Cống hiến sức trẻ cho vùng cao

Tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, tháng 12-1963, BS Trần Văn Tiến cùng hai bạn học là BS Vũ Văn Nghị và Bùi Ngọc Thụ được cử lên công tác tại Lào Cai. BS Tiến được phân công phụ trách, sau đó là trạm trưởng Trạm Vệ sinh phòng dịch của tỉnh Lào Cai (từ 1967) và ông cũng có thời gian một năm công tác tại Ty Y tế Lào Cai (1965-1966). Thực hiện nhiệm vụ được giao, BS Tiến đã xây dựng phòng xét nghiệm chẩn đoán vi trùng học; làm các mẫu xét nghiệm để chẩn đoán phát hiện bệnh, chỉ đạo công tác phòng dịch; trực tiếp chỉ đạo giải quyết vấn đề kiểm dịch y tế biên giới; tham gia hội đồng giám định sức khỏe của tỉnh. Bên cạnh đó, ông còn đào tạo đội ngũ các cán bộ y tế về địa phương công tác, nhờ đó mà công tác phòng dịch được tiến hành nhanh chóng, tránh lây lan trên diện rộng.

GS.TS Trần Văn Tiến

Nhớ lại những ngày xuống các thôn bản chống dịch tả, ho gà, thương hàn… phải đi bộ trèo đèo lội suối, nhiều lúc dọc đường đi chỉ có trứng gà hút sống, ăn mèn mén nhưng với sức trẻ đầy nhiệt huyết, BS Tiến dường như không cảm thấy mệt mỏi. Ông cùng đồng nghiệp làm việc tận tâm với một tình cảm chân thành, không chùn bước trước khó khăn gian khổ.

GS.TS Trần Văn Tiến chia sẻ với nghiên cứu viên Trung tâm: 10 năm công tác tại Lào Cai trong điều kiện bấy giờ còn gặp nhiều khó khăn nhưng tôi học được rất nhiều điều. Tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn không chỉ về tinh thần trách nhiệm, sự từng trải mà còn là kinh nghiệm trong việc phát hiện bệnh dịch trong cộng đồng[1].

Hoàng Thị Liêm

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[1] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến, ngày 12-10-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.