Chuyện về “rừng ông Lý”

Sâu thẳm trong tâm can GS Trần Đình Lý, cái tên Gio Linh, Quảng Trị luôn gợi lên một nỗi niềm da diết. Năm 1955, sau khi tập kết theo diện tự do ra Bắc, ông Lý tưởng rằng chỉ 2 năm sau sẽ được trở về quê, nhưng nào ngờ mãi tới năm 1973 ông mới lần đầu tiên được về thăm gia đình. Khi đã trở thành một nhà khoa học ông vẫn luôn đau đáu, mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương, nơi mình sinh ra.

Và cái tên “rừng ông Lý”, xuất phát từ một đề tài khoa học có tên: Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng mô hình cải tạo và sử dụng hệ sinh thái vùng cát ven biển huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, trở nên thân thiết với người dân Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, khi chính người con của quê hương đã trực tiếp bắt tay vào nghiên cứu và cùng người dân gây trồng tại miền cát nóng bỏng này.

Đây là đề tài do Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia[1] chủ trì, được thực hiện từ tháng 3-2000 đến 11-2001, chủ nhiệm đề tài là GS.TSKH Trần Đình Lý, cùng những cộng sự của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật như: TS Đỗ Hữu Thư, KS Trịnh Minh Quang, TS Lê Đồng Tấn, TS Nguyễn Trí Tiến, TS Tống Kim Thuần. Tham gia đề tài còn có một số cán bộ thuộc cơ quan khác: KS Trần Duy Tứ (Viện Địa lý), KS Nguyễn Trường Khoa (Sở Khoa học công nghệ và môi trưởng tỉnh Quảng Trị), KS Hoàng Đình Quốc (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gio Linh, Quảng Trị).

GS Trần Đình Lý cho biết, Việt Nam có gần 600.000 ha đất cát, trong đó 1/3 thuộc 6 tỉnh Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, riêng tỉnh Quảng Trị có 35. 207 ha. Đất cát ở Quảng Trị bao gồm 3 dạng chủ yếu là: cát di động (cát bay, cát chảy, cát trượt) có khoảng 15.000ha, thường ở nơi cao, không có thảm thực vật, thậm chí có vùng rộng lớn không có bóng cây; cát bán cố định chiếm 12.300ha, nơi đây có cỏ và cây bụi mọc thưa thớt, nhưng khả năng phòng hộ kém; cát cố định có diện tích 7.000ha, thường ở khu vực thấp, có cây bụi và cỏ che phủ, nhưng đất nhiễm phèn không có lợi cho canh tác. Vùng cát ven biển là một hệ sinh thái đặc biệt, ở đó điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nơi có nhiều thiên tai (nắng hạn, gió bão, lũ lụt, bão cát…). Đất đai ở đây cằn cỗi, chất dinh dưỡng kém, bởi vậy sinh trưởng của cây cỏ rất khó khăn, động vật nghèo nàn.

Cát gây ra nhiều hậu quả như tràn lấp đồng ruộng, nhà cửa, đường sá, cầu cống, bến cảng, phá hoại các công trình xây dựng. Vùng cát cũng là nơi chứa đựng mầm mống gây bệnh tật cho dân cư, như bệnh đau mắt, bệnh chân voi, bệnh lỵ…, đây cũng là một nguyên nhân làm cho đời sống của người dân ở vùng cát vô cùng khó khăn. Tuy điều kiện môi trường khắc nghiệt, nhưng do vị trí nằm giữa đồng bằng và ven biển, nên vùng cát vẫn đông dân, mật độ dân sinh tương đối cao.

Từ thực trạng đó, việc cải tạo sử dụng hợp lý hệ sinh thái vùng cát là yêu cầu bức bách trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Trị. Trước khi GS Trần Đình Lý thực hiện đề tài này đã có một số nghiên cứu về vùng cát của GS Nguyễn Văn Trương[2] về xây dựng mô hình kinh tế sinh thái ở xã Triệu Văn, Triệu Phong; nghiên cứu các giải pháp thủy lợi trên vùng cát của một số nhà nghiên cứu khác. Tuy nhiên các nghiên cứu đó mới chỉ thực hiện trên vùng cát cố định, nơi đã có thảm thực vật tự nhiên. Do vậy, đề tài do GS Trần Đình Lý sẽ thực hiện nghiên cứu nhằm cải tạo và sử dụng toàn diện hệ sinh thái vùng cát Quảng Trị, đặc biệt là các giải pháp mang tính khoa học và khả thi cho vùng cát di động.

