Ở Việt Nam, tỷ lệ người bị bệnh về máu đang có xu hướng tăng lên nhiều. Tuy nhiên nhờ có ngân hàng máu và ngân hàng tế bào gốc dây rốn cộng đồng mà các bệnh nhân đã, đang và sẽ được cứu sống, được hưởng những dịch vụ y tế thuận lợi,bình đẳng từ các ngân hàng ấy.
Gần 30 năm – một hành trình cứu người
Mùa xuân này, Hoàng Thị Diệu Thuần, cô gái trẻ sinh năm 1987, ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An như đóa hoa hướng dương tươi trẻ đang tất bật cho những công việc làm biên tập phim hoạt hình, viết sách. “Như đóa hướng dương” cũng là tên cuốn sách cô viết về 7 năm trời chiến đấu với căn bệnh máu hiểm nghèo và về sự hồi sinh kỳ diệu. Phát hiện mắc phải căn bệnh ung thư máu từ khi vừa đỗ vào Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ một cô gái xinh xắn, vui tươi, cô phải trải qua những năm dài chiến đấu cùng bệnh tật. Có lúc sức khỏe kiệt quệ, chỉ còn da bọc xương. Gia đình, người thân và cả bản thân Diệu Thuần đã chờ điều tồi tệ nhất: Cái chết!
Vị giáo sư tâm huyết với ngành huyết học suốt cả cuộc đời làm nghề y.
Nhưng may mắn đã đến, khi Diệu Thuần được điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nơi có đội ngũ y, bác sĩ giàu tâm đức, giỏi chuyên môn. Đặc biệt, lại được sự chỉ đạo, quan tâm trực tiếp từ GS, TS, Anh hùng Lao động (AHLĐ) Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Sau rất nhiều phác đồ điều trị chưa thành công, nhưng với mong muốn tìm cho được biện pháp điều trị hữu hiệu nhất cho bệnh nhân, phương pháp ghép tế bào gốc được thực hiện. Tâm huyết, nỗ lực đó của đội ngũ bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, của GS, TS Nguyễn Anh Trí đã giúp cô gái trẻ hồi sinh kỳ diệu. Sau thành công của Diệu Thuần và nhiều ca ghép khác, tính đến nay, với phương pháp này, Viện đã giúp cho hàng trăm người bệnh cứu sống như Diệu Thuần, khi trung bình mỗi tháng, Viện tiến hành từ 4 đến 5 ca ghép tế bào gốc như vậy.
Mang lại sự sống cho người khác, nói thì đơn giản vậy, nhưng với Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí và tập thể Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, con đường đi đến những điều kỳ diệu trên là cả hành trình đằng đẵng 30 năm với những cống hiến lớn lao của các thế hệ tiền bối đặt nền móng vững chắc, với những sự hy sinh, tâm huyết của các thế hệ cha, anh và đồng nghiệp…
Riêng với, GS, TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, quá trình đến với nghề y và gắn bó với nghề là một câu chuyện dài, ở đó có sự nỗ lực không ngừng của bản thân; có niềm say mê, sự tâm huyết với trí tuệ uyên thâm của một nhà khoa học; có tình cảm yêu thương con người, có nỗi niềm đau đáu gắn với trách nhiệm của một công dân đất Việt… Câu chuyện về ông mang đến cho thế hệ trẻ hôm nay nhiều bài học đáng suy ngẫm và đáng học hỏi. GS Nguyễn Anh Trí đến với nghề y từ một tuổi thơ nghèo khó, bệnh tật ở vùng quê Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Ký ức trong ông không bao giờ phai về hình ảnh người cha kính yêu “vét” đến đồng tiền cuối cùng trong túi, đi bộ suốt đêm khuya lên huyện chỉ để mua cho con một quyển sách. Hình ảnh đó đã theo mãi bước đường học tập, trưởng thành của ông sau này. Đến với nghề cũng từ “một cái duyên”, “năm 18 tuổi, tôi bị một trận sốt rét ác tính nặng, suýt mất mạng. Trong lúc nằm viện, tôi được các y, bác sĩ Bệnh viện huyện Lệ Thủy chăm sóc tận tình. Mỗi lần tiêm, các cô y tá đều tươi cười nhắn nhủ: Sau này làm bác sĩ nhé! Năm 1976, tôi đãthi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội” – ông kể. Những lời nói đó, lời động viên, khích lệ đó như hằn sâu trong trí óc của ông để sự quyết tâm được đẩy đến tận cùng của sự nỗ lực. Đó là khi ông thi đỗ vào Trường Đại học y Hà Nội – một ngôi trường đáng mơ ước được vào của những người tâm huyết, say mê với ngành y.
