Khởi nghiệp và cống hiến cho vùng cao

Tốt nghiệp chuyên khoa dịch tễ học, trường Đại học Y Hà Nội, tháng 12-1963, BS Trần Văn Tiến cùng hai bạn cùng khóa là BS Vũ Văn Nghị và BS Bùi Ngọc Thụ được cử lên công tác tại Lào Cai. Lớp thanh niên ngày đó thấm nhuần tư tưởng của phong trào “Tam bất kì”[1] nên sẵn sàng đi nơi đâu làm việc khi tổ chức phân công và BS Trần Văn Tiến cũng không ngoại lệ.

Lần đầu tiên đến Lào Cai bằng tàu hỏa, cảm nhận ban đầu của BS Tiến khi tới đây là một vùng đất hoang sơ, dân cư thưa thớt, điều kiện sống còn nghèo nàn, bốn bề là rừng núi, giao thông liên lạc chưa phát triển, đường xá đi lại khó khăn. BS Nghị được phân về công tác ở huyện Bắc Hà, BS Thụ về huyện Bát Xát, còn BS Tiến công tác tại Trạm vệ sinh phòng dịch của tỉnh. Trạm mới thành lập từ tháng 9-1963 do y sĩ Khưu Văn Tống phụ trách còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn sâu. BS Tiến được phân về tổ dịch tễ, phụ trách hai tổ dịch tễ và xét nghiệm. Lào Cai là tỉnh biên giới, giao thông đi lại rất khó khăn, do vậy việc xây dựng phòng thí nghiệm tại chỗ để chẩn đoán xác định nguyên nhân các vụ dịch ở địa phương là rất quan trọng để chống dịch có hiệu quả nhanh chóng. Lúc BS Tiến mới nhận việc, phòng thí nghiệm thiếu thốn đủ thứ. Ngoài việc tổ chức làm việc, huấn luyện chuyên môn, nhiều lần BS Tiến phải về bộ môn Dịch tễ của trường Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xin hoặc mua lại các dụng cụ thí nghiệm, môi trường, hóa chất dùng cho xét nghiệm các bệnh nhiễm.

Cuối năm 1964, y sĩ Khưu Văn Tống được điều động đi chiến trường miền Nam, BS Tiến được phân công phụ trách Trạm vệ sinh phòng dịch. Năm 1965, Bộ Y tế phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước chống Mỹ”, để chủ động phòng chống dịch, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân và sẵn sàng phòng chống chiến tranh vi trùng-hóa học trong thời chiến. Tại Lào Cai, trưởng ban chỉ đạo chiến dịch là Phó chủ tịch tỉnh Cư Hòa Vần. BS Tiến được phân công chuẩn bị nội dung cho Ủy ban tỉnh phát động chiến dịch “Vệ sinh yêu nước chống Mỹ” và làm nhiệm vụ thường trực cho Ban chỉ đạo chiến dịch của tỉnh. BS Tiến đã làm điều tra hồi cứu các bệnh truyền nhiễm gây dịch của tỉnh từ năm 1960 đến năm 1965 để làm báo cáo chuyên môn và lập kế hoạch hoạt động chiến dịch của tỉnh năm 1965-1966 và những năm tiếp theo. Theo chỉ đạo của BS Tiến, tất cả các thông báo đến trạm liên quan đến dịch bệnh thì đều phải ghi chép lại trong một cuốn Sổ thông báo dịch, cụ thể: ngày giờ và địa điểm báo, báo cáo trưởng trạm hoặc 2 phó trạm, người được phân công đi chống dịch, liên hệ với dược tá Hà Thị Cầm để được phát thuốc. Cuốn sổ ghi chép thể hiện sự tận tâm của cán bộ y tế với sức khỏe người dân. Theo GS Tiến, làm chuyên môn đòi hỏi phải nghiêm túc và tỉ mỉ như vậy, nếu không sẽ dễ gặp  sơ sẩy đáng tiếc. Cuốn sổ ghi thông báo dịch chính là một tư liệu quan trọng để BS Tiến lấy số liệu làm báo cáo sau này khi đón Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch.