Mục tiêu của đề tài này nhằm nắm được bản chất, thành phần, cấu trúc và động thái của hệ sinh thái vùng cát huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; Đề xuất các giải pháp cải tạo, sử dụng hợp lý hệ sinh thái này và xây dựng được mô hình cải tạo hệ sinh thái vùng cát. Trong quá trình thực hiện, GS Trần Đình Lý và đồng nghiệp đã xây dựng mô hình thử nghiệm về khả năng chống xói lở và chống cát bay, cát tràn lấp bằng thảm thực vật ở một số địa điểm.

Địa điểm thứ nhất là đê cát dài 2,2km từ thôn 7 xã Gio Hải đến đồi 31 thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ. Để đảm bảo độ bền các đê cát, nhóm nghiên cứu đã thiết kế và trồng cây trên toàn bộ đê, bao gồm: ở chân trồng dứa dại để giữ cát dồn xuống, mái đê và mặt đê trồng keo lá tràm và cỏ hương lau – một loại cỏ phát triển tốt trên vùng đất cát, có bộ rễ lớn, sức sống mạnh, khi lớn lên có khả năng giữ cát rất mạnh. Tại đây, nhóm đã trồng trên 7000 cây dứa dại ở chân đê, 25000 cây keo lá tràm trên mặt đê và mái đê, 150.000 nhánh hương lau ở mép đê. Sau một năm tiến hành trồng các loại cây trên thì tỉ lệ sống của dứa và hương lau là 90-95%, tỉ lệ sống của keo lá tràm là 80-90%.

GS Trần Đình Lý (ngoài cùng bên phải) cùng người dân trồng cỏ trên đê cát ở Gio Linh, Quảng Trị, 2001

Địa điểm thứ hai là suối cát nằm giữa thôn Tân Minh, xã Gio Thành và thôn Lại An, xã Gio Mỹ. Suối cát này bắt nguồn từ bãi cát bán cố định rộng chừng 2000ha nằm ở địa phận các xã Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Mai, Gio Quang. Về mùa hè, gió tây nam mang cát từ các đụn cát di động ở thôn Tân Minh xuống bờ sông và chảy xuống sông, làm cạn dần dòng sông. Về mùa mưa, nước từ bãi cát đổ xuống suối làm xói bờ và mang theo cát về lấp dần sông Bến Ngự (là con sông nhỏ nối liền sông Bến Hải và sông Hiếu) làm cho dòng chảy bị tắc nghẽn. Vào mùa mưa, nước thoát chậm làm ngập lâu ngày các xã Gio Mỹ, Gio Thành. Vào mùa hè, lòng sông bị lấp cạn nên nước không lưu thông được vào các trạm bơm, gây ra hạn hán… Để góp phần giải quyết các vấn đề trên, nhóm đã tiến hành trồng cây keo lá tràm, một loài cây thích hợp cho vùng cát, trồng dày ở các đụn cát di động để hạn chế cát bay và lấp trong mùa hè và cát tràn lấp trong mùa mưa; trồng cỏ dày ở vùng thượng nguồn suối và ven suối để chống xói lở và ngăn cản nước mang cát đi theo xuống phía dưới. Tại đây, nhóm đã trồng được 26000 cây keo lá tràm với tỉ lệ sống trên 85%.

