Năm 1952, sau khi học xong chương trình của trường Dự bị Đại học tại Nghệ An do các thầy giáo nổi tiếng như Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thúc Hào, Phó Đức Tố… giảng dạy, Nguyễn Văn Ba ra Cầu Kè, Thanh Hóa học lớp Sư phạm Cao cấp. Học tại đây được 4 tháng thì Nguyễn Văn Ba về dạy tại trường cấp III huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Giải phóng Thủ đô năm 1954, ông khăn gói ra Hà Nội thực hiện khát vọng vươn tới chân trời khoa học. Với ít chục bạc do gia đình chu cấp, ông xin vào học lớp Toán học đại cương tại trường Đại học Khoa học, dưới sự chỉ dạy của thầy Khúc Ngọc Khảm, thầy Nguyễn Hoàng Phương. Để có tiền trang trải cho việc học và cuộc sống thường ngày, ông còn xin dạy học ở các trường tư thục…..
Theo PGS Nguyễn Văn Ba, năm 1955, ông tốt nghiệp Toán học đại cương với kết quả cao. Lúc này do yêu thích về kỹ thuật nên ông đã chủ động xin đi dạy ở trường Kỹ thuật trung cấp II, Hà Nội. Năm 1956, trường Đại học Bách khoa thành lập thì đến năm 1957 ông thi vào chuyên ngành Điện trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sau hai năm học đại học, năm 1959, ông được nhà trường phân công về công tác trong bộ môn Toán của trường. Ông là cán bộ giảng dạy, sau là Tổ phó bộ môn. Nhớ lại những kỷ niệm ấy, PGS.TS Nguyễn Văn Ba nói: Thỏa nỗi mong ước mới được hai năm, đang hào hứng học tập với chức vụ Phân hội trưởng (như lớp trưởng ngày nay) và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam, thì đùng một cái nhà trường điều tôi gia nhập bộ môn Toán của trường[1].
Bộ môn Toán, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Giảng viên Nguyễn Văn Ba (hàng đứng trước, thứ 2 từ trái)
Ông cho biết, bộ môn Toán lúc đầu vốn chỉ có 13 cán bộ tốt nghiệp từ trường Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội, đến năm 1959 ông Nguyễn Văn Ba và một số được tuyển chọn thì số lượng lên đến 29 giảng viên. Vì số thành viên mới không ai được đào tạo bài bản về Toán nên việc đào tạo cấp tốc để có thể đứng lớp là công việc hàng đầu và trọng tâm lúc bấy giờ. Cùng với sự giúp đỡ của những giảng viên cũ, giảng viên trẻ Nguyễn Văn Ba cùng các giảng viên mới phải nỗ lực tự học. Trước những nhiệm vụ nặng nề và cấp bách đó, bộ môn Toán còn phải khẩn trương xây dựng bộ giáo trình Toán cao cấp chuẩn để có thể sử dụng lâu dài và bảo đảm về chất lượng giảng dạy. Khi đảm nhiệm Tổ trưởng công đoàn, Nguyễn Văn Ba đã đề xuất bộ môn đăng ký xây dựng Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa nhằm động viên sức phấn đấu vươn lên của mỗi thành viên trong đơn vị. Nhà trường rất bất ngờ với đề nghị này bởi việc thi đua theo hình mẫu trên thường diễn ra ở những nơi sản xuất, còn trong ngành giáo dục thì chưa áp dụng. Để giải quyết tình huống này, trường đã đề nghị bộ môn Toán cùng với bộ môn Cầu đường xây dựng Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa. Giảng viên của bộ môn đã nói vui với nhau rằng Giờ thì đã cưỡi hổ rồi, không thể xuống được nữa[2]. Các giảng viên hăng hái công tác, tham gia lao động giúp các hợp tác xã ngoại thành gặt lúa, làm triển lãm, làm mô hình giảng dạy, tham gia hội chợ ở Bờ Hồ…Bên cạnh đó, nhiệm vụ chính cũng đã được đẩy mạnh như hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, xây dựng giáo trình cơ sở, không ngừng nâng cao trình độ cán bộ giảng viên. Ông Nguyễn Văn Ba và các đồng nghiệp tham gia sôi nổi vào các phong trào nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, như ở Bộ Lương thực với đề tài Quy hoạch hệ thống nhà máy xay, nhà kho ở đồng bằng sông Hồng (sử dụng các phương pháp tối ưu hóa để tính toán rút ngắn quá trình vận chuyển lương thực của một Công ty Lương thực ở tỉnh Hải Dương); ở công ty Than Hòn Gai với đề tài Dự báo nhu cầu khai thác và tiêu thụ than; ở Bộ Điện – Than với đề tài Dự báo chiến lược 10 năm …
Trong thời gian khoảng năm 1962-1963, khi các trang thiết bị giảng dạy còn thiếu thốn, ông Nguyễn Văn Ba cùng đồng nghiệp với sự sáng tạo của mình đã chế tạo các mô hình hình học giải tích bằng nan thép. Những kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tế đã chứng minh được rằng Toán học có vai trò rất lớn trong nghiên cứu và là tiền đề để thành lập các ngành Toán ứng dụng sau này. Với những thành tích đã đạt được, năm 1963 Bộ môn Toán, trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong 3 đơn vị của cả nước vinh dự được nhận danh hiệu Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Giảng viên Nguyễn Văn Ba (trái) cùng đồng nghiệp làm mô hình giảng dạy
Từ năm 1965-1969, khi chiến tranh phá hoại diễn ra ác liệt ở miền Bắc, trường Đại học Bách khoa Hà Nội phân thành nhiều bộ phận sơ tán về Hưng Yên, Hà Bắc, Lạng Sơn. Tại nơi sơ tán, thầy trò cùng san đất xây dựng lán trại làm chỗ ăn, ở, học tập. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng thầy trò vẫn đảm bảo được chất lượng dạy và học.
Từ một sinh viên được đào tạo 2 năm ngành kỹ thuật, với ý chí tự học, tự bồi đắp kiến thức cho mình, ông đã trở thành giảng viên môn khoa học cơ bản với bước đi ban đầu đầy khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng đã cùng đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Và cái thuở ban đầu gian khó ấy vẫn để lại trong ký ức PGS.TS Nguyễn Văn Ba những kỷ niệm đẹp khó phai.
Nguyễn Thị Phương Thúy