Về công tác phòng chống chiến tranh vi trùng – hóa học của đế quốc Mỹ, phòng xét nghiệm của Trạm vệ sinh phòng dịch phải tăng cường củng cố và nâng cao chất lượng chẩn đoán xác định nguyên nhân. Bấy giờ chiến tranh xảy ra ác liệt, con đường sắt Hà Nội – Lào Cai bị tàn phá nặng nề, việc hỗ trợ từ Hà Nội lên bị cách trở. Trạm vệ sinh phòng dịch phải hoàn toàn tự lực sản xuất các môi trường nuôi cấy vi trùng gây bệnh ở địa phương. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, có nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh rất quan tâm giải quyết các yêu cầu chuyên môn cho công tác phòng chống dịch. Ngoài việc cung cấp đầy đủ kinh phí, thuốc men nhất là thuốc kháng sinh, tỉnh còn ưu tiên giải quyết yêu cầu cung cấp thịt nạc, dạ dày, gan lợn… hàng tuần theo yêu cầu của phòng thí nghiệm để sản xuất các loại môi trường nuôi cấy vi trùng. Ủy ban tỉnh cũng cho Trạm vệ sinh phòng dịch trao đổi trực tiếp với huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) để mua rau câu và các hóa chất cần thiết dùng cho việc sản xuất thạch và pha chế các dung dịch, môi trường xét nghiệm. Nhờ đó chất lượng chẩn đoán xét nghiệm các vụ dịch được nâng cao, công tác phòng chống dịch chủ động có hiệu quả nhanh chóng, không cần hỗ trợ của trung ương, trong đó có nhiều vụ nghi địch thả “chất lạ” xuống địa phương đã được điều tra, chẩn đoán xác định kịp thời.

BS Trần Văn Tiến (giữa) cùng y sĩ  Nguyễn Hòa và KTV Nguyễn Thị Phụng đang làm xét nghiệm vi khuẩn đường ruột tại phòng Vi trùng, Trạm Vệ sinh phòng dịch tỉnh Lào Cai, tháng 6-1964

Tháng 3-1965, BS Trần Văn Tiến cùng một kiến trúc sư của Ty Kiến trúc Lào Cai được cử đi công tác trên đỉnh núi Hoàng Liên Sơn với đoàn cán bộ nghiên cứu khí tượng-thủy văn của Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Nhiệm vụ của BS Tiến là bảo vệ và theo dõi sức khỏe cho đoàn trong điều kiện đường leo lên đỉnh núi hiểm trở, khí hậu lạnh và là vùng có nhiều thổ phỉ, thú dữ.

Cuối năm 1965, Phó trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy Hoàng Việt Tiến được bổ nhiệm làm Trưởng ty Y tế Lào Cai,  BS Tiến được điều sang phụ sách Phòng kế hoạch – nghiệp vụ – tài vụ của Ty Y tế Lào Cai. Ông đã nghiên cứu tổng hợp, viết báo cáo sơ kết, tổng kết và lập kế hoạch định kỳ của ngành y tế tỉnh, đồng thời làm tham mưu đề xuất các biện pháp quản lý, chỉ đạo các hoạt động của ngành cho lãnh đạo Ty Y tế tỉnh Lào Cai.

Tháng 4-1967, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đến thăm và làm việc với tỉnh Lào Cai. BS Tiến được phân công báo cáo về tình hình lưu hành các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong tỉnh và kết quả bước đầu thực hiện phong trào “Vệ sinh yêu nước chống Mỹ” của tỉnh Lào Cai. Sau đó, BS Tiến còn được phân công đưa Bộ trưởng đi kiểm tra công tác y tế huyện Sapa; thăm xã điển hình vệ sinh phòng bệnh của dân tộc Mông ở xã Tả Phìn, huyện Sapa và của dân tộc Dao ở xã Tả Ngảo, huyện Bát Xát. Trong buổi làm việc kết thúc chuyến công tác Lào Cai với Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hoàng Trường Minh và Trưởng ty Y tế, Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch có nhắc nên chuyển BS Tiến về làm công tác chuyên môn. Không lâu sau đó, ngày 14-7-1967, BS Trần Văn Tiến được tỉnh đề bạt làm Trạm trưởng Trạm vệ sinh phòng dịch tỉnh Lào Cai. Ngoài nhiệm vụ quản lý trạm kết hợp làm chuyên môn dịch tễ, xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh, BS Tiến còn là chủ nhiệm hai bộ môn Dịch tễ và Vi sinh vật y học của trường Trung cấp Y tế Lào Cai và là Ủy viên Hội đồng giám định y khoa của tỉnh.

