Người bác sĩ nhiệt tâm người thầy giáo mẫu mực

Ông là Đại tá, PGS.TS Mai Văn Viện – Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại dã chiến Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân Y.

Được gặp ông là niềm vinh dự đối với một người phóng viên trẻ như tôi. Ông tiếp tôi với một phong cách nhẹ nhàng, đầm ấm, hiền dịu của một ánh mắt hiền hậu như người ta thường nói “lương y như từ mẫu”. Ông sinh năm 1963, trên quê hương Trực Tuấn, Trực Ninh, Nam Định. Nhắc đến Nam Định là người ta nhớ đến một vùng đất hiếu học và khoa bảng với nhiều danh nhân hiền tài, mỗi gia đình, mỗi dòng họ đều trở thành môi trường giáo dục hiệu quả và lành mạnh. Truyền thống khoa bảng của quê hương đã giúp ông thắp sáng ngọn lửa đam mê, lòng nhiệt huyết phấn đấu thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi chữa bệnh cứu người.

Ngay từ nhỏ, với tinh thần chịu khó, ham học hỏi ông đã ngày đêm trau dồi kiến thức và miệt mài nuôi dưỡng ước mơ của mình là làm sao học thật tốt để làm chủ nguồn tri thức. Tuy nhiên, ông sinh ra trong lúc đất nước còn nhiều khó khăn, gian khổ và gia đình ông cũng không phải ngoại lệ. Chính bởi sự hiếu kính với gia đình nên khi chứng kiến cảnh bố mẹ vất vả ông không cam lòng và ngay từ khi còn học cấp hai ông đã phải tạm gác con đường học tập để đi làm phụ giúp gia đình. Sự khó khăn vất vả đầu đời đã không cản bước được hoài bão, nghị lực của cậu học trò vốn chịu thương, chịu khó và không khuất phục trước khó khăn. Qua hai năm sau ông trở lại trường và tiếp tục viết nên ước mơ của mình với nhiều gam màu phía trước. Bằng sự cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ suốt bao năm đèn sách và cuối cùng niềm vui cũng đến với ông và gia đình khi năm 1982 ông được tuyển thẳng vào Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) và đến năm 1988 thì tốt nghiệp. Thời gian học đại học cũng chính là quãng thời gian vô cùng quý báu để ông tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, việc học tập đầy gian nan vất vả nhưng đổi lại ông đã làm chủ được nhiều nguồn kiến thức vô cùng quý giá để phục vụ cho công việc sau này.

Đại tá, PGS.TS Mai Văn Viện

Với những nỗ lực không mệt mỏi trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp ra trường ông đã được lãnh đạo nhà trường giữ lại công tác. Thời gian đầu ông được phân công công tác tại Phòng Đào tạo của Học viện Quân Y. Năm 1990 – 1992, ông là Bác sĩ điều trị Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện 103. Thành quả bước đầu cho những nỗ lực miệt mài ấy chính là việc ông tốt nghiệp Bác sĩ chuyên khoa cấp I, Học viện Quân Y (năm 1994). Những thành tích ấy một lần nữa lại tạo thêm động lực để ông phấn đấu học tập, với ông dường như học chẳng bao giờ là đủ. Trong thời gian làm Nghiên cứu sinh ở Học viện Quân Y (1999 – 2004), ông được sang Cộng hòa Pháp làm thực tập sinh quân sự một năm. Thời điểm ông đi học ở nước ngoài chính là khoảng thời gian quý giá giúp ông tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ các nước có một nền y học hàng đầu thế giới để sau khi về nước sẽ áp dụng các kỹ thuật hiện đại vào phục vụ cho ngành cũng như đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Tháng 8/2004, ông bảo vệ xuất sắc Luận án Tiến sĩ Y học với đề tài: “Nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng, Xquang và mô bệnh học tuyến ức liên quan đến kết quả điều trị ngoại khoa bệnh nhược cơ”.

