Nghiên cứu viên: Thưa ông, hơn 10 năm đảm trách cương vị Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ông đã được gắn với biệt danh – “ông Huy bảo tàng”, bởi dường như “ông ăn bảo tàng, ngủ bảo tàng”, vậy ông có thể tiết lộ: Vì sao bảo tàng lại hấp dẫn ông đến vậy? hay nói cách khác là nó đã mê hoặc ông bằng cách nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Cuộc đời tôi gắn bó với lĩnh vực bảo tàng, trước hết là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, kể ra là từ năm 1983, 1984 khi đang là Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, nghĩa là tính đến nay vừa tròn 30 năm. Khi đó tôi được giao trực tiếp phụ trách việc xúc tiến hình thành đề án xây dựng Bảo tàng Dân tộc học lúc mới nhen nhóm các ý tưởng ban đầu. Kể từ đó tôi gần như toàn tâm toàn ý cho việc học hỏi và nghiên cứu một lĩnh vực mới, lĩnh vực bảo tàng học. Thoạt đầu tôi làm việc vì trách nhiệm, làm hết mình, công tâm, nhưng rồi công việc cuốn hút dần thành đam mê. Tôi đam mê công việc của Bảo tàng Dân tộc học vì tôi nhận thấy bảo tàng là một diễn đàn rất tốt để đối thoại và thể nghiệm các kết quả nghiên cứu. Bằng công cụ bảo tàng có thể đề cập, tiếp cận từ vấn đề lịch sử xa xưa cho đến những vấn đề nóng bỏng nhất của cuộc sống đương đại; Là nơi nhanh nhất, hiệu quả nhất tác động đến cuộc sống xã hội thông qua các hoạt động trưng bày, giáo dục, trải nghiệm, thông qua tương tác trực tiếp với khách tham quan.
Tôi cũng nhận thức hoạt động bảo tàng thực sự là một sự kết hợp rất là nhuần nhuyễn của nhiều ngành khác nhau. Đó là sự kết hợp của khoa học xã hội nhân văn với các khoa học sáng tạo và nghệ thuật như kiến trúc, hội họa, nghệ thuật sắp đặt, đồ họa … Chính điều đó tạo ra hứng thú, kích thích niềm đam mê sáng tạo trong tôi.
“Trong lĩnh vực bảo tàng ngoài sự đam mê cần phải có sự sáng tạo không ngừng”
PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ
Nghiên cứu viên: Với ông, niềm đam mê sáng tạo trong bảo tàng có gì khác với sự sáng tạo trong các công việc khác, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Tôi nghĩ rằng tất cả các lĩnh vực khoa học đều đòi hỏi đam mê, sáng tạo. Nhưng, qua những công việc mà tôi thực hiện ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, tôi đã nhận thức được yêu cầu sáng tạo trong hoạt động bảo tàng là sự kết hợp song trùng giữa sáng tạo khoa học với sáng tạo nghệ thuật. Cần có những nghiên cứu và lao động nghệ thuật thật nghiêm túc mới có được những câu chuyện sâu sắc, đồng thời mới có thể tổ chức trưng bày cho hấp dẫn, đẹp mắt và có sức truyền cảm lớn tới khách tham quan.
Nghiên cứu viên: Xuất phát điểm từ nghiên cứu về dân tộc học, trong hành trình khám phá giá trị của bảo tàng học, cùng những ý tưởng, sáng kiến khai thác thế mạnh của bảo tàng, ông có thể cho biết mối quan hệ của dân tộc học và bảo tàng học ? Sự tương hỗ của hai lĩnh vực này?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Mối quan hệ giữa bảo tàng học và dân tộc học mà như cách gọi hiện nay là nhân học có mối quan hệ rất sâu sắc. Khi mới “chập chững” những bước đầu tiên sang lĩnh vực bảo tàng, tôi đã tìm ra điểm chung giữa bảo tàng học và dân tộc học, đó là con người, tiếp cận và nhận thức về vấn đề con người và điểm chung đó, nếu được phát huy sẽ tạo ra sức bật cho cả hai lĩnh vực. Nhìn chung hệ thống bảo tàng ở Việt Nam từ trước đến nay khi tổ chức các cuộc trưng bày thường chỉ có một tiếng nói của người làm bảo tàng; người làm bảo tàng nghĩ sao, nghiên cứu như thế nào thì thể hiện nghiên cứu của họ thông qua trưng bày như vậy. Còn Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thì tìm được cách tiếp cận mới là hướng tới con người, tới cộng đồng, tôn trọng cộng đồng thông qua cách trình bày đa tiếng nói trong bảo tàng, tức là khi trưng bày không chỉ thể hiện một quan điểm, một tiếng nói của người làm bảo tàng mà cố gắng thể hiện nhiều bản sắc, những nhận thức khác nhau của các tầng lớp xã hội, các nhóm xã hội đối với cùng một sự kiện.
Nghiên cứu viên:
Cổ nhân ta có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, nhưng đối với ông, từ khi dấn thân, đam mê vào lĩnh vực bảo tàng, ông đã có “rất nhiều ngày đàng”, vậy ông có thể chia sẻ cho bạn đọc những “sàng khôn” kiến thức, tinh hoa của nhân loại mà ông đã cảm nhận được, tiếp thu được, chiêm nghiệm được…?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Tôi có may mắn được đi nhiều nước trên thế giới, đến đâu tôi cũng đều dành thời gian thăm các bảo tàng. Ở đó tôi học hỏi được nhiều kiến thức: hiểu biết về lịch sử một đất nước, một danh nhân, một ngành nghề; tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật, khoa học…Không những thế, tôi còn đặc biệt chú ý học hỏi cách tiếp cận mới của các bảo tàng đó. Đúng là
đi một đàng học một sàng khôn như cổ nhân đã dạy, nhưng tôi nghĩ rằng
sàng khôn đó chưa đủ nếu chỉ để biết, mà cần phải áp dụng sáng tạo vào thực tiễn công việc, phải có ích cho xã hội. Khi nghiên cứu để chuẩn bị trưng bày ngoài trời ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chúng tôi đã đi khảo sát ở Mỹ, Trung Quốc. Đến thăm Làng văn hóa các dân tộc ở nhiều tỉnh, thành ở Trung Quốc tôi thấy ở đó họ tái tạo rất nhiều kiến trúc nhà ở của các dân tộc và trong đó họ biến các ngôi nhà dân tộc thành các kiốt bán hàng lưu niệm. Đồng thời họ mời những người dân tộc đến trình diễn, và tạo điều kiện để những người dân tộc ở lại sinh sống lâu dài phục vụ Làng văn hóa đó, như vậy đã làm cho những người dân tộc thiểu số ấy thoát ly hẳn cuộc sống văn hóa của mình, làm mất đi nét tự nhiên, bản sắc của những chủ thể văn hóa, không khuyến kích bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa ở cộng đồng địa phương họ. Do vậy khi về nước chúng tôi kiên quyết không học theo cách làm này. Sau những chuyến tham quan, chúng tôi đã lựa chọn học theo cách làm của một số bảo tàng để áp dụng vào khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Cần coi mỗi ngôi nhà ở đây là một bảo tàng nhỏ kể về cuộc sống sinh hoạt của chủ thể văn hóa trong ngôi nhà đó. Cách làm này tạo ra sức truyền cảm rất lớn đối với cộng đồng, như khi chúng tôi mời người Ba-na ra Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam giúp tái tạo ngôi nhà Rông, khi quay trở về quê hương, họ quyết định sửa lại ngôi nhà Rông của buôn làng họ: dỡ bỏ mái tôn thay lại bằng mái lá theo đúng truyền thống, để bảo tồn hoạt động của ngôi nhà Rông đúng bản sắc dân tộc Ba-na, giữ được sự sống động văn hóa của ngôi nhà Rông. Đó có thể coi là thành công của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi chúng tôi học, ứng dụng sáng tạo những kinh nghiệm của nước ngoài.
Rồi trong một chuyến đi thăm Đại học Havard, Mỹ, khi đến tham quan Trung tâm Lưu trữ tư liệu về phụ nữ Bắc Mỹ, tôi được nghe câu chuyện về lịch sử hình thành Trung tâm từ một bộ sưu tập tư liệu của một nhà hoạt động phong trào phụ nữ tặng Đại học Havard vào năm 1942. Từ đó họ đã nảy ra ý tưởng xây dựng Trung tâm lưu trữ tư liệu về phụ nữ Bắc Mỹ. Đến nay Trung tâm đã trở thành cơ sở lớn nhất thế giới về những tư liệu liên quan đến phụ nữ Bắc Mỹ. Từ kinh nghiệm này tôi đã cùng đồng nghiệp áp dụng vào tổ chức hoạt động Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam một cách sáng tạo, không chỉ có chức năng của một trung tâm lưu trữ mà còn kết hợp hai chức năng khác là bảo tàng và thư viện.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy say sưa với những bài học được ông ứng dụng sáng tạo trong thực tế
Trong những chuyến công tác, tham quan gần đây tôi thường đi thăm các vườn quốc gia như ở Mỹ, Canada, Thụy Điển. Một điều tôi nhận thấy họ rất chú trọng đến các hệ thống thông tin phục vụ khách tham quan, không chỉ là thăm cảnh quan thiên nhiên mà quan trọng hơn họ còn cung cấp cho khách những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, đất nước, con người. Từ kinh nghiệm đó khi về nước tôi đã nảy ra ý tưởng đổi mới hệ thống thông tin ở khu Di tích Yên Tử, làm thế nào để trong quá trình du lịch tâm linh tại Yên Tử, du khách đi hành hương có thể nâng cao hiểu biết về lịch sử văn hóa và thiên nhiên nơi đây. Hiện nay, tôi cùng một số nhà nghiên cứu đang tư vấn cho Công ty Tùng Lâm và Ban quản lý Di tích Yên Tử thực hiện công việc này, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Đó là một công việc không hề đơn giản, chỉ vài chục Bảng thông tin thôi nhưng nếu không có tư duy đúng, cách tiếp cận đúng thì không thể làm tốt được. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta có cơ hội đi, quan sát, có cơ hội học hỏi thì chúng ta luôn phải quan tâm tới việc vận dụng như thế nào vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ cho xã hội, cộng đồng thì rất tốt.
Nghiên cứu viên: Theo ông, thách thức đối với hoạt động bảo tàng hiện nay là gì?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Thách thức thì nhiều, nhưng thách thức đối với nhiều bảo tàng hiện nay chính là vấn đề về năng lực chuyên môn và kinh phí. Tôi nghĩ rằng làm bảo tàng không thể không có kinh phí. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sở dĩ thành công vì đã tiếp cận được rất nhiều nguồn kinh phí trong nước và nước ngoài. Một bi kịch của giới bảo tàng Việt Nam hiện nay là, nơi có thể làm được tốt thì không có kinh phí, nơi có kinh phí thì lại thiếu sự trân trọng chuyên môn. Mỗi khi tôi đến các bảo tàng, nhất là bảo tàng địa phương, thường thấy cảnh đìu hiu, heo hắt không ai đến tham quan; cũng tương tự ở bảo tàng trung ương, bảo tàng quốc gia, sau ngày khai trương, cắt băng khánh thành là một sự vắng lặng đến đau lòng.
Nghiên cứu viên: Niềm hạnh phúc lớn nhất với ông trong suốt 30 năm gắn bó với lĩnh vực bảo tàng là gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Với tôi cũng như các đồng nghiệp khác trong lĩnh vực bảo tàng, tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là khi ra mắt một cuộc trưng bày mà được đông đảo công chúng chào đón, quan tâm. Như khi chúng tôi làm trưng bày “Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp” (1975-1986)”, hay trưng bày “100 năm đám cưới Hà Nội”…, tôi và các đồng nghiệp vô cùng hạnh phúc khi khách đến tham quan trưng bày rất đông. Sau này, khi tham gia chỉ đạo công tác chuyên môn tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tôi cũng rất hạnh phúc trước mỗi sản phẩm nghiên cứu, sưu tầm ở đây, đó là những di sản vật thể và phi vật thể từ các nhà khoa học, bởi tôi nghĩ rằng, việc làm của chúng tôi đã “cứu vớt” được cho đất nước những tài liệu lịch sử đang bị bỏ quên hay để mai một đi. Mỗi kết quả đó là niềm hạnh phúc trong nghề nghiệp của tôi. Nhưng, khi bình lặng suy ngẫm tôi nhận thấy, niềm hạnh phúc sẽ trọn vẹn hơn nếu như tôi có một sự cân đối nào đó giữa công việc xã hội và gia đình, bây giờ nhìn lại tôi cũng cảm thấy “hối hận” vì đã không quan tâm đầy đủ đến gia đình. Mọi việc trong gia đình đều do vợ tôi lo toan.
Nghiên cứu viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư về những chia sẻ chân thành trong cuộc trò chuyện này. Xin kính chúc ông dồi dào sức khỏe để tiếp tục có những ý tưởng, sáng tạo mới, thỏa niềm đam mê cháy bỏng đối với lĩnh vực bảo tàng mà ông đã gắn bó suốt mấy chục năm qua và chắc chắn rằng niềm đam mê đó còn cháy mãi.
Mai Phi Nga – Giang Thị Nhung (Thực hiện)
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam