Tôi được biết về tài năng và y đức của ông đã lâu, với sự chân thành, miệt mài vốn có, NGƯT.GS.TS Nguyễn Hải Thủy – Phó Chủ tịch Hội Nội tiết Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam, Trưởng Khoa Nội tổng hợp – Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Chuyên gia đầu ngành thuộc chuyên ngành Nội tiết – Đái tháo Đường – Rối loạn chuyển hóa và Nội tiết Tim mạch học vẫn đang tiếp tục cống hiến, đem những tiến bộ khoa học và kỹ thuật hiện đại trong y học để trực tiếp phục vụ sự nghiệp nghiên cứu, đào tạo nhân lực cho đất nước.
NGƯT.GS.TS. Nguyễn Hải Thủy sinh ra và lớn lên tại một làng quê Quảng Trị. Tuổi thanh xuân của ông gắn liền với chiến tranh khốc liệt nhiều thương vong và chết chóc của người thân và nhân dân của quê mình. Vì thế, ông đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cứu người, giúp ích cho đời. Ước mơ ấy được nuôi dưỡng bằng những tháng ngày học tập miệt mài và dần trở thành hiện thực khi ông thi đỗ Đại học Y Khoa Huế (1971-1972). Khi vào Huế học tập ông đã từng tham gia phong trào sinh viên chống chiến tranh thông qua những chương trình hát cho dân tôi nghe của sinh viên Huế trước năm 1975. Tháng 5/1979, ông tốt nghiệp bác sĩ và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Nội Trường Đại học Y Khoa Huế. Trải qua những ngày đầu công tác, ông đã cảm nhận thật rõ tình yêu đặc biệt mà mình dành cho nghề. Với lòng đam mê nghiên cứu khoa học, một vài năm sau ngày ra trường bản thân đã 3 lần tham gia đề tài báo cáo khoa học trong Hội nghị Khoa học Tuổi trẻ và sáng tạo của các Trường Đại học Y Dược toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh (1984), Thành phố Huế (1986) và tại Học viện Quân Y (1988) và đã được giải trong các Hội nghị này.
Với chức năng giảng dạy và đào tạo.
Là giảng viên giảng dạy Bộ môn Nội, Trường Đại học Y Dược Huế. Ông luôn cho rằng học không bao giờ là đủ, chính vì suy nghĩ ấy ông tiếp tục tham gia khóa học nâng cao trình độ bác sĩ chuyên khoa cấp I và tốt nghiệp năm 1990 và là thủ khoa lớp đào tạo sau đại học chuyên ngành Nội tiết – Đái tháo đường – Rối loạn chuyển hóa do liên trường đại học (Đại học Paris Nord – Đại học Reims và Đại học Y Huế ) tổ chức.
Nhằm nâng cao những kiến thức chuyên môn vốn có, ông trúng tuyển Bác sĩ Nội trú (FFI) tu nghiệp chuyên ngành Nội tiết – Đái tháo đường – Rối loạn chuyển hóa và thăm dò bệnh mạch máu bằng siêu âm doppler tại Bệnh viện Nam Amiens, Trung tâm Viện Trường Amiens (CHU) Cộng hòa Pháp (1991-1992). Trong thời gian tại Pháp ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về kiểm soát bệnh đái tháo đường, đặc biệt ông đã chứng kiến và trăn trở khi nhiều bệnh nhân đái tháo đường đột tử sau khi cắt cụt chi dưới do bệnh lý loét hoại tử bàn chân, ông đã thực hiện một đề tài để lại ấn tượng cho đồng nghiệp tại Pháp “Phát hiện thiếu máu cơ tim im lặng bằng xạ hình cơ tim Thalium ở bệnh nhân đái tháo đường bị viêm tắc động mạch 2 chi dưới” với hiệu quả ứng dụng của đề tài đã làm giảm thiểu tỷ lệ tử vong liên quan phẫu thuật mạch máu cho bệnh nhân tại Bệnh viện.
