GS Trần Văn Hà – Nghiệp Thú y và nghiệp báo

Chọn nghiệp Thú y

Ước mơ từ nhỏ của ông là sẽ trở thành bác sĩ chữa bệnh giúp người. Thế rồi, ở tuổi 20, ông lại phải đứng trước một sự lựa chọn ngặt nghèo. Tốt nghiệp Tú tài toàn phần về Toán học, ông thi đỗ vào cả hai trường: Đại học Y và Cao đẳng Thú y Đông Dương. Những đêm dằn vặt đến với ông khi phải lựa chọn học một trong hai trường.

Học Đại học Y khoa, mỗi khóa kéo dài 7 năm, mỗi tháng phải nộp 12 đồng học phí (hồi đó 1 tạ gạo trị giá 2 đồng bạc Đông Dương). Còn nếu học Thú y thì mỗi tháng được 25 đồng học bổng, thời gian học có 4 năm…

GS Trần Văn Hà (thứ 2 từ trái qua) ở Thái Nguyên
(Ảnh chụp năm 1995)

Song, mỗi khóa có trên 50 người thi về thú y, chính quyền Pháp chỉ tuyển chọn có 7 (3 cho Bắc Kỳ, 2 cho Trung Kỳ và 2 cho Nam Kỳ) vì trong 5 năm chỉ có 7 thú y sĩ Bắc – Trung – Nam về hưu. Những ngày đêm dằn vặt mình qua đi, Trần Văn Hà chọn nghiệp Thú y.

Đầu năm 1945, ông về tập sự tại Nam Định, dưới quyền của Trưởng ty là Thú y sĩ Tô Luận (sau này làm Trưởng ban Chăn nuôi Thú y và Trưởng ban Điều tra Côn trùng – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Biết Trần Văn Hà đã là cán bộ Việt Minh, Thú y sĩ Tô Luận ngầm nể trọng người thanh niên trẻ tuổi này. Trong một chuyến theo ông Tô Luận đi về xã Dịch Lễ, huyện Nam Trực, tiêm phòng dịch tả trâu bò, người Thú y tá đã cao tuổi tháp tùng, xưng hô với Trưởng ty là “quan đốc” đã đành. Với chàng thanh niên họ Trần, ông cũng cứ một điều là “quan đốc”, hai điều là “quan đốc”. Trần Văn Hà rất ngượng, phải nói: “Tôi còn trẻ, chưa tốt nghiệp mà, xin cứ gọi tôi bằng cậu, bằng anh”.

Hơn nửa thế kỷ sau, kể lại chuyện này, GS Trần Văn Hà nói: Nhưng trong lòng tôi cũng đã thinh thích… Đó là suy nghĩ thật lòng của ông, ông không giấu diếm, chính vì vậy, đôi ba cuộc được nghe ông trò chuyện, người viết bài này “kết” sự thẳng thắn đó.

Những kỷ niệm không bao giờ quên

“Trong cuộc đời sự nghiệp của mỗi người, thường có nhiều kỷ niệm buồn vui”. Ít ai biết rằng, GS.Trần Văn Hà gắn bó với báo chí từ lâu. Ông từng tham gia ứng cử bổ sung vào Quốc hội khóa đầu tiên tại tỉnh Nam Định (1946). Cuộc phỏng vấn ông trên báo chí còn đến hôm nay sau tròn 70 năm. Ông lại từng làm Chủ bút Tập san Canh Nông trong kháng chiến chống Pháp. Tờ báo chuyên môn của ngành Nông nghiệp. Vừa làm công tác quản lý ở Bộ – Trưởng phòng Chăn nuôi Thú y, vừa làm công tác quản lý tập san, ông vẫn đều viết các bài phổ biến kiến thức khoa học phòng chống và điều trị các dịch bệnh trong chăn nuôi: bệnh thương hàn, bệnh tụ huyết trùng…

GS Trần Văn Hà và các cán bộ vào thăm những
gia đình làm kinh tế VAC ở nông thôn Việt Nam.

Dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Báo NNVN, tiếc rằng thời tiết biến động, ông mệt nên cuộc trò chuyện ông định dành cho tôi về những ngày làm tập san như đã hẹn đành phải hủy. Những đêm dằn vặt để rồi từ bỏ Y khoa mà chọn nghề Thú y. Ông kể thêm rằng, lòng yêu nghề Thú y cứ đến dần với ông qua các đợt chống dịch gay go, nguy hiểm. Chống dịch tụ huyết trùng trâu bò ở xã Thượng Lâm, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, ông phải đi bộ 150 km.

“Cũng trong thời gian này, Bộ đã cử anh Trần Văn Hà lên chỉ đạo và giúp đỡ Ty thực hiện nhiều biện pháp chống dịch có hiệu quả. Anh Hà được cán bộ và nhân dân địa phương rất kính mến do sự chỉ đạo rất sáng suốt, giúp cán bộ vượt được các khó khăn, vướng mắc, thái độ lại thân tình, cởi mở và có lòng yêu thương cán bộ như một người anh cả”.

Vũ Đình Trình – nguyên Trưởng ty Thú ngư tỉnh Yên Bái.

“Mỗi ngày chỉ đi được khoảng 20 km, vì lưng đeo ba lô, vòng quanh bụng một con “rắn gạo”, vai đeo bu gà đựng các chai vacxin có lót rơm. Lúc đầu đi nhanh, sau chậm dần. Mệt và quạnh hiu, suối, rừng… rừng, suối, một tay chống ba-toong, một tay cầm quyển Kiều… Lại còn phải trèo đèo Ái Au 30 km, vượt cổng trời cao mới vào được đến xã Thượng Lâm… Bà con dân tộc chân thành, rất quý người đến giúp họ… Tôi hết mọi mệt mỏi, chỉ còn lại những kỷ niệm không bao giờ quên”, GS Trần Văn Hà kể.
 
Năm sau, ông được Bộ cử sang Yên Bái hỗ trợ cho tỉnh này chống nạn dịch tả trâu bò lan rộng chưa từng thấy ra nhiều huyện. “Tôi cùng anh Vũ Đình Trình, Trưởng ty Thú ngư Yên Bái trải qua nhiều ngày khủng khiếp tại các ổ dịch Lục Yên châu. Nhiều lúc chúng tôi phải sống trong những gia đình có 6 con trâu, có 12 con trâu đều chết dịch hết. Chủ nhà cứ nằm dài thượt trên sàn nhà, u sầu nhìn những mả trâu của mình đắp ngay trên ruộng mình. Nhưng rồi dịch được dập tắt theo chương trình đã đề ra. Tôi và anh Vũ Đình Trình trở thành đôi bạn thân thiết từ hồi đó. Tôi được Bộ khen thưởng và cử đi báo cáo rút kinh nghiệm chống dịch tại Liên khu Việt Bắc, tại Thái Nguyên, Phú Thọ”.

“Thất bại là mẹ thành công”

Không phải chỉ có vinh quang, cuộc đời làm khoa học của ông còn có những thất bại. Thậm chí là thất bại cay đắng. “Thất bại là mẹ thành công”. Phải biết nhìn thẳng vào thất bại để rút ra bài học kinh nghiệm, không bao giờ dẫm lại những sai lầm. Tuổi thanh niên, ông đã gặp “quả đắng” như vậy.

Đó là thất bại cay đắng của ông ở xã Giếng Tanh, tỉnh Tuyên Quang, khi giúp đồng bào Cao Lan làm chuồng trâu riêng xa nhà có hố phân. Vậy mà, rút cục cả xã bỏ làng vào rừng xây dựng làng mới. Chỉ vì chủ quan không chịu bàn kỹ với dân, xoay chuồng rồi xoay nhà, động chạm đến phong tục, tín ngưỡng của địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê bình Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang. Trưởng ban Canh nông tỉnh Trần Văn Hà cũng nghiêm khắc tự kiểm điểm bản thân mình. Đó là bài học ông nhớ suốt đời.