Những năm tháng học tập dưới mái trường này, GS Nguyễn Anh Trí đã được học tập, rèn luyện trong một môi trường có nhiều người thầy giỏi, nổi tiếng, lại được rèn luyện trong ngành huyết học có cả lâm sàng và xét nghiệm, ông mau chóng trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp, GS Nguyễn Anh Trí về công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, làm việc tại Khoa Huyết học-Truyền máu và trực tiếp tham gia điều trị, nghiên cứu các bệnh về máu. Năm 2003, ông được điều về làm Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đúng vào thời điểm các căn bệnh về máu có xu hướng ngày càng tăng. “Trước đó, khi Viện Huyết học – Truyền máu còn thuộc Bệnh viện Bạch Mai thì mới chỉ có khoảng hơn 40 giường bệnh. Đến năm 2010, sau khi chuyển ra cơ sở mới, thường xuyên mỗi ngày Viện có gần 1000 bệnh nhân nội trú và quản lý gần 5000 bệnh nhân ngoại trú. Trong số các bệnh nhân mắc các bệnh về máu thì có đến 70% bệnh nhân mắc ung thư máu”, GS Nguyễn Anh Trí nhớ lại. Sự gia tăng “chóng mặt” này, theo GS Nguyễn Anh Trí, có hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là do hậu quả của chiến tranh khi phần lớn bệnh nhân mắc bệnh về máu đều có liên quan ít nhiều đến vấn đề di chứng của chất độc da cam và hàng loạt chất độc khác mà chiến tranh để lại trên đất nước ta; Thứ hai là do quá trình công nghiệp hóa chưa quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường sống. Một điều đau xót nữa là các bệnh nhân về máu thường phải điều trị dài ngày, nằm “dầm dề” nhiều ngày tại bệnh viện. Mà muốn điều trị được, ngoài chuyên môn của bác sĩ, các kỹ thuật y học hiện đại, thuốc men… còn đòi hỏi phải có nhiều thứ, trong đó có hai thứ rất đắt, rất tốn tiền nhưng nhiều khi có tiền cũng không mua được. Đó là máu và tế bào gốc.
Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng – một cuộc “cách mạng”
Thực trạng trên khiến GS Nguyễn Trí đau đáu, trăn trở đi tìm biện pháp chữa trị. Nhìn hàng trăm bệnh nhân vật vã chờ tử thần, trong khi lực bất tòng tâm, hàng loạt câu hỏi cứ ám ảnh ông. Để có thể cứu giúp được người bệnh, ngoài những phương pháp điều trị đang thực hiện, cần phải mở rộng những phương pháp mới mà quốc tế đang áp dụng. Phương pháp ghép tế bào gốc được GS Nguyễn Anh Trí và đội ngũ y, bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hướng đến như một mục tiêu mũi nhọn trong điều trị.
Dù bận rộn với vai trò làm quản lý nhưng Giáo sư, TS Nguyễn Anh Trí
luôn dành thời gian thăm khám bệnh nhân.
