“Cuốn từ điển sống” về lịch sử Đảng, về Bác Hồ

“Cuốn từ điển sống”

Cách đây chừng mười lăm năm, tôi hẹn xin được phỏng vấn ông nhân kỷ niệm Sinh nhật Bác. Nhìn thấy tôi cầm theo cuốn “Văn kiện Đảng” tập 3, bắt tay tôi, ông cười: “Tớ biết cậu muốn gì rồi”. Tôi vừa ngồi xuống ghế, ông nói ngay: “ Các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Trần Phú đều là học trò của Bác, đánh giá rất cao vai trò lãnh tụ của Bác, nhưng do là người được Quốc tế Cộng sản cử về Việt Nam, nên có phê phán Bác là người theo chủ nghĩa dân tộc”. Tôi giở cuốn sách, ở trang (đã được tôi đánh dấu) đăng nguyên văn bức thư của đồng chí Hà Huy Tập gửi Quốc tế Cộng sản về Bác.

Hôm ấy, ra về tôi cứ thầm thán phục ông, vừa có trí nhớ tốt, vừa nhạy cảm, tinh tế. Sau này, hễ cứ tới dịp Sinh nhật Bác, Ngày thành lập Đảng, Ngày Quốc khánh, hay khi xuất hiện một vấn đề chính trị nào cần có ý kiến của ông phục vụ cho công việc báo chí, chúng tôi lại tìm tới ông. Mỗi lần như vậy ông đều vui vẻ, tận tình nhận lời. Càng tiếp xúc, làm việc nhiều với ông, tôi càng yêu quý ông. Mỗi lần trò chuyện, hay phỏng vấn ông đều nói vo, câu cú chuẩn mực, đều đặn như người đọc văn bản. Tôi thực sự ngạc nhiên về cái khoản “tầm câu trích cú” của ông. Ông có thể trích dẫn các câu nói của Marx, Engels, Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng; các sự kiện lịch sử Đảng… một cách chính xác đến không ngờ. Sự kiện này diễn ra ở đâu, ngày tháng nào; rồi câu nói này được nói ở đâu, ngày tháng nào; được đăng ở cuốn sách nào, trang bao nhiêu… Ông thực sự là “cuốn từ điển sống” về lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc.


Vẫn cứ vào Nam ra Bắc…

Lần này chúng tôi lại tìm đến ông. Căn hộ nhỏ của ông trên tầng 2 của khu tập thể góc đường Trần Đăng Ninh (Hà Nội) được bài trí gọn gàng, ngăn nắp. Phòng khách hơn chục mét vuông, ngoài cái bàn trà tiếp khách, còn lại là sách. Sách trên giá, trên bàn làm việc của ông, trên ghế ngồi.

Ông vào bếp lấy ra 2 ly trà Lipton, đưa cho từng người chúng tôi. Ông rót cho mình một ly nước lọc. Khi biết chúng tôi muốn viết về cuộc đời ông, ông xoa tay, chần chừ một lúc rồi bảo: “Hay là đừng viết về cuộc đời mình nữa nhé. Cứ trò chuyện về lịch sử Đảng rồi về các bạn lọc ra được gì cần thì đăng”. Nhưng rồi trong câu chuyện kéo dài gần như cả buổi chiều hôm ấy, chúng tôi cũng lọc ra được vài nét chấm phá về cuộc sống riêng của “Cuốn từ điển sống” về lịch sử Đảng.

Ông sống một mình, tự phục vụ. Hằng ngày, khi không đi công tác xa, ông vẫn đi chợ, nấu nướng, lau dọn nhà cửa. Trong 3 người con gái đã có gia đình riêng của ông thì 2 cô theo nghiệp bố. Ái nữ đầu hiện là cán bộ công tác tại Học viện Chính trị khu vực I (thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Ái nữ út đang làm ở Tạp chí Lịch sử Đảng (thuộc Viện Lịch sử Đảng).

Năm 2006, ông thôi chức Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng để nghỉ hưu. Tuy là nghỉ hưu, thôi chức quản lý, nhưng hằng ngày ông vẫn lên lớp giảng bài, đi nói chuyện khắp nơi, trong Nam, ngoài Bắc, đi tham dự các hội thảo, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Hôm chúng tôi tới, ông vừa lên lớp giảng bài cho lớp cán bộ nguồn của Trung ương về. Ông bảo, ông đã đào tạo được hơn hai chục tiến sĩ, rất nhiều nghiên cứu sinh. Các công trình nghiên cứu, tham luận, các bài viết, nói chuyện của ông đều đang là những tài liệu nghiên cứu có giá trị được dùng làm tài liệu giáo khoa cho nhiều học viện, viện nghiên cứu, trường học về lịch sử Đảng.

Hỏi ông sao không đề nghị phong tặng cho mình học hàm Giáo sư, mặc dù đứng trên khía cạnh chuyên môn giảng dạy, quản lý, nghiên cứu, uy tín khoa học ông thừa tiêu chuẩn, ông cười hồn nhiên: “Mình thấy PGS là được rồi. Muốn được phong Giáo sư thì phải làm hồ sơ. Mình thì không có thời gian để làm”. Ông nói vậy, nhưng chúng tôi hiểu rằng, cái ông ngại nhất là chuyện xin xỏ. Ông là người trung thực với công việc của mình làm, trung thực với suy nghĩ của mình, không khoa trương, không lên gân, không có kiểu “nói một đường, nghĩ một nẻo”. Những người như vậy không thích phải xin xỏ ai cái gì bao giờ.

