sư phạm. Các ông dựa vào chuyên gia Liên Xô để cùng soạn thảo chương trình và sách giáo khoa. Sinh viên không chỉ được học tiếng Nga mà còn phải học nhiều môn như giáo dục học, tâm lí học, phương pháp dạy học… theo đúng chương trình sư phạm.

Năm 1959, ông Bùi Hiền và ông Trần Thống được cử đi Liên Xô thực tập sinh bổ túc kiến thức. Ông có cơ hội học tập và tìm hiểu vốn kiến thức phong phú của ngôn ngữ, văn học Nga và các phương pháp dạy học ngoại ngữ tiên tiến lúc đó. Khi ông về nước (năm 1962), cũng là lúc trường mới chuyển sang hệ đào tạo thời gian 4 năm, ông Bùi Hiền đã hình dung thế nào là trường đại học ngoại ngữ với khóa trình đào tạo trong 4-5 năm. Ông bàn bạc với các đồng nghiệp và thống nhất, phải đảm bảo hai năm đầu tiên cho vỡ lòng về tiếng Nga, còn giai đoạn hai năm sau đi vào khoa học ngoại ngữ. Sinh viên cần được bồi dưỡng về lý thuyết ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng một cách có hệ thống theo sách của Nga, đồng thời phải có kiến thức về văn học Nga. Ngoài ra, vẫn có thể có nhiệm vụ đột xuất là đi phiên dịch, nên chương trình của khoa có cả môn phiên dịch. Nhờ chương trình đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp vẫn đi dịch cho các cơ quan thông tấn và ngoại giao.

Đầu những năm 60, quan hệ Việt – Xô xấu đi, các chuyên gia rút về hết. Tuy lúc này khoa Nga đã được bổ sung gần một chục cán bộ mới tốt nghiệp các khoa ngữ văn 4-5 năm ở Liên Xô về, song tất cả giáo viên cũ cũng như mới đều chưa làm công tác biên soạn chương trình, giáo trình và giảng dạy các bộ môn lí thuyết ngôn ngữ, phiên dịch, văn học, đất nước học, giáo học pháp ngoại ngữ cho sinh viên các lớp năm thứ 3-4-5 bao giờ. Song lãnh đạo khoa đã cùng anh em quyết tâm vượt khó khăn, ngày đêm bàn bạc, đề xuất các phương án cụ thể nhằm đáp ứng kịp thời và đầy đủ yêu cầu nội dung kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm của từng bộ môn, từng lĩnh vực kiến thức và thực hành, kiên quyết không bỏ trống thời khoá biểu bất kì môn học nào vì lí do thiếu thầy và thiếu giáo trình. Sau mấy năm mày mò vừa làm vừa rút kinh nghiêm qua thực tiễn giảng dạy, cuối cùng tập thể cán bộ giảng dạy khoa Nga đã đủ sức tự mình đảm nhiệm toàn bộ quy trình đào tạo sinh viên với chương trình, giáo trình 4-5 năm, mà không có sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô. Thành công rực rỡ ban đầu đó đã đặt nền móng vững chắc cho khoa Nga tự tin và hăng hái bước vào giai đoạn phải dạy học trong thời kỳ sơ tán chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ ở miền Bắc. Ngay năm 1966 do nhu cầu cấp bách về phiên dịch cho quân đội, khoa Nga đã phấn khởi và tự hào tổ chức tiễn đưa ngay tại khu sơ tán ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên) hầu hết số sinh viên năm thứ 4, rồi cả gần một nửa năm thứ ba ra chiến trường phục vụ các binh chủng không quân, tên lửa, cao xạ, xe tăng, rađa…Ở lại hậu phương, toàn thể thầy trò khoa Nga thi đua vượt mọi khó khăn thiếu thốn về điều kiện ăn ở, học hành để đẩy mạnh đào tạo giáo viên và phiên dịch cho nhu cầu ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng. Cả khoa Nga đều rất phấn khởi và tự hào được trường Đại học Sư phạm Hà Nội tuyên dương là khoa tiên tiến trong 3 năm liền, khi toàn trường vẫn còn đang dạy học ở các khu sơ tán. Năm 1969 do yêu cầu bồi dưỡng cán bộ, chủ nhiêm khoa Bùi Hiền được cử đi học nghiên cứu sinh tại Liên Xô. Sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học ngữ văn tại trường Tổng hợp Lômônôxôp, PTS Bùi Hiền về nước tiếp tục công tác tại trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và sau đó được cử vào Ban giám hiệu.

Mấy chục năm qua, dù trải qua nhiều biến động lịch sử và sự thăng trầm của tiếng Nga, PGS.TS Bùi Hiền vẫn tâm huyết với tiếng Nga và gắn bó sâu nặng với khoa Nga, sau này là khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga. Nhớ về khoa Nga trong những ngày đầu, ánh mắt ông lại rạng ngời về một ký ức tuy gian khổ nhưng rất đáng tự hào.

Trần Bích Hạnh

—————–

[1] Tiền thân là Ban tiếng Nga, trường Ngoại ngữ.

[2] Bài viết “Gặp Bác Hồ” của PGS.TS Bùi Hiền, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] [4] Phỏng vấn PGS.TS Bùi Hiền ngày 13-3-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.