Về mặt khoa học, ghép tế bào gốc chỉ có hai cách là ghép tự thân và ghép đồng loài. Ghép tự thân là phương pháp lấy tế bào gốc của bệnh nhân để ghép lại cho chính họ song chỉ một số bệnh thực hiện được như ung thư hạch, đa u tủy xương, còn nhiều bệnh khác chỉ sau một thời gian sẽ tái phát vì tế bào gốc ấy đã tiềm ẩn bệnh. Để không bị tái phát thì chỉ có cách lấy tế bào gốc của người khác ghép cho bệnh nhân, tốt nhất là lấy từ anh chị em ruột thịt của họ. Tỷ lệ anh chị em có nguồn tế bào hòa hợp chiếm khoảng 25%. Nếu lấy từ người ngoài, khoảng 30.000 người mới có một trường hợp phù hợp, chi phí vô cùng tốn kém. Nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới vẫn có những lúc gặp thất bại.
Ở Việt Nam, năm 1995 ca ghép tế bào gốc đầu tiên được thực hiện. Trong khi đó, năm 2006, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương mới thực hiện ca ghép đầu tiên.
Xác định là đơn vị đi sau trong lĩnh vực này, bởi vậy phải tích cực, chủ động, bắt kịp nhanh những tiến bộ của thế giới. GS Nguyễn Anh Trí và các đồng nghiệp của ông đã tạo điều kiện, tổ chức nhiều đoàn cán bộ, y, bác sĩ đi học tập về phương pháp này tại các nước có lĩnh vực tế bào gốc phát triển như: Mỹ, Nhật, Úc… Đồng thời, tập trung vào việc nghiên cứu, triển khai áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc tại Viện. Cùng với đó, việc tạo lập nguồn tế bào gốc từ cộng đồng cũng được gấp rút thực hiện với quyết tâm hướng đến xây dựng hệ thống ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng, giúp các bệnh nhân bệnh máu có nhiều cơ hội được ghép tế bào gốc.
Những ý tưởng nhân văn của GS Nguyễn Anh Trí và tập thể Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ Y tế. Nhờ đó, ngân hàng tế bào gốc đã được chính thức ra đời. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận mẫu máu dây rốn và Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn của Viện đã lưu giữ được hơn 1.800 mẫu tế bào gốc có chất lượng. Trong số đó, đã có nhiều mẫu tế bào gốc phù hợp được sử dụng để ghép cho người bệnh. Đặc biệt, chỉ riêng trong năm 2015, từ ngân hàng này Viện đã tiến hành được 10 ca ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn, nâng tổng số ca ghép của viện lên gần 200 ca (tính từ ca ghép đầu tiên năm 2006 đến nay). Một dấu ấn quan trọng nhất, khẳng định bước đi đúng, hiệu quả trong việc thành lập ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng từ ý tưởng của GS Nguyễn Anh Trí đó là sự kiện Viện đã tiến hành thành công ca ghép từ tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân Hoàng Thị Thùy L., 28 tuổi vào ngày 30-12-2014. Thành công của ca ghép mở ra cơ hội cho biết bao bệnh nhân khác từ một ngân hàng đầy giá trị nhân văn này.
“Đó là những ngày vui sướng vô cùng đối với chúng tôi, vì sự kiện này đã mở ra một cuộc “cách mạng”, mở ra con đường “cải tử hoàn sinh” cho biết bao bệnh nhân ung thư máu. Đặc biệt, thời điểm đó, ngân hàng lưu trữ khoảng 1.100 đơn vị tế bào gốc, chúng tôi có 18 bệnh nhân đủ điều kiện để có thể ghép. Viện tiến hành lựa chọn từ hơn 1000 đơn vị này, kết quả đo chéo thật khả quan, có đến 17 người tìm được mẫu tế bào gốc phù hợp với mẫu tế bào gốc đang lưu trữ tại ngân hàng. Đó là một minh chứng cho hướng đi đúng và rất thành công từ ý tưởng xây dựng ngân hàng tế bào gốc của GS, Viện trưởng Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí”, TS Bạch Quốc Khánh chia sẻ.
