Nghiên cứu và sản xuất thép ở Việt Bắc

Năm 1950, khi đang học lớp toán học đại cương do GS Nguyễn Thúc Hào giảng dạy được một tháng tại Nghệ An, Nguyễn Cảnh Hồ nhận được quyết định công tác tại Viện Nghiên cứu quân giới (nay là Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) ở Việt Bắc. Nói về sự phân công này, TS Nguyễn Cảnh Hồ cho biết: Do anh trai Nguyễn Cảnh Cầu đang công tác tại Viện Nghiên cứu quân giới, biết nguyện vọng của tôi nên anh đã xin cho tôi công tác tại đây[1]. Với kinh phí do Viện cấp, ông Nguyễn Cảnh Hồ đã một mình đi bộ từ Nghệ An lên Việt Bắc. Đi đến Thanh Hóa, do địch bắn phá, đường sá bị phá hủy nên ông phải quay về quê nhà và tìm cơ hội khác. Lần thứ hai, ông đã nhập đoàn đi xe đạp cùng một số người và lên Việt Bắc thành công. Tại Viện Nghiên cứu quân giới, ông công tác tại phòng Xạ thuật với nhiệm vụ đọc các sách, tài liệu chuyên môn.

Trong năm này, Cục Quân giới có chủ trương giải quyết tình hình khan hiếm nguyên vật liệu để sản xuất vũ khí, vì nguồn tích trữ đã cạn kiệt. Chính vì lẽ đó, Viện đã gấp rút nghiên cứu sản xuất gang và thép. Trước năm 1941, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã nghiên cứu chế tạo thép bằng lò điện ở Quảng Ninh và thất bại, nhưng không rõ nguyên nhân.

Trong một bức thư của đồng chí Trần Đại Nghĩa- Giám đốc Viện nghiên cứu quân giới có nói: Trong điều kiện ở vùng tự do thì việc nghiên cứu sản xuất bằng lò điện là tương đối thích hợp, vì đã có những điều kiện thuận lợi như: có nguồn năng lượng điện ở xã Bản Thi (một xã ở tỉnh Bắc Kạn), cực điện để tạo ra hồ quang có thể lấy từ xưởng nấu thép đã thất bại ở Quảng Ninh.

Từ đó, một phòng nghiên cứu sản xuất thép lấy tên là phòng Kim loại đã được thành lập với lực lượng được cán bộ lấy từ phòng Cơ khí: Bùi Duyên là Trưởng phòng, Nguyễn Văn Hường là Phó phòng, Bùi Minh Tiêu, Dương Quang Thành, Trịnh Đình Lương, Nguyễn Đức Ngọc, Nguyễn Cảnh Hồ, Mai Duy Hồ…. Khó khăn lúc này là tất cả cán bộ kỹ thuật phòng Kim loại chưa ai từng làm công việc luyện thép. Họ đều phải tự tìm hiểu cách làm qua những cuốn sách của GS Tạ Quang Bửu, GS Trần Đại Nghĩa, ông Võ Quý Huân mang từ Pháp về.

Công việc diễn ra theo 3 giai đoạn đã được vạch ra từ trước:

Giai đoạn 1: Nghiên cứu chế tạo thí điểm một mô hình lò điện hồ quang ngay tại Viện Nghiên cứu quân giới, ở bản Nà Lằng (thuộc xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới,  tỉnh Bắc Kạn). TS Nguyễn Cảnh Hồ cho biết: Nơi đây tập trung nhân lực, phương tiện và có sự chỉ đạo thường ngày của lãnh đạo Viện, lại gần sự chỉ đạo của Cục[2].

Sau khi tham khảo các tài liệu, các cán bộ đã xác định xây dựng kiểu lò hình vuông bằng gạch chịu lực, có 3 cực than điện nằm ngang, nắp lò hình vòm có vai trò làm giảm bớt sự tản nhiệt… Trong các công đoạn thì việc tạo ra hồ quang điện là khó khăn lớn nhất. Các ông đã phải làm thí nghiệm rất nhiều lần thì mới có thể duy trì ổn định dòng điện. Một lò điện với kích thước nhỏ khoảng hơn 1m, dung tích 5kg, công xuất nhỏ 25KVA đã hoàn thiện và sẵn sàng cho việc chạy thử. TS Nguyễn Cảnh Hồ cho biết: Những buổi chạy lò, phải dùng hai động cơ ô tô kéo máy phát điện và xưởng phải nghỉ việc để dồn điện cho lò thép. Thời gian đầu chưa quen, việc tạo hồ quang khá vất vả, phải mất 5-10 phút mới ổn định[3].

Ông Nguyễn Cảnh Hồ, Nguyễn Văn Hường, Nguyễn Văn Lộc là 3 người đã nấu ra mẻ thép đầu tiên bằng lò điện năm 1951.

TS Nguyễn Cảnh Hồ mô phỏng lại lò điện năm xưa

 Giai đoạn 2: Dựa trên kết quả giai đoạn 1 để chế tạo một lò điện hồ quang luyện thép chính thức.

