Làm khoa học bên dòng đổi mới

Đổi mới là tất yếu

Cuối tháng 12-1976, Đại hội Đảng lần thứ IV được tổ chức ở Hà Nội đã khẳng định: Đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước là “tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng văn hóa tư tưởng, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ...”[1]. Cuộc cách mạng quan hệ sản xuất được nhắc trong văn kiện Đảng là chủ trương cải tạo kinh tế ở miền Nam, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. PGS Đào Xuân Sâm cho biết “Với niềm hân hoan sau ngày thống nhất đất nước, Đảng ta hy vọng đến năm 1980 sẽ hoàn thành việc cải tạo kinh tế miền Nam, khoảng 20 năm đến 30 năm, nước ta sẽ thành một nước công – nông nghiệp hiện đại. Nhưng mong muốn đó đã không thành”[2].

Sau 3 năm thực hiện (1976-1978) tình hình kinh tế đất nước có chiều hướng đi xuống, cải tạo kinh tế miền Nam gây tổn thất lớn, sản xuất miền Bắc đình đốn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Khi đó, ông Đào Xuân Sâm (là Vụ trưởng Vụ Đại học, thuộc Ban Khoa giáo Trung ương) nhận thấy sự thay đổi theo chiều hướng xấu của nền kinh tế đất nước. Bản thân ông cũng yêu việc giảng dạy và nghiên cứu kinh tế nên xin với Phó ban Khoa giáo Trung ương là ông Trần Quang Huy được trở lại làm việc tại khoa Kinh tế công nghiệp, trường Đại học Kinh tế kế hoạch[3] nhưng chưa được chấp nhận. Đúng lúc đó, trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc[4] có sự thay đổi về nhân sự, ông Vũ Đam Điềm[5] (đang là trưởng khoa Quản lý kinh tế) sắp đến tuổi nghỉ hưu, tình hình kinh tế đang là chủ đề nóng bỏng mà cán bộ trong khoa không ai đáp ứng được yêu cầu nên ông Nguyễn Vịnh[6] đến Ban Khoa giáo xin cán bộ bổ sung cho khoa Quản lý kinh tế. Biết ông Sâm từng là Trưởng khoa Kinh tế công nghiệp, lại có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và quản lý nên ông Điềm đã mời ông Sâm về trường Đảng công tác. Cuối năm 1977, ông Sâm về giảng dạy tại trường Đảng, hỗ trợ ông Điềm quản lý khoa. PGS Sâm kể thêm: về trường Đảng công tác, tôi và anh Vịnh (khi đó là Phó Giám đốc) có dịp về thăm huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ Tĩnh[7], nơi đây nổi tiếng với khẩu hiệu “thay trời đổi đất, xếp đặt lại giang sơn, đi lên chủ nghĩa xã hội”[8]. Đi ô tô về thăm huyện, tôi thấy những máy liên hợp gặt đập lớn do Liên Xô sản xuất đang chạy trên những thửa ruộng nhỏ ở địa phương. Người dân đi làm việc theo tiếng kẻng lệnh phát ra từ Ban quản trị hợp tác xã. Sau đó, tôi cùng anh Vịnh vào thăm xưởng cơ khí của huyện, nhà xưởng được xây dựng rất to nhưng bên trong có ít máy móc hoạt động. Với cách làm việc của huyện đã không đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế.

Nghiên cứu viên Trung tâm Di sản đón nhận tài liệu do PGS Đào Xuân Sâm trao tặng, ngày 10-11-2015

Đầu năm 1979, trước tình hình kinh tế đất nước ngày càng thêm bí bách, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã triệu tập một số chuyên gia kinh tế gồm các ông: Nguyễn Văn Trân[9], Trần Phương[10], Đào Xuân Sâm….đến họp. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng: nguyên nhân tình trạng kinh tế yếu kém là do cán bộ quản lý địa phương còn yếu năng lực, vì vậy, các chuyên gia kinh tế cần viết tài liệu để mở lớp học cho cán bộ nhằm nâng cao năng lực và giúp họ nắm vững chủ trương mà Đảng đề ra. Lúc này, mọi người đưa ra hai ý kiến, hoặc là mời chuyên gia Liên Xô sang giúp, hoặc chuyên gia Việt Nam tự làm. Ông Sâm đưa ý kiến “chuyên gia Việt Nam chưa tự làm được, nên mời chuyên gia Liên Xô sang giúp”[11]. Nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cử ông Trân và một số chuyên gia kinh tế viết tài liệu, hơn 1 tháng sau nghiệm thu thì tài liệu không đạt yêu cầu. Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quyết định mời đoàn chuyên gia Liên Xô sang giúp.