Với công nghệ rất mới trong lĩnh vực ghép tế bào gốc từ cộng đồng, bình quân mỗi năm, Viện ghép được 50 ca. Cho đến nay, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thực hiện được gần 200 ca ghép tế bào gốc. Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã trở thành một trong những đơn vị thực hiện được nhiều ca ghép tế bào gốc nhất cả nước hiện nay. Với chất lượng thành công đạt hơn 75%. Năm 2016, Viện đang mở rộng gấp ba lần năm trước để có thể cứu chữa thêm nhiều bệnh nhân hơn.
Tạo ngân hàng máu cho toàn quốc
Với nhân cách lớn của một nhà khoa học luôn hướng về giá trị truyền thống, trên mỗi bước đường thành công của bản thân, GS, TS Nguyễn Anh Trí không bao giờ quên những đóng góp của các thế hệ đi trước, của những người đồng nghiệp tận tâm, luôn đồng hành, chung sức với Viện trong bước đường phát triển. GS Nguyễn Anh Trí cho biết: “Tôi không phải là người đầu tiên khởi xướng phong trào hiến máu nhân đạo. Những người đầu tiên là GS Bạch Quốc Tuyên, GS Đỗ Trung Phấn. Nhưng do nhận thức của người dân về hành động hiến máu lúc đó chưa tốt nên tôi suy nghĩ phải có những cuộc cách mạng để mọi người hiểu dần về việc hiến máu và để phong trào hiến máu nhân đạo mang tính toàn quốc, ý thức trách nhiệm cộng đồng được lan tỏa”.
Theo TS, bác sĩ Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa Vận động – Tổ chức hiến máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, thì “GS, TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí là người nhìn xa trông rộng, đã giúp ngành huyết học – truyền máu nước nhà thực hiện được những bước đi trước, đón đầu, cập nhật nhiều phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới cũng như những cách tổ chức dịch vụ truyền máu hay, hợp lý và hiệu quả ở Việt Nam”.
Từ năm 2008 đến 2015, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức thành công 8 kỳ “Lễ hội Xuân hồng” liên tiếp, vận động được hàng chục nghìn người hiến máu và đã tiếp nhận được hơn 100.000 đơn vị máu vào thời điểm ngay sau Tết cổ truyền, góp phần quan trọng trong cấp cứu bệnh nhân kịp thời.
Giáo sư, TS Nguyễn Anh Trí trực tiếp hiến máu trong lễ hội
“Chào Xuân Hồng 2016”.
Đến nay, “Lễ hội Xuân hồng” đã trở thành lễ hội được tổ chức trong phạm vi cả nước hằng năm, góp phần chấm dứt tình trạng thiếu máu sau Tết Nguyên đán trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, GS, TS Nguyễn Anh Trí cùng tập thể Viện còn đưa ra nhiều sáng kiến tổ chức triển khai nhiều chương trình hiến máu tình nguyện phù hợp, thông qua các hoạt động như: “Mỗi giọt máu – Một tấm lòng”; “Cuộc đi bộ vì phong trào hiến máu tình nguyện”; “Hành trình Trái tim Việt Nam”… hay các chương trình: “Giọt máu nghĩa tình”; “Giọt máu yêu thương”; “Trái tim tình nguyện”; “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu 14-6”, “Giọt hồng tri ân” hay phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức ngày Chủ nhật Đỏ… cũng như nhiều chương trình hiến máu tại cộng đồng như: “Mỗi xã, phường là một điểm hiến máu”, “Tuyến phố hiến máu”… nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về hiến máu tình nguyện. Do đó, hằng năm, số lượng đơn vị máu mà Viện tiếp nhận được luôn tăng cao hơn năm trước. Hiện nay, Viện cũng là một trong những ngân hàng máu lớn nhất cả nước, cung cấp nguồn máu cho hơn 150 bệnh viện tại hơn 25 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc.
