Chuyến goòng đêm

Cuối năm 1949[1] sân ga Diêu Trì lạ thật, sao năm nào vào cuối năm mình cũng lại lên đường xuôi ngược? Những ngày tháng tận năm cùng này, lẽ ra mình phải ở nhà, ra vườn sau tìm bụi tre già đốn lấy gốc tre khô để sửa soạn nấu bánh tét, bánh chưng đón Tết, thì đang ở đây, trong bộ quần áo Sita xanh mỏng, sửa soạn lên đường! Nhà ga Diêu Trì đã bị phá hoại, nhằm làm vườn không nhà trống từ vài năm trước. Ôi ga Diêu Trì, ga Diêu Trì, một nhà ga vào bậc nhất Đông Dương, khánh thành vào quãng năm 1932! Còn nhớ, ngày lên 7,8 tuổi khi Cha[2] còn sống, được cùng Cha lên xem nhà ga xây dựng sắp hoàn thành… Ga Diêu Trì nơi ghi nhận biết bao niềm vui, nỗi buồn qua các cuộc đón đưa người thân, rồi qua những chuyến tàu Diêu Trì – Qui Nhơn (11 cây số) đi học trường Qui Nhơn (1932 – 1943).

Trên nền nhà ga cũ, được cất lên một ngôi nhà con vách đất mái tranh, bốn phía gió lùa. Trên đường sắt, chiếc xe goòng đêm nay sẽ đưa hành khách đi quãng đường Diêu Trì – La Hai (58 cây số) qua 3 ga nhỏ Tân Vinh, Vân Canh, Phước Lãnh. Dưới làn mưa bụi, một toa xe cũ kỹ, sơn xanh tróc nước, đứng câm lặng, đợi chờ. Đó là cách đi lại thuận tiện trên đường sắt còn lại, trên một quãng đường ngót 60 cây số. Khách đi goòng độ vài chục người, đứng quanh trong một thái độ đợi chờ người quen thuộc. Sáu giờ chiều, trời mùa đông tối sập nhanh. Mưa lớp lớp chăng màn mờ che dẫy núi Hùng Vồ trước mặt.

Hùng Vồ (còn gọi là Ông Vồ, Hùm Vồ..), dẫy núi của những ngày thơ ấu, của suối đá cao chập chùng của ngôi chùa cổ Diêu Phong, mà tiếng còi xe lửa hú vang các năm tháng qua như hãy còn đọng lại trong từng khe đá!). Từ cánh đồng Ngọc Thạnh, Thanh Huy, Dương An phía Tây, gió từng cơn qua thung lũng tràn về.

Một trang trong Hồi ký “Một thời để nhớ”

Như một chiếc tàu hỏa không có đầu máy, chạy bằng sức người, cái xe goòng này thực sự là toa xe lửa cũ, cũng có còi, đèn hiệu … đàng hoàng. Goòng rời ga, lọc cọc bên đường hướng về Nam. Nền ga Diêu Trì lùi lại sau biến dần theo màn mưa bao la. Sáu người đẩy goòng thay phiên nhau, chạy thoăn thoắt trên đường sắt bóng loáng ánh mưa. Họ chia làm hai hàng, hàng sau đẩy vào một đoạn ray nằm ngang đóng phía sau goòng. Khí lạnh căm căm đêm cuối năm làm họ cúi mặt, thỉnh thoảng lấy tay gạt nước mưa, sột soạt trong những tấm tơi lá khoác lưng. Để quên mệt, vừa đẩy, họ vừa trò chuyện to, tiếng nói cười át tiếng bánh xe sắt lăn trên đường. Thỉnh thoảng, có những người mỏi chân tay, họ thay nhau nhảy lên nghỉ trên bục goòng. Lòng goòng chật, hai dãy ghế gỗ cũ hai bên để ngồi, mọi người xúm xít vào nhau cho ấm. Vang lên trong ánh sáng đỏ quạch một ngọn đèn bão lung lay nóc goòng những câu chuyện không đầu không đuôi của những vùng gần xa trong những ngày cuối của năm thứ ba của nước vào cuộc chiến…

 Trong bóng lờ mờ, vang lên một câu hò:

 Bình Định có đá Vọng Phu

Có đầm Thị Nai, có Cù Lao Xanh

 Ai về Bình Định cùng anh,

Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa.

 … Và, như để đáp lại, bên dẫy ghế đối diện, một giọng nữ hò lên câu đối đáp:

 Hòn nữ đóng rong

 Vì dòng nước chảy.

 Hòn đá bạc đầu

 Vì bởi sương sa.

 Em thương anh không dám nói ra,

 Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời!

 Sợ dạ anh có biết đổi dời,

 Sợ vùng mây bạc trên trời mau tan!

…À, ra thế đó! Thế mới là gái Bình Định, đúng như:

  “ Ai về Bình Định mà coi,

 Con gái Bình Định múa roi, đi quyền!” *

… Goòng theo đường sắt, lao nhanh qua những dốc dài, giữa ngút ngàn đồi cỏ tranh. Càng về khuya, càng rét. Goòng lướt qua một vài ga nhỏ, với cái tên gợi nhớ : Diêu Trì – Vân Canh – Tân Vinh – Quang Hiển, Mục Thịnh, Phước Lãnh, La Hai.

La Hai đây rồi. Những nếp nhà nhỏ, sơ sài tranh lá, chỉ là ga tạm, bơ vơ giữa những vạt đất trồng sắn “tăng gia sản xuất”, một ngọn đèn đỏ quạch trong cái lồng gương giơ lên hạ xuống, đó là nhà ga. Khuya lốm đốm ánh đèn dầu soi lờ mờ ga cuối đoạn đường goòng độ 60 cây số, vết tích hiếm hoi của con đường sắt xuyên qua đất nước, từ Sài Gòn ra Hà Nội nay chỉ còn đoạn đường này cùng một vài đoạn khác hiếm hoi! Ánh đèn soi tốp người lao xao, lủng lẳng trên quầy cơm treo vài con gà đã thịt; trên bàn nứa đan, vài đĩa cà chua điểm xâu ớt đỏ…, đấy là cuộc sống, ấm cúng, yên dạ, sau một đêm goòng mưa rét…

GS Đặng Hiếu Trưng

Nguyên Chủ nhiệm Khoa Tai – Mũi – Họng Viện Quân y 108

[1] Khi đó, Đặng Hiếu Trưng giữ chức vụ Phó Đội trưởng Đội điều trị 1, Cục Quân y, Bộ Quốc phòng.

[2] Cụ Đặng Thành Giáo. 

* Roi = côn để múa, đánh võ. Không phải cái roi thường, roi mây, như có người lầm!