Nhà ngôn ngữ học trưởng thành từ hoạt động cách mạng

GS Hoàng Thị Châu sinh năm 1934 ở Tuy Hòa trong một gia đình trí thức yêu nước. Năm 1946, bà theo cha ra Huế sinh sống, học tập và đã tham gia cách mạng từ rất sớm, hoạt động  trong Đội du kích thiếu niên thành Huế với bí danh “Bình Minh”. Công việc của bà khi ấy là làm công tác địch vận, in khẩu hiệu và rải truyền đơn, tổ chức hoạt động cho các đội viên. Trong quá trình tham gia cách mạng,Hoàng Thị Châu bị Pháp bắt giam 2 lần, đó là vào năm 1949 và năm 1952. GS Hoàng Thị Châu chia sẻ: Khi bị Pháp tra khảo, hỏi bí danh, tôi nhất định không chịu nhận. Nếu mà nhận thì sẽ bị Pháp tra hỏi các cơ sở cách mạng, trạm liên lạc trong nội thành của ta.

Những bức ảnh thời nữ sinh được GS.TS Hoàng Thị Châu chia sẻ

Hai lần bị bắt không làm bà Châu nhụt chí, vẫn tiếp tục vừa học vừa tham gia cách mạng. Năm 1955, khi dạy học ở trường Bồ Đề, Huế, bà nhận được thông báo của một giáo vụ rằng cô sắp bị Pháp bắt nên cô chạy ra ngoài thành trốn và được cấp trên tổ chức đi ra Bắc. Năm 1956, Hoàng Thị Châu được Bộ đại học cử đi học tại trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp, Matxcơva, Liên Xô. Sau này tinh thần cách mạng của người chiến sĩ ấy vẫn được tiếp tục và phát huy trong quá trình học tập và hoạt động khoa học để sau này Hoàng Thị Châu trở thành nữ giáo sư duy nhất của ngành ngôn ngữ vào năm 1991.

 

Lê Thị Hoài Thu

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 


* GS.TS Hoàng Thị Châu nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ngôn ngữ học, Ngôn ngữ học Đông phương, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1983-1993).