Ngay sau khi về nước (năm 1992) ông đã ứng dụng kết quả học tập tại Pháp để nghiên cứu về đái tháo đường thai kỳ và cường giáp thai kỳ đã cho ra đời những cháu bé khỏe mạnh và duy trì sức khỏe tốt cho các sản phụ không may mắc chứng bệnh này. Đặc biệt nghiên cứu bệnh tim mạch trong các bệnh lý Nội tiết – Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa. Ông cũng đã mạnh dạn đề xuất “Sử dụng Insulin cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tại Bệnh viện Trung ương Huế“ lần đầu tiên tại Việt Nam (1992) mà mãi đến năm 2005 việc sử dụng insulin cho bệnh nhân đái tháo đường týp 2 mới được Hiệp hội Đái tháo đường quốc tế công nhận việc sử dụng insulin cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 trên toàn thế giới và làm nghiên cứu sinh (1994-1996) chuyên ngành Nội tiết – Đái tháo đường và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội với đề tài “Nghiên cứu tổn thương thành động mạch cảnh và động mạch hai chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường không phụ thuộc insulin bằng siêu âm để phát hiện sớm các thương tổn xơ vữa động mạch” do cố GS.TS Lê Huy Liệu và GS.TS Phạm Gia Khải hướng dẫn.
Năm 2002, ông vinh dự được Nhà nước công nhận chức danh Phó giáo sư. Tháng 3 năm 2003, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế rồi Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội Trường Đại học Y Dược Huế (1/2007). Qua công tác hướng dẫn các bác sĩ nội trú Hoa Kỳ thực tập tại bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế từ năm 2003 đến 2006 ông đã được mời làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Yale, Hoa Kỳ và khi trở về nước ông đã áp dụng phương thức thực hành 3 vòng (3 round) của sinh viên Hoa Kỳ cho sinh viên y khoa Việt Nam tại Khoa Nội Bệnh viện trường đã có hiệu quả và ông cũng đã mạnh dạn viết “Cẩm nang thực hành giao tiếp tiếng Anh chuyên ngành Nội khoa, giúp sinh viên y khoa Việt Nam và sinh viên y khoa nước ngoài đến thực tập tại Việt Nam giao tiếp tốt tiếng Anh trong thực hành lâm sàng”.
Ngoài công tác giảng dạy đại học và sau đại học tại Trường Đại học Y Dược Huế, ông còn tham gia công tác giảng dạy sau đại học (CK1 và CK2) tại các tỉnh miền Trung và Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam. Tham gia hội đồng chấm luận án cấp nhà nước tại Đại học Huế, Học viện Quân Y và Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 2009 cho đến nay, ông tiếp tục được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội và Trưởng khoa Nội rồi Trưởng khoa Nội tổng hợp – Nội tiết Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Đảm nhiệm trọng trách quan trọng nhất của Khoa, ông luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, quan tâm sát sao chỉ đạo cán bộ trong Khoa nêu cao y đức, xem bệnh nhân như người thân để hết lòng chăm sóc. Ông cũng đề ra phương châm “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật, lấy người bệnh là trọng tâm để phục vụ” nhằm nêu cao y đức, xây dựng phong cách phục vụ trách nhiệm, nhiệt tình, chu đáo, tạo niềm tin cho người bệnh.
Bên cạnh đó, ngoài công tác giảng dạy ông thường xuyên chủ trì các buổi giao ban lâm sàng nhằm rút kinh nghiệm cho sinh viên và các bác sĩ trẻ trong quá trình chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh nhân nằm viện và mới nhập viện điều trị. Ông biên soạn giáo trình dạy lý thuyết, thực hành cho các đối tượng và giáo trình luôn bổ sung những kiến thức mới và hướng dẫn luận văn tốt nghiệp đại học và sau đại học. Ông đã hướng dẫn cho 12 nghiên cứu sinh trong đó 8 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, gần 80 luận án CK2, luận văn bác sĩ nội trú và cao học và sinh viên đại học tốt nghiệp. Ðây cũng là phần nhỏ nỗ lực của bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo thế hệ bác sỹ tương lai.
