Khoa học và quê hương là lẽ sống của tôi!

 Ở tuổi thất thập, ông vẫn dồn hết tâm huyết cho những dự án mang tên “Việt Nam”. Ông nói: “Khoa học và quê hương là lẽ sống của tôi!”

Nói đến GS.TS Trần Thanh Vân là nói đến những ngôi làng SOS tại Việt Nam mà ông cùng vợ là GS.TS Lê Kim Ngọc và nhiều kiều bào ở Pháp kiên trì góp sức dựng xây…

Những năm đầu 1970, chiến tranh Việt Nam rất ác liệt, từ làng quê đến thành phố trong cả nước, trẻ mồ côi gia tăng từng ngày… Tại Pháp, để có thể làm được việc gì đó có ích cho quê nhà mà không bị coi là “làm chính trị”, chúng tôi đã thành lập hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam. Trong xa xôi, cách trở, nhờ sự đồng tình, ủng hộ của nhiều kiều bào và sinh viên ta bên đó, dự định thành lập làng SOS cho trẻ em tại Việt Nam đầu tiên tại Lâm Đồng đã có kết quả. Sau này, cũng với cách thức đó, chúng tôi tiếp tục có thêm một số làng SOS khác tại Việt Nam…

Đến nay nhiều người còn nhắc mãi câu chuyện hai vợ chồng giáo sư phải dầm chân trong tuyết lạnh để bán từng tờ thiệp mừng Noel ngày đó…

Khi ý định đã rõ ràng, kế hoạch đã thống nhất, việc cần thiết là phải tìm ra tiền. Mà lại không muốn có tiền bằng cách xin xỏ. Phải khẳng định với người Pháp và thế giới rằng, người Việt Nam có thể giúp người Việt Nam bằng chính sức lực, tiền bạc của mình. Chúng tôi rất kiên quyết trong chuyện này, không quản ngại khó khăn. Sau khi nhờ các anh em sinh viên trẻ giúp in thiệp Noel, mọi người, trong đó có vợ chồng tôi, đến các nhà thờ, chờ người đi lễ ra để bán thiệp cho họ…

Có lần nhắc tới tuổi thơ, giáo sư nói rằng do đã từng nghèo khó, nên “rất hiểu về sự nghèo khó của người khác”…

Tôi mồ côi cha mẹ từ sớm, nhờ anh chị em ruột làm nghề bán tạp hoá, chắt chiu vất vả nuôi ăn học. Dù vậy, tôi còn may mắn có anh chị em, trong khi nhiều đứa trẻ khác sống vất vưởng, thiếu thốn đủ thứ vì không có người thân… Những ấn tượng đó rất khó phai mờ.

Tiền bạc chỉ cần vừa phải, đủ để sống và để làm những việc mình muốn, chết đâu có mang theo được.

Du học, ông nổi tiếng vì thành tích học tập: đứng đầu môn toán trong kỳ thi tú tài tại Pháp, đỗ cử nhân đại học Sorbonne năm 22 tuổi, đỗ tiến sĩ quốc gia – học vị tiến sĩ cao nhất – năm 27 tuổi… Tự học có phải là nguyên tắc số một của ông thời trẻ?