Truyền thống hiếu học nuôi dưỡng những ước mơ

 

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

 

Từ cậu học trò “hiếu học thành tài”

GS Nguyễn Đình Đức sinh ngày 11 tháng 10 năm 1963 tại quê ngoại thôn Lai Xá – xã Kim Chung – huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ), nay là Hà Nội. Vùng quê Lai Xá vốn là miền đất học. Thuở xưa, ông từng rất tự hào bởi mình sinh ra trên quê hương của cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Việt Nam – GS Nguyễn Văn Huyên, cũng đồng thời là quê của GS thiên văn học nổi tiếng Nguyễn Quang Riệu. Không những thế, quê hương Lai Xá cũng là vùng đất nổi tiếng bởi làng nghề nhiếp ảnh với vai trò của ông tổ nghề là Khánh Ký, từng truyền dạy nghề ảnh cho Bác Hồ trong những năm tháng tuổi trẻ Người ở Paris những năm đầu thế kỷ XX.

Theo lời kể của GS Nguyễn Đình Đức, quê nội ông là thôn Huề Trì, xã An Phụ, huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương. Đấy chính là vùng đất nằm ngay dưới chân dãy núi An Phụ, nơi tụ hội linh thiêng của trời đất, đã được dân gian đưa vào thơ ca và thêu dệt với nhiều sự tích. Ông cho biết, trên đỉnh dãy núi cao An Phụ xanh thẫm nổi lên như một chóp nón khổng lồ – đó là cụm di tích An Phụ, có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu (là thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), tục gọi là đền Cao, còn văn bia gọi là An Phụ Sơn Từ. Cạnh đền là chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là chùa Cao. Bên chùa còn trụ đá Kinh Thiên (Trụ đá chọc trời), trước chùa có một giếng nước, bên đục bên trong, nước luôn đầy và trong mát quanh năm. Cách chùa 100 mét về phía đông, tự nhiên có một khoảng đất bằng phẳng, xung quanh kè đá gọi là bàn cờ tiên.

Tự hào về quê hương, chính là nguồn cảm hứng và động lực luôn luôn dâng trào trong lòng cậu bé Nguyễn Đình Đức hồi đó. Và rồi, không lâu sau, khi cậu mới 6 tuổi đã sớm xa quê hương lên gia đình lập nghiệp ở Yên Bái, một thị xã miền núi Tây Bắc, để rồi từ đó tuổi thơ Nguyễn Đình Đức gắn liền mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Trong ký ức của ông đó là thời kỳ thật dài và nhiều kỷ niệm, mà ông gọi tên là thuở “đội mũ rơm tới trường”. Ấy thế nhưng, không hổ danh là người con đất học, dù ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, Nguyễn Đình Đức vẫn ghi nhớ vươn lên. Cậu luôn là học sinh xuất sắc suốt từ tiểu học cho đến trung học. Năm 1978, khi lớp chuyên toán của tỉnh Hoàng Liên Sơn thành lập (gồm các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Nghĩa Lộ sáp nhập) ông đã vượt qua kỳ thi để rồi vào lớp chuyên của trường. Lúc đó lớp học có 25 học sinh, đặt ở trường Phổ thông cấp III thị xã Lào Cai. Đó cũng là những năm tháng phấn đấu không ngại gian khổ, để lại trong ông rất nhiều kỷ niệm. Bấy giờ cả thầy và trò gặp muôn vàn khó khăn, vừa dạy – vừa học, vừa mò mẫm sáng tạo. Học sinh lớp chuyên toán được ở trong KTX là một nhà tắm công cộng đã được sửa chữa.

GS Nguyễn Đình Đức đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
nhân dịp Tổng bí thư vào thăm và làm việc với ĐHQGHN (2013)

Khi chiến tranh biên giới 1979 xảy ra, lớp chuyên toán chuyển về trường cấp III Lý Thường Kiệt thị xã Yên Bái. Đất nước trong thời kỳ bao cấp, trong suốt những năm tháng học chuyên toán, cơm độn sắn là chủ yếu, thầy trò phải tự trồng rau, vào rừng lấy củi. Nhưng có lẽ, chính những vất vả khó khăn lại càng nuôi dưỡng ý chí phấn đấu, học tập và rèn luyện của người học trò hiếu học, tạo môi trường và động lực để Nguyễn Đình Đức vươn lên. Lúc ấy, cậu chính là học sinh xuất sắc nhất của lớp chuyên toán khóa 1 của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Thế rồi, khổ luyện thành tài, dẫu khó khăn nhưng người học trò hiếu học ấy vẫn nuôi dưỡng trong mình giấc mơ vươn lên học tập.

Tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Đình Đức đăng ký thi vào học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1984, ông tốt nghiệp thủ khoa khóa 25, với số điểm trung bình các môn là 9,6/10. Lúc đó, vừa có chế độ cho sinh viên xuất sắc được chuyển tiếp nghiên cứu sinh nước ngoài, nhưng vì ngành Toán Việt Nam khá mạnh nên có thể đào tạo trong nước.

Vì thế, mặc dù được nhà trường đề nghị, Vụ Đại học vẫn không duyệt cho các chuyển tiếp NCS nước ngoài trong lĩnh vực KHTN. Khi đó, Nguyễn Đình Đức đã mạnh dạn đạp xe đạp lên số 9 – Hai Bà Trưng (trụ sở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp lúc bây giờ) đợi cả ngày mới gặp được GS Nguyễn Đình Tứ, Bộ trưởng, và sau khi xem xét kết quả học tập cực kỳ xuất sắc và đề nghị của trường, Bộ trưởng đã quyết định cho sinh viên trẻ Nguyễn Đình Đức được chuyển tiếp thi kỳ thi chọn NCS đi nước ngoài. Và ngay kỳ thi tuyển NCS năm 1985, Nguyễn Đình Đức đã đỗ đầu với số  điểm cao nhất. Sau đó, chàng sinh viên Nguyễn Đình Đức đã được Bộ cử đi làm NCS ở Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxốp (MGU). Đối với ông, đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời. Nơi đây chính là môi trường để Đức tiếp xúc và học hỏi từcác nhà khoa học Xô Viết lỗi lạc và trưởng thành. Chính tại nơi đây, ông đã bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ toán lý khi mới 27 tuổi, và sau đó tiếp tục bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ khoa học ở Viện hàn Lâm Khoa học Nga khi 34 tuổi.

Một chặng đường đam mê ở phương trời xứ bạn.

Đam mê chính là đặc trưng tiêu biểu của những người nghiên cứu khoa học. Đối với TS Nguyễn Đình Đức lúc bấy giờ, niềm đam mê của ông hướng trọn vẹn với nghiên cứu về vật liệu composite. Loại vật liệu mới có độ bền cơ học cao, vừa nhẹ và bền với các môi trường kiềm, a xít, nhiệt độ cao… mà vật liệu tự nhiên không có được. Với những ưu điểm riêng biệt, vật liệu này được xem là vật liệu của hiện tại và tương lai. Vì thế, ngay trong luận án tiến sĩ Toán Lý của mình, GS Nguyễn Đình Đức đã thực hiện đề tài “Các tiêu chuẩn bền của composite cốt sợi đồng phương” dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH Pobedrya B.E, Chủ nhiệm Bộ môn Cơ học vật liệu composite tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Maxcơva mang tên Lomonoxốp (MGU) – nơi hội tụ của các nhà khoa học xô viết lỗi lạc, trong giai đoạn 1987-1990.

GS Nguyễn Đình Đức và các tân giáo sư, Phó giáo sư ngành Cơ học và các thành viên trong Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Cơ học (2013)

Với cách xác định các giới hạn bền và xây dựng mặt bền truyền thống, thông thường người ta phải xác định bằng thực nghiệm và do vậy không đánh giá được ảnh hưởng của từng yếu tố vật liệu thành phần, cũng như tỷ lệ phân bố, cách bố trí sắp xếp của chúng ảnh hưởng đến độ bền chung, tổng thể của composite như thế nào. GS Nguyễn Đình Đức khi làm NCS đã phát hiện ra điều này và đã sử dụng phương pháp trung bình hóa mang tên 2 GS nổi tiếng của MGU Bakhvalov – Pobedya xây dựng thành công tiêu chuẩn bền mới cho composite cốt sợi đồng phương. Theo tiêu chuẩn này, độ bền của vật liệu composite được xác định giải tích, biểu diễn tường minh qua các thông số của các vật liệu thành phần và sự phân bố của chúng. Do đó khi thay đổi các thông số này, chúng ta có thể tính toán, dự báo trước được độ bền của vật liệu, cũng như thiết kế các vật liệu composite mới với độ bền mong muốn.

Luận án Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật được GS Nguyễn Đình Đức hoàn thành tại PTN Cơ học vật liệu composite (1993-1997) của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (sau này là Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) dưới sự cố vấn khoa học của GS.TSKH Vanin G.A., Trưởng phòng thí nghiệm. Đề tài Luận án tiến sỹ khoa học của GS Nguyễn Đình Đức là về vật liệu composite cacrbon-cacrbon ba pha (nền, sợi và các hạt gia cường) có cấu trúc không gian 3Dm, 4Dm. Những vật liệu này siêu bền, siêu nhẹ và được ứng dụng mạnh mẽ trong hàng không và tên lửa. Những phát hiện mới trong nghiên cứu về ứng xử của vật liệu composite có cấu trúc không gian của GS Đức đã được cấp bằng phát minh (năm 1999).