Lúc này, Liên Xô đang có xu hướng cải tổ đất nước theo mô hình Chính sách kinh tế mới (viết tắt là NEP) của Lênin, nên một số chuyên gia nghiên cứu xu hướng này được cử sang giúp Việt Nam. Tháng 3-1979, một đoàn gồm khoảng 10 người với những chuyên gia đầu ngành như: GS.Viện sĩ Nông nghiệp Tikhonov, GS Abalkin chuyên về kế hoạch, GS Kulicov chuyên về chính sách kinh tế mới. Những người được cử theo học là cán bộ trung ương và cấp tỉnh, buổi học đầu tiên được tổ chức ở Hội trường Ba Đình với hơn 1000 người. Các chuyên gia Liên Xô giảng hay và sinh động, nhiều người nghe như “nuốt từng lời”. GS Tikhonov nói “cách làm hợp tác xã nông nghiệp của Việt Nam hiện nay giống nông trang tập thể của Liên Xô chỉ tiện cho nhà nước mà không tiện cho nhân dân”[12], PGS Sâm tham gia lớp học và bình luận “như thế là cổ vũ khoán cho người dân”[13]. GS Abalkin cho rằng “kế hoạch là một tập pháp lệnh, bây giờ kế hoạch là một tập hợp đồng”. GS Kulicov nói “phải để tư nhân làm thôi”[14]. Sau ba tháng lên lớp với hơn 100 bài giảng, nhiều người có quan điểm đổi mới tỏ ra đồng tình, một số ít không tán đồng, có người còn báo lên Trung ương là chuyên gia Liên Xô sang giảng bài chống lại đường lối của Đảng. Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại kết luận “kết quả đạt tốt nhưng vẫn phải học thêm nữa”[15]. Tháng 9-1979, Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV được đưa ra, nhiều chuyên gia kinh tế sau này nhận xét: đây là Nghị quyết đầu tiên cho việc khai mở thị trường. Theo PGS Sâm thì “Nghị quyết là nấc thang đầu tiên của việc đổi mới tư duy kinh tế, thể hiện ở sự chấp nhận và có phần khuyến khích kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân và quan hệ thị trường tự do đến mức nhất định trong khi vẫn giữ chế độ công hữu và cơ chế kế hoạch hóa tập trung”[16].

Nhóm Nghiên cứu đổi mới

Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV ra đời đã làm tình hình sản xuất ở một số địa phương “bung ra”, miền Nam có Công ty lương thực thành phố Hồ Chí Minh của bà Ba Thi dưới sự chỉ đạo của ông Võ Văn Kiệt[17] (khi đó là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh), Xí nghiệp đánh cá Côn Đảo-Vũng Tàu. Thay đổi cơ chế thu mua phân phối theo giá thị trường ở tỉnh An Giang do Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Hơn, tỉnh Long An do Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính thực hiện đều thành công. Ở miền Bắc, tiêu biểu là Khoán ở Hải Phòng và Vĩnh Phú[18].

Năm 1980, ông Đào Xuân Sâm được mời tham dự hội thảo kinh tế ở thành phố Hải Phòng. Trong hội thảo, ông Sâm phát biểu nhiều vấn đề mới về kinh tế làm người nghe hứng thú, trong đó có ông Trần Nhâm[19] (người sau này giới thiệu ông Sâm với ông Hà Nghiệp vào nhóm Nghiên cứu đổi mới dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh[20]). Ngày 26-11-1980, ông Sâm viết bài “Mở rộng phạm vi kế hoạch hóa trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần” đăng trên Báo Nhân dân, trong đó nêu vấn đề “phải đặt kinh tế tư nhân trong tác động qua lại với kinh tế xã hội chủ nghĩa, không thể có hàng rào ngăn cách”[21]. Ngày 13-1-1981, với Chỉ thị 100 CT/TW của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, ông Sâm tiếp tục có bài viết “Khoán sản phẩm và những vấn đề đổi mới quản lý hợp tác xã nông nghiệp” đăng Báo Nhân dân ngày 27-5-1981, số 9840. Với nhiệt huyết và sự nhạy bén thời cuộc, ông Sâm được ông Hà Nghiệp (trợ lý Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh) mời tham dự nhóm Nghiên cứu đổi mới[22] được thành lập đầu năm 1984. PGS Đào Xuân Sâm cho biết “Nhóm được thành lập không có quyết định bằng văn bản, mà chỉ gửi giấy mời tới những người đã được lựa chọn tham gia nhóm nghiên cứu đến họp bàn công việc. Sau khi hết nhiệm vụ nhóm tự giải tán”[23]. Lý do thành lập nhóm Nghiên cứu được ông Sâm thổ lộ, “dù trước đó đồng chí Trường Chinh đã đi thực tế và nhận thấy khó khăn ở một số địa phương, nhưng đến năm 1983, sau chuyến công tác miền Nam, ông Trường Chinh đã suy nghĩ rất nhiều và nói với mọi người rằng: Mặc áo ngược rồi, phải mặc lại thôi”[24].

Buổi họp đầu tiên của Nhóm nghiên cứu ở số 35 Ngô Quyền (trụ sở Văn phòng Quốc hội), ông Sâm đến sớm nhưng đã thấy ông Trường Chinh. Ông bước nhanh đến gần và nói “chào bác”, nhưng ông Trường Chinh bảo “chỉ gọi bằng anh thôi”. Nhân cơ hội, ông Sâm đã chia sẻ suy nghĩ, trăn trở của mình về thực trạng khó khăn của đất nước với ông Trường Chinh. Đặc biệt, ông Sâm đề đạt với ông Trường Chinh cần quan tâm tới Chính sách kinh tế mới (NEP) – một chính sách mang tính “thị trường xã hội chủ nghĩa” của Lênin. Ông Sâm kể “nếu động tới kinh tế thị trường lúc này sẽ rất nguy hiểm bởi nhiều người coi thị trường là của chủ nghĩa tư bản, đưa đất nước theo kinh tế thị trường là phản bội chủ nghĩa xã hội”[25]. Chính Lênin đề ra tư tưởng để khai mở thị trường, nên lấy lý luận về NEP của Lênin làm ngọn cờ tiên phong cho đổi mới và hạn chế đả kích từ những tư tưởng bảo thủ. Trong cuộc họp, ông Trường Chinh khuyên mọi người trao đổi thẳng thắn những trăn trở và suy nghĩ của mình, để sau đó sẽ báo cáo, trao đổi lại với anh Ba (tức Tổng Bí thư Lê Duẩn). Ngày 9-6-1984, ông Sâm nhận được giấy mời họp nhóm với hai nội dung cần chuẩn bị là Tư tưởng của Lênin về Chính sách kinh tế mới, việc áp dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô; Cải tạo và sử dụng các thành phần kinh tế ở nước ta như thế nào để phát huy hết mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của chúng. Hai vấn đề sau này được ông tập trung nghiên cứu và đóng góp ý kiến cho nhóm trong suốt thời gian hoạt động (1984-1986).

Giấy mời họp Nhóm nghiên cứu

Gian nan chặng đầu đổi mới

Nền kinh tế đất nước mới “khai mở” được 3 năm (1979-1982) và có chút khởi sắc thì sau Đại hội V của Đảng (tháng 3/1983) nền kinh tế bị đưa trở lại cách quản lý cũ nên đời sống nhân dân tiếp tục gặp khó khăn. Đến tháng 6-1985, Hội nghị Trung ương 8 khóa V đưa ra Chủ trương điều chỉnh giá-lương-tiền do Phó Thủ tướng Trần Phương phụ trách, điều hành. Sau hai tháng chuẩn bị phương án cho cuộc điều chỉnh, tháng 8-1985 Chủ trương bắt đầu được thực hiện. Ngày 1-8-1985, PGS Đào Xuân Sâm viết bài “Tìm hiểu Nghị quyết tám về giá-lương-tiền, Kế hoạch và hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa” đăng Báo Nhân dân, có nói “Giải quyết giá-lương-tiền theo tinh thần Nghị quyết tám phải đặt trong cơ chế quản lý mới, lấy kế hoạch hóa làm khâu trung tâm”[26]. Đồng thời “Giải quyết giá-lương-tiền trên cơ sở xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa phải lấy kế hoạch làm trung tâm”[27].

