Tôi đã được đọc nhiều bài viết về GS-TS Ngô Quý Châu, nhưng đến một ngày trung tuần tháng Bảy, qua bạn học thời phổ thông tôi mới có dịp gặp anh. Căn phòng dành cho Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thật khiêm tốn. Quanh chỗ anh ngồi tiếp khách ngoài bức tượng bán thân danh y Hải Thượng Lãn ông, chỉ có sách vở, tài liệu.
Biết tôi là người Bắc Giang, anh trò chuyện thật cởi mở. Anh kể cho tôi nghe về cái thời đi học đội mũ rơm ở nơi sơ tán gian khổ, thiếu đủ bề mà sao anh và các bạn vẫn say sưa học tập và học giỏi. Năm 1977, anh thi đỗ vào Đại học Y khoa Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp học tập, nghiên cứu chữa bệnh cho Nhân dân và giảng dạy đào tạo đội ngũ bác sĩ cho đất nước đến ngày nay.
GS-TS Ngô Quý Châu nhấp ngụm nước, quay sang nói với tôi: “Thế là tôi xa thị xã (bây giờ là TP Bắc Giang) đã gần 40 năm rồi đấy anh ạ. Càng đi tôi lại càng nhớ, càng thương yêu cái thị xã bụi đỏ một thời sau chiến tranh. TP Bắc Giang bây giờ khác xưa nhiều lắm. Nhà lá, nhà tranh không còn. Mỗi lần về quê thấy phố phường phát triển đổi mới, tôi tự hào lắm”.
Quê hương chính là nguồn động lực thôi thúc anh cố gắng học tập để xứng đáng với dòng họ Ngô, phường Mỹ Độ – dòng họ hiếu học có tiếng của đất Bắc Giang. Nhìn bảng thành tích học tập của Ngô Quý Châu, tôi hiểu anh xứng đáng là người con ưu tú của họ Ngô.
Năm 1983 anh tốt nghiệp Đại học Y loại giỏi, được dự thi vào học bác sĩ nội trú chuyên khoa I. Sau thời gian học tập, anh tốt nghiệp xuất sắc, được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Ba năm miệt mài nghiên cứu, năm 1992, anh đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Y khoa.
Từ tháng 9-1990 đến tháng 11-1999, anh là thực tập sinh và học tại các bệnh viện, trường đại học danh tiếng chuyên ngành về phổi của Pháp. Về nước năm 1999, với những kiến thức, kinh nghiệm học tập ở nước ngoài, đồng thời trên cương vị là giảng viên khoa Nội tổng hợp, Trường Đại học Y Hà Nội kiêm Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, GS-TS Ngô Quý Châu đã góp phần đào tạo hàng trăm bác sĩ chuyên khoa nội hô hấp và đào tạo, hướng dẫn hàng chục bác sĩ trở thành thạc sĩ, chuyên khoa I, II và tiến sĩ y khoa.
Anh còn viết hàng chục đầu sách cung cấp tài liệu cho việc học tập nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh hô hấp ở Việt Nam. Cuốn sách “Hen phế quản và dự phòng hen phế quản” của anh không chỉ giúp việc điều trị mà còn là những bài học quý cho công tác phổ biến phòng bệnh hen phế quản cho Nhân dân.
Cùng với nhiệm vụ giảng dạy ở đại học Y Hà Nội, anh còn trực tiếp làm thầy thuốc chữa bệnh ở bệnh viện tuyến một Bạch Mai. Anh bảo vừa làm thầy giáo, vừa làm bác sĩ chữa bệnh giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao hiểu biết thực tiễn, kết hợp giữa học và hành, từ đó tổng kết được kinh nghiệm quý, góp phần chữa bệnh hiệu quả hơn. Với tình hình bệnh tật ngày càng diễn biến phức tạp, người thầy thuốc không tích cực học tập nghiên cứu, tổng kết thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp trong và ngoài nước thì làm sao có thể làm tròn trách nhiệm chữa bệnh cho Nhân dân.
Anh tâm sự, mỗi khi nhìn người bệnh và gia đình vất vả, tá túc tạm bợ quanh bệnh viện, anh không khỏi buồn lòng, phải làm gì để giúp bà con đỡ vất vả khi phải ra Hà Nội chữa bệnh? Nặng tình với quê hương, GS-TS Ngô Quý Châu đã tận tình truyền đạt kiến thức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn khám, chữa bệnh cho hàng chục bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh cũng là người có công đầu giúp đào tạo chuyên khoa nội soi phế quản cho 7 bác sĩ của Bắc Giang. Đây chính là đội ngũ nòng cốt để Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng thành công, cho ra đời Khoa Hô hấp.
GS-TS Ngô Quý Châu còn luân phiên cử cán bộ có chuyên môn giỏi của Khoa Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai về trực tiếp giúp Khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nói về tấm lòng người thầy của mình, Thạc sĩ – bác sĩ Thân Trọng Hưng, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang cho biết: Nếu không có tấm lòng vì quê hương của GS-TS Ngô Quý Châu, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang chưa thể thành lập Khoa Hô hấp.
GS-TS Ngô Quý Châu không chỉ có công đầu trong đào tạo chuyên môn, mà còn giúp trang bị, sử dụng các máy móc, thiết bị chuyên dùng trong khám, chữa bệnh phổi, hen phế quản. Thời gian tới, GS-TS Ngô Quý Châu sẽ tiếp tục chuyển giao một số kỹ thuật mới về khám, chữa bệnh phổi cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trong câu chuyện anh cho rằng phòng bệnh là khâu quan trọng, phòng bệnh tốt vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm sức khoẻ. Với sự giúp đỡ tận tình của GS-TS Ngô Quý Châu, tỉnh ta đã triển khai thành công dự án phòng, chống bệnh phổi, tắc nghẽn mãn tính hen phế quản. Bắc Giang là một trong 6 tỉnh được thụ hưởng dự án, ngoài việc hướng dẫn truyền thông giáo dục sức khoẻ cho Nhân dân, GS-TS Ngô Quý Châu còn trực tiếp mở 22 lớp tập huấn cho 1.310 học viên, góp phần nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức cho cán bộ, nhân viên y tế các tuyến.
Dự án còn giúp thành lập câu lạc bộ hen phế quản tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang với 100 hội viên. Không chỉ có vậy, GS-TS Ngô Quý Châu còn cử y, bác sĩ về khám sàng lọc bệnh tắc nghẽn mãn tính hen phế quản ở 10 xã, 10 trường học cho hơn 5 nghìn người, đo chức năng hô hấp cho 540 người, khám phát hiện 188 bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 53 bệnh nhân hen phế quản.
Bằng những việc làm thiết thực, GS-TS Ngô Quý Châu mong muốn Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà hiểu biết để chủ động phòng bệnh, giảm số lượng bệnh nhân phải chữa bệnh vượt tuyến, bớt khó khăn cho người dân. Chia tay GS-TS Ngô Quý Châu, tôi thực sự kính phục ý chí học tập không ngừng nghỉ và tấm lòng gắn bó giúp đỡ quê hương tận tình, hiệu quả của anh.
Hoàng Tiến