Với tầm nhìn chiến lược và nhạy bén, ông đã đề ra nhiều sáng kiến kỹ thuật và đã đạt giải cao trong các cuộc thi cấp cơ sở và cấp quốc gia. Ông đã hướng dẫn cho nhiều học viên hoàn thành đề tài tham dự các Hội nghị của Trường và Hội nghị toàn quốc đều đạt giải cao (Giải Nhất, Nhì, Ba,…), Với những thành tích ấy, ông được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Huy chương Vì Thế hệ trẻ (2000).
Sự thành công của ông không chỉ dừng lại ở vai trò của một bác sỹ đầu ngành mà còn được thể hiện qua nhiều tác phẩm sách, báo, công trình nghiên cứu khoa học. Ông đã hoàn thành trên 300 bài báo nghiên cứu khoa học và đã thực hiện 20 đề tài cấp cơ sở và 4 đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu. Những kết quả nghiên cứu của ông được thể hiện qua các giải thưởng như: Giải thưởng Quốc gia trong Hội nghị Khoa học Sáng tạo Tuổi trẻ các Trường Đại học Y Dược Toàn quốc lần III tại Huế năm 1986 và Hội nghị Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2012. Đã đạt nhiều giải thưởng trong Hội nghị lao động Sáng tạo, Trường Đại học Y Khoa (2006, 2008 và 2010), Hội nghị Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2012. Với những thành tích ấy, ông được đồng nghiệp chuyên ngành bầu Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (3 nhiệm kỳ) và Phó Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam. Ông hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Nội tiết và Đái tháo đường (ISSN 1859-4727) của Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam, Ban Biên tập Tạp chí Thông tin Y Dược học của Trường Đại học Y Dược – Đại học Huế. Chủ biên 9 kỷ yếu các Hội nghị Khoa học chuyên ngành Nội tiết và Đái tháo đường miền Trung và đồng chủ biên 2 kỷ yếu Hội nghị Nội tiết và đái tháo đường Toàn quốc tại Huế (2005 và 2012). Tham gia một số hội nghị chuyên ngành tại Cộng hòa Pháp, Singapore và Stockholm Thụy Điển, Thượng Hải, Hồng Kông, Đan Mạch, Malaysia, Ấn Độ, Dubai, Úc và Hoa Kỳ đã có 6 công trình NCKH được báo cáo và đăng trong Kỷ yếu của Hội nghị quốc tế.
Biên soạn giáo trình và sách chuyên khảo và tham khảo
Chủ biên sách giáo trình sau đại học chuyên ngành Nội tiết và Chuyển hoá (2008), Giáo trình Nội khoa sau đại học chuyên ngành Hồi Sức cấp cứu (2009), Chẩn đoán và Điều trị bệnh tuyến giáp (2000), Bệnh tim mạch trong rối loạn Nội tiết và Chuyển hóa (2008), Bệnh tim mạch trong đái tháo đường (2009), Pratical Conversations in English for Internal Medicine (2007), Protein phản ứng C (CRP) và Rối loạn lipid máu và Bệnh lý Xơ vữa động mạch (2013), Chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường (2014) và Chăm sóc bệnh tim mạch và nội tiết trong thai kỳ (2015).
Trong quá trình công tác và làm việc trong và ngoài nước ông nhận thấy tầm quan trọng của sự liên kết giữa chuyên ngành tim mạch và nội tiết tại Việt Nam trong chăm sóc điều trị theo dõi 2 mặt bệnh này. Ông đã mạnh dạn đề xuất chuyên ngành Nội tiết Tim mạch học thông qua 2 cẩm nang được nhà xuất bản Đại học Huế in ấn dày 600 trang: Bệnh tim mạch trong Rối lọan Nội tiết và Chuyển hóa (năm 2008) và Bệnh tim mạch trong đái tháo đường (năm 2009) đã được các đồng nghiệp ủng hộ và đó cũng là phương hướng mà ông đã trình bày trước Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tại Hà Nội năm 2009 và nhân dịp này ông đã vinh dự được Nhà nước công nhận chức danh Giáo sư Y học (11/2009).