Sau hơn 1 tháng thực hiện, cuộc điều chỉnh nhanh chóng rơi vào bế tắc vì nhà nước hết hàng, tiền mất giá, giao thương đình đốn dẫn tới lạm phát tăng cao. Ngày 20-11-1985, các thành viên nhóm nghiên cứu được triệu tập họp tại Đồ Sơn, Hải Phòng để bàn thảo về tình hình kinh tế bế tắc và tìm phương án giải quyết, đây là cuộc họp lâu nhất của nhóm nghiên cứu kéo dài trong khoảng 10 ngày. Đến Hội nghị Trung ương 9 (tháng 12-1985), đồng chí Trường Chinh đã phân tích những thiếu sót “mất đồng bộ trong việc đề ra chủ trương mới với việc bố trí người thực hiện. Điều đó thể hiện tập trung mâu thuẫn giữa nhận thức của chúng ta với tình hình thực tiễn”[28].

Đầu năm 1986, chủ đề nóng bỏng nhất là nên chuyển sang kinh tế hàng hóa hay tiếp tục nền kinh tế kế hoạch theo lối quản lý cũ. PGS Đào Xuân Sâm mạnh dạn đưa ra quan điểm thông qua bài “Kinh doanh xã hội chủ nghĩa và quyền tự chủ của người kinh doanh” đăng trên Báo Nhân dân các ngày 17, 18, 19 tháng 3 năm 1986. Trong đó có viết “Lẩn trốn thị trường hay cưỡng lại thị trường thì nhất định không tránh khỏi trở lại cơ chế quan liêu bao cấp”[29] và “Chính Lênin đã nói: xí nghiệp nhà nước không chỉ có thương nghiệp được đặt trên phương diện buôn bán, nhà nước phải làm nhà buôn, phải học buôn bán văn minh…..”[30]. Bài báo của ông Sâm đã tạo ra phản ứng lớn, chiều 19-3-1986, Bộ Chính trị họp và có nói đến bài viết đăng báo của ông. Ông cũng được biết, "bài viết của ông có người đồng tình, có người phản đối ghê lắm”[31]. Đồng thời, một số chuyên gia kinh tế và cơ quan đã viết bài phản đối quan điểm của ông. Đến ngày 8-5-1986 trong một cuộc họp với đoàn của ông Tổng cố vấn Liên Xô là P.A.Paskar, quan điểm của ông tiếp tục bị phê phán. PGS Sâm cho biết “bài viết này đã đụng độ đến vấn đề cơ bản nhất của đất nước, nhiều người có tư tưởng đổi mới cũng e ngại va chạm và không dám nói”[32]. Tuy nhiên, nhiều tư tưởng trong bài báo đã được đông đảo mọi người ủng hộ, dù vẫn còn số ít phản đối.

Bài viết đăng báo Nhân dân ngày 17-3-1986

Tháng 7-1986, Bộ Chính trị có cuộc họp và kết luận một số quan điểm kinh tế như: Bố trí lại cơ cấu kinh tế, cải tạo và sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế và đổi mới cơ chế quản lý. Một số vấn đề ông Sâm đưa ra về đổi mới kinh tế cơ bản phù hợp với thực tế tình hình. Cuối tháng 7-1986, đồng chí Trường Chinh đã triệu tập nhóm nghiên cứu tại khu Vạn Hoa ở Đồ Sơn, Hải Phòng bàn việc chuẩn bị Báo cáo Chính trị cho Đại hội VI và cử ông Hoàng Tùng[33] phụ trách. Về Hà Nội, Ban Biên soạn Văn kiện[34] được thành lập và bố trí làm việc ở một căn nhà trên Hồ Tây. PGS Đào Xuân Sâm ở tiểu ban Kinh tế và được phân công viết triển khai tư tưởng của Bộ Chính trị (trong cuộc họp tháng 7-1986) về quan điểm kinh tế. Tháng 12-1986, Đại hội Đảng lần VI diễn ra thành công tốt đẹp và đi vào lịch sử như “Đại hội Đổi mới”.

Đến tháng 3-1989, Hội nghị Trung ương 6 khóa VI đã khẳng định “Thị trường phải thông suốt trong cả nước và từng bước hòa nhập với thị trường thế giới”[35]. PGS Sâm đánh giá “Từ đây, nhà nước chấm dứt chế độ thống nhất quản lý thu mua phân phối, bắt đầu chuyển sang cách quản lý mới để điều tiết thị trường”[36] và xu hướng đổi mới kinh tế tiếp tục được khẳng định ở các kỳ Đại hội Đảng sau này.

Thời gian đã lùi xa, quá trình đổi mới vẫn tiếp tục theo vận động, yêu cầu của thực tế cuộc sống, thành quả có được hiện nay chỉ là những bước đi đầu tiên cho một chặng đường dài phía trước. Còn riêng với PGS Đào Xuân Sâm, mái tóc xanh ngày nào giờ đã bạc, vẫn đôi mắt trầm tư ấy, ông chia sẻ suy tư của mình “Công cuộc đổi mới đã diễn ra như tất yếu bất khả kháng, ngoài dự báo, mà thành công của Việt Nam là nhanh nhạy thích nghi. Lịch sử cũng luôn đòi hỏi con người có khả năng đó”37].

Ngô Văn Hiển

___________________

* PGS Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng khoa Quản lý Kinh tế, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần IV. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị quốc gia, 2004, tr. 523.

[2] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 15-12-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Năm 1985 đổi tên thành Đại học Kinh tế Quốc dân.

[4] Nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

[5] Vũ Đam Điềm, nguyên Trưởng khoa Quản lý Kinh tế, trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

[6] Nguyễn Vịnh, nguyên Giám đốc trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

[7] Năm 1991 lại tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Huyện Quỳnh Lưu thuộc tỉnh Nghệ An.

[8] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 8-12-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[9] Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Thời kỳ 1978-1989, ông là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

[10] Trần Phương, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ( Sau này là chức danh Phó Thủ tướng).

[11] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 15-12-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[12] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 15-12-2015, tài liệu đã dẫn.

[13] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 15-12-2015, tài liệu đã dẫn.

[14] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 15-12-2015, tài liệu đã dẫn.

[15] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 15-12-2015, tài liệu đã dẫn.

[16] Đào Xuân Sâm, Những bước đường đổi mới (1979-2010) nhìn lại và thu hoạch, năm 2010.

[17] Võ Văn Kiệt (1922-2008), nguyên Thủ tướng Chính phủ (1991-1997).

[18] Năm 1996 lại tách 2 tỉnh như cũ là Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

[19] Ông Trần Nhâm lúc này đang công tác ở Văn phòng của ông Trường Chinh.

[20] Trường Chinh (1907-1988), nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam thời gian (1941-1956) và từ tháng 6 đến tháng 12-1986. Thời kỷ 1960-1981 ông là Chủ tịch Quốc hội.

[21] Đào Xuân Sâm, Mở rộng phạm vi kế hoạch hóa trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần, Báo Nhân dân, 26-11-1980.

[22] Nhóm nghiên cứu tồn tại trong 3 năm (1984-1986) gồm một số người: Lê Xuân Tùng, Lê Văn Viện, Nguyễn Thiệu, Trần Đức Nguyên, Võ Đại Lược, Dương Phú Hiệp, Trần Nhâm, Đào Xuân Sâm…

[23] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 17-11-2015, tài liệu đã dẫn.

[24] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 5-12-2015, tài liệu đã dẫn.

[25] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 5-12-2015, tài liệu đã dẫn

[26] Đào Xuân Sâm, Tìm hiểu Nghị quyết tám về giá-lương-tiền, Kế hoạch và hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, Báo Nhân dân, 1-8-1985.

[27] Báo Nhân dân ngày 2-8-1985, tài liệu đã dẫn.

[28] Bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương 9, ngày 11-12-1985. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 46, trang 357-361.

[29] Đào Xuân Sâm, Kinh doanh xã hội chủ nghĩa và quyền tự chủ của người kinh doanh, Báo Nhân dân, 17-3-1986.

[30] Báo Nhân dân, ngày 18-3-1986.

[31] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 19-1-2016, tài liệu đã dẫn.

[32] Phỏng vấn PGS Đào Xuân Sâm ngày 6-11-2015, tài liệu đã dẫn.

[33] Hoàng Tùng (1920-2010), Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân.

[34] Nhóm Biên soạn gồm một số thành viên: Trần Đức Nguyên, Hà Nghiệp, Đào Xuân Sâm, Lê Xuân Tùng, Lê Văn Viện, Dương Phú Hiệp……do ông Hoàng Tùng phụ trách.

[35] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 49, tr 493.

[36] Những bước đường đổi mới (1979-2010) nhìn lại và thu hoạch, tr 17, tài liệu đã dẫn.

[37] Những bước đường đổi mới (1979-2010) nhìn lại và thu hoạch, tr 37, tài liệu đã dẫn.