Nhà lắp ghép – công nghệ của một thời chưa xa

Khoảng những năm 60, chấp hành Nghị quyết đại hội III của Đảng, thành phố Hà Nội dưới sự giúp đỡ của Triều Tiên đã triển khai dự án nhà lắp ghép, bằng những bloc xỉ nhỏ, mất nhiều thời gian. Năm 1967, để giải quyết tình trạng trên, lãnh đạo TP Hà Nội đã thành lập Tổ nghiên cứu thực nghiệm nhà lắp ghép tấm lớn cho các khu nhà ở. Lúc này, giảng viên Trương Tùng[1] (cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội) mới bảo vệ luận án “Thiết kế xây dựng nhà ở công nghiệp hoá tại Hà Nội” ở Liên Xô về nước, nên được Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội giao nhiệm vụ là Tổ trưởng. Ông tâm sự: Trong thời gian nghiên cứu tại Liên Xô, tôi đã đi thực tập lắp ghép nhà tại thành phố Kiep nên đã áp dụng những kinh nghiệm này để thực hiện trong nước[2].

Ông Trương Tùng cùng các giảng viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội như ông Phạm Sỹ Liêm – khi đó là giảng viên dạy môn kết cấu làm việc trực tiếp cùng công nhân tại công trường. Với trang thiết bị thiếu thốn và thô sơ: chỉ có một chiếc cần trục bánh lốp, và máy đầm bằng tay, các ông đã lắp ghép thành công ngôi nhà 2 tầng tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội bằng phương pháp lắp ghép tấm lớn theo quy trình công nghiệp. Tường, sàn bằng bê tông cốt thép được liên kết bằng các mối hàn cốt thép, sau phủ bê tông ra ngoài. Ông còn nhớ chi tiết: vì tấm ghép nặng quá (từ 4-5 tấn) nên đã làm cần trục bị chổng ngược bánh xe, để khắc phục tình trạng này, các ông “bổ sung” một tải trọng thích hợp phần dưới của cần trục. Mặc dù khó khăn, nhưng các ông vẫn cố gắng khắc phục với tâm niệm nếu làm thử thành công thì sau này sẽ được cấp máy móc phù hợp để triển khai nhân rộng.

Quy trình lắp ghép nhà ở trên được ông Trương Tùng chia sẻ: Sau khi bản thiết kế được các cán bộ kỹ thuật thảo luận, thông qua với các thông số kỹ thuật đảm bảo chất lượng công trình và được phê duyệt, thì công nhân kỹ thuật sẽ tiến hành đúc những tấm bê tông lớn tại công xưởng, công đoạn này mất nhiều thời gian vì phải chờ những khối bê tông được khô, sau đó những tấm này được nghiệm thu về chất lượng, như từng tấm phải được kiểm tra độ chịu lực…, rồi mới cho phép công trường lắp ghép hàng loạt. Tùy theo chuyên ngành của từng cán bộ kỹ thuật như kết cấu, kiến trúc… mà các ông đã phân chia nhiệm vụ phù hợp như: thiết kế, kỹ thuật kết cấu, kiểm tra thí nghiệm bê tông… Công đoạn lắp ghép được thực hiện rất nhanh, chỉ mất mấy ngày là có thể hoàn thiện một ngôi nhà.

Ngôi nhà 2 tầng ở trường Đại học Bách khoa là nhà lắp ghép tấm lớn theo quy trình công nghiệp đầu tiên của nước ta nên sau khi hoàn thành, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, khen ngợi và động viên. 

Những ngôi nhà lắp ghép tấm lớn theo quy trình công nghiệp một thời chưa xa

Ảnh: sưu tầm từ http://ashui.com/mag/index.php/tuongtac/phanbien/55-phanbien/5022-dieu-tiet-quy-hoach-xay-dung-tren-dat-khu-tap-the-cu-o-ha-noi.html?tmpl=component&print=1&page= 

Từ bước khởi đầu thuận lợi đó, cùng với quy trình lắp ghép đã hoàn thiện, sau đó không lâu, Tổ tiếp tục lắp ghép thành công nhà 5 tầng tại khu Văn Chương với trang thiết bị thi công được bổ sung là một chiếc cần trục do Bungari viện trợ. Từ năm 1970, hàng loạt ngôi nhà ở đường Trương Định, Trung Tự, Vĩnh Hồ, Giảng Võ được lắp ghép theo phương pháp này.

Năm 1972, nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo phục vụ nhu cầu cấp thiết nhà ở cho nhân dân thành phố Hà Nội khi Mỹ đánh phá, đại biểu quốc hội khóa IV Nguyễn Văn Hường – Hiệu Phó trường Đại học Xây dựng Hà Nội thời kỳ đó đã trình bày một báo cáo “Vấn đề xây dựng nhà ở cho nhân dân và cán bộ ở Hà Nội”. Trong đó, ông Hường nhận định những ngôi nhà đã được lắp ghép trước đó đã có sự thay đổi lớn như: Kiểu nhà cũng được cải tiến dần từ 2 tầng đến 5 tầng, từ tiện nghi chung đến từng căn hộ có nhà tắm, nhà xí, nhà bếp, lối đi riêng thuận tiện cho việc sinh hoạt[3].

Phương pháp lắp ghép nhà bằng tấm lớn theo quy trình công nghiệp là phương pháp hiện đại. So với phương pháp đổ bê tông cổ truyền thì phương pháp này tiết kiệm nhiều thời gian hơn, giảm được thời gian đào tạo nhân công. GS.TS Nguyễn Văn Hường đưa ra ví dụ: Một nhà 4 tầng, diện tích ở là 1260m2 chỉ lắp chưa đầy 4 tháng là xong. Còn với phương pháp cổ truyền phải hàng năm. Một người công nhân có trình độ văn hóa phổ thông thì chỉ cần học 6 tháng thực hành là thành thạo việc lắp ghép[4]. Bên cạnh đó, GS Nguyễn Văn Hường đã đưa ra một số đề xuất nhằm đảm bảo việc xây dựng nhà ở Hà Nội có quy mô lớn hơn, đạt chất lượng tốt hơn và đáp ứng được nhu cầu người dân:

* Áp dụng rộng rãi phương pháp lắp ghép tấm lớn.

* Hoàn chỉnh các quy trình sản xuất, quy phạm tính toán phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam về thiên nhiên và kinh tế, ví dụ: tính toán về động đất, gió bão, từ đó thiết kế các loại nhà như nhà ở, trường học…

* Tăng cường đội ngũ công nhân xây dựng, đặc biệt là công nhân lắp ghép và cán bộ thiết kế, bằng cách mở lớp đào tạo chính quy với quy mô rộng. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm, thăm hỏi đời sống của họ nhằm khích lệ tinh thần.

* Chuyên môn hóa cán bộ.  

* Tăng cường trang thiết bị kỹ thuật cho ngành xây dựng để đảm bảo tốc độ và chất lượng xây dựng, nhằm tăng năng suất…

* Xây dựng kịp thời các công xưởng xây dựng: xưởng sản xuất cấu kiện, xưởng sản xuất nguyên vật liệu, xưởng mộc – thép, đội lắp ráp cơ giới…

* Nhà nước nên kịp thời có những quy định về quy hoạch lâu dài của Hà Nội.

* Về vấn đề vốn, cần có sự quan tâm chỉ đạo và giúp đỡ của Chính phủ.

Việc đẩy mạnh tốc độ xây dựng nhà ở để đáp ứng nhu cầu nhân dân là công việc quan trọng, nhưng đi đôi với công việc đó phải có sự quản lý dân số thành phố, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, giảm việc di dân từ ngoài vào thành phố.

Bên cạnh việc xây dựng nhà ở, ông Hường cũng đưa ra giải pháp cải tạo các khu nhà quá cũ thành khu nhà cao tầng, cải tạo các vùng trũng… nhằm giải quyết yêu cầu mặt bằng để tiến tới xây dựng các tiểu khu với đầy đủ các công trình công cộng như: nhà trẻ, trường học, bệnh viện, cửa hàng… Điều này sẽ giúp giảm thiểu được lưu lượng giao thông di chuyển hàng ngày.

Những ngôi nhà lắp ghép ngày càng được hoàn thiện và trong nhiều năm trước thời kỳ đổi mới, những kiểu nhà lắp ghép đã đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện điều kiện sinh hoạt, đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho người dân Hà Nội và những người từ các địa phương về đây làm ăn sinh sống, lúc bấy giờ. Đến nay, một số khu nhà lắp ghép ngày nào đã được cải tạo hoặc phá đi xây mới, và phương pháp lắp ghép bằng tấm lớn đã thay đổi do các trang thiết bị, công nghệ xây dựng hiện đại hơn, nhu cầu chất lượng nhà ở cũng khác so với giai đoạn trước.

 

Nguyễn Thị Phương Thúy

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


[1]  Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến Trúc TP HCM, nguyên Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội.

[2] Phỏng vấn PGS.TS Trương Tùng ngày 20-5-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Bản báo cáo “Vấn đề xây dựng nhà ở cho nhân dân và cán bộ ở Hà Nội”, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Bản báo cáo “Vấn đề xây dựng nhà ở cho nhân dân và cán bộ ở Hà Nội”, tài liệu đã dẫn.