Địa điểm thứ ba ở thôn Nhĩ Trung, xã Gio Thành, đây cũng chính là nơi chôn nhau cắt rốn của GS.TSKH Trần Đình Lý. Khi rừng được trồng lên ở nơi đây, nhân dân đã gọi là “rừng ông Lý”. Ông cho biết, dãy đồi cát di động phía đông làng Nhĩ Trung, xã Gio Thành, huyện Gio Linh dài khoảng 2km, rộng gần 1km, có độ cao khoảng 10-28 mét, đã tồn tại từ rất lâu. Về mùa đông, do tác động của bão cát, cát trên đồi bay xuống làm lấp đồng ruộng, làng mạc, cầu cống, đường giao thông. Quá trình ấy đã làm cho diện tích đất trồng trọt phía đông làng ngày càng bị thu hẹp. Về mùa hè, cùng với tác động mạnh của gió Lào, đất trên các đồi cát nóng như rang, nhiệt độ thường từ 50-60 độ C, vào buổi trưa có thể lên đến 70 độ C, không một cành cây, ngọn cỏ nào tồn tại được trên đồi cát. Người dân ở đây từ xa xưa đã phải chịu đựng, không thể chống chọi được điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt ấy. Mặc dù chỉ là một nội dung của đề tài, nhưng kết quả của nó không những đưa lại những hiểu biết cơ bản về hệ sinh thái vùng cát mà còn giúp người dân khắc phục thiên tai khắc nghiệt mà họ phải chịu đựng nhiều đời nay.

Để hạn chế tác hại của cát bay và cát tràn lấp vùng thôn Nhĩ Trung này, nhóm nghiên cứu đã trồng cây ở chân các cồn cát thấp. Để cây có thể tồn tại và phát triển được trên vùng cát bay, nhóm đã trồng thêm cây dứa dại để ngăn cản cát lấp cây, tiếp đó mới trồng cây keo lá tràm. Ở đây, nhóm đã trồng được trên 7000 cây dứa dại và 20.000 cây keo lá tràm, đến nay vẫn phát triển tốt

Nói về việc trồng cây trên các đồi cát di động ở Nhĩ Trung, GS.TSKH Trần Đình Lý kể rằng, từ năm 1978, nhà nước ta đã có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Được sự hỗ trợ của chương trình PAM[3], nhiều lần người dân thôn Nhĩ Trung và các làng lân cận đã đưa cây phi lao lên trồng trên các đồi cát di động, nhưng đều thất bại, cây không sống được. Sau khi trồng vài tháng cây đã chết hết hoặc bị gió thổi bốc cả bầu cây bay đi rất xa. Người dân ở đây tưởng chừng như không thể làm gì được ngoài cách phải cam chịu với thiên nhiên khắc nghiệt. Nhưng GS.TSKH Trần Đình Lý lại không nghĩ như vậy. Ông cho rằng, trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay, con người có thể cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ con người. Vấn đề là ở chỗ không phải cải tạo thiên nhiên bằng mọi giá mà phải bằng giá rẻ nhất và hiệu quả phải lâu bền.

Để thực hiện được việc trồng rừng trên đồi cát di động ở Nhĩ Trung, GS Trần Đình Lý đã luôn trăn trở suy nghĩ, làm sao tìm được loại cây trồng phù hợp với đặc điểm khí hậu, địa hình nơi đây. Bằng trí tuệ và trải nghiệm thực tiễn của mình, ông đã lựa chọn được cây trồng và quy trình đơn giản nhưng thích hợp cho việc trồng rừng trên các đồi cát di động. Trong quá trình khảo sát thực địa, ông đã phát hiện ra cây dứa dại là loại cây bụi cao chừng 1-3 mét, có khi cao đến 5-7 mét, thân ngắn nhưng có nhiều nhánh, mọc thành bụi, phổ biến ở vùng đồng bằng và ven biển. Chúng có bộ rễ dài, đâm sâu xuống đất với nhiều rễ phụ, lá của chúng rất dày và rất cứng, có gai, lớp biểu bì rất dày nên không bị xuyên thủng bởi tác động của gió cát.

Cây keo lá tràm trồng sau 24 tháng ở Nhĩ Trung, Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị

Với kinh nghiệm thực tiễn, qua khảo sát, GS Trần Đình Lý cùng đồng sự đã quyết định trồng cây dứa dại từ chân đồi cát lên đến đỉnh đồi thành từng dãy song song để giữ đất, sau đó trồng cây gỗ xen kẽ vào (chủ yếu là cây keo lá tràm). Với cách trồng ấy, sau 1 năm, cây keo lá tràm vẫn sống tốt. Sau 5 năm trồng, ông cùng nhóm nghiên cứu đã biến dãy đồi cát trắng nóng bỏng thành khu rừng mát mẻ. Rừng mới được trồng đã thu hút nhiều chim muông và nhiều loài động vật về sinh sống. Các đồi cát di động, nóng bỏng đã biến thành hệ sinh thái rừng. Không những khí hậu khắc nghiệt trong vùng được cải thiện, mà nó còn giữ được độ cao cho các đồi cát. Các đồi cát cao này chính là nơi trú ẩn, tránh nạn của người dân vùng ven biển khi có sóng thần hay nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu gây nên. Nếu các đồi cát này mất đi sẽ là thảm họa môi trường cho người dân vùng ven biển thôn 6 và 7 thuộc xã Gio Hải, huyện Gio Linh.