Qua thực tiễn công tác, BS Tiến mới thấy học ở trường chỉ là lý thuyết, hay khi thực hành ở Bệnh viện Bạch Mai cũng chỉ là trên từng bệnh nhân một, còn thực tế trong quá trình công tác phải xử lý ngày hàng loạt người mắc bệnh, trở thành dịch. Bấy giờ, ở Lào Cai có 2 loại bệnh chính là xoắn khuẩn vàng da và dịch bệnh xuất hiện ở trẻ em như sởi, ho gà, bạch hầu… Có những trận dịch “khủng khiếp” như dịch sởi, ho gà, xảy ra tràn lan. Tổ dịch tễ trong trạm vệ sinh phòng dịch đã trực tiếp xuống các xã để kiểm tra. Do nhiều xã chưa có cán bộ y tế cơ sở nên nếu xuống chậm, bệnh nhân có thể bị biến chứng và tử vong; cần có thuốc kháng sinh thì mới giải quyết được biến chứng. Có những xã thuộc các huyện Bắc Hà, Mường Khương, dịch lỵ trực khuẩn và thương hàn hay xuất hiện. Đường sá đi lại khó khăn, từ thôn nọ đến thôn kia có khi mất nửa ngày, xã nọ đến xã kia mất tới một ngày, có khi từ đầu xã đến cuối xã đi mất 2 ngày. Phong tục tập quán ở đây cũng tạo môi trường cho dịch phát triển, lây lan rất nhiều. Ví như dịch lỵ trực khuẩn, thương hàn, bệnh nhân phải cách ly, tránh tụ tập ăn uống, nhưng người Hmông và người Dao có phong tục bón cơm vào miệng người chết, rồi nhặt cơm rơi vãi để ăn, nên các cán bộ phòng chống dịch rất vất vả, gian khổ. Do điều kiện kinh tế – xã hội còn thấp kém, nhất là trẻ con không đủ ấm, nhà không kín gió, nên khi gió mùa đông bắc về chúng hay bị viêm họng, nhiều trẻ mắc bệnh thương hàn và trở thành dịch. Do đó, cán bộ Trạm vệ sinh phòng dịch phải đến nằm vùng để phát thuốc điều trị cho bệnh nhân; điều trị dự phòng cho người tiếp xúc; vận động nhân dân tham gia chống dịch và cùng ngành văn hóa vận động nhân dân cải tạo phong tục tập quán lạc hậu và chống mê tín dị đoan ở những nơi có ổ dịch. Chỉ khi nào không còn xuất hiện bệnh nhân mới, tổng kết công tác phòng chống dịch với địa phương xong, các ông mới được phép trở Trạm.

GS Trần Văn Tiến kể, mỗi khi có dịch, anh em trong trạm xác minh tình hình rồi báo về, thường là ông trực tiếp xuống giải quyết. Một lần, đi cùng ông là y sĩ người dân tộc tên là Lùng Phình Cáng. Xe com-măng-ca chạy từ thị xã Lào Cai đến bản Lầu thì phải dừng lại, từ đó đi bộ tiếp. Y sĩ Lùng Phình Cáng liên hệ với người dân và được họ cho mượn con ngựa. Đi dọc đường, ông mua trứng gà để hút sống và mua lê để ăn. Phải mất 20km mới vào đến nơi có dịch, giữa đường ông phải ngủ tạm nhà dân, ăn mèn mén, rau bí luộc. Sống và làm việc trong điều kiện thiếu thốn như vậy nhưng ông thấy thời kỳ này “khổ nhưng không biết mình khổ”.

Bên cạnh công tác phòng chống dịch, BS Tiến còn tổ chức công tác tiêm chủng phòng bệnh và xây dựng y tế cơ sở. Về công tác tiêm chủng, ông tổ chức mỗi huyện (bấy giờ Lào Cai có 5 huyện) có một đoàn cán bộ của trạm và đề xuất với Ty Y tế bổ sung một số người của các cơ quan khác để thành lập các đội đi tiêm chủng (phòng chống tả, ho gà, bạch hầu, uốn ván, chủng đậu (bệnh đậu mùa, thương hàn). Về xây dựng y tế cơ sở, nếu như năm 1963 chưa đến 10 xã có y tế cơ sở thì chỉ trong 10 năm, ông đã xây dựng 70% số xã của tỉnh Lào Cai có trạm y tế, số còn lại chưa có trạm y tế xã nhưng có cán bộ y tế hoạt động. Theo chỉ đạo của  Ty Y tế Lào Cai, BS Tiến xây dựng được chương trình đào tạo y tế tuyến xã, với thời gian đào tạo dành cho y tá xã là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và trực tiếp đào tạo. Diện đào tạo 12 tháng là số y tá có chuyên môn vững vàng để đảm nhận cương vị trạm trưởng. Mỗi khi có dịch, cán bộ y tế xã báo lên, các ông sớm về kiểm tra phòng dịch nên tỷ lệ biến chứng và tử vong giảm hẳn. Trước đó, khi nhận được thông báo có bệnh dịch, cán bộ y tế của trạm xuống để xác minh thì dịch đã xảy ra từ lâu rồi, đã có nhiều ca mắc rồi.

Ngoài ra, BS Tiến cũng đặc biệt quan tâm đến việc tổng kết qua công tác thực tế và viết bài nghiên cứu tham gia hội nghị, đăng tạp chí chuyên ngành như: Một số kinh nghiệm rút ra qua tình hình dịch tễ bệnh do Leptospira ở tỉnh Lào Cai năm 1964, Tạp chí Y học thực hành, 10-1965; Thông báo lần 1 về tình hình cảm thụ với bạch hầu miền Bắc Việt Nam phát hiện bằng phản ứng schick, Công trình nghiên cứu khoa học 1960-1965; Đánh giá tình hình cảm thụ bệnh bạch hầu bằng phản ứng schick ở thị xã Lào Cai, Tạp chí Y học thực hành, 9-1966; Nhận xét tác dụng về vi khuẩn và hóa học vệ sinh của máng lấn lọc, Sức khỏe, 7-1969.