Mặc dù tại khu vực miền Trung chưa có Hội Nội tiết – Đái tháo đường nhưng với tâm huyết và nỗ lực bản thân nhằm san sẻ các thành quả khoa học chuyên ngành cho các đồng nghiệp tại Miền Trung – Tây Nguyên ông thường xuyên tham gia báo cáo khoa học cho các bệnh viện Miền Trung và đã từng là Trưởng ban Vận động và đứng ra tổ chức thành công 9 hội nghị khoa học Nội tiết – Đái tháo đường Miền Trung và Tây Nguyên từ năm 2000 tại Huế, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nghệ An, Đà Lạt và 2 lần đăng cai tổ chức Hội nghị Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (năm 2005 và 2012) tại thành phố Huế với 11 kỷ yếu trên 11 ngàn trang với, hàng trăm công trình được báo cáo cho hàng ngàn đồng nghiệp tham dự trong 15 năm qua.
Ông cũng đã xây dựng trang Web: DEMA – CVN.COM với các thông tin chuyên ngành Nội tiết – Đái tháo đường và nội tiết tim mạch học từ tháng 12/2010 và trong vòng 4 năm đã có trên 4 triệu lượt truy cập.
Hợp tác nghiên cứu
Năm 1993 -1994, ông tham gia nghiên cứu với các đồng nghiệp Cộng hoà Pháp với 2 đề tài liên quan iode niệu và thành phần sinh học trong nước tiểu cả bệnh nhân bị sỏi đường tiết niệu. Năm 1998 – 2001: 2 lần tham gia chương trình đánh giá chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đái tháo đường (Diabcare) khu vực Đông Nam Á do công ty Novonordisk tổ chức. Năm 2013-2015, Tham gia chương trình giảng dạy I-STEP-D và STENO về quản lý bệnh đái tháo đường do sự phối hợp Bộ Y tế – Hội Nội tiết Đái tháo đường Việt Nam và Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ và Đan Mạch. Với vai trò là Trưởng Khoa Nội sau này Khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế và Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội của Trường Đại học Y Dược Huế. Trong nhiều năm qua cùng với các đồng nhiệp xây dựng khoa phòng với nhiều chuyên khoa, đáp ứng được nhu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều phương pháp ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị được cập nhật giúp bệnh nhân nặng được hội chẩn kịp thời và cứu sống. Đây cũng là cơ sở thực tập cho sinh viên đại học và học viên sau đại học. Nhiều bác sĩ và sinh viên các nước Mỹ, Úc, Pháp, Ý… để thực tập hằng năm.
Những cống hiến không mệt mỏi cho ngành, ông đã vinh dự nhận được, Bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bằng khen Bộ Văn hóa, Bằng khen của Bộ Y tế, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Huy chương Vì sự nghiệp đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Huy chương Vì thế hệ trẻ do Trung ương Đoàn tặng, Bằng khen của Bộ Khoa học Công nghệ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Nhà giáo Ưu tú.
Công lao đóng góp của ông cho ngành Nội tiết – Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, tim mạch và Nội tiết học là rất lớn. Ông chính là người tiên phong trong lĩnh vực đái tháo đường Việt Nam và là cầu nối giữa tim mạch và nội tiết học cũng như bác sĩ nội khoa với sản khoa. Vai trò đóng góp của ông cho sự phát triển của ngành, của cộng đồng xã hội rất đáng được trân trọng và là tấm gương sáng về nghị lực học tập để các thế hệ sau tiếp bước phấn đấu. Tôi tin rằng những phẩm chất của NGƯT.GS.TS. Nguyễn Hải Thủy sẽ còn tỏa lan trong cộng đồng cũng như trong trái tim của nhiều người bệnh.
Nguyễn Giáp
Nguồn: http://www.trithucvaphattrien.vn/