Việc chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 là một quá trình khó khăn về mặt kỹ thuật và tổ chức quản lý nên Viện đã cử ông Võ Quý Huân và Nguyễn Cảnh Hồ đi khảo sát tình hình về nguồn điện, địa hình và các cơ sở vật chất, nhà xưởng… tại địa điểm chính thức xây dựng lò điện ở xí nghiệp H52, xã Bản Thi đã được xác định từ trước. Xí nghiệp H52 đã hỗ trợ cho đoàn về chỗ ăn, chỗ ở, nơi làm việc và công nhân làm việc, mà không can thiệp về công việc chuyên môn của các ông.

Sau đó, toàn bộ lực lượng của phòng Kim loại  lên Bản Thi để thực hiện kế hoạch đã đề ra. Tại đây, dựa trên kết quả khảo sát, thí nghiệm, ông Bùi Duyên và ông Nguyễn Hữu Kỷ có nhiệm vụ thiết kế, chế tạo một lò thép cỡ lớn, phù hợp với công suất nguồn điện của Trạm thủy điện Bản Thi.

TS Nguyễn Cảnh Hồ kể lại: Sau một thời gian lao động ráo riết không kể ngày đêm, lò được xây dựng và mọi việc chuẩn bị khác cũng đã hoàn thành. Ngày khai lò của giai đoạn 2 đã đến, với kết quả rất tốt về mặt vận hành lò: hồ quang ổn định, điều khiển dễ dàng, chế độ nhiệt của lò đảm bảo, nước thép chảy loãng[4].

Quá trình sản xuất thử được tiến hành trong vài tháng. Về quá trình nấu luyện, nhờ các cán bộ đã từng công tác ở tổ gang, có kinh nghiệm luyện gang, nay chuyển sang luyện thép nên điều khiển được khá tốt. Việc nấu thép không gặp khó khăn gì nhưng khâu đúc thì gặp nhiều trắc trở, tuy nhiên, sau quá trình thảo luận, làm thử, rút kinh nghiệm, cuối cùng đã đúc được chiếc cuốc chim theo đúng yêu cầu. Sau đó, một sự việc không may xảy ra là Trạm thủy điện Bản Thi và xí nghiệp H52 bị ném bom, thiệt hại đáng kể về cơ sở vật chất, nhưng may mắn nhà đặt lò điện thì không hư hại.

Để việc sản xuất thép được tiến hành theo kế hoạch, các cán bộ cùng công nhân đã nỗ lực trong việc khắc phục những hậu quả, đồng thời có biện pháp phòng ngừa:, như ngụy trang trạm thủy điện, di chuyển trạm biến thế, lò điện và các thiết bị kèm theo đến địa điểm mới nằm sâu trong rừng cách địa điểm cũ khoảng 1km… Toàn bộ việc di chuyển, xây lắp lại lò điện ở nơi sơ tán cũng như xây dựng toàn bộ lán trại, nhà ăn, ở… cho toàn bộ cán bộ, công nhân đoàn thép… cũng đều do bàn tay lao động của chính anh em, có sự hỗ trợ của xí nghiệp H52 và một số dân công người dân tộc[5], TS Nguyễn Cảnh Hồ cho biết

Sau hơn hai tháng di chuyển lò đến địa điểm mới thành công, các ông tiến hành Giai đoạn 3: Tổ chức sản xuất thép ở xã Bản Thi. 

Lúc này là vào năm 1953, Viện Nghiên cứu quân giới có sự thay đổi về nhân sự; nước ta bắt đầu nhận được sự viện trợ về vũ khí, quân trang, quân dụng từ các nước Xã hội chủ nghĩa. Vì vậy đơn vị nghiên cứu, sản xuất thép lúc này chỉ còn bốn cán bộ: Mai Duy Hồ, Đào Thế Dũng, Nguyễn Văn Lộc, Lê Quốc Quyền.

Tuy đã trải qua quá trình sản xuất thử, nhưng khi tiến hành sản xuất trong hoàn cảnh ở vùng núi xa xôi nơi sơ tán năm 1953, cũng gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật nấu luyện và đúc, tuy nhiên các cán bộ đều giải quyết được. TS Nguyễn Cảnh Hồ cho biết: Như vậy, chỉ qua gần 20 tháng, Viện Nghiên cứu quân giới đã hoàn thành được nhiệm vụ sản xuất thép bằng lò điện mà Cục Quân giới đã giao, đi từ số không đến xây dựng được một xưởng sản xuất cuốc chim bằng thép đúc[6].

So với chủ trương ban đầu đề ra thì kết quả thực hiện có sự thay đổi theo hoàn cảnh, sản phẩm chủ yếu được sản xuất là cuốc chim phục vụ công binh mở đường, sửa chữa đường.    

Nguyễn Thị Phương Thúy

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


[1] Phỏng vấn TS Nguyễn Cảnh Hồ ngày 3-10-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Bài viết “Những mẻ thép đầu tiên ở nước ta” của TS Nguyễn Cảnh Hồ, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Bài viết “Những mẻ thép đầu tiên ở nước ta” của TS Nguyễn Cảnh Hồ, tài liệu đã dẫn.

[4] Bài viết “Những mẻ thép đầu tiên ở nước ta” của TS Nguyễn Cảnh Hồ, tài liệu đã dẫn.

[5] Bài viết “Những mẻ thép đầu tiên ở nước ta” của TS Nguyễn Cảnh Hồ, tài liệu đã dẫn.

[6] Bài viết “Những mẻ thép đầu tiên ở nước ta” của TS Nguyễn Cảnh Hồ, tài liệu đã dẫn.