“Tiến sĩ vắc- xin”… với Tết

Lắng nghe chị bộc bạch những điều cảm nhận về cuộc sống, về mùa xuân, về tình đời vẫn thấy ẩn hiện trong đó nhiệt huyết của nhà khoa học yêu nghề, say nghề, người đã làm nên bước đột phá và là niềm tự hào của ngành sản xuất vắc – xin Việt Nam…

Tết – Khoảng thời gian ý nghĩa
 
Nhiều người phụ nữ khác, khi nghe tôi hỏi cảm xúc và tâm trạng đón Tết thường chia sẻ về những nỗi lo, nỗi sợ Tết. Còn chị, chị đặc biệt vui vẻ, xốn xang trải lòng: “Tết là khoảng thời gian thú vị nhất trong năm của mình.” Và câu chuyện của người bận rộn, quanh năm gắn bó công việc nghiên cứu khoa học, với phòng thí nghiệm đã lý giải vì sao chị lại thích Tết đến thế. 

 GS.TS Lê Thị Luân

“Tết là dịp có nhiều thời gian dành cho gia đình. Khoảng thời gian duy nhất trong năm mình có thể dứt công việc ra, ngoài bố mẹ, anh em ruột thịt, mình có thể quan tâm được tới hết anh em họ hàng, gần xa. Ngày thường thì không làm được.”
 
11 năm rồi lẻ bóng, khi người chồng thân yêu mất đi, chị phải vượt lên những hụt hẫng, mất mát tình cảm và khuyết thiếu vai trò trụ cột của anh nhưng cũng nhờ vậy mà chị vững vàng, bản lĩnh hơn. Chị bảo: “Cái gì đã qua thì không thể trở lại, cái gì đã mất cũng không thể lấy lại. Mong muốn những điều không có thật làm gì? Phụ nữ có nhiều cái thiệt thòi. Nhưng nếu cứ quẩn quanh với những ý nghĩ về sự thiệt thòi thì sẽ không làm được điều gì hết. Mình còn nhiều việc phải làm, công việc đang đợi phía trước, còn hai bên bố mẹ, các con….
 
Những người ruột thịt cần biết bao được bù đắp tình cảm, cần được quan tâm, động viên ….thế nên cũng chẳng còn lý do hay mất thời gian vô ích cho buồn phiền.”

Có lẽ tác phong khoa học luôn nhìn sự việc theo nhiều góc độ và cách nghĩ cách sống luôn vì người khác của chị đã ngấm vào cả trong công việc và đời sống hàng ngày. Tết năm nào chị cũng phải trực lãnh đạo thì hầu như năm nào chị cũng xung phong nhận trực ngày ba mươi. Ngày cuối năm tất bật và quan trọng nhất, chị nhận để anh em quản lý có điều kiện thể hiện trách nhiệm với gia đình.
 
Còn chị sau khi dọn dẹp, sắm sanh, thực hiện hết những nghi lễ ở ngôi nhà nhỏ chị về quê ăn tết với đại gia đình của mình. Tết là dịp đoàn tụ gia đình, nhưng mấy năm nay với tổ ấm nhỏ của chị thì lại khác, con gái và con trai chị đều đang du học ở Đức nên thường các cháu chỉ về với mẹ vào dịp hè. 

Hai con chị Luân tại Đức

Chị giãi bày: “Niềm hạnh phúc của mình là con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang bố mẹ hai bên vẫn còn song toàn. Cả hai nhà nội, ngoại cùng ở một làng (xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), chồng mình từng là bạn học của anh trai …. Chính mối quan hệ tình làng nghĩa xóm và mối quen biết thâm tình ấy đã khiến mối quan hệ bốn họ sau này càng thêm đậm đà, gắn kết.”
 
Chia sẻ cảm thức của mình về mùa xuân, GS-TS Lê Thị Luân bảo rằng: Thích nhất là ngày đầu năm rạng rỡ, được tự tay cắm bình hoa tươi, sửa soạn một mâm cỗ tươm tất cùng bố mẹ cúng dâng tổ tiên, ông bà với những món ăn cổ truyền được chế biến công phu. Hoặc làm những món ăn nhẹ nhàng, đủ dinh dưỡng nhưng dễ tiêu hoá như bún, lẩu, sa lát….
 
Chỉ có Tết mới được sống một nhịp điệu thư thái, chậm rãi. Sau khi đi thăm, chúc tết được hết lượt họ hàng, là đi vãng cảnh lễ chùa. Tâm trạng nhờ vậy trở nên nhẹ nhõm cân bằng, mọi vội vã chộn rộn ngày thường như lắng lại.
 
Ngày Tết, về quê được gặp lại bao nhiêu bạn bè. Dịp này vui lắm, các bạn học thời phổ thông thường tổ chức họp lớp luôn. Bao kỷ niệm thời hoa niên bừng sống dậy, đám bạn học đã lên ông lên bà cả rồi mà vẫn tíu tít túm lấy nhau, chuyện trò rôm rả, chẳng có khoảng cách nào.

Vì triệu triệu trẻ thơ 
 
Với điều tâm niệm trong lòng “mình có bằng bác sĩ nội nhi, giờ theo học vi sinh thì càng hiểu rõ hơn nguyên nhân gây bệnh cho trẻ để có thêm các phương án điều trị cho trẻ tốt hơn” – GS.TS Lê Thị Luân bắt đầu một quá trình miệt mài nghiên cứu về vắc – xin theo ngả rẽ của “định mệnh” sau khi thi đỗ bác sĩ nội trú, lại “được” phân vào học chuyên ngành vi sinh.

