Những ngày tập sự
Sau khi tốt nghiệp đại học, nhóm chúng tôi gồm 23 nam, 17 nữ được phân công về tập sự tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, theo đề nghị của Viện trưởng Lương Định Của. Cánh đồng lúa 150ha vàng rực đang vẫy gọi đón chào. Thầy Của đã thực hiện “luộc” (từ mà Thầy hay dùng) các kỹ sư trẻ khá cẩn thận, nghiêm túc ngay từ ngày đầu, nên ai đã trải qua thời gian làm việc với thầy, sau này vào các cơ quan nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc chỉ đạo sản xuất đều được tín nhiệm cao vì hiệu quả công việc và tính hòa đồng với quần chúng rất cao. Tập sự ở chỗ thầy, mọi kỹ sư nông nghiệp đều phải làm việc chân tay như nông dân và phải làm thành thạo với yêu cầu là năng suất cây trồng cao theo đúng kỹ thuật mà thầy Của hướng dẫn. Ai làm việc không đạt yêu cầu sẽ bị kéo dài thời gian tập sự.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm thăm Trạm Nghiên cứu lúa giống do học trò xuất sắc của mình – TS Trần Tấn Phương phụ trách – ảnh Xuân Trường.
Khi về thăm Viện vào “chiến dịch” thu hoạch lúa Xuân, Bác Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Chính phủ – Phạm Văn Đồng) ra tận cánh đồng số 9 – cánh đồng xa và rộng nhất, thăm hỏi mọi người rồi ăn khoai lang luộc cùng chúng tôi. Đây là giống khoai mà thầy Của mới chọn lọc theo “hệ củ” vừa ngọt vừa bở, ngon hơn hẳn giống khoai ruột vàng địa phương. Bác Đồng nói: “Hiện nay cả nước đang phải dốc sức cho tiền tuyến, chưa xây được phòng thí nghiệm để làm nghiên cứu, nhưng các bạn có đồng ruộng phì nhiêu, có thầy hướng dẫn giỏi, phải cố gắng học để làm ra nhiều giống lúa, ngô, khoai, rau quả năng suất cao góp phần cùng tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Nhà thơ Tố Hữu cũng có lần đến tận ruộng xem chúng tôi cấy chăng dây thẳng hàng nhanh tăm tắp. Bác vui vẻ, kể rất nhiều chuyện hay, đọc thơ của bác cho nghe và nhận xét: “Kỹ sư nông nghiệp trẻ được học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, về đây lại được thầy Của rèn nghề, các bạn giỏi lắm, chính các bạn đang cấy xã hội chủ nghĩa xuống Việt Nam…”.
Theo gương thầy Của
Khi làm đề tài thực tập tốt nghiệp ở trường, tôi làm thí nghiệm trên cây ngô, nhưng khi kết thúc tập sự, tôi lại đề đạt nguyện vọng muốn về bộ môn chọn giống lúa. Chắc thầy theo dõi công việc của tôi khá kỹ, khi nghe tôi trình bày lý do tại sao không tiếp tục nghiên cứu cây ngô, thầy nở nụ cười độ lượng, chấp nhận phân công tôi và năm bạn khác vào nhóm chọn giống lúa cùng với Lương Hồng Việt – con trai thầy. Thầy nói: “Khu chọn giống lúa này được xây dựng đẹp và thuận tiện nhất cho các nhà chọn giống làm việc. Nó rộng hơn cả khu thí nghiệm ở Đại học Kyushu (Nhật Bản), nơi thầy làm việc trước đó. Vì thế bộ môn phải bố trí gieo cấy thật khoa học; làm việc theo nề nếp, chặt chẽ; ruộng đồng phải sạch cỏ, lúa tốt đều, có như vậy mới nhanh chóng tạo ra nhiều giống lúa mới”.
Thầy không ưa người làm ẩu và sẵn sàng chuyển họ đi làm việc khác không liên quan đến công tác giống. Thầy thường nói: “Muốn tạo được giống lúa mới, trước tiên phải biết trồng cây lúa cho nó sống tốt hơn nông dân trồng. Phải biết điều khiển cây trổ bông theo ý muốn, phải mô tả đặc điểm qua từng ngày, nhớ đặc điểm của từng giống ở từng vụ và tìm ra đặc trưng điển hình nhất của giống để nhớ thật lâu”. Có lúc thầy chỉ cho chúng tôi thời điểm nào nhất thiết phải đi quan sát ngoài đồng để thấy được đặc trưng rõ nhất có thể phân biệt các giống với nhau. Nhờ được chỉ bảo tận tình, cụ thể mà chúng tôi tiến bộ khá nhanh.
