Có thể với người dân bình thường khi nghe thấy tên tuổi Giáo sư Phạm Gia Khải nhiều người không biết ông là ai, nhưng với giới chuyên môn thì ông là một chuyên gia đầu ngành, gắn liền với những thành tựu của ngành Tim mạch học Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực Tim mạch học can thiệp. Mà cũng phải thôi, ông đâu có gì để rùm beng… Mấy bài ông viết, rồi ông trả lời phỏng vấn cũng đều là công việc chuyên môn, đâu có xôn xao dư luận như mấy tin “sock, sến” đầy rẫy trong xã hội hiện nay.
Ông là như vậy đó, tâm huyết vô cùng, tâm huyết đến không thể cân đong đo đếm được. Giáo sư Phạm Gia Khải là một trong số chuyên gia đầu ngành về tim mạch, nhưng cuộc đời ông lại vô cùng giản dị. Là một bác sĩ với kinh nghiệm lâu năm, ông thường được mời đi đây đi đó, và cứ khi nào có việc thì ông lại đem toàn bộ sức lực của một người cao tuổi cộng với cái tâm của người thầy thuốc để cố gắng giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Khi còn trẻ, tôi đã tình cờ nghe về một bác sĩ có nhiều đóng góp cho ngành Tim mạch học Việt Nam. Tôi cũng chỉ là một người dân bình thường và không học y, vì thế đâu thể phân biệt được “tim mạch học can thiệp” là gì, khi đó, tôi chỉ biết rằng các bác sĩ là hy vọng của bệnh nhân, nếu không có họ, mạng sống của người bệnh có thể không giữ được nữa. Tôi bỗng cảm thấy hứng thú về cuộc đời và sự nghiệp của GS Phạm Gia Khải nên bỏ công tìm hiểu về ông, càng tìm hiểu, tôi lại càng thấy ông là một người có nhân cách lớn, có cái tâm vô bờ của người thầy thuốc và hơn hết, ông có tấm lòng cao cả.
Ngoại hình Giáo sư Khải cũng như bao người khác, chẳng có gì đặc biệt, thế nhưng sự phúc hậu từ con người ông đã toát ra mãnh liệt trên tất cả những nơi ông đặt chân đến. Ông già thấp nhỏ có mái tóc bạc trắng như sương ấy đã thăm khám cho biết bao bệnh nhân, nhất là bệnh nhi gặp vấn đề về tim mạch. Tôi cảm mến ông không phải vì những danh hiệu hay học hàm học vị của ông mà vì tình người cao cả.
Tôi không bao giờ có thể quên được câu nói của ông: “loài người có thể mất đi một phần cơ thể nhưng không thể mất đi quả tim nhỏ bé này vì nó là trung tâm của sự sống, là khởi nguồn của tình yêu và cũng là căn nguyên của mọi lòng thù hận”. Tôi đã mê mẩn vì câu nói ấy. Đến nỗi một người làm nghề viết bao nhiêu năm như tôi có vắt óc ra cũng không thể nói một câu sâu sắc mà nhân văn như thế. Chỉ có những người rất tâm huyết với nghề nghiệp, với con đường mình đã chọn như ông Khải mới có thể nói được những lời đó mà thôi.
Vâng, chính là tình người, là cái tâm thầy thuốc đã khiến một bác sĩ như ông bỏ qua sự nghỉ ngơi tuổi già để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật mà không có một phút rảnh rỗi. Ông luôn đau đáu trong tâm về trình độ của nền y học không thể cứu được hết bệnh nhân. Mỗi lần chứng kiến một sinh mạng không còn nữa, ông đều buồn bã, nhưng ngay sau đó ông càng có thêm quyết tâm để phấn đầu, để cống hiến vì sự nghiệp y học cao cả. Càng có tuổi, ông càng thấy mình thanh thản hơn nhưng cũng vẫn đau đáu trách nhiệm nặng nề đối với người bệnh, cái trách nhiệm mà ông đã tự ý thức được khi bước chân vào con đường y học, nghề thầy thuốc như một lời thề với chính bản thân.
Với ông, những thành công của bản thân chính là niềm vui sau những lần cùng đồng nghiệp cứu sống được một bệnh nhân thập tử nhất sinh. Đó là những kỷ niệm đẹp nhất trong đời làm bác sĩ, và đến nay những niềm vui như thế chính là lý do quan trọng nhất để ông gắn bó với nghề của mình.
GS Phạm Gia Khải được mọi người yêu mến còn vì trong ông thường trực sự thẳng thắn, cương trực, không chấp nhận lùi bước trước cái xấu và các tệ nạn trong ngành y. Ông từng chỉ trích gay gắt thói nhũng nhiễu phong bì của một số bác sĩ thoái hóa biến chất: “Đòi hỏi phong bì là một sỉ nhục cho người cán bộ Y tế. Khi đã làm nghề chữa bệnh cứu người, sự tự trọng phải là một đức tính, vòi tiền là mất tự trọng”. Đã có tuổi, nhưng ông vẫn giữ được tinh thần và y đức đáng quý để làm gương cho thế hệ bác sĩ trẻ.
Ngày thầy thuốc Việt Nam, mong sao ông sớm đạt được ước nguyện rằng Chương trình mổ tim miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn sẽ có nhiều Mạnh thường quân tài trợ để tiếp tục được duy trì dài lâu.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, sinh ngày 30-4-1936 tại Hà Nội.
– Phong hàm Giáo sư Y khoa (1990).
– Thành viên Hội Tim mạch Pháp (1991).
– Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam (từ 2004).
– Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2005).
– Thành viên Hội Tim mạch Hoa Kì (FACC) (2005).
– Thành viên Hiệp hội Tim mạch Đông Nam Á (2007).
– Chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Đông Nam Á (2008-2010).
– Thành viên Hội Tim mạch Âu châu (FESC) (2009).
Đinh Thành Trung
Ban Kinh tế Trung ương