Ngoài ra ông còn được biết đến là một trong các tác giả của nhiều cuốn sách hay mang giá trị cao nhằm phục vụ cho công tác khám chữa bệnh và giảng dạy: Các kỹ thuật xâm nhập trong chẩn đoán và điều trị bệnh hô hấp; Phẫu thuật cắt tuyến ức điều trị bệnh nhược cơ; Đại cương về bệnh ung thư; Chăm sóc bệnh nhân sau mổ. Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh và giảng dạy ông còn là người say mê với nghiên cứu khoa học. Hơn 20 năm vừa làm công tác giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, nhiều công trình nghiên cứu khoa học của ông có tính ứng dụng thực tiễn cao, ông là tác giả, đồng tác giả của hơn 50 công trình bài báo khoa học đã được công bố và đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Một số những công trình nghiên cứu khoa học của ông đã mang lại hiệu quả cao trong việc khám, chữa bệnh như: Nghiên cứu biến đổi hình thái tuyến ức ở bệnh nhân nhược cơ; Giá trị của chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có bơm khí trung thất trong chẩn đoán u tuyến ức ở bệnh nhân nhược cơ; Nghiên cứu sự liên quan giữa biến đổi tỷ trọng với tổn thương giải phẫu bệnh tuyến ức trong bệnh nhược cơ; Ứng dụng phẫu thuật nội soi trong chẩn đoán và điều trị một số bệnh tuyến vú tại Bệnh viện 103; Nghiên cứu hoạt động van cơ học St Jude Masters ở bệnh nhân thay van hai lá;… Hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học của ông đều được ứng dụng vào thực tiễn chữa bệnh và mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt trong số đó có công trình: “Giá trị của chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có kết hợp bơm khí trung thất trong trong chẩn đoán biến đổi hình thái tuyến ức ở bệnh nhân nhược cơ” đã được tham gia báo cáo tại Hội nghị khoa học quốc tế “Hội nghị Việt – Pháp về chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân lần thứ I – 1999, lần thứ II – 2004, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Công trình: “Ứng dụng phẫu thuật nội soi lồng ngực trong phẫu thuật cắt tuyến ức, u tuyến ức điều trị bệnh nhược cơ”, với công trình này ông đã có 2 báo cáo tại hai Hội nghị quốc tế: Hội nghị phẫu thuật nội soi Châu Á Thái Bình Dương lần thứ X – 2010 và Hội nghị Hô hấp và Phẫu thuật lồng ngực Pháp – Việt lần thứ VII – 2012). Trước đó, ông cũng đã 5 lần tham gia Hội thảo kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội (1991, 1993, 1995, 1997, 1999) đều đã đạt giải Nhất.

Đầu tháng 5/2015, ông được chuyển từ Học viện Quân Y về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thời gian đầu chuyển về đây công tác, ông luôn được lãnh đạo Bệnh viện, Khoa và cán bộ, nhân viên trong khoa quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ. Điều thuận lợi nữa là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là bệnh viện đặc biệt nên được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại cho công tác khám chữa bệnh các khoa nói chung và Khoa Phẫu thuật lồng ngực nói riêng.

Để đi sâu tìm hiểu về kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực bằng phương pháp nội soi và việc ứng dụng các trang thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại vào chẩn đoán và điều trị, ông chia sẻ: “Phẫu thuật nội soi lồng ngực đã mang lại nhiều lợi ích hơn so với kỹ thuật phẫu thuật mở thông thường như ít đau sau mổ, đường mổ nhỏ thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn, an toàn, giảm chi phí điều trị, nhanh chóng trả người bệnh trở lại làm việc. Nhờ những cải tiến về kỹ thuật và các dụng cụ phẫu thuật nội soi ngày càng tốt hơn nên đã tạo ra khả năng có thể cho phép thực hiện được nhiều loại phẫu thuật  nội soi lồng ngực khác nhau. Nội soi lồng ngực cho chúng ta quan sát tốt các cấu trúc bên trong lồng ngực, qua đó giúp chúng ta xác định rõ các tổn thương, hướng dẫn sinh thiết hay lấy bỏ các thương tổn hoặc thực hiện các thủ thuật khác trên các u ở vùng trung thất mà không cần phải mở ngực lớn”.

Hiện nay, Khoa Phẫu thuật lồng ngực mỗi năm khám chữa bệnh cho khoảng 2.000 bệnh nhân, với hầu hêt các mặt bệnh ngoại lồng ngực. Bên cạnh việc khám chữa bệnh, ông luôn hướng tới công tác đào tạo và bồi dưỡng cho các thế hệ bác sĩ kế cận. Ông đang nghiên cứu và hoàn thiện Đề án mở mã ngành đào tào trình  độ tiến sĩ chuyên ngành ngoại lồng ngực đưa vào Viện Nghiên cứu Khoa học Y dược Lâm sàng 108 để đào tạo. Đây là phương pháp và cách làm rất khoa học và hiệu quả, nó tạo điều kiện nhằm đào tạo nên nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn cao phục vụ cho công tác khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn. Sau khi Bộ môn Phẫu thuật lồng ngực của Viện được thành lập sẽ tạo điều kiện cho việc nghiên cứu sinh ngày càng hiệu quả. Ngoài trách nhiệm khám chữa bệnh cho nhân dân ông còn đóng vai trò là người đưa đò đào tạo, bồi dưỡng nên nhiều thế hệ học trò, đồng thời ông cũng truyền cho các thế hệ sinh viên kiến thức, ngọn lửa của lòng yêu nghề bất tận.

Trên cương vị người bác sĩ, người thầy PGS.TS Mai Văn Viện chia sẻ: “Là bác sĩ, đồng thời là giảng viên truyền thụ kiến thức cho học trò thì cần phải có kiến thức sâu rộng, thường xuyên cập nhật những tri thức mới của y học hiện đại. Một người thầy được học viên, sinh viên yêu mến và kính trọng thì trước hết phải có bài giảng chất lượng và lòng yêu nghề, say nghề, trách nhiệm cao cả đối với bài giảng, đồng thời cùng với việc học tập trau dồi, cập nhật kiến thức chuyên môn. Khi chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ học trò do mình hướng dẫn, đó là niềm hạnh phúc mà không gì có thể đánh đổi được”. Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu ông đã và đang hướng dẫn 11 luận án tiến sĩ, 6 luận văn thạc sĩ, tham gia và chủ trì 14 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước, tham gia đề tài cấp Nhà nước về ghép tụy trên thực nghiệm đồng thời tham gia chủ trì đề tài nhánh. Hiện tại, ông đang chủ trì đề tài nghiên cứu liên quan đến ung thư vú ở phụ nữ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Với ông, nghiên cứu khoa học như là lẽ sống, để đóng góp cho sự phát triển của ngành, để phục vụ tốt hơn cho công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không có con đường nào tốt hơn là nghiên cứu khoa học ứng dụng.

Năm 2011, ông đã vinh dự được Nhà nước phong tặng chức danh Phó Giáo sư. Bên cạnh đó ông cũng đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Y tế, của Học viện Quân y và Bệnh viện Quân Y 103, Huy chương tuổi trẻ Sáng tạo của Trung ương Đoàn, nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và danh hiệu giảng viên giỏi của Học viện Quân Y. Đây chính là sự ghi nhận xứng đáng của Nhà nước và các Bộ, ngành với những công lao đóng góp của ông cho ngành, cho cộng đồng xã hội.

Với những cống hiến thầm lặng cho ngành, ông như “cánh chim” không mỏi trong hành trình tìm kiếm và chinh phục nguồn tri thức mới, nguồn tri thức khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông không chỉ là bác sĩ giỏi, thầy giáo gương mẫu, nhiệt tình, tận tâm với nghề, tận tụy với bệnh nhân, mà ông còn là người luôn chia sẻ với cộng đồng những kinh nghiệm quý, phương pháp hay trong việc phát hiện, khám và điều trị bệnh. Tôi rất trân trọng những gì mà ông đã đóng góp cho ngành, cho cộng đồng xã hội. Một vài trang viết có lẽ sẽ chẳng thể nói lên hết được những công lao và vai trò của ông. Nhưng tôi tin rằng, một người luôn đặt cao hiệu quả công việc, luôn say mê nghiên cứu khoa học như ông thì sẽ không dừng lại ở đó, đúng như ông nói “còn sức còn cống hiến”. 


Ngọc Giáp

Nguồn: http://www.trithucvaphattrien.vn/