Khi chọn giống ngoài đồng, thầy Của quan tâm nhiều nhất đến chọn cá thể ở thế hệ F2, chọn cây lai trở lại, chọn cây bố mẹ, viết sơ đồ lai, xem xét kết quả lai tạo của chúng tôi. Thầy luôn băn khoăn đặt câu hỏi: “Tại sao ta sống ở một nước nông nghiệp mà dân thiếu nhiều gạo quá như thế? Viện có đồng ruộng rộng, có rất nhiều giống lúa địa phương đã thu thập về, làm cách nào để có giống mới cho dân thu được nhiều thóc hơn”? Thầy nêu rất nhiều ý tưởng để chọn ra giống mới, chúng tôi lai và chọn rất nhiều, lội ruộng suốt ngày không quản nắng mưa để chọn các thế hệ phân ly. Vườn tập đoàn công tác giống lúa sau vài năm xây dựng đã có trên 1.000 dòng giống bao gồm giống địa phương, giống nhập nội, giống cải tiến và các thế hệ phân ly đang chọn theo nhiều hướng khác nhau.
Giấc mơ cho vựa lúa miền Nam
Thầy là người đầu tiên lai tạo giống lúa ở Việt Nam từ khi dạy ở Trường Đại học Nông nghiệp. Giống Nông nghiệp 1 được thầy chọn từ tổ hợp lai xa giữa Ba Thắc (indica Nam bộ với BunKo (Japonica Nhật Bản) là sản phẩm đầu tay được đưa vào sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tiếp đến là giống lúa chiêm 314 (chọn từ tổ hợp lai Đoàn kết/Sài đường cứng cây không đổ, năng suất cao), cùng hàng loạt giống lúa địa phương khác được thầy chọn lọc phục tráng như: Chiêm chanh, chiêm cút, chiêm bầu, nếp hoa vàng, nếp hương, dự hương, tám xoan, 813, 828… các giống được phục tráng này góp phần làm tăng năng suất lúa lên 5 – 10%. Ngoài lúa, thầy còn tuyển chọn các giống dưa: Bạch Lê, Hoàng Lê; dùng concicine xử lý tạo ra rau muống đa bội, dưa hấu tứ bội; lai dưa hấu tứ bội với dưa nhị bội để tạo ra dưa hấu tam bội thể không hạt và các giống cà chua, khoai lang, đậu đũa, đậu vàng, táo ta, hành tây, dâu tây… Thầy đều quan tâm chọn lọc dòng thuần và tạo giống mới.
Mùa Xuân 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, thầy theo đoàn quân giải phóng tiếp quản các cơ sở nông nghiệp ở phía Nam. Theo yêu cầu của thầy, chúng tôi soạn tập đoàn giống mà Viện đang có, chia đôi tất cả các mẫu giống, lập 2 sổ gốc, một nửa gieo tại Viện, một nửa đóng gói chuẩn bị đem vào Cần thơ gieo trồng để chọn giống cho phía Nam. Với khát vọng biến Đồng bằng Nam bộ thẳng cánh cò bay, nơi có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ thành vựa lúa trù phú làm giàu cho đất nước, thầy đã dự thảo và đệ trình lên kỳ họp Quốc Hội cuối năm một đề án xây dựng Viện nghiên cứu lúa hiện đại, với qui mô lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa đông 1975, tin xấu bất ngờ như một đám mây đen kéo đổ ập bầu trời! Thầy vội vã ra đi vĩnh biệt cõi đời, đúng lúc đề án xây dựng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long của thầy vừa được Quốc hội thông qua.
Chúng tôi, những học trò của thầy tiếc thương và hụt hẫng đến tận cùng. Sau giờ phút tiễn biệt thầy, mọi việc nghiên cứu, triển khai của bộ môn không còn ai chỉ bảo. Anh chị em phải gồng mình tự lo liệu tất cả để làm những việc còn dang dở của thầy. Hơn 7 năm được làm việc học tập ở nơi thầy, 40 năm tiếp sau miệt mài với nghề giảng dạy và chọn tạo giống lúa, mỗi thành công của tôi đều ghi dấu những ý tưởng và phương pháp của thầy, mỗi giống lúa mới tôi chọn tạo ra được nông dân chấp nhận đưa vào sản xuất là một nén hương thơm tôi kính dâng lên người thầy đã đặt nền móng cho sự nghiệp của tôi.
Xuân Trường
Ghi theo lời kể của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm
Nguồn: www.tuyengiao.soctrang.gov.vn