Để thực hiện đề tài này, với trách nhiệm là Chủ nhiệm đề tài, GS Trần Đình Lý đã bỏ ra nhiều công sức, tâm huyết. Ông cùng đồng nghiệp đã trực tiếp khảo sát tìm kiếm cây dứa dại, nghiên cứu các đặc tính sinh học của nó. Sau đó, ông lại tự mình thu thập cây dứa dại để mang về trồng, trực tiếp cùng với nhân dân địa phương trồng dứa, trồng cây, trồng cỏ. Ăn, ngủ cùng nhân dân. Lúc đầu, nhân dân địa phương còn ngờ vực với cách làm của ông, vì từ bao đời nay đất đai nơi đây vẫn thế, không thể cải tạo được. Nhưng chỉ sau hơn một năm, họ đã bắt đầu tin ông, hào hứng làm theo ông. Với giá trị to lớn của khu rừng mà đề tài đã tạo ra, và cũng để ghi nhớ công lao to lớn của ông, người dân làng Nhĩ Trung đã gọi tên khu rừng này là “rừng ông Lý”.

Bên cạnh đó, GS Trần Đình Lý cũng áp dụng nhiều biện pháp khác nhau như làm rãnh, làm luống để biến vùng cát trắng không có bóng cây ở thôn 9, xã Trung Giang thành vùng trồng cây nông nghiệp như đỗ, lạc, khoai, sắn và rau xanh, góp phần cải tạo đời sống của đồng bào ở đây. Hiện nay, mô hình đó đang phát triển rộng rãi ở các thôn 6, 7, 8 thuộc xã này.

Lạc được trồng trên đất cát ở xã Trung Giang, Gio Linh, Quảng Trị, 2001

Mỗi lần trở lại thăm vùng cát Gio Linh, Quảng Trị, GS.TSKH Trần Đình Lý lại thấy dâng trào niềm hạnh phúc khi nơi đây từ vùng cát trắng đã thành rừng, thành nơi có thể canh tác nông nghiệp. Ông chia sẻ: “Mình cảm thấy cũng sung sướng. Dù sao mình cũng đã góp phần biến từ nơi chẳng có cái gì cả, đồi cát trắng thành rừng có giá trị. Họ gọi là “rừng ông Lý” thì mình cũng mừng”[4]. Nhà thơ Mặc Linh đã rất khâm phục GS Trần Đình Lý vì những gì mà ông làm cho quê hương, vì vậy đã viết mấy dòng tặng ông: Bao đời cát nhảy cát bay/ Thiên nhiên khắc nghiệt, hay đời vô tâm/ Tôi biết về anh/ Người vượt qua giới tuyến/ Ôm hoài bão bao đời/ Dấn thân và cống hiến/ Ôm một túi kinh luân/ Chắt chiu từ gánh củi/ Trời tây dong ruổi/ Trả nghĩa lời ru… 

Chúng tôi cứ ấn tượng mãi với khuôn mặt có phần khắc khổ và dáng đi, cách ăn mặc giản dị của GS.TSKH Trần Đình Lý. Đúng chất con nhà nghèo, sinh ra trên quê nghèo và cả đời gắn bó với nông dân. Cái tên “rừng ông Lý” mà người nông dân trên quê hương đầy nắng gió và cát đã gợi lên trong ông niềm vui sướng, sự động viên lớn lao đối với cuộc đời làm khoa học đầy gian khó của mình.

Nguyễn Thanh Hóa

 

[1] Nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

[2] GS.TSKH Nguyễn Văn Trương (1922) là nhà khoa học lâm nghiệp, nguyên Chủ nhiệm khoa Điều tra quy hoạch rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

[3] PAM – Chương trình lương thực thế giới.

[4] Phỏng vấn GS.TSKH Trần Đình Lý, ngày 6-8-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.