Không chỉ hướng đến việc đảm bảo nguồn máu tại trung tâm, từ năm 2007, dưới sự chỉ đạo của GS Nguyễn Anh Trí, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương bắt đầu tiến hành khảo sát tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tiến tới xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chương trình đặc biệt ý nghĩa này đã chính thức được thực hiện vào năm 2011. Cho đến nay, chương trình đã thành công tại nhiều địa phương lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cùng đó, nhiều câu lạc bộ người hiến máu được thành lập, điển hình như câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm để phục vụ người bệnh trong cùng cộng đồng nhóm máu hiếm… Không ngừng đưa ra những ý tưởng mới trong việc nâng cao nhận thức, tăng tỷ lệ người dân tham gia hiến máu tình nguyện, hướng đến phát triển bền vững nguồn người hiến máu tình nguyện trên cả nước. Từ năm 2013 đến nay, Viện đã khởi xướng và tổ chức thành công chương trình “Hành trình Đỏ” vận động hiến máu xuyên Việt, góp phần mở rộng đối tượng và địa bàn hiến máu. Đồng thời, đây cũng là chương trình vô cùng ý nghĩa, góp phần truyền thông về bệnh tan máu bẩm sinh – một căn bệnh máu di truyền gầy ảnh hưởng lớn đến giống nòi. GS, TS Nguyễn Anh Trí cho biết: “Theo ước tính của Liên đoàn Thalassemia thế giới, ở Việt Nam có hơn 10 triệu người mang gien bệnh tan máu bẩm sinh, khoảng 20.000 bệnh nhân đang cần được điều trị”.
Với tâm huyết và trách nhiệm của công dân đất Việt, một nhà khoa học luôn hướng đến sự phát triển chung của chuyên khoa, cũng như sự lớn mạnh hơn nữa của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, xứng đáng là một đơn vị anh hùng như sự phong tặng của Nhà nước dành cho Viện vào năm 2015 vừa qua, GS. TS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí cho biết một số dự định phát triển trong tương lai của Viện, “hiện nay, chúng tôi đang đề nghị lên Trung ương tách Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ra làm hai đơn vị trực thuộc Bộ đó là: Bệnh viện Huyết học Việt Nam và Trung tâm Máu quốc gia.
Bên cạnh đó, GS Nguyễn Anh Trí cũng mong muốn, đề xuất hướng phát triển tiếp theo cho chuyên khoa Huyết học – Truyền máu như: Nhà nước cần tiếp tục có chính sách đầu tư, giải quyết những tồn tại, phát sinh; tháo gỡ các vấn đề chính sách, thuốc men, bảo hiểm y tế… Về lĩnh vực truyền máu, tuy đã phát triển nhưng chưa thực sự bền vững, vẫn còn những thời điểm thiếu máu xảy ra, trên bình diện chung lượng máu tiếp nhận được trên toàn quốc mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, trong khi máu luôn cần thường xuyên trong điều trị. Bởi vậy, phong trào hiến máu nhân đạo rất cần được tiếp tục đầu tư. Có như vậy, Việt Nam tin tưởng thành công với mục tiêu 100% hiến máu tình nguyện vào năm 2020”.
Với chặng đường 30 năm gắn bó với ngành, với nghề y cao quý trong niềm đam mê vô tận, từ tình yêu, sự tâm huyết và trách nhiệm lớn lao, khi nói về những thành công của GS, TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí và tập thể Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hôm nay, PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhận xét: “GS, TS Nguyễn Anh Trí là người viện trưởng tài năng, sáng tạo, tâm huyết và cống hiến nhiều công sức, trí tuệ đưa chuyên ngành huyết học – truyền máu phát triển ngang tầm với khu vực và thế giới”.
Đến nay, GS, TS Nguyễn Anh Trí đã hoàn thành hơn 250 công trình, đề tài khoa học, đào tạo được 25 tiến sĩ và 25 thạc sĩ. Năm 2015, ông còn được công nhận là Công dân ưu tú của Thủ đô…
Bài và ảnh: Hải Lý – Vương Thúy
Nguồn: www.qdnd.vn/ho-so-su-kien