PGS, TSKH Trần Đức Chính (người bên phải) nhận danh hiệu Viện sĩ của aBu.
Sinh năm 1949 tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Trần Đức Chính được cử đi đào tạo tại Liên Xô từ năm 1966. Năm 1972, ông tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành Cơ học công trình tại Đại học Quốc gia Xây dựng Mát-xcơ-va (Liên Xô).
Năm 1989, ông làm giảng viên bộ môn Sức bền vật liệu tại Trường đại học Xây dựng Hà Nội. Ba năm sau, ông được Nhà nước phong danh hiệu Phó Giáo sư; rồi được bộ môn, khoa, trường cử đi thực tập sinh cao cấp tại Trường đại học Xây dựng – Kiến trúc quốc gia Ki-ép (U-crai-na) trong thời hạn một năm. Sau thời gian làm thực tập sinh, nhà trường giữ ông lại làm nghiên cứu sinh cao cấp. Cuối năm 2000, Bộ Giáo dục U-crai-na đề nghị phía Việt Nam cho ông ở lại thêm ba năm để làm tiến sĩ khoa học (TSKH).
Cuối năm 2003, PGS Trần Đức Chính hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài “Phát triển lý thuyết và ứng dụng của phương pháp phân tử biên để giải một lớp các bài toán cơ học môi trường lớp” (Truyền nhiệt đàn nhiệt, cơ học phá hủy và động lực sóng). Đây là một trong những vấn đề liên quan để giải quyết, khắc phục hiện tượng rò rỉ hạt nhân, một lĩnh vực mà các nhà khoa học thế giới đang trăn trở.
Luận án của ông Trần Đức Chính được xếp loại xuất sắc. Công trình được quốc tế thừa nhận và đăng tải ở nhiều tạp chí khoa học quốc tế, đưa vào tuyển tập kỷ yếu của đại hội Cơ học thế giới tổ chức tại Nhật Bản. Tại U-crai-na, nhiều tạp chí đã có bài viết ca ngợi công trình của ông Trần Đức Chính và Bộ Giải quyết các tình trạng khẩn cấp của U-crai-na đã ứng dụng một số kết quả của công trình này vào việc khắc phục an toàn hạt nhân. Năm 2004, ông Trần Đức Chính về nước tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học của nước nhà. Năm 2009, PGS, TSKH Trần Đức Chính vào giảng dạy tại Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh. Với nhiều đóng góp to lớn trong nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, tháng 6 vừa qua, PGS, TSKH Trần Đức Chính được vinh danh là Viện sĩ Viện Hàn lâm người nước ngoài của ABU.
Để trở thành Viện sĩ người nước ngoài của ABU, PGS, TSKH Trần Đức Chính đã trải qua ba lần bỏ phiếu tại ABU và phải bảo đảm các tiêu chuẩn: Có học vị tiến sĩ khoa học; có ít nhất 20 công trình khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín ở U-crai-na; là ủy viên ít nhất của hai hội đồng biên tập ở Việt Nam và U-crai-na; có một công trình khoa học có giá trị được ứng dụng vào thực tiễn ở U-crai-na.
Theo PGS, TSKH Trần Đức Chính, không ít sinh viên ở Việt Nam có khả năng lấy được học bổng để du học, nếu họ muốn học lên cao. Với những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị, họ có thể tìm được việc làm tại các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới. “Điều tôi trăn trở nhất, là làm sao tạo ra nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu cho các sinh viên, có như thế mới tạo ra được một sức bật trong thế hệ trẻ về lĩnh vực này” – PGS, TS Trần Đức Chính bộc bạch.
THÁI KHUÊ