GS.TS Lê Thị Luân trong phòng thí nghiệm

Trong suốt 24 năm công tác tại Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccin và Sinh phẩm y tế (được tách ra từ Viện Vệ sinh dịch tễ TW), chị luôn làm bạn với chiếc kính hiển vi, với phòng thí nghiệm và những mẫu bệnh phẩm.
 
Luôn xác định rõ ràng, người bác sĩ y học dự phòng, đặc biệt là chuyên ngành nghiên cứu, sản xuất vắc – xin không phải đối mặt với những ca bệnh khó của bệnh nhân nhưng lại phải đối mặt với sức khỏe của hàng triệu người dân, nhất là các em nhỏ khi sử dụng vắc – xin nên trong công việc chị cực kỳ trách nhiệm và nghiêm cẩn. Và chị cũng luôn coi đó là động lực cùng đồng nghiệp say mê nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm hiệu quả cho cộng đồng.
 
Đề tài “nghiên cứu vắc -xin Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em”, rồi sau đó là Công trình khoa học cấp Nhà nước về “Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc-xin Rotavin-M1 sống giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam” gắn liền với tên tuổi của GS.TS Lê Thị Luân được chị và các đông nghiệp thực hiện trong suốt 18 năm. Trong hành trình đó đã có không ít những niềm vui của sự thành công, cả những giọt nước mắt thất bại, những tâm trạng bất an, lo lắng và bao đêm dài mất ngủ.
 
Chị Luân và các đồng nghiệp đã tạo được một hệ thống chủng giống virus Rota, nguyên liệu quan trọng nhất cho sản xuất vắc- xin Rota. Sản phẩm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên tại Việt Nam đã chủ động tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vắc- xin cập nhật quốc tế mà không cần phải đợi chuyển giao công nghệ và nhập ngoại.
 
Vắc- xin Rota đã được sản xuất thành công và đưa ra thị trường Việt Nam sử dụng từ tháng 8/2012. Trong quá trình sử dụng chưa có trường hợp nào gặp vấn đề bất thường về an toàn vắc – xin.Trên thị trường, giá bán vắc- xin Rota do Việt Nam sản xuất chỉ bằng một phần ba giá nhập ngoại. 
 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Phạm Thanh Hà- Phó TGĐ Vietcombank – trao giải công trình đầu tiên đạt giải Nhân tài Đất Việt 2014 trong lĩnh vực Y Dược cho GS.TS Lê Thị Luân.

Đây không chỉ là thành công vang dội của GS-TS Lê Thị Luân mà là thành tựu to lớn ngành y học, ghi danh Việt Nam là nước thứ hai của châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc- xin Rota.
 
Theo tính toán, với thành công của GS Luân cùng các đồng sự, nước ta sẽ giảm 5.300-6.800 ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ, giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virus Rota. Mỗi năm, với hiệu quả xã hội và kinh tế rất cao, sản phẩm vắc – xin Rota made in Việt Nam sẽ tiết kiệm được 5,3 triệu đô la Mỹ.
 
Không chỉ thành công với vắc xin Rota, TS Lê Thị Luân cũng tham gia nghiên cứu sản xuất vắc xin IPVs, nghiên cứu sản xuất vắc- xin Sởi, nghiên cứu sản xuất vắc xin H1N1 trên tế bào vero.
 
Hiện tại, chị đang tham gia cùng lúc ba đề tài nghiên cứu quan trọng, gồm nghiên cứu vắc- xin bại liệt bất hoạt (để phòng và giải quyết giai đoạn sau của thanh toán bại liệt), vắc- xin tay chân miệng, vắc-xin đa giá. Hy vọng, trong tương lai không xa, sẽ có thêm nhiều sản phẩm vắc – xin “Made in Vietnam” ra đời, bảo đảm sự sống cho hàng triệu trẻ em.
 
Công việc của chị bận rộn bởi chị không chỉ là một bác sĩ, một nhà khoa học, chị còn là một giảng viên kiêm nhiệm ở nhiều cơ sở đào tạo như Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Viện Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội, Viện ĐH Mở Hà Nội.
 
Chị đã có 95 bài viết đăng tải trên những tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Chị đã và đang tham gia viết được 10 cuốn sách với vai trò tác giả và đồng tác giả gồm 1 sách chuyên khảo, 1 sách giáo trình; 8 sách tham khảo và tham gia công tác xây dựng Dược điển Việt Nam.
 
Mong muốn cháy bỏng của “tiến sĩ vắc – xin” là những kiến thức mà mình tích lũy được trong quá trình nghiên cứu khoa học sẽ giúp được ít nhiều cho những người có cùng niềm đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh.

GS.TS BS Lê Thị Luân sinh năm 1962, quê ở xã Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Chị tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội năm 1986, tốt nghiệp bác sỹ nội trú vi sinh học ĐH Y Hà Nội năm 1989, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1997. Chị hiện là Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc- xin và Sinh phẩm y tế. Chị được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013, giải thưởng lớn, có ý nghĩa quốc tế tôn vinh các tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế – xã hội, được ứng dụng trong thực tiễn của Việt Nam.

Năm 2014, TS Lê Thị Luân được trao Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, giải thưởng lần đầu tiên được trao cho lĩnh vực Y-Dược.


Kỳ Vũ

Nguồn: www.giaoducthoidai.vn