Cuối năm 1967, theo yêu cầu phục vụ chiến trường, Bộ Y tế thông báo cử BS Tiến đi B làm trưởng êkíp cấp cứu ngoại khoa nhưng ông Vi Khánh Vinh Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai không đồng ý. Năm 1968, ông được điều sang bên quân đội 3 tháng với nhiệm vụ khám tuyển quân cho các sư đoàn trong Nam. Hoàn thành nhiệm vụ tuyển quân, BS Tiến phải trở về cơ quan cũ với lý do Những người đã quen việc ở lại địa phương để xây dựng miền núi tiến kịp miền xuôi[2]. BS Tiến lên gặp ông Kiều Đức Hạnh Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Lào Cai trình bày: Lãnh đạo tỉnh không cho tôi sang quân đội thì cho phép tôi được mang vợ con lên Lào Cai ở cùng, tôi sẽ ở lại làm việc lâu dài[3]. Nguyện vọng trên của BS Tiến được ông Hạnh đồng ý, ông yên tâm ở lại công tác. GS Tiến chia sẻ: Tôi thấy lãnh đạo tổ chức tỉnh Lào Cai rất trong sáng, nhân văn và tình nghĩa. Dù chỉ là trạm trưởng nhưng mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, tôi được phép làm việc trực tiếp với lãnh đạo của tỉnh như ông Cư Hòa Vần, Phạm Gia Tuân[4]. Lãnh đạo của tỉnh rất quan tâm vì liên quan đến chính sách dân tộc, nên tôi đề xuất kinh phí chống dịch bao nhiêu thì được cấp bấy nhiêu, do đó công tác chống dịch được triển khai thuận lợi và nhanh chóng[5].

Năm 1970, BS Tiến nhận được thông báo chuẩn bị đi làm nghiên cứu sinh. Từ thực tiễn trong quá trình công tác, ông đã lựa chọn hướng nghiên cứu về bệnh sởi để làm đề cương luận án. Sau khi học xong ngoại ngữ và kết quả thi đạt yêu cầu, năm 1973, BS Tiến sang làm nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc, khi về nước (1977), ông được cử về công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ học Hà Nội[6].

Theo học ngành Y không phải là lựa chọn ban đầu của chàng thanh niên Trần Văn Tiến, nhưng đã quyết tâm theo học, khi ra công tác, ông luôn nỗ lực cống hiến hết mình với sức trẻ, trí tuệ để chăm sóc và phục vụ sức khỏe cho cộng đồng. Ông cũng học được rất nhiều bài học kinh nghiệm và trưởng thành hơn. Mười năm công tác tại Lào Cai trong điều kiện bấy giờ còn nhiều khó khăn, nhưng tôi học được rất nhiều điều. Tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn không chỉ về tinh thần trách nhiệm, ý thức của người thầy thuốc, sự từng trải mà còn là kinh nghiệm trong việc phát hiện bệnh dịch trong cộng đồng[7].

Năm 2011, GS.TS Trần Văn Tiến cùng các cán bộ y tế từng công tác tại Lào Cai có dịp lên thăm các cơ sở y tế của tỉnh, theo lời mời của lãnh đạo tỉnh Lào Cai. Ông thấy khác xưa rất nhiều, thành phố Lào Cai phát triển rất nhanh, xây dựng nhiều công trình to đẹp, đời sống của nhân dân đã giàu có hơn, sống ấm no hạnh phúc. Ngành y tế của tỉnh Lào Cai cũng rất phát triển, có nhiều trang thiết bị hiện đại, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đảm đương tốt nhiệm vụ bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, bệnh dịch cũng không nhiều như trước. Hiện nay, trong những dịp Hội cán bộ y tế Lào Cai tại Hà Nội tổ chức các buổi gặp mặt, GS Trần Văn Tiến tham gia, họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ đã nỗ lực cống hiến hết mình cho vùng cao.

 

Hoàng Thị Liêm

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam


[1] Tam bất kì gồm: Bất kì đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến; Bất kì làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu; Bất kì chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận.

[2] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 12-10-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 12-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[4] Phó Bí thư tỉnh ủy Lào Cai.

[5] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 12-10-2015, tài liệu đã dẫn.

[6] Từ năm 1998 đến nay đổi tên thành Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

[7] Phỏng vấn GS.TS Trần Văn Tiến ngày 12-10-2015, tài liệu đã dẫn.