Từ thất bại ở xã Giếng Tanh, tỉnh Tuyên Quang, ông đã rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng thành công mô hình thú y xã tại Quảng Hải (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) thời kỳ 1956 – 1961.

GS Trần Văn Hà chụp ảnh chung với đồng nghiệp tại Hà Nội năm 2015

Thanh Hóa có câu “Nhất Xương nhì Gia”, nghèo nhất là huyện Quảng Xương, thứ đến là huyện Tĩnh Gia. Quảng Hải lại là xã nghèo nhất của huyện Quảng Xương. Khi ông về, nạn dịch đóng dấu đang hoành hành. Bà con địa phương vô cùng lo sợ, gọi đó là “dịch hổ lang”. Mỗi ngày “hổ lang” cướp đi khoảng chục con lợn. Hồi đó, dân Quảng Hải vẫn còn mê tín. Chuồng lợn nào cũng có treo “váy” đàn bà và một nắm cây xương rồng để chống “dịch quan ôn”. Bàn bạc xong, ông quyết tâm dựa hẳn vào Bí thư Đảng ủy Đới Sĩ Dòng. Ông Đới Sĩ Dòng là người nhiệt tình; tiếp thu mau khoa học kỹ thuật, được bà con quý mến. Cùng với ông Dòng, còn có bà Nhâm phụ trách phụ nữ, cô Nụ phụ trách thanh niên, cố Lự – người chăn nuôi giỏi (sau này được bầu là Chiến sĩ thi đua). Họ đã cùng nhau hoạch định cả một kế hoạch khẩn cấp trước mắt và lâu dài.

Dịch đóng dấu lợn được dập tắt nhanh chóng trước sự hoan hỉ của xóm làng. Tiếp đó, từng đợt phong trào quần chúng nối tiếp nhau làm chuồng hai bậc để cắt đứt sự tiếp xúc của lợn với vi trùng đóng dấu còn sống lâu trong đất. Rồi phát động phong trào nuôi thêm lợn: nhà nào chưa nuôi thì nuôi 1-2 con, nhà nào đã nuôi 1-2 con thì nuôi 3-4 con.

Tiếng lành đồn xa. Từ một xã điển hình về thú y, Quảng Hải thành một xã điển hình về chăn nuôi lợn giỏi, điển hình về tăng năng suất lúa, khoai. Quảng Hải trở thành xã điển hình về văn hóa và trật tự an ninh xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Bác Hồ, với bút danh Trần Lực đã viết bài khuyến khích các xã miền Bắc noi gương Quảng Hải, đăng trên báo Nhân Dân tháng 8/1961.

GS Trần Văn Hà, sinh năm 1921, quê làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Các chức vụ công tác đã đảm nhiệm: Trưởng ty Thú y – Mục súc – Ngư nghiệp tỉnh Tuyên Quang (4/1947), một năm sau kiêm chức Trưởng ban Canh nông tỉnh Tuyên Quang (1948). Trưởng phòng Chăn nuôi Thú y – Vụ Sản xuất Nông nghiệp, Bộ Canh nông (1948); Vụ phó phụ trách chuyên môn Vụ Chăn nuôi – Bộ Nông lâm (1956); Cục trưởng đầu tiên Cục Thú y – Bộ Nông lâm (1966); Cục trưởng Cục Chăn nuôi (1967); Tổng cục trưởng Tổng cục Chăn nuôi – Thú y (Bộ Nông nghiệp). Tốt nghiệp Trường Đại học Thú y Đông Dương khóa 1942-1945; năm 1980, ông Trần Văn Hà được Nhà nước phong học hàm Giáo sư chuyên ngành Thú y đợt đầu tiên (cùng GS Trịnh Văn Thịnh).

Kiều Mai Sơn
Nguồn: http://nongnghiep.vn/