Khi còn du học ở Liên Bang Nga, ông đã từng đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại LB Nga (1999-2001). Thành viên nước ngoài của Viện Hàn Lâm Khoa học Tự nhiên Nga (1999) vàViện Hàn Lâm Phát minh và Sáng chế Quốc tế(1999). Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã được Tạp chí “Who is who in the World” của Mỹ đưa vào danh mục những nhân vật nổi tiếng trong lần xuất bản thứ 18 từ năm 2001.

Xêmina về Cơ học vật rắn biến dạng tại ĐHQGHN do
GS Nguyễn Đình Đức chủ trì

Nhớ lại khoảng thời gian ấy, khi bảo vệ xong luận án Tiến sĩ khoa học, học vị cao và khó nhất của Liên Bang Nga, ngay ngày hôm sau ông đã được người Thầy – GS Vanin G.A gọi lên căn dặn phải luôn khiêm tốn học hỏi, cần mẫn, kiên trì trong chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy, cố gắng gắn liền với thực tiễn, có sản phẩm cụ thể đóng góp cho công cuộc xây dựng quê hương, Tổ quốc mình. Những lời dặn ân cần của thầy luôn là hành trang mà GS Nguyễn Đình Đức luôn trăn trở và mang theo suốt cuộc đời.

Tiếp tục một chặng đường cống hiến.

Sau khi học tập, bảo vệ thành công nghiên cứu của mình, GS Nguyễn Đình Đức trở về tiếp tục nghiên cứu về vật liệu composite polyme 3 pha và vật liệu nano composite. Đồng thời ông cũng là một trong những nhà khoa học Việt Nam đầu tiên bắt tay vào hướng nghiên cứu vật liệu và kết cấu FGM. Vật liệu chức năng FGM là vật liệu composite thế hệ mới, có cơ lý tính biến đổi, có độ bền cơ học và bền nhiệt rất cao, vì thế được sử dụng rộng rãi trong các kết cấu của nhà máy điện nguyên tử, hàng không vũ trụ, các chi tiết máy,… GS đã giải quyết thành công nhiều bài toán liên quan đến ổn định tĩnh động lực học cho các kết cấu tấm vỏ bằng vật liệu biến đổi chức năng FGM, xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh về FGM tại ĐHQGHN.

Các kết quả nghiên cứu về composite 3 pha của GS Nguyễn Đình Đức đã được xuất bản 1000 cuốn tại Moscow (năm 2000, nhà xuất bản  SSR – một trong những nhà xuất bản hàng đầu của LB Nga chuyên xuất bản các sách chuyên khảo có giá trị của các nhà khoa học xô viết có danh tiếng) và được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao. Ngoài ra, ông còn đề xuất phương án tính toán các kết cấu tấm và vỏ composite có gân gia cường làm việc trong môi trường nhiệt độ. Các kết cấu tấm và vỏ có gân chịu tải lực cơ học, đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước quan tâm giải quyết, nhưng dưới tác động của nhiệt độ, cả gân và kết cấu đều bị biến dạng nhiệt và đó là bài toán khó. Với nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn, GS đã giải quyết thành công bài toán này, làm cơ sở khoa học giải quyết các bài toán ứng dụng về kết cấu vật liệu chức năng FGM và những quan điểm mới, cũng như kết quả tính toán của GS theo hướng này trong cả trường hợp tĩnh và động lực học cho các kết cấu FGM có gân đã được các đồng nghiệp trên thế giới thừa nhận và đã được công bố trên nhiều tạp chí quốc tế.

GS Nguyễn Đình Đức cùng các đồng nghiệp và các học trò tại Văn Miếu nhân dịp nhận Quyết định công nhận đạt chuẩn chức danh GS (2013)

Một trong những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời nghiên cứu của ông chính là vào năm 1997, khi đó Trường Đại học Tổng hợp Clemson (Hoa Kỳ) mời TS Đức sang làm trợ giảng. Mặc dù được rất nhiều lời động viên cố vấn của những chuyên gia uy tín, thế nhưng ông đã quyết định về Việt Nam, để có điều kiện nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo đội ngũ thế hệ trẻ, vừa góp phần giải quyết các vấn đềcủa thực tiễn liên quan đến composite, góp phần xây dựng ngành khoa học này của Việt Nam.