Theo ngành lịch sử Đảng vì Bác Hồ

Ông bảo, thuở nhỏ ông đam mê kinh tế và theo học kinh tế, nhưng rồi một sự kiện lớn đã xảy ra làm thay đổi đam mê của ông. Đó là năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. PGS Nguyễn Trọng Phúc bùi ngùi nhớ lại: “Bác Hồ đối với chúng tôi và nhân dân cả nước khi ấy thiêng liêng lắm, thông tin Bác qua đời khiến tất cả đau đớn khôn nguôi. Lúc nhận tin, tôi và anh em khác cứ ôm mặt khóc, dù chưa tổ chức lễ tang nhưng nhân dân cả nước cũng đều khóc trước nỗi đau mất đi Người cha già của dân tộc”. Trong sổ tay của ông Phúc còn ghi chép các bài thơ khóc Bác, điện chia buồn của lãnh đạo các nước; ghi chép các sự kiện diễn ra trong những ngày ấy; ghi chép tình cảm của người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế với Bác.

Ông bảo, ông vẫn giữ hai kỷ vật thiêng liêng. Đó là tấm băng tang đeo trong đám tang Bác và Tạp chí Cộng sản (khi ấy còn là Tạp chí Học tập) số tháng 9 năm 1969 – số đặc biệt về Bác. Mới đây ông đã trao lại tấm băng tang cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. “Trong lớp mình giảng bài ở học viện có mấy anh chị em đang làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nghe mình nói về sự kiện này, về tấm băng tang, các anh chị ấy tới đặt vấn đề xin lại tấm băng tang”- ông Phúc kể, rồi ông ngồi lặng im hồi lâu như đang nhớ lại những ngày đau buồn không thể nào quên ấy, bất chợt như bừng tỉnh, ông nói: “Tình cảm mãnh liệt đối với Bác là động lực thôi thúc mình quyết tâm theo nghề sử”.

Thế là năm 1969, ở tuổi 25, ông Nguyễn Trọng Phúc giã từ mơ ước thuở thiếu thời là trở thành nhà kinh doanh, để chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Đảng.

“Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

Từ ngày quen biết PGS Nguyễn Trọng Phúc, chúng tôi đã rất nhiều lần trò chuyện cùng ông về nhiều lĩnh vực mà ông nghiên cứu. Một trong những điều mà chúng tôi tâm đắc và cũng đã không ít lần khai thác ở ông, đó là công trình nghiên cứu của ông: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền. Đến thăm ông, trò chuyện với ông lần này, ông lại nói cho chúng tôi nghe về tư tưởng của Bác về xây dựng một nhà nước pháp quyền.

Ông bảo, Bác luôn nêu rõ tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền, Người nhấn mạnh “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Một ngày sau lễ tuyên bố độc lập, ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp, Bác đã phát huy trí tuệ của Đảng, toàn dân cùng với Quốc hội được bầu ra ngày 6.1.1946 soạn thảo bản Hiến pháp dân chủ, đó là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 9.11.1946. Trong hoàn cảnh cách mạng nước ta “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” phải vượt qua bao khó khăn, thách thức, việc thông qua Hiến pháp càng có ý nghĩa quan trọng về thực tiễn và pháp lý.

Tính chất dân chủ, bản chất nhân dân của Hiến pháp năm 1946 thật sâu sắc và đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Sự xác định rõ nghĩa vụ và quyền lợi công dân đã thể hiện điều đó. Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài. Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật. Quyền tư hữu tài sản của công dân được bảo đảm. Quyền lợi của những người trí thức và lao động chân tay được bảo đảm. Người tàn tật, già cả được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng. Thực hiện chế độ phổ cập giáo dục bắt buộc v.v… Đó là những nội dung dân chủ mang tính cách mạng sâu sắc. Những quy định của Hiến pháp năm 1946 về tổ chức bộ máy nhà nước từ Nghị viện nhân dân, Chính phủ đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, về cơ quan tư pháp, đều chứa đựng sâu sắc bản chất của một nhà nước cách mạng – Nhà nước pháp quyền kiểu mới, của dân, do dân và vì dân.

Nhà nước vì dân nghĩa là nhà nước mưu cầu quyền lợi, hạnh phúc cho nhân dân. Vì dân không chỉ là mục tiêu hoạt động và tồn tại của chính quyền, mà còn là phương thức, phong cách và phương pháp hành động của chính quyền.

Từ câu chuyện về xây dựng Hiến phán năm 1946, ông Phúc chuyển qua đề tài cách sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nói một cách say sưa, thành kính, trích dẫn rất cụ thể, ngày tháng năm nào, ở đâu Bác nói với ai cái gì… Một trí nhớ tuyệt vời!

Vâng, đó là PGS.TSKH Nguyễn Trọng Phúc – “cuốn từ điển sống” về lịch sử Đảng Cộng sản VN.

Bình Thanh – Diệu Linh
Nguồn: www.laodong.com.vn/