Dẫu cho con đường nghiên cứu khoa học là không biên giới thế nhưng GS Nguyễn Đình Đức lúc nào cũng nặng lòng với xứ sở, với đất nước thân thương. Trong suốt chặng đường nghiên cứu khoa học của mình GS Nguyễn Đình Đức đã công bố trên 110 công trình khoa học ở trong và ngoài nước, trong đó gần 60 bài báo, báo cáo khoa học xuất bản ở nước ngoài, có trên 40 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI (nhiều bài trên tạp chí SCI, và trên các tạp chí quốc tế tốp hàng đầu của ngành Cơ học). Xuất bản 4 đầu sách chuyên khảo và giáo trình. Ngoài ra, GS cũng đã cùng tập thể các nhà khoa học của trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN và Viện Tên lửa, Viện KHCN QS- Bộ Quốc phòng chế tạo thành công sản phẩm “Thiết bị dẫn đường quán tính phục vụ dẫn đường các phương tiện chuyển động có điều khiển” và đã được giải 3 Nhân Tài Đất Việt năm 2008.

Hết mình trong nghiên cứu, GS Nguyễn Đình Đức còn chú trọng công tác đào tạo, giảng dạy. Các bài giảng của ông truyền cảm hứng cho sinh viên lòng yêu nghề, yêu khoa học, tinh thần thái độ nghiêm túc trong học tập, tự tin, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Các thế hệ học trò của ông đều đã trưởng thành và thành tài: như TS Đinh Khắc Minh, là Viện trưởng Viện KHCN tàu thủy (Bộ Giao thông vận tải); TS Hoàng Văn Tùng, là Chủ nhiệm Bộ môn Cơ lý thuyết của ĐH Kiến trúc Hà Nội. Nhiều sinh viên được ông hướng dẫn NCKH từ những năm tháng sinh viên đều đạt nhiều giải cao về nghiên cứu khoa học, có những bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc gia, quốc tế ISI và hầu hết các em đều chuyển tiếp làm NCS ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Đình Đức đã có quan hệ và hợp tác, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, LB Nga, Hồng Kông, Đức, Pháp, Iran,…

GS Nguyễn Đình Đức, GS Dương Ngọc Hải (Chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành Cơ học, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm KHCN VN)
cùng nhóm nghiên cứu về vật liệu composite

Ngay sau khi về nước, được sự tín nhiệm của GS.VS Vũ Tuyên Hoàng, khi đó nguyên là Chủ tịch liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam. Ông là một trong những người đứng ra vận động, sáng lập và là một trong những Phó Chủ tịch đầu tiên của Hội trí thức KHCN trẻViệt Nam (2004-2010). Ông cũng là thành viên của BCH Hội Cơ học Việt Nam, Hội Cơ học Vật rắn biến dạng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cơ học HàNội. Là Trưởng Ban biên tập chuyên san Toán – Vật Lý của ĐHQGHN từ năm 2002. Là Trưởng ban Tổchức các HN khoa học quốc gia, quốc tế lớn như HN Toàn quốc về Cơ điện tử lần thứ VI (2012), Hội nghị quốc tế về Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa ICEMA 1 (2010), ICEMA2 (2012), ICEMA3 (2014). Đồng thời, ông cũng tham gia phản biện cho 14 tạp chí quốc tế ISI, trong đó có nhiều tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực Cơ học. Ông cũng là người có nhiều cống hiến đặc biệt cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ĐHQGHN, đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng của ĐHQGHN như Trưởng Ban Khoa học Công nghệ (2005-2008), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (11.2008-10.2012) và hiện nay là Trưởng ban Đào tạo Đại học và Sau Đại học của ĐHQGHN. Trên cương vị công tác nào, ông cũng tận tụy, chí công vô tư, hết lòng vì công việc và có nhiều sáng kiến, đổi mới, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển và đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, NCKH đỉnh cao của ĐHQGHN.

Nỗ lực không ngừng, đóng góp nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học suốt 30 năm qua, thế nhưng GS Nguyễn Đình Đức vẫn cảm thấy những gì mình làm được còn quá ít. Ông cảm thấy tri thức nhân loại và những gì cần phải học hỏi còn rất nhiều. Cả cuộc đời ông là tấm gương của sự kiên trì lao động và cống hiến cho khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cho ĐHQGHN. Noi gương ông, các thế hệ học trò của ông đã và sẽ tiếp tục phấn đấu, khẳng định thế mạnh và trí tuệ Việt Nam, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng sống, cống hiến vì sự phát triển của ngành Cơ học Việt Nam và đóng góp vào kho tàng trí thức trong lĩnh vực Cơ học của thế giới.

Nguồn: Tấm gương người làm khoa học